Sài Gòn ngày phong tỏa thứ chín: Những tấm lòng

Đỗ Duy Ngọc

17-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4phần 5 phần 6phần 7phần 8

Đã qua ngày thứ chín, Sài Gòn trong tình trạng phong toả. Biết bao chuyện bi hài kịch diễn ra, biết bao nước mắt nhưng cũng không thiếu niềm vui từ những tấm lòng của người đến với người trong cơn hoạn nạn.

Sáng nay nhận được một tấm ảnh ghi lại những xác chết vì dịch được bó kín lại trước khi đem thiêu. Tấm ảnh gợi lại cảnh bi thảm ở Ấn Độ, ở Indonesia, ở Philipines… một bức ảnh đầy ám ảnh mà tôi cố quên đi như cố quên những con số người nhiễm bệnh và tử vong ở Sài Gòn trong tuần lễ vừa qua.

Tôi tìm đọc những tấm lòng thiện nguyện, những nhà hảo tâm đang miệt mài tìm kiếm nguồn thực phẩm cho dân nghèo. Họ gặp không biết bao khó khăn và trở ngại, họ đụng rất nhiều cản trở nhưng họ vẫn thực hiện công việc bằng tấm lòng vì đồng bào.

Một cô gái tôi thường xem như con gái của mình xông pha, điều động, liên hệ mọi nơi để có gạo, có rau cho người thiếu thốn. Thức đêm, dậy sớm, quên ăn quên ngủ để có nguồn thực phẩm. Thấy thương lắm mà tôi không nhắn tin, không điện thoại cho cô ấy vì để cho cô không bị phân tán công việc. Chú viết mấy dòng ở đây như lời tán dương con và mong con giữ sức khoẻ. Hết dịch rồi chú cháu mình lại đi ăn Phở Dậu nha con.

Một chị tour guide thất nghiệp đã lâu vì dịch, giờ đứng ra hô hào mọi người chung tay mua quạt máy, xe đẩy, vitamin C, dầu gió, bình nấu nước, lọc nước, ghế ngồi cho những người đang bị cách ly tập trung thiếu thốn mọi phương tiện sinh hoạt. Cảm động lắm, cả nhà chung tay vào, nhiều bạn bè góp sức vào, quên cả giờ cơm, lúc cần là có mặt. Cám ơn cô hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp nhưng đầy lòng nhân ái.

Một anh đã từng là nhà thơ, thường xưng là kẻ chăn bò, cũng làm nghề mua bán online để sống. Khi được tin có một chiếc xe tải chạy không đang trên đường từ Bảo Lộc về Sài Gòn đã liên lạc với người quen, bạn bè chuyển về được hàng tấn rau củ ủng hộ cho bà con.

Cũng không quên anh chàng Minh râu xăm trổ đầy người, ăn nói bặm trợn hàng ngày đổ hàng đống rau, củ với tấm bảng viết nguệch ngoạc: “Bầu miễn phí, mỗi người 1-2 trái, trái to thì lấy 1 trái. Trái bự thì lấy 2 trái đủ ăn” hay: “Lấy đủ ăn, mai có tiếp, trừ không say hoặc mệt”. “Bó rau 5000 đồng, ai mua thì bán, ai sin thì cho” cái lỗi chính tả của chữ sin sao mà đáng yêu đến thế! Những dòng chữ không hoa hoè, hoa sói, không khẩu hiệu, quyết tâm mà đọc thấy thương lạ lùng. Anh ta còn bảo thiếu chi dịp kiếm tiền, đây là dịp để giúp bà con.

Hay tấm bìa với dòng chữ viết vội bằng bút bi: “Cần cứ lấy, mỗi người một túi. Gạo, một túi 5kg”. Những dòng chữ đầy tình người. Và còn biết bao hình ảnh đẹp nữa không kể hết ra đây.

Một cặp vợ chồng ở Gò Vấp mỗi ngày nấu cả ngàn hộp cháo thịt mang đến những khu cách ly, phong tỏa sau hàng kẽm gai cho các em bé. Anh bảo người lớn cần cơm nhưng trẻ còn nhỏ cần cháo, sữa. Chu đáo, tận tuỵ đến thế mà không hoan hô, không cảm động sao được.

Mấy ngày phong toả, vì tuổi đã lớn, tôi không dám đi đâu. Nằm nhà tôi đọc nhiều báo, ghi nhận nhiều tin từ facebook, từ những trang mạng xã hội, từ youtube và thấy rằng có nhiều tấm lòng của người Sài Gòn đã rộng mở đến với người nghèo. Họ âm thầm làm, họ lặng lẽ làm, không dao to búa lớn, không kể lể, ban ơn. Họ chia sẻ thầm lặng.

Sài Gòn nhiều cao ốc, nhiều biệt thự, nhiều đại gia với hột xoàn cả ký, đất đai mênh mông, xe hơi hàng chục tỷ. Sài Gòn là nơi khoe thời trang, khoe vàng bạc, khoe giàu sang và lắm kẻ tự hào về gia thế của mình. Nhưng Sài Gòn còn có những con hẻm lầy lội, những mái nhà xơ xác, những dãy nhà trọ nóng như lò bánh mì, những mái lều tranh trong ngõ cụt và ở đó có rất nhiều người lao động, người nhập cư đi thu gom phế liệu, người bán vé số, người thợ hồ tay làm hàm nhai, người công nhân tha hương kiếm sống, người buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng bạc lẻ. Ở đó cũng có những người già yếu, bệnh tật nằm chờ con cháu đem về miếng cơm, tấm bánh. Ở đó cũng có những em bé mới lớn, những chàng trai cô gái mồ côi sống bám vỉa hè, gầm cầu…

Giờ đây, tất cả không được ra đường, thành phố phong toả. Tiền hết, gạo hết, rau hết. Tiền trợ cấp của chính phủ chưa tới tay, nếu không có những tấm lòng nhân ái đó, chắc con số người chết vì đói cũng không kém người tử vong vì dịch. Nhiều, rất nhiều tổ chức, những nhà hảo tâm đã đến với họ dù gặp rất nhiều trở ngại. Và họ có được hộp cơm, bó rau, quả trứng, gói mì qua bữa. Những tấm lòng biết chia sẻ đó thật đáng trân trọng biết bao và nhiều không kể hết ở thành phố này.

Nhà nước cấm mua bán và nhà nước cũng rất quyết liệt đến độ hùng hổ bạo lực với những người mua bán nhỏ lẻ từ căn nhà, góc phố của mình. Nếu họ đã dư của ăn, họ sẽ không phải lấm lét, lén lút như thế. Ta có lệnh, vi phạm xử theo lệnh, nhưng giữa cơn hoạn nạn thế này, cái lý, cái tình đôi khi phải cùng đi với nhau, được thế dẹp lòng cả đôi bên thay vì nguyên tắc quá, mạnh bạo quá và tìm đủ mọi cách để phạt tiền.

Nhà nước giao chuyện mua bán trong thời phong toả cho các siêu thị và luôn luôn cho rằng giá cả bình ổn và hàng không thiếu. Xin đề nghị lãnh đạo hãy đến các siêu thị, nhất là các cửa hàng Bách hoá xanh với tư cách là người đi mua hàng chứ không phải lãnh đạo đi thị sát. Quý vị sẽ biết sự thật và biết rõ hàng hoá đã bị tăng giá như thế nào.

Một anh bán rau xăm trổ, một cô gái yếu đuối, một chị nhân viên công ty du lịch, một nhà thơ cá tính và hàng trăm, hàng nghìn người ở đất Sài Gòn đang tìm mọi cách đến với dân nghèo. Trong khi đó, một siêu thị lớn, một chuỗi Bách hoá xanh của một đại gia bán lẻ chắc hẳn là giàu, rất giàu nữa là khác, làm chủ cả một chuỗi siêu thị kia mà, lại thừa cơ bóp họng, vét những đồng bạc cuối cùng trong túi dân. Làm người ai lại làm thế!

Rồi ông chủ lên báo phân bua, càng nói người ta càng giận. Rồi thành phố cử đoàn xuống thanh tra, đoàn vào lượn một vòng rồi đưa ra kết luận là không thấy tăng giá. Trò hề cả. Người mua hàng còn hoá đơn đây, các vị cứ xem cho rõ, so sánh cho kỹ rồi kết luận nhé.

Có lời nói riêng với ông chủ siêu thị đó, thu vào những đồng tiền nâng giá, đầu cơ đó có thể ông sẽ giàu thêm một chút nhờ lợi dụng thời cơ. Nhưng rồi ông có sống mãi trên thế gian này không? Khi ra đi ông có mang được những đồng tiền tanh hôi đầy nguyền rủa đó qua bên kia thế giới chăng? Con vật còn xót xa trước hoàn cảnh của đồng loại, sao con người lại tàn nhẫn thế?

Hôm nay, khớp cổ tay lại sưng, đau lắm, lại là tay phải. Viết theo kiểu mổ cò bằng ngón tay trái, chậm rì. Định chỉ viết vài dòng để tri ân, để cám ơn những tấm lòng. Ai dè lại nhiều chuyện quá.

_____

Một số hình ảnh của tác giả sưu tập:

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Suy nghĩ và cầu nguyện cho các anh em chú bác ở Sàigòn!! Những mẫu chuyện kể nầy hay quá! Xin cứ kể tiếp mỗi ngày nếu được!!!

  2. Rất thích những bài đầy ắp những tấm lòng như thế này, thay vì những bài xoáy vào mâu thuẫn giai cấp của ông nhạc sĩ Tuấn Khanh . Gonna be a long one, just letting ya know. Ở Mỹ năm ngoái là 3 tháng, từ tháng 3 -> tháng 6 luôn . Những tiểu bang miền Bắc hay những nơi mật độ dân số cao còn lâu hơn thế .

  3. Hê Hê Hê… Tui chịu ông Minh râu bán rau người thời mang vẻ phong trần, nhưng lòng không vướng chút phong trần nào cả, đặc tính của người miền Nam bộc trực, hụych tọet, không vẽ vời ngoài vỏ, gian xào bên trong. Ông Minh râu này khác hoàn toàn với Minh râu kia, sắm sửa lệ, bộ hoang tưởng làm cha thiên hạ, cho tới lúc cuối cũng chẳng được mồ yên mả đẹp. Còn phải phơi xác khô cho đám sinh sau vịn vào tạo thêm ác nghiệt.

Comments are closed.