Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười bốn: Tuổi già và đại dịch

Đỗ Duy Ngọc

22-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4phần 5 phần 6phần 7phần 8phần 9phần 10phần 11phần 12phần 13

Người ta thường bảo mỗi ngày qua đi là thêm một ngày bị mất đi không tìm lại được. Nhất là đối với những người lớn tuổi, quỹ thời gian chẳng còn bao nhiêu, thời gian cứ ngắn lại.

Từ khi dịch virus Vũ Hán xuất hiện trên thế giới, đến nay đã gần hai năm. Thế giới đã có hơn 192.000.000 người mắc bệnh và đã có gần 4.200.000 người tử vong. Những con số thống kê đầy ám ảnh. Và như thế, người già đã mất đi gần hai năm sống bị trừ đi trong thời gian ngắn ngủi còn lại của cuộc đời. Người trẻ tuổi còn một quãng thời gian dài trước mặt, nhưng người già thì không.

Gần hai năm không thực hiện được những toan tính, những dự định. Dư thừa thời gian vì hết đợt giãn cách này đến phong toả, nhưng lại chẳng làm được gì. Người già thường cô đơn, nhất là những người không còn người bạn đời bên cạnh. Họ vui vì được gặp gỡ bạn bè, người thân. Họ vui vì được đi đây đi đó, đến những nơi mà suốt thời trai trẻ vì cơm áo gạo tiền, vì phải làm việc để lo cho gia đình nên chưa đến được. Họ vui vì mỗi sáng được đi bộ, buổi chiều được đạp xe để tăng cường sức khoẻ. Họ vui vì được đi đến hàng quán, chọn cho mình một món ăn ngon theo ý thích. Họ vui vì được nhìn con cháu tụ về với không khí gia đình đầm ấm và đầy tình yêu thương. Họ vui vì mỗi sáng mỗi chiều nhìn thành phố nhộn nhịp, hối hả nhịp sống.

Nhiều người vì hoàn cảnh nên dù tuổi cao vẫn bươn chải làm việc kiếm cơm, không lệ thuộc cháu con nhưng họ vẫn bằng lòng vì vẫn là người còn lao động không dựa dẫm vào ai. Nhưng tất cả niềm vui đó không thể có trong mùa dịch, lại càng khó thực hiện khi xã hội bị phong toả. Tuổi già vốn cô đơn lại càng cô đơn hơn. Tuổi già thường đi liền với bệnh tật nhưng trong thời điểm này mà đến bệnh viện là nỗi lo âu kinh hoàng. Và như thế, trong mùa dịch người già là lớp người dễ bị trầm cảm và dễ sa sút sức khoẻ nhất. Trên thế giới, lứa tuổi trên 65 là đối tượng được ưu tiên hàng đầu được chích vaccine, ở ta thì ngược lại, nằm gần cuối trong 11 đối tượng được tiêm ngừa.

Người xưa cũng từng cho rằng, con người vốn khổ vì không buông được, nghĩ không thông, không nhìn thấu, không quên được. Tuổi già là tuổi tập buông hay có người đã buông, cũng là tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ. Tức là 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc.

Thế nhưng trong cơn đại dịch này, dù trẻ hay già, ai mà không bị tác động nên khó mà buông, cũng khó mà quên những đau thương, khốn khó vây quanh mình và đồng bào mình. Nhìn tấm ảnh chụp đoàn 47 người lao động bị mất việc ở Khánh Hòa đành đi bộ mấy trăm cây số trong đói khát về quê Quảng Ngãi mà đau lòng.

Công nhân nghèo đi bộ xuyên đêm về quê tránh dịch. Ảnh trên mạng

Xem trên TV phóng sự gia đình ở Nghệ An làm công nhân ở trong Nam, nhà máy đóng cửa, cả nhà bán chiếc điện thoại mua hai chiếc xe đạp chở nhau về quê cách xa cả ngàn cây số mà xót xa quá. Thấy trên youtube một cậu thanh niên không kiếm được việc làm vì mùa dịch đành chọn cách đi bộ về quê ở Quảng Nam, may gặp người tốt cho một triệu đón xe về.

Cơn đại dịch khiến người vốn đã lại nghèo càng tàn mạt hơn. Hội Đồng hương Đà Nẵng, Quảng Nam cho xe chở người đồng hương về quê. Lãnh đạo Bình Định tuyên bố sẽ thuê máy bay đưa người Bình Định làm ăn ở Sài Gòn về nhà. Tất cả việc làm tốt đấy tuy đã trễ nhưng cũng nên có lời khen. Nhưng tổ chức như thế nào, lập danh sách ra sao thì không thấy đề cập tới. Đôi khi những điều nói trên báo thì dễ nhưng trên thực tế thì chẳng biết thế nào?

Trong thời phong toả mới thấy hai món phở và bánh mì là món dân mình ưa thích và phổ biến. Khi hàng quán không được mở, bán buôn bị hạn chế nên trong những ngày này, trên mạng đầy hình ảnh những tô phở tự nấu ở nhà. Đương nhiên đó là những gia đình có điều kiện. Còn người nghèo cũng chỉ mong có bó rau, miếng trứng là qua một bữa.

Nhìn những bát phở lại càng tăng cơn thèm phở. Giờ mà có một tô phở của quán phở quen nhỉ? Gọi một tô nạm, vè, gầu. Kêu thêm chén tiết hay chén tuỷ. Tô phở bưng ra, mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Tô phở đẹp như một tác phẩm sắp đặt. Màu sóng sánh của nước lèo, màu hồng phơn phớt tái của miếng nạm, màu vàng ngậy béo của miếng gầu điểm mấy sợi trắng đục của mấy miếng vè dai dai, sần sật. Lại thêm màu xanh của hành, màu trắng của hành tây và tương ớt đỏ. Đó là tổng hợp sắc màu của một tác phẩm. Cầm lấy cái muỗng, húp một miếng nước lèo, hơi nóng beo béo, thơm thơm, ngậy ngậy đi từ miệng xuống họng rồi làm ấm bao tử. Ngon quá. Giờ thì trộn lên, gắp một ít bánh, thêm miếng thịt, miếng gầu và đưa vào miệng. Nhai. Ôi chao! Béo của thịt, ngọt cũng của thịt, đậm đà cũng của thịt, dai dai, sần sật, bùi bùi cộng với những sợi phở nuột nà hòa trộn trong miệng và nước lèo thơm phức. Hèn chi người ta đặt cái ăn lên hàng đầu của tứ khoái. Nhất là ăn được miếng ngon, món ngon trong thời buổi khó trăm bề như thế này. Viết mà nước miếng cứ tuôn ra. Thèm phở quá.

Cũng nhớ vô cùng mấy ổ bánh mì dòn tan, nóng hổi mới ra lò ở mũi tàu Trần Quang Khải. Chấm với nước tương có ớt, hay chấm với sữa đặc hay bơ Bretel nhỉ. Quá ngon. Hay là ăn mì thịt nguội, giờ có mà ăn thì tiệm nào cũng ngon, xe nào cũng được. Ôi nhớ miếng jambon, miếng xúc xích, miếng thịt heo, miếng pa tê, miếng chả lụa, miếng heo quay hay ổ bánh mì bì chan nước mắm ớt chua ngọt của những ổ bánh mì mới đây mà giờ thấy như xa xôi vô cùng. Thế mà có thằng bảo bánh mì không phải là lương thực, là thực phẩm. Sao già rồi mà lại thèm ăn như trẻ con vậy nhỉ? Mỗi người có những món ăn quen, những hàng quán quen, những khẩu vị quen. Người có tuổi thì món ấy, quán ấy, khẩu vị ấy nhiều khi đã theo họ cả vài năm ba chục năm. Giờ không có, mở mắt chào một ngày mới, họ cảm thấy như thiếu gì đấy, đánh mất gì đấy nên dạ ngẩn ngơ.

Qua 12:00 trưa, đọc tin thấy người nhiễm bệnh vẫn còn tăng, người tử vong thêm nhiều, buồn quá. Thôi đành gác cơn thèm của mình lại, để dành cho mốt mai. Giờ trong bữa ăn còn có miếng cá, miếng rau, miếng thịt cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Mong cơn dịch qua mau để mọi người bớt khổ. Tuổi già được ung dung, thanh thản để được sống vui trong những thời gian cuối đời.

Giữa những lo toan vẫn có những tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Theo GS Jeffrey, thuốc Lambda giúp cản trở Interfeson Lambda của virus Vũ Hán, loại protein phát triển tự nhiên trong cơ thể chống lại virus với nhiều ưu điểm so với các liệu pháp điều trị virus hiện nay. Thuốc Molnupriavir cũng đang cho thấy nhiều hứa hẹn. Ở Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm lâm sàng loại thuốc Rekiroba do hãng bào chế Celltrion, hi vọng sẽ sớm có thuốc để chữa được bệnh. Loài người vẫn luôn hi vọng.

Thời gian thì trôi quá nhanh mà lại bị mùa dịch cướp mất, còn cuộc đời lại quá ngắn, nên tự nhủ với lòng cũng chẳng còn thời gian để tiếc nuối, ân hận hay oán trách ai nữa. Cứ tự bảo vệ bản thân mình thật tốt. Qua được mùa dịch là niềm vui và hạnh phúc để được sống trở lại cuộc sống bình thường, làm được những việc bình thường của một người già.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bác Ngọc lại có tư tưởng trí thức tiêu tư sản giống Phan Khôi khi nhớ tô phở. Coi chừng phải đi chỉnh huấn đó nha.

  2. “Tức là 60 tuổi ta biết điều phải trái”

    Giời ạ, có ông giáo sư vẫn khăng khăng những điều mình tin là “chân lý cụ thể” kia kìa .

    “Theo GS Jeffrey, thuốc Lambda giúp cản trở Interfeson Lambda của virus Vũ Hán, loại protein phát triển tự nhiên trong cơ thể chống lại virus với nhiều ưu điểm so với các liệu pháp điều trị virus hiện nay. Thuốc Molnupriavir cũng đang cho thấy nhiều hứa hẹn. Ở Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm lâm sàng loại thuốc Rekiroba do hãng bào chế Celltrion, hi vọng sẽ sớm có thuốc để chữa được bệnh”

    Không tính tới chloroquine của vị Tổng thống do Chúa phái xuống à ?

    “còn cuộc đời lại quá ngắn, nên tự nhủ với lòng cũng chẳng còn thời gian để tiếc nuối, ân hận hay oán trách ai nữa”

    Rất đúng . Mọi thứ đều nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng . Không tiếc nuối, ân hận hay oán trách ai nữa .

    Nói chứ ông bác sĩ Đỗ Duy Ngọc làm ơn cho Đảng thì làm cho trót . Ông đã biết các “phản biện” của mình bây giờ ngang với đổ thêm dầu vào ngọn lửa mâu thuẫn giữa Đảng & dân, thì xin ông bớt khơi ra những mâu thuẫn mang tính giai cấp . Cứ Phúc người nghèo đi, nhìn thì nhìn vậy thôi chứ đừng có tiếc nuối, ân hận hay oán trách ai cả . Lâu lâu thí cho họ vài ngàn để lương tâm thanh thản, thế là Phúc họ lắm rùi .

    Rất vui khi trí thức nhà mềnh cuối cùng cũng nhận ra “phản biện” chỉ có hại cho Đảng của họ . Họ trở thành 1 thứ triết gia ở ẩn ấm ớ ngay tắp lự

Comments are closed.