Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười ba: Như một lời xin lỗi

Đỗ Duy Ngọc

21-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4phần 5 phần 6phần 7phần 8phần 9phần 10phần 11phần 12

Có một việc đáng ra tôi phải làm từ mấy ngày trước, nhưng lu bu rồi chưa làm được. Đó là phải xin lỗi nhiều người, rất nhiều người Sài Gòn.

Số là khi mới có lệnh phong toả thành phố của nhà chức trách, nhiều người dân nối đuôi nhau, chen lấn nhau vào các siêu thị mua gom thực phẩm, lương thực, những vật dụng thiết yếu. Lúc đấy, tôi có viết một bài viết phê phán việc đổ xô gom hàng và cho rằng Sài Gòn không bao giờ thiếu hàng, không cớ gì mà phải vội vã, giành giựt nhau để mua hàng. Nhưng rồi qua những ngày phong toả, tôi thấy mình đã nhận định sai, Sài Gòn thiếu rau củ, Sài Gòn thiếu thực phẩm, Sài Gòn thiếu bánh mì, món ăn quen thuộc của người Sài Gòn là chuyện có thật. Đó là sự thật.

Khi các chợ đầu mối cũng như các chợ truyền thống bị đóng cửa, tất cả dồn vào siêu thị. Và kết quả là siêu thị không đáp ứng đủ cho nhu cầu. Người dân phải chen nhau, chờ đợi để mua được chút rau, chút thịt với vài quả trứng. Nếu cứ mãi tin đài, báo sẽ chẳng có chi bỏ vào mồm, chưa kể một số siêu thị như Cửa hàng Bách hoá xanh tận dụng cơ hội để răng giá. Tôi đã đánh giá sai. Tôi phê phán sai, xin lỗi mọi người.

Thật ra Sài Gòn không thiếu hàng. Rau củ từ Đà Lạt. Thịt heo từ các tỉnh miền Đông. Cá tôm và rau xanh từ miền Tây. Tất cả bị dồn ứ vì đường không thông. Những chuyến xe tải về thành phố phải qua bao nhiêu trạm, tài xế phải trang bị bao nhiêu thứ giấy tờ, xe xếp hàng dài chờ kiểm tra, trải qua biết bao thủ tục thì xe hàng mới được vào thành phố. Rau héo, củ hư, thịt thối, cá ươn vì những biện pháp ngăn dịch không cần thiết.

Nếu ta thông đường, thay đổi cách ngăn chặn dịch, hàng hoá sẽ không thiếu ở Sài Gòn, đó là câu khẳng định chắc nịch của các doanh nghiệp vận tải, cũng như các công ty cung ứng thực phẩm lâu nay cho Sài Gòn. Làm được như thế, chắc chắn chẳng cần cái đề xuất ngu ngơ dùng máy bay chở rau củ miền Bắc vào giải cứu Sài Gòn. Chúng ta tắc là tắc vì các thủ tục hành chánh rườm rà, vô ích. Dân ta khổ vì kiểu ngăn sông cấm chợ thiếu khoa học và quá nguyên tắc.

Biện pháp cho phép mở lại các chợ truyền thống có kiểm soát là một quyết định sáng suốt của lãnh đạo thành phố dù không kịp thời. Khi hàng hoá lưu thông dễ dàng, các chợ hoạt động trở lại, tuy còn hạn chế cũng là lúc dân ta nên tẩy chay các siêu thị lâu nay đầu cơ tích trữ, lợi dụng cơ hội tăng giá bóp cổ dân nghèo. Phải có động thái quyết liệt đó để cho họ có một bài học làm người lương thiện.

Từ hôm qua đến nay trên mạng cũng râm ran vụ nhiều người được chích vaccine Pfizer của Mỹ mà không cần qua khâu đăng ký. Chích xong lại đem lên khoe ầm ĩ trên facebook như một cách tự hào về thân thế. Xã hội bất bình cũng đúng thôi. Biết bao người tuyến đầu chống dịch chưa được chích ngừa. Biết bao người già, đối tượng dễ nhiễm bệnh và dễ tử vong nhất phải xếp hàng chờ đợi. Và chắc chắn nếu được chích, họ sẽ không được lựa chọn thuốc tốt nhất, an toàn nhất.

Việc được ưu tiên, con ông cháu cha, là chuyện bình thường trên đất nước này. Ưu tiên đủ mọi việc chứ không chỉ chuyện chích vaccine. Và cũng từ chuyện ưu tiên như thế cũng có thể có việc trục lợi, kiếm tiền trong chuyện chích ngừa. Có thể lắm chứ, người bệnh khi vào bệnh viện cần có phong bì thì để được chích trước mọi người tránh sao được chuyện phong bao. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và cũng từ việc khoe được chích không cần đăng ký rồi lời thanh minh, bao biện của các lãnh đạo bệnh viện Hữu Nghị. Người ta được biết thêm Pfizer dành cho cán bộ cấp cao. À mà chuyện đấy cũng hợp lý thôi mà.

Tình hình thế này, chuyện phong toả chắc sẽ còn dài không chỉ ở thành phố này mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc. Điều lo lắng nhất hiện nay, nói như ông PGS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thì tình hình dịch bệnh các tỉnh thành phía Nam rất phức tạp và có thể diễn biến xấu.

Khi các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây tiếp tục bùng phát dịch, số nhiễm bệnh tăng lên là điều đáng quan tâm. Những khu vực đấy y tế nhân lực thiếu, không có bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm. Khả năng dịch lan rộng ở các tỉnh thiếu nhân lực, y tế yếu thì đương nhiên tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên. Đồng thời khi dịch bệnh lan rộng, khả năng trợ giúp nhân lực từ nơi khác đến cũng như trang bị thêm thiết bị chữa bệnh cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Lúc đấy địa phương nào tự lo địa phương đấy, tỉnh nào lo tỉnh ấy, khó có thể kêu gọi chi viện và giúp đỡ. Cũng như ở Hà Nội, nếu tình trạng căng thẳng hơn thì đành rút quân đang hỗ trợ khắp nơi về, tình hình điều trị tại các tỉnh phía Nam sẽ gặp không ít khó khăn.

Hôm nay đọc được mấy mẩu chuyện kể diễn ra trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Một chị bị cách ly trong khu tập trung bực mình vì quạt không hoạt động và vòi nước bị hư. Chị ta chửi om sòm vì gọi mãi không thấy ai, nhưng rồi khi nhìn xuống sân thấy nhiều y tá, điều dưỡng và tình nguyện viên đang mang vác vật dụng lên lầu cao giữa trưa nắng đầm đìa mồ hôi. Cơn bực mình của chị ta dịu lại.

Có ông cụ nằm bệnh viện vì vướng dịch, cảm thấy mệt, gọi bác sĩ nhưng chưa thấy. Ông ta định la mắng nhưng rồi nhìn ra thấy một bác sĩ đang nằm thiếp đi vì kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ bít bùng. Ông lại đành quên cơn giận và cũng quên cơn mệt. Có anh đang bị cách ly, nổi giận vì cho rằng cơm thịt không ngon, nhưng rồi nhìn dãy dài bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang ăn những hộp cơm quá bữa dưới cái nắng của trời và cái nóng của bộ đồ bít bùng, miệng anh bỗng bớt gầm gừ.

Và còn biết bao cảnh khó khăn của đội ngũ y tế, không những khó vì phải làm việc liên tục, ăn không đúng giờ, ngủ không đủ giấc, phải xa con cái, cha mẹ, gia đình suốt thời gian dài. Mà còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu những tiện nghi, thiết bị để chữa bệnh. Tất cả mọi người hãy có cái nhìn tích cực, thương yêu và tri ân. Nếu không có đội ngũ ấy, nếu không có những hi sinh của họ, nếu không có những thầy thuốc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, con số tử vong chắc chắn sẽ không là con số như hiện nay.

Hàng ngày con số vẫn còn cao, đã qua ngày thứ mười ba. Mong những đội ngũ y tế vẫn còn sức khoẻ để tiếp tục chiến đấu, mong những con số thôi nhảy múa để thành phố trở về bình yên, mọi người được an bình đón ngày mới không còn những nỗi lo âu. Rồi gió cũng qua đi, giông bão cũng có lúc tạnh, mặt trời chẳng bao giờ tắt dù nhiều khi cứ ngỡ là nó không có thực.

_____

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook