Huyền thoại Cuba (Phần 3)

Nguyễn Thọ

25-7-2021

Tiếp theo Phần 1Phần 2

Vấn đề trầm trọng nhất ở Cuba không phải là lương thấp + giá cả cao như đã kể, mà khan hiếm hàng hóa. Ở Việt Nam nhiều người nghèo không có gì ăn, nhưng hàng hóa lúc nào cũng tràn ngập. Có tiền thì mua gì cũng có. Ở Cuba các cửa hàng đều trống trơn. Trong các cửa hàng dùng thẻ MLC cho dân có ngoại tệ cũng chỉ có 3-4 mặt hàng.

Cuba vẫn nhập được hàng từ các nước láng giềng không theo lệnh cấm vận. Nguyên nhân chính là không chấp nhận kinh tế tư nhân, không tạo ra nền kinh tế hàng hóa. Cải cách kinh tế của ông Raul Castro chỉ cho phép tư nhân làm các nghề vặt: Cắt tóc, taxi, nhà trọ, tiệm ăn, trồng trọt v.v. nhưng không ai đươc mở các xí nghiệp công nghiệp hoặc các cơ sở nông nghiệp ra hồn. Trong khi đó các xý nghiệp quốc doanh đã rệu rã từ khi hết viện trợ của Liên Xô 1991.

Thống kê của Ngân hàng thế giới và của CIA đều cho thấy GDP chính thức quy ra USD (GDP official exchange rate) của Cuba năm 2020 là 100 Tỷ/Năm, trong đó nông nghiệp chiếm 4,3%, công nghiệp 22,7%, dịch vụ 73%. Việt Nam có GDP official là 272 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 15,3%, công nghiệp 33,3%, dịch vụ 51,4%. Mỗi năm Cuba xuất khẩu hơn 2 tỷ USD hàng hóa, nhập vào 11 tỷ USD, nhập siêu 9 tỷ. Việt Nam xuất 233 tỷ, nhập 245 tỷ. [1]

Tư nhân hóa ở Việt Nam tuy còn xa mới thỏa mãn yêu cầu xã hội, nhưng sản xuất hàng hóa của Việt Nam hơn hẳn Cuba, nền nông nghiệp đủ cung cấp lương thực cho 100 triệu dân. Với GDP 100 tỷ USD, 11 triệu người Cuba có thu nhập đầu người gần 9.000 USD/năm. 100 triệu người Việt chỉ có 2.700 USD/năm mỗi người. Lương tháng trung bình của người Việt là 200 USD (gần 5 triệu VND) hay 2.400 USD/năm là thực tế. Nước Đức có GDP/đầu người là 50.000 USD, lương trung bình 42.000 USD/năm cũng dễ hiểu.

Nhưng người Cuba sản xuất ra 9.000 USD/năm, hưởng lương trung bình là 1.500 đến 2.000 USD/năm là điều khó hiểu. Tôi suýt vỡ đầu khi đi tìm giải đáp cho câu hỏi này. Thống kê của Cuba dựa trên đồng Peso Cuba (CUP), mà đồng tiền này không có giá trị chuyển đổi. Đã có thời kỳ dài, ngân hàng Cuba áp đặt giá 1 Peso = 1 USD. Ngày đó Cuba khép kín và mất cân đối USD được Liên Xô bù lỗ bằng Rup vàng. Nhưng sau khi không còn Liên Xô thì nguồn ngoại tệ chính chỉ còn đến từ du khách, xuất khẩu chuyên gia và kiều hối.

Tất nhiên nhà nước không thể ép những người có ngoại tệ bằng lòng với tỷ giá đó. Do đó năm 1993 ngân hàng phát hành tiền CUC (Cuba Peso Convertible) với tỷ giá 24 CUP= 1 CUC để dùng trong các cửa hàng ưu đãi như kiểu Intershop (giao tế). Mọi giao dịch bằng ngoại tệ đều bị coi là phạm pháp và xử phạt nặng. [2]

Chế độ 2 đồng tiền, 2 cửa hàng này tất nhiên tạo ra phân hóa xã hội. Người có ngoại tệ mua đồ ra ngoài bán với giá cao hơn. Chợ đen hình thành. Những người có ngoại tệ do bà con nước ngoài gửi về, nhà có người đi làm chuyên gia y tế, hay có phòng cho khách nước ngoài thuê bỗng nhiên trở thành một giai cấp khác, sống khá giả hơn. Đầu năm 2021, đồng CUC bị cấm lưu hành. Ai có ngoại tệ phải đổi thành thẻ MLC để sử dụng. Từ ngày 26.6.21, ngân hàng không cho đổi tiền mặt ngoại tệ lấy MLC nữa. Người nhà ở nước ngoài phải chuyển khoản vào ngân hàng để người thân rút ra bằng MLC, cũng với tỷ lệ áp đặt 24/1.

Nhưng tỷ giá 24 CUP =1 USD cũng không ổn vì đồng CUP mất giá rất nhanh. Giá chợ đen hiện nay là 65 CUP = 1 USD (Cô Sol cho biết). Giá chợ đen mới thể hiện đúng quan hệ tiền/hàng.

Mâu thuẫn này cho thấy 100 tỷ GDP của Cuba tính theo 24 CUP = 1USD là méo mó. Hàng công nghiệp hay nông sản thì LHQ và WB có thể kiểm chứng được, nhưng 75% dịch vụ trong đó thì không.

Để xóa cái gốc của nạn thiếu hàng hóa và ngoại tệ, thay vì thu nhỏ khối kinh tế quốc doanh trì trệ, phát triển kinh tế tư nhân năng động, ông Fidel đưa ra các giải pháp cũng rất là Cuba: Di dân ra nước ngoài và xuất khẩu chuyên gia.

Sau 1991 có hàng trăm ngàn người Cuba mất việc vì các xí nghiệp nhà nước khốn đốn. Từ 1992 trở đi, làn sóng người Cuba vượt biển (khoảng 150km) bằng thuyền tự tạo sang Mỹ tăng dần và đỉnh điểm là cuộc bạo động hè 1994. Hàng ngàn người bao vây các sứ quán phương tây để xin visa xuất cảnh. Ông Fidel tuyên bố ai muốn đi thì cho đi. Lập tức hơn chục ngàn người đóng các loại bè tạm bợ bằng gỗ, vỏ ô-tô, styropor v.v. để sang Mỹ. Chính quyền Clinton hốt hoảng vì làn sóng này, trở tay không kịp. Hải quân Mỹ đã vớt 33.000 “bè nhân” (Balseros) đưa về căn cứ Guantanamo.[3]

Cuba đổ tội Mỹ xúi giục dân ra đi thì phải nhận hết số này. Cãi đi cãi lại, cuối cùng hầu hết số người này được đưa về Mỹ. Năm 1995 hai nước đi đến thỏa thuận: Ai chân ướt (vào lãnh hải Mỹ), sẽ trả lại Cuba, ai chân khô (Lên đến bờ) Mỹ sẽ nhận. Ngoài ra Clinton còn cho Cuba mỗi năm 20.000 visa định cư.[4]

20.000 visa Mỹ đươc chính phủ Cuba phân phối theo nguyên tắc xố số. Tất nhiên các công thần của chế độ không lọt vào đây. Ngoài ra chính phủ cấp hộ chiếu cho dân để họ đi du lịch mang hàng về. Mỗi người dân được phép mang hàng hóa 120kg/năm. Thế là hàng triệu người Cuba tham gia ngành “Công nghiệp cửu vạn” này. Họ thường đi máy bay giá rẻ sang các nước láng giềng rồi mua hàng hóa xách tay đem về. Nhưng tiền ở đâu ra?

Ước tính có khoảng 3 triệu kiều dân Cuba sống ở nước ngoài, mỗi năm gửi về cho gia đình khoảng 6 tỷ USD. Có tiền mà không có hàng thì đi “cửu vạn”. Mỗi năm đi 6 lần, mỗi lần 20kg là nhà nước và nhân dân cùng vui vẻ.Nguồn thứ hai là du lịch, với khoảng 2-3 triệu khách/năm, cũng đem lại từ 4-5 tỷ USD. Khách du lịch rời Cuba đều muốn quay lại với dân tộc nghèo nàn nhưng luôn ca múa, ít tội phạm. Đó là sự quyến rũ của Cuba.

Nguồn thứ ba là xuất khẩu bác sỹ và giáo viên. Trước 1959 Cuba có 6.000 bác sỹ, nay con số này là 90.000, trình độ cao. Thị trường xuất khẩu là Châu Mỹ Latin nên vấn đề ngôn ngữ hầu như không có. Các nước châu Phi, kể cả các nước dầu lửa vùng Vịnh cũng nhận rất nhiều bác sỹ và nhà khoa học Cuba. Chuyên gia Cuba nói tiếng Anh như hát.

Lực lượng này được trả lương cao, từ 4.000-10.000 USD/tháng. Ước tính mỗi năm nhà nước thu được 11,5 tỷ USD. [5]

Tuy nhà nước giữ lại phần lớn số tiền, nhưng nếu chỉ được 15-20% thì họ đã là ông hoàng ở quê nhà, nơi mà các đồng nghiệp chỉ lãnh 100-200 USD/tháng. Người Cuba đi đến đâu cũng có uy tín. Châu Mỹ latin vẫn là mảnh đất của lầm than, của bất công xã hội. Do đó cánh tả luôn có cơ nắm chính quyền, từ Bolivia, Chile, Brazil đến Venezuela… Họ luôn coi Cuba là mẫu hình và buôn bán không hạn chế với Cuba. Do đó bảo nghèo vì cấm vận là nói sảng.

Với một nền giáo dục xấp xỉ Đông Âu, văn hóa Tây Ban Nha, lương rẻ hơn Việt Nam lại ở sát nách, nếu Cuba mở cửa thì giới tài phiệt Mỹ sẽ không bao giờ chịu để mất cơ hội. Tổng thống nào muốn cấm vận cũng sẽ đổ ngay.

Nhưng thôi, đó là việc của bạn, nói ra lại bảo là can thiệp vào công việc nội bộ. Các dữ kiện trên cho thấy: Người Cuba còn có những thu nhập phụ khác từ một nền kinh tế chìm. Do đó lương trung bình sẽ cao hơn 1.000-2.000 USD/năm. Nếu cao hơn rất nhiều thì sẽ nguy hiểm.

Khi đó phân biệt giàu nghèo sẽ phá vỡ an bình xã hôi. Hình ảnh những người Cuba béo tốt, xài Smartphone, ăn mặc sạch sẽ chính là những người có dính đến nền kinh tế chìm kia. Kẻ không may, chỉ sống bằng nền kinh tế nổi khổ vô cùng. Có người mấy năm liền không nhìn thấy thịt bò. (Hạn chế giết bò là chính sách để đảm bảo sữa cho thiếu nhi). Những người này sẽ không cam chịu khẩu hiệu “CHXH hay là chết” nữa.

Covid-19 và khủng hoảng Venezuela là hai đòn nặng cho Cuba. Mất dầu lửa giá rẻ, mất nguồn khách du lịch. Nguy hiểm nhất là các đường bay đình trệ khiến “công nghiệp cửu vạn” tê liệt. Hiện nay có ngoại tệ cũng chẳng sướng gì, từ thực phẩm đến thuốc men đều khan. Bệnh nhân Covid cần nhiều bác sỹ, nhưng phần lớn đều đang ở nước ngoài…

Cuộc biểu tình được tổ chức bằng mạng xã hội, không có phong trào đối lập nào đủ mạnh lãnh đạo hôm 11.07 đã đánh thức chính quyền Diaz-Canel. Ông đã hiểu khẩu hiệu “Tổ quốc và cuộc sống” của dân thay vì “Tổ quốc hay là chết” của tiền nhiệm. Ông nới lỏng các quy định mang hàng xách tay để cứu vãn tình thế. Nhưng các nước xung quanh đều đóng cửa chống dịch. Cách duy nhất là mở cửa để tạo ra nội lực thì đang chờ…

Khẩu hiệu mới của người Cuba “Patria y Vida” (Tổ quốc và cuộc sống), thay cho khẩu hiệu “Patria o Muerte” (Tổ quốc hay là chết) từ 60 năm qua. Ảnh trên mạng

Nhiều người chúc Cuba yên bình trở lại. Nhưng là bạn tốt thì chớ nên chúc họ đi con đường cũ.

Tôi còn rất nhiều dữ liệu về Cuba, vì tôi phải đọc để khi có dịp sẽ đến đó.

Tôi xin tạm dừng tại đây. Ai có ý kiến phản biện, xin cứ đàng hoàng phát biểu.

Ghi chú:

[1] https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD, & https://www.cia.gov/the-world-factbook/countries/cuba/

[2] https://hackerette.com/traveling-cuba-deal-currency-exchange/

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/1994_Cuban_rafter_crisis

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Wet_feet,_dry_feet_policy

[5] https://www.deutschlandfunk.de/kuba-aerzte-als-exportschlager-nr-1.799.de.html?dram:article_id=409339

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cộng sản = {(xí nghiếp quốc doanh + HTX nông nghiệp) } = nhà nước chuyên chính . Đảng viên = vô sản. Cứ nhìn là biết .

  2. “Tổ quốc và cuộc sống” vs “CHXH hay là chết”

    Hiện nay báo Đảng rất lờ lớ lơ “chủ nghĩa xã hội”. Chính vì rời bỏ chủ nghĩa xã hội & các nguyên tắc của nó mà từng quốc gia xhcn chủ nghĩa rơi rụng như sung . Để Đảng trường tồn cùng đất nước & dân tộc, Đảng cần kiên định hơn nữa gắn liền “Tổ quốc” và “xã hội chủ nghĩa”, hổng nên tách rời 2 điều đó ra như hiện nay . Nói chung, dân Cộng Sản muốn coi “Tổ quốc” là cái của khỉ gì kệ họ . Dân phản động, ngay cả được kêu là “phản bội Tổ quốc” cũng hổng nên quan niệm “Tổ quốc” aka “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của họ là của mềnh . Vì nếu coi “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” là Tổ quốc của mình, mite as well gia nhập đội quân 3 củ của Trần Nhật Quang & Hoàng Thị Nhật Lệ .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây