Nói về ‘điểm cao 1509’ Hà Giang

Song Phan

27-7-2021

Trong stt “HÀ NỘI – BẮC KINH & VIỆC GỌI ĐÚNG TÊN CUỘC CHIẾN” mới đây nhân ngày TBLS, Huy Đức có nhắc đến việc Tàu+ sau khi rút quân khỏi các tỉnh phía biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh xâm lược VN chớp nhoáng năm 1979 vẫn tiếp tục quấy phá liên tục trên quy mô nhỏ hơn cho đến năm 1989, và đặc biệt năm 1984 chúng đã dùng lực lượng lớn tấn công, chiếm giữ được 29 điểm dọc biên giới, trong đó có điểm cao 1509 ở Hà Giang. Hàng ngàn thanh niên VN đã hi sinh để cố lấy lại các vị trí bị mất.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2-2009, Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất cho chúng tôi, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, biết: 

‘Từ khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ý nghĩa thiêng liêng nên họ xin được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy chỉ có 0,77 hecta nhưng, 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang’.”

Đây là thông tin do cá nhân đưa ra nhưng tôi tin là không có bịa đặt (dù có một số chi tiết cần xem xét lại) vì tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới CP, cũng đã từng xác nhận rằng trong khu vực này Việt Nam đã nhượng cho Trung Quốc khu vực nghĩa trang quân đội Trung Quốc:

Theo thông tin mà tôi được biết thì đúng là có việc Việt Nam đã đồng ý điều chỉnh chút ít hướng đi của đường biên giới ở khu vực có nghĩa trang do Trung Quốc đã xây dựng trước đây, mặc dù về pháp lý đường biên giới mà 2 bên đã xác định là phải đi qua khu vực nghĩa trang này.

Theo tôi, đây là nhân nhượng tự nguyên, thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Bởi vì đây là nhân nhượng vừa mang tính nhân văn, nhân đạo, vừa phù hợp với nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận khi xác định đường biên giới đi qua khu vực có sự tồn tại của dân cư khu vực biên giới…như tôi đã đề cập ở phần trên.”

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến, nhất là của DLV cho rằng sau khi kí hiệp định biên giới năm 1999 (HĐ) và nhất là sau khi cắm mốc theo nghị định thư 2009 (NĐT) thì mọi thứ ở đây trở về như cũ tức VN không có nhường gì ở ‘điểm cao 1509’.

Phần sau đây sẽ phân tích xem trong 2 ý kiến trái ngược này, ý kiến nào là đúng với thưc tế.

Trước nhất, thử tìm hiểu điểm cao 1509 là gì. Theo bản đồ quân đội MĨ (AMS), vẽ và in dựa theo bản đồ của Sở Địa lí Đông Dương (SGI) chắc chắn phần biên giới dựa theo công ước  phân giới Pháp-Thanh, ở khu vực biên giới Việt – Trung ở Hà Giang cách thị trấn Thanh Thuỷ khoảng 5 km về phía đông nam có một ngọn núi mà Tàu gọi là Lão Sơn, mà vòng cao độ (hay đường đẳng cao: nối các điểm có cùng độ cao) ở trên cùng có ghi số 1509 (xem bản đồ 1). Điều đó có nghĩa tất cả các điểm trong vòng cao độ này có độ cao từ 1509 m trở lên. Và có lẽ vì vậy mà phía VN gọi nó là khu vực điểm cao 1509 mà có tác giả Nhật gọi có bằng tên núi Đất.

Bản đồ 1: Khu vực điểm cao 1509 theo bản đồ AMS

Tuy nhiên, theo bản đồ phân giới Việt-Trung 2009 thì trên đỉnh núi đó ko có chỗ nào có độ cao vượt quá 1422 m và vòng cao độ gần tương ứng với vòng cao độ 1509 là vòng 1400 (xem bản đồ 2). Còn theo Google Earth (GE) thì chỗ cao nhất trên núi chỉ có độ cao là 1393 m!

Bản đồ 2: Khu vực điểm cao 1509 theo bản đồ NĐT (vòng 1400: hình trái tim)

Dựa vào NĐT và bđ kèm theo NĐT, có thể vẽ bản đồ đường biên giới mới trên GE (đường đỏ với các cột mốc và các điểm định khác có nêu trong NĐT thể hiện bằng các kim ghim màu vàng), và GE đã vẽ sẵn biên giới cũ (màu vàng – chúng tôi đã kiểm tra khá khớp với đường biên giới trên bản đồ AMS). Sau đó, chúng tôi chồng phần bản đồ liên quan của bản đồ AMS và của bản đồ biên giới mới theo NĐT lên GE. Từ các bản đồ riêng và các bản đồ chồng nhau này có thể rút ra các nhận xét:

  • Nếu coi ‘điểm cao 1509’ là phần nằm trong vòng cao độ 1509 của bản đồ AMS thì trước kia VN và Tàu gần như chia đôi điểm cao này (VN có phần nhỉnh hơn). Còn sau HĐ thì VN gần như hưởng trọn điểm cao này (xem bản đồ 3).
Bản đồ 3 : (VN và Tàu gần như chia đôi kv ‘điểm cao 1509’ trước đây và VN gần như hưởng trọn kv này sau HĐ phân giới 1999)

Điều trên có nghĩa là phe DLV có vẻ nói đúng. Tuy nhiên, điều này chỉ là ‘tự sướng’ vì trên thực tế vòng cao độ 1509 hoàn toàn không ăn khớp với thực tế vì nó nối những điểm có độ cao chênh nhau thậm chí đến 60 m (các số in vàng chỉ độ cao của điểm trên vòng cao độ 1509 theo GE). Kĩ thuật đo đạc địa hình xưa còn lạc hậu, hơn nữa khu vực này hiểm trở nên sai sót đó là dễ hiểu. Do đó, khu vực trong vòng cao độ 1509 như trong bản đồ trên (GE cho biết rộng tới khoảng 58 800 m²)  không thể là khu vực ‘điểm cao 1509’ trên thực tế.

  • Nếu coi ‘điểm cao 1509’ là phần nằm trong vòng cao độ 1400 trên bản đồ NĐT thì trước kia 2 bên chia nhau điểm cao này (VN chỉ được khoảng ⅓ – xem bđ 4). Sau HĐ thì VN hẩu như mất trọn vẹn điểm cao này, chỉ còn giữ được phần rìa phía Nam và phía Đông mà khoảng cách lớn nhất từ đường biên giới mới tới vòng cao độ 1400 trong phần rìa này chỉ khoảng 12m (có vẻ để bù lại bù lại Tàu+ nhường phần sườn Đông Bắc cho VN). Điều này hoàn toàn ăn khớp với khẳng định của ts Trần Công Trục và đại tá Hoàng Đình Xuất.
Bản đồ 4 : (tứ giác ABCD là phần VN nhượng Tàu+ sau NĐT).

Cũng lưu lý thêm rằng trong bản đồ kèm theo NĐT khu vực các cột mốc 253-255 được vẽ phóng đại lên kèm trong bản đồ chính (bđ 5). Việc này có thể do địa thế phức tạp của khu vực nhưng kết hợp với các thông tin đã nêu thì đây cũng có thể coi là bằng chứng phụ trợ thêm để củng cố kết luận có sự thay đổi về đường biên giới ở đây.

Bản đồ 5: Khu vực các cột mốc 253-255 được vẽ phóng đại kèm vào bđ chính

Tuy nhiên, phát biểu của đại tá Xuất cũng có chi tiết ko đúng như diện tích phần đất bị mất chỉ khoảng 0,22 ha chứ ko phải 0,77 ha, Ngoài ra, khoảng cách từ ‘điểm cao 1509’ đến Hà Giang khoảng 21,6 km nên khó tin là từ đó có thể nhìn thấy xe hơi ở thị xã Hà Giang (nếu nói thấy ở thị trấn Thanh Thuỷ thì có thể hợp lí hơn – xem bđ 6).

Bản đồ 6: Khoảng cách từ ‘điểm cao 1509’ tới tx Hà Giang khá xa

Cũng nói thêm rằng dù độ cao ghi trên bản đồ NĐT không thật khớp với GE (có thể do 2 bên dùng kĩ thuật khác nhau), nhưng khi rà trên GE thì những điểm trên vòng cao độ 1400 của bản đồ NĐT đều có độ cao 1380 với sai số ± 5 m, tức là địa hình do bđ NĐT thể hiện khá ăn khớp với địa hình trên GE (xem thêm bđ 7), còn bđ AMS chỗ này địa hình quá chênh lệch với GE như đã nêu trên.

Bản đồ 7: vòng cao độ 1400 bđ NĐT thể hiện trên dưới dạng 3D khá ăn khớp với địa hình trên GE

Tóm lại, không thể coi khu vực ‘điểm cao 1509’ là khu vực trong vòng cao độ 1509 trên bản đồ AMS mà phải coi đó là khu vực nằm trong vòng cao độ 1400 của bản đồ NĐT (xem thêm bản đồ 8).

Bản đồ 8: coi khu vực ‘điểm cao 1509’ là kv trong vòng cao độ 1400 của bđ NĐT là khớp với thực tế

Như đã nêu, đường biên giới trên bản đồ AMS phần chắc là đường biên giới cũ theo công ước Pháp-Thanh và theo phân tích trên thì khu vực ‘điểm cao 1509’ hầu như Tàu+ chiếm trọn sau HĐ phân giới 1999. Và như vậy, ý kiến cho răng khu vực ‘điểm cao 1509’ giữ nguyên trạng hay là không chính xác. Đó chỉ là phản ứng lấp liếm, cả vú lấp miệng em đối với những người thiếu thông tin.

Qua phân tích trên, có thể thấy thêm có những chỗ có độ sai lệch lớn hơn nhiều về cả 2 phía, ví dụ như ở Na La, ở khu vực có chữ X, chữ Y,,, trên bản đồ 6 và có thể suy rộng ra trên toàn tuyến biên giới nhưng phân tích chúng không nằm trong phạm vi của bài viết này. Ban đọc nào quan tâm có thể tìm hiểu thêm ở bài viết bưóc đầu “Một số thí dụ về những sự khác biệt giữa biên giới Việt Nam – Trung Quốc và bản đồ của Quân đội Mĩ’ (phần 1, phần 2).

Bình Luận từ Facebook