Nước Mỹ với một di sản tệ hại hơn cả đại dịch Covid-19

Việt Linh

12-8-2021

Nước Mỹ đang nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng liệu mọi thứ có trở lại bình thường như trước hay không?

Những gì đã và đang xảy ra trong và sau đại dịch Covid-19 cho chúng ta thấy, nước Mỹ đang có một con đường rất dài và đầy chông gai phía trước. Những khó khăn, trở ngại trong đời sống thậm chí còn khủng khiếp hơn khi chúng ta trải qua đại dịch Covid-19.

Các chính trị gia cực đoan cánh hữu của đảng Cộng hòa đã tận dụng sự hỗn loạn của một lãnh đạo quốc gia và một chính quyền điều hành đất nước theo hướng tư lợi cá nhân, đảng phái đấu đá nhau để lèo lái nước Mỹ đi theo hướng cực đoan nhất có thể.

Đảng Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội và tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2021. Đảng Dân chủ đã tiếp nhận một Quốc Hội phe phái đấu đá nhau, một chính quyền mất sạch uy tín từ trong nước đến quốc tế, một xã hội đầy chia rẽ và công chúng nghi ngờ nhau qua lăng kính chính trị của cá nhân và đảng phái. Hệ thống truyền thông báo chí phải chiến đấu không ngừng với những thuyết âm mưu và tin giả hàng ngày.

Nói tóm lại, một cuộc đổi đời, một chính phủ mới xuất hiện, lịch sử đã sang trang, nhưng chẳng có điều gì tích cực cả. Vì một di sản tệ hại, một đống rác khổng lồ và một đống than vẫn còn đang cháy âm ỉ, đã được một chính quyền tệ hại để lại cho chính quyền mới “lãnh đạn”.

Đảng Dân chủ với sứ mệnh thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, dập tắt đại dịch, vực dậy nền kinh tế, hàn gắn chia rẽ trong xã hội, gầy dựng lại uy tín cho một nước Mỹ đã bị thế giới rẻ rúng, xem thường vì một Tổng thống bất nhất, dối trá.

Đảng Dân chủ đang nắm giữ nhánh hành pháp với ghế Tổng thống nhưng lại không có đa số ủng hộ ở Tối cao Pháp viện, với cán cân quyền lực hiện đang là 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do.

Trong nhiều thập niên, hai phe cánh tả-cánh hữu, mà chúng ta thường gọi theo tên đảng phái, là Dân chủ-Cộng hòa, sự hợp tác giữa những người theo chủ nghĩa tự do, cấp tiến và những người bảo thủ truyền thống xen lẫn cực đoan, luôn chìm trong bế tắc, không một bên nào áp đảo được hoàn toàn bên kia, hoặc thậm chí không bên nào chịu thua bên nào. Hiện giờ, cả hai bên đều rút lui về vùng an toàn của mình với những quan điểm cực đoan cánh hữu và cấp tiến cánh tả. Có thể nói, Quốc Hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Mỹ đang trong một cuộc chiến gay gắt với chính mình.

Tổng thống Joe Biden, đã không ngần ngại coi mục tiêu công bằng xã hội là chủ đề chính trong nhiệm kỳ của mình. Cần chú ý rằng, trong các chính quyền trước đây, ngay cả dưới thời ông Barack Obama, các Tổng thống chưa bao giờ coi công bằng xã hội là ưu tiên hàng đầu. Ngay cả khi thời của Cựu Tổng thống Obama là vị Tổng thống da màu đầu tiên, những chính sách của ông cũng không mạnh về bảo vệ quyền của người thiểu số, người Mỹ gốc Phi, nhiều như dưới thời của Tổng thống Joe Biden. Nhưng cũng không lấy gì làm khó hiểu, vì xã hội Mỹ đã bị chia rẽ trầm trọng dưới thời của một người lãnh đạo chủ trương phân biệt chủng tộc một cách công khai, khiến nhu cầu cần thiết để hàn gắn xã hội, cộng đồng và người dân, lại trở thành mục tiêu cũng quan trọng không kém việc vực dậy nền kinh tế hay làm sống lại quan hệ đối ngoại đã bị tuột xuống mức thấp nhất, dưới thời Trump.

Qua lăng kính chính trị dưới thời Donald Trump, người chủ trương kỳ thị, nước Mỹ đã bị đánh giá là một quốc gia “phân biệt chủng tộc có hệ thống“, vận hành trên nền tảng của chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng và đặc quyền“, chỉ để mang lại lợi ích cho người da trắng và kìm hãm các nhóm thiểu số da màu.

Tất cả các cơ quan chính phủ hiện nay đang nỗ lực đưa ra các chính sách hỗ trợ công bằng xã hội và tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo dành cho nhân viên với mục tiêu loại bỏ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen, do cảnh sát gây ra, thì bạo lực súng đạn, giết người và xả súng đang hoành hành ở nhiều thành phố của Mỹ ở mức cao kỷ lục, chủ yếu vì chính sách phân biệt chủng tộc màu da của Donald Trump, đã tạo sự chia rẽ nước Mỹ hơn bao giờ hết và tình trạng này đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Đặc biệt, các tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đang tiến hành một loạt các hoạt động đàn áp quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu, ra luật buộc sinh viên phải công khai quan điểm chính trị, cải cách luật bầu cử theo hướng có lợi cho đảng Cộng hòa, loại bỏ các chương trình về công bằng xã hội trong các trường phổ thông và trường đại học.

Tóm lại, dường như nước Mỹ đang bị chia đôi, giữa một bên là những người muốn chia rẽ đất nước và biến nước Mỹ thành một xã hội dân tuý cực đoan cánh hữu, phân biệt chủng tộc và đề cao chủ trương da trắng thượng đẳng và bên kia là những người muốn phát triển nước Mỹ trên cơ sở các giá trị được tôn trọng, xã hội cởi mở và cấp tiến, hợp thời với xu hướng phát triển của thế giới để chống lại những nỗ lực, khiến đất nước đi thụt lùi.

Bên nào sẽ thắng trong “trận chiến giành lại linh hồn của nước Mỹ“, như lời của Tổng thống Joe Biden?

Người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, những lá phiếu của họ chính là những đánh giá trung thực nhất cho sự lựa chọn giữa chánh và tà, giữa đúng và sai, giữa bảo thủ cực đoan và cởi mở cấp tiến. Đây sẽ là mốc thời gian quan trọng để chứng tỏ những sự đổi mới tích cực của chính quyền Tổng thống Joe Biden là đúng đắn và nghiêm túc, đem lại kết quả khả quan về các mặt y tế, sức khỏe, kinh tế và quan hệ đối ngoại cho đất nước.

Kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 hy vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho những lời nói dối, những thuyết âm mưu và tin giả sẽ không còn đất sống, sẽ không còn những cuộc rally xuống đường của những kẻ cuồng tín, để trả lại sự yên bình và nét đẹp vốn có của một nước Mỹ cách đây hơn 4 năm.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Người sáng thì thấy được. Người mù thi không thể thấy.
    Khi người mù nghe người sáng mô tả mà hỏi vặn lại người sáng là ông mà thấy được gì mà vẽ chuyện mô tả cho tôi nghe, thì cách trả lời khôn ngoan nhất của người sáng là im lặng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây