“Tôi đi học” và một cuộc tranh luận chuyên môn chưa chuẩn mực

Thái Hạo

9-9-2021

(Về cuộc tranh luận xung quanh bài “Tôi đi học” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 giữa 2 đại diện là tiến sĩ Chu Mộng Long và PGS-TS Hoàng Dũng).

Facebook tôi bị anh Mark khóa mấy hôm nay, rồi bị “vô hiệu hóa” hoàn toàn, coi như mất tài khoản; bí bách, nhưng cũng có điều hay là đỡ được cái tật… “tay nhanh hơn não”, lặng lẽ và bình tâm đọc. Tôi theo dõi cuộc tranh luận này ngay từ đầu khi tác giả Chu Mộng Long đăng bài khởi tranh (MỘT BÀI VĂN LẠ: TÔI ĐI HỌC), vì tác giả có tag tên tôi.

Trước khi “mô tả” lại cuộc tranh luận tôi xin lưu ý: bài viết này sẽ bỏ qua mọi vấn đề phụ, mọi chi tiết râu ria, kể cả những lời cay nghiệt tấn công cá nhân hay những chỗ liên hệ nhiều cảm tính. Có thể đó không phải là những vấn đề tầm thường nhưng trong phạm vi bài viết, để tránh lạc đề tôi chỉ tập trung vào chủ đề của cuộc tranh luận và luận điểm của 2 bên xoay quanh chủ đề ấy. Đến thời điểm này, tranh luận có thể được chia là 3 hiệp, mỗi hiệp là 1 cặp bài của 2 tác giả.

Hiệp 1:

Chu Mộng Long ra đòn: Luận điểm chính của tác giả Chu Mộng Long là phản đối và phê phán gay gắt chuyện “cắt gọt, chỉnh sửa” nguyên tác bài “Tôi đi học” để đưa vào sách giáo khoa như cách mà ông Bùi Mạnh Hùng đã làm ở sách giáo khoa Tiếng Việt 1; vì như thế (theo tác giả Chu Mộng Long) là “làm bẩn thỉu tâm hồn ngây thơ trong trẻo của trẻ em”. Toàn bộ luận điểm này được căn cứ trên một nhận định rằng: Bài “Tôi đi học” trong sách giáo khoa“ của tác giả Bùi Mạnh Hùng “chỉ có 3 câu cuối của đoạn đầu cắt xén từ Tôi đi học của Thanh Tịnh. Đoạn 2 hoàn toàn không có trong nguyên tác của Thanh Tịnh”.

Hoàng Dũng phản đòn: Tác giả Hoàng Dũng đã lần lượt chứng minh rằng tất cả các câu trong đoạn 2 đều có trong tác phẩm của Thanh Tịnh chứ không phải “hoàn toàn không có trong nguyên tác” như tác giả Chu Mộng Long đã khẳng định.

Hiệp 2:

Chu Mộng Long “phản đòn”: “Tôi thừa nhận với ông Hoàng Dũng, cả 4 câu thuộc đoạn 2 SGK đều có trong nguyên tác của Thanh Tịnh, nhưng tôi khẳng định với ông, không có câu nào mang hồn cốt của văn Thanh Tịnh”.

Hoàng Dũng đáp lại: [Vậy thì] “khác gì ông thừa nhận ba câu này có tồn tại trong nguyên bản của Thanh Tịnh?”. Nghĩa là, theo Hoàng Dũng thì Chu Mộng Long đã “bày ra một vấn đề KHÁC”, chuyện “hồn cốt của văn Thanh Tịnh”. Đến đây khi mà tác giả Chu Mộng Long đã “rẽ sang” một vấn đề khác như thế thì tác giả Hoàng Dũng phải nói “Tôi thua!”. Và nó báo hiệu rằng ông sẽ không tranh luận nữa.

Hiệp 3: Sau bài thứ 2 đáp lại bài của tác giả Chu Mộng Long thì tác giả Hoàng Dũng chủ động viết bài thứ 3. Thực ra “hiệp 3” này đã không còn thuần túy là một tranh luận của 2 tác giả nữa, vì trong bài viết thứ 3 Hoàng Dũng không còn trực tiếp nhắm đến Chu Mộng Long mà tập trung trình bày về một thông lệ trong biên soạn sách giáo khoa cho “cấp Tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp” (có lẽ là nhằm để bạn đọc biết về cái thực tế “cắt gọt, chỉnh sửa” kia là phổ biến chứ không phải để tranh luận với Chu Mộng Long như 2 bài viết đầu).

– Hoàng Dũng chứng minh bằng một số dẫn chứng từ các sách xưa của ta cũng như sách của nước ngoài cho luận điểm “phần lớn các văn bản truyện, bộ sách giáo khoa nào cho cấp Tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp, cũng phải cắt gọt, chỉnh sửa”. Và đi đến kết luận “Xưa cũng như nay, ta cũng như tây, đều thế!” Nghĩa là chuyện “cắt gọt, chỉnh sửa” là một cách làm phổ biến xưa nay, cả ta lẫn tây.

Chu Mộng Long phản đòn: “Thưa anh, tất cả các dẫn chứng của anh, tôi không hề thấy có dẫn chứng nào cắt gọt theo cách của PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1”. Tức là tác giả Chu Mộng Long thừa nhận là có thể cắt gọt nhưng không được phép cắt gọt “THEO CÁCH” Bùi Mạnh Hùng! Tuy nhiên, vấn đề về “cách cắt gọt” thì lại không hề được nêu lên trong bài viết đầu tiên của tác giả Chu Mộng Long.

TẠM KẾT LUẬN:

Tóm tắt: Có 2 điểm chính: Một là Chu Mộng Long nói “Không có trong nguyên tác” => Hoàng Dũng chứng minh là “Có” => Chu Mộng Long thừa nhận là có, nhưng không giữ được “hồn” của văn Thanh Tịnh – nghĩa là tác giả Chu Mộng Long đã đưa vấn đề do mình đặt ra lúc đầu sang một chuyện khác. Hai là Chu Mộng Long phản đối chuyện cắt gọt, chính sửa => Hoàng Dũng chứng minh cắt gọt chỉnh sửa là cách làm thông thường và phổ biến => Chu Mộng Long đồng ý, nhưng (với điều kiện) phải giữ được “hồn”.

Như vậy, từ một nhận định về một chuyện cụ thể, trực quan và lý tính (có hay không có những câu văn của Thanh Tịnh trong đoạn 2 của bài “Tôi đi học” ở sách tiếng Việt 1), tác giả Chu Mộng Long trong quá trình tranh luận đã đẩy các luận điểm của mình đi sang một địa hạt khác: chuyện hồn cốt văn chương và chuyện “cách cắt gọt”. Điều này vi phạm nguyên tắc tranh luận. Có thể tác giả Chu Mộng Long đúng (trong cảm nhận về “hồn” văn), nhưng đó là một câu chuyện khác; và nếu cần thì có thể mở một cuộc tranh luận mới cho chủ đề này, chứ không thể lấy cái này để biện minh cho cái kia.

Trong cuộc tranh luận này, tác giả Hoàng Dũng đã luôn bám vào luận điểm của Chu Mộng Long để bác bỏ (và chứng minh). Tuy nhiên, tác giả Chu Mộng Long thì đã tự từ bỏ luận điểm ban đầu của mình để đẩy vấn đề sang một địa hạt khác. Một lối tranh luận như thế dân gian gọi là “chuyện nọ xọ chuyện kia”, còn ngữ dụng học thì gọi là vi phạm phương châm hội thoại (đã được dạy trong sách Ngữ văn 9), mà trong trường hợp này là vi phạm phương châm quan hệ “nói vào chủ đề, tránh nói lạc đề”.

Nếu không tuân thủ nguyên tắc này (và nhiều nguyên tắc khác nữa như phương châm về chất, phương châm về lượng, phương châm lịch sự…) thì những cuộc tranh luận sẽ không thể đi tới đâu hết hoặc sẽ bị biến thành cãi vã òm sòm vô ích. Nó còn có thể khiến nhiều người đọc do thiếu bình tĩnh và thiếu tri thức nền mà bị cuốn đi, dẫn đến nhập nhèm và nhận thức sai, từ đó có thái độ “tiêu cực” một cách không không chính đáng.

Xung quanh cuộc tranh luận này, liên quan đến vấn đề “vi phạm phương châm hội thoại quan hệ” chúng tôi còn đọc thấy rất nhiều bình luận của những người tham gia với tư cách là “phe” này hay phe kia, và cả của những người “trung lập”. Ở đây, có người còn đẩy chủ đề tranh luận ban đầu qua tới chuyện tâm lí lửa tuổi, rồi thể loại văn học; thậm chí còn bình phẩm về tư cách đạo đức của các đương sự…

Những bàn luận kiểu này có thể hoàn toàn đúng, nhưng lạc đề. Người ta đang cãi nhau về việc con cá này có ươn (hỏng) hay không thì anh lại tham gia “góp ý” về chuyện nên chế biến và nấu cá thế nào cho ngon! Có thể cái cách chế biến như thế của anh là tuyệt hảo nhưng nó không liên quan gì đến chuyện người ta đang bàn ở đây cả. Anh chỉ nên nói những chuyện đó khi thống nhất cùng nhau chuyển qua vấn đề nghệ thuật ẩm thực!

Cuối cùng, bài viết này không trình bày bất cứ quan niệm nào của tôi về vấn đề ngữ liệu trong sách giáo khoa: chọn cái gì, có nên cắt gọt hay không, và cắt gọt thế nào v.v. Tất cả, tôi đều không (hoặc chưa) có ý kiến. Tôi chỉ mô tả lại cuộc tranh luận rồi chỉ ra những vi phạm về phương châm hội thoại, từ đó kỳ vọng về những tranh luận chuẩn mực và nghiêm túc hơn đối với người chưa tuân thủ nó. Cái này là một phương diện thuộc về “văn hóa đối thoại”, nó sẽ quyết định chất lượng các cuộc tranh luận, tức quyết định sự “tiến hóa tinh thần” của một cộng đồng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây