Cuba và Việt Nam khác nhau xa

Jackhammer Nguyễn

15-7-2021

Thấy gì qua việc đưa tin của báo chí nhà nước Việt Nam về cuộc biểu tình của hàng ngàn người Cuba, hôm Chủ Nhật 11/7/2021?

Thứ nhất, họ không nhất loạt đưa tin. Thứ hai, họ đưa tin chỉ có một nửa. Họ nói, người Cuba thiếu thuốc men thực phẩm, làm ăn không được vì bị cách ly chống dịch, nên biểu tình. Dù họ đưa con số hàng ngàn người biểu tình như các tờ báo phương Tây, nhưng họ không nói hàng ngàn người biểu tình đó đòi thay đổi chế độ.

Chúng ta cũng không lạ về thói quen đưa tin của tuyên giáo CSVN, thường chỉ có một nửa, việc họ không nhất loạt đưa tin, không kiểm duyệt nội dung “hàng ngàn người”, chứng tỏ hai điều: Thứ nhất là họ bất ngờ, tuyên giáo không kịp đưa “chủ trương chung” mà việc đưa tin hay không, đưa như thế nào, là do quyết định của người tổng biên tập địa phương.

Thứ hai là giới báo chí nhà nước không thấy có gì gắn bó ý thức hệ nữa với Cuba, họ cảm nhận chuyện xảy ra giống như ở Miến Điện hay bất cứ quốc gia nào khác, chỉ có cái tên Cuba làm cho họ hơi băn khoăn, nhưng chỉ chút xíu thôi.

Việt Nam và Cuba khác nhau, đã khác nhau và đang khác nhau. Vị trí vô tình giống nhau của hai quốc gia này trong chiến tranh lạnh, cộng với lối tuyên truyền “hữu nghị mượt mà” kiểu “đồng chí canh gác cho nhau” (Nguyễn Minh Triết), làm cho ta cứ nghĩ là họ giống nhau.

Nhưng họ khác nhau nhiều lắm. Đảng Cộng sản Cuba lên cầm quyền xuất phát từ một phong trào cánh tả châu Mỹ Latin, để giải quyết những vấn đề xã hội. Trong khi đảng Cộng sản Việt Nam lên cầm quyền xuất phát từ phong trào giải thực (decolonization), giành độc lập dân tộc.

Sự khác nhau căn bản này làm cho tính ý thức hệ Marxism ở Cuba cao hơn Việt Nam rất nhiều. Ngoài ra, sự trái ngược về sắc tộc cũng làm cho hai xứ này khác nhau một trời một vực.

Nhiều cây bút đưa ra hình ảnh Fidel Castro phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở Quảng Trị năm 1972 để nói rằng, Cuba Cộng sản và Việt Nam Cộng sản gần nhau lắm. Điều này không đúng, hình ảnh đó chẳng qua là “cao trào” của quốc tế cộng sản, nghĩ rằng mình đang chiến thắng.

Điều thú vị mà ít ai để ý là sự nổi tiếng của Che Guevara, nhân vật cách mạng cộng sản Cuba. Ông này được thanh niên miền Nam Việt Nam trước 1975 biết đến nhiều hơn thanh niên miền Bắc. Lý do có thể nằm ở chỗ Che là nhân vật thất sủng ở Cuba, hình ảnh “làm loạn” của ông ta có thể gây ra những cảm nhận không hay ở thanh niên miền Bắc Việt Nam đang cần một kỷ luật cao trong chiến tranh?! Ngay cả hiện nay, người Việt nếu muốn biết về Che Guevara thì phải tìm trong các văn liệu Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, nhiều hơn là tiếng Việt.

Tôi có quen biết một số người Việt từng đi du học ở nước Cuba Cộng sản, theo họ thì cuộc sống xã hội Cộng sản Cuba phóng khoáng hơn xã hội Cộng sản Việt Nam trước cải cách năm 1986.

Nhưng ngược lại, tính cách Á Đông của Việt Nam, cộng với tính ý thức hệ kém hơn, làm cho đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận cải cách kinh tế sớm hơn và rộng hơn Cuba.

Điều ít người để ý là, mặc dù có hỗn danh “người miền Bắc có lý luận” nhưng ông Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng đảng Cộng sản Việt Nam là người thực tế hơn nhiều so với các đồng chí Cuba của ông. Trong dịp thăm Cuba năm 2018, ông Trọng đã khuyên các đồng sự Cuba hãy chấp nhận kinh tế thị trường.

Chi tiết này cũng ít được người Việt chú ý đến, là do kiểu đưa tin đậm tính tuyên giáo “đồng chí mượt mà” của báo chí nhà nước Việt Nam, làm mờ đi điểm chính.

Tình trạng cải cách của Cuba hiện nay chỉ mới đạt đến mức cách đây 30 năm ở Việt Nam, thời mà các cửa hiệu chỉ bán hàng để lấy đô la Mỹ.

Phân tích của báo chí Mỹ cho thấy rằng, mặc dù Cuba có bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ, nhưng tình trạng khó khăn của họ phần lớn là do chính họ, không chịu cải cách kinh tế. Dĩ nhiên chuyện đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch Cuba, xương sống của nền kinh tế hiện nay, bị phá sản, cũng góp phần vào việc gia tăng sự bực bội của dân chúng, nhưng lý do cải cách trì trệ là nguyên nhân lớn hơn.

Ngược lại, ở Việt Nam, dù cải cách không toàn vẹn nhưng ít nhất nó làm cho đa số dân chúng Việt Nam có được một cuộc sống tốt hơn trước đó. Nó như một cái van xả, không bị dồn nén như người dân Cuba.

Nhớ lại thời điểm năm 1995, thời kỳ trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, lệnh này thật sự không có hiệu quả nữa đối với Hà Nội, khi các quốc gia châu Á xung quanh phớt lờ chuyện cấm vận của Mỹ, làm ăn với Việt Nam, cả những đồng minh Tây Âu thân cận với Mỹ.

Đối với Cuba, các quốc gia cánh tả Nam Mỹ cũng bất chấp lệnh cấm vận, cựu “mẫu quốc” Tây Ban Nha cũng bất chấp, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đảng Cộng sản Cuba không muốn cải cách.

Nhưng sự khác nhau rõ ràng đó vẫn làm cho hai quốc gia toàn trị này có những tương đồng là sự mong manh, tạo nên những rủi ro đổ vỡ một cách bất ngờ, khi có một sự cộng hưởng nhiều yếu tố.

Nếu ở Cuba là sự trì trệ kinh tế, cộng với cấm vận và đại dịch, thì ở Việt Nam sự cộng hưởng vẫn có thể xảy ra, chẳng hạn như, sự dồn nén mà người dân phải chịu đựng qua việc điều hành yếu kém của chính quyền trong chuyện chống dịch, cộng với sự bực bội về nạn tham nhũng tràn lan, cùng với những bất công trong giải quyết các vụ việc đất đai kiểu Đồng Tâm, hay những vụ án khuất tất kiểu Hồ Duy Hải, Trần Đức Đô… có thể thổi bùng lên những ngọn lửa bất ngờ.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Hệ…. hệ…., cái bác “Mông Tao” nói gần đúng rồi: Cu Ba cố giãy dụa để khỏi bị Maoism hóa

  2. ‘Chúng ta cũng không lạ về thói quen đưa tin của tuyên giáo CSVN, thường chỉ có một nửa, việc họ không nhất loạt đưa tin, không kiểm duyệt nội dung “hàng ngàn người”, chứng tỏ hai điều: Thứ nhất là họ bất ngờ, tuyên giáo không kịp đưa “chủ trương chung” mà việc đưa tin hay không, đưa như thế nào, là do quyết định của người tổng biên tập địa phương.’

    *Tuyên giáo CSVN không đưa “một nửa sự thật” thông tin họ cóp từ các hảng thông tấn phương Tây về các biến cố chính trị có hại cho ĐCS.
    Họ chẳng có gì “bất ngờ” hoặc “không kịp” chỉ đạo cho truyền thông của họ.
    Nói thế là chẳng hiểu gì về tuyên giáo CSVN- thông tin tuyên truyền là một công tác ngang hàng với quốc phòng; bởi thế lực lượng vũ trang đầu tiên của Việt Minh mang tên Đội Vũ trang Tuyên truyền!
    Mọi tin tức trên báo chí VNCS đều từ một nguồn duy nhất do TTTT ban ra, sau duyệt xét của Tuyên Giáo Trung Ương. Những tờ báo nào vượt rào đăng ẩu đều bị xử lý, đình bản, trừng phạt phóng viên tác giả bài báo vượt rào. Tổng biên tập địa phương gan cóc tía cũng không dám tự ý đưa một cái tin tử thần như vụ Cuba đang trỗi dậy, căng…thẳng!
    Những bài đăng về vụ biểu tình Cuba đều đã được sàng lọc, chỉ định. Nội dung hạn chế nguyên nhân phản kháng ‘lái’ qua dân sinh, tất nhiên giấu nguyên nhân chính trị; giới hạn số báo được đăng để hạn chế sự phổ biến ra quần chúng. Con số “hàng ngàn người” Cuba tham gia không cần giấu, vì thời đại mạng toàn cầu với VNP vượt tường lửa, fb…tràn lan, giấu sao nổi. Giấu là làm trò cười. Cấm không được thì loan cho có vẻ ta đây cũng minh bạch thông tin như ai.
    Họ đâu có ngu!

    ‘Thứ hai là giới báo chí nhà nước không thấy có gì gắn bó ý thức hệ nữa với Cuba, họ cảm nhận chuyện xảy ra giống như ở Miến Điện hay bất cứ quốc gia nào khác, chỉ có cái tên Cuba làm cho họ hơi băn khoăn, nhưng chỉ chút xíu thôi.’

    *Cái loa phát không có quyền quyết định gì từ phần cao tầng, phần mềm xuất ra nguồn phát từ lổ output. Nó chỉ biết phát đúng các tín hiệu từ phần khuếch đại,
    …thì làm gì có chuyện “giới báo chí nhà nước không thấy có gì gắn bó ý thức hệ nữa với Cuba”. Báo chí VC thì ý thức hệ cái gì!
    Họ quen mì ăn liền rồi, chỉ cần nước sôi là xong.

    Cuba và VNCS khác nhau vì theo 2 bosses khác nhau.
    Khủng hoảng tên lửa Cuba (Cuban Missile Crisis hay Khủng hoảng tháng 10 tại Cuba) là cuộc đối đầu giữa LX của Nikita Kruschev với Mỹ thời J.F Kennedy năm 1962 cho thấy Cuba từng là con cưng của CS Đông Âu mà LX là kẻ bảo kê chính.
    Chính trị Cuba chịu ảnh hưởng LX, Mácxit Leninit hơn cả MacLenin.
    Sau khi LX-Đông Âu sụp đổ, Cuba bơ vơ khổ sở vì ôm lấy chuyên chính vô sản chính thống, không chịu lăng loàn lanh mưu như Trung Cộng, nên nghèo kiết xác. Chưa kể bị Mỹ đì.

    Boss của VC là TC sau 1991.
    Thánh địa của TQ không phải là LX. Mao chưa hề xem lãnh đạo LX là thầy.
    Rất thực dụng và lanh mưu, TC chớp lấy sai lầm của Mỹ qua ngoại giao bóng bàn, bám riết Mỹ để lớn lên, nhanh chóng dẹp mẹ ảnh MacLe.
    Mèo nào cũng được miễn bắt được chuột.

    VNCS thì là bản photocopy dỏm của TC, nên cũng thuộc loại cáo bám theo linh cẩu kiếm thịt thừa, nên béo tốt hơn.
    Vậy thôi.

    ‘lối tuyên truyền “hữu nghị mượt mà” kiểu“đồng chí canh gác cho nhau” (Nguyễn Minh Triết)” là câu trích ẩu.

    *Nên viết cho đàng hoàng thế này
    “…thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới…’

    ‘Nhưng ngược lại, tính cách Á Đông của Việt Nam, cộng với tính ý thức hệ kém hơn, làm cho đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận cải cách kinh tế sớm hơn và rộng hơn Cuba.’

    *Bắc Triều tiên không phải Á Đông chăng? Sao lại Mác xít điên cuồng thế?
    Tính ý thức hệ của CSVN không hề kém ai, đừng kể Cuba.

    -Trước 4/1975 tại miền Bắc là những vụ đậm nét ý thức hệ:
    CCRĐ đẫm máu, hợp tác hoá nông nghiệp, vụ Nhân văn-Giai phẩm, vụ Xét lại Chống Đảng…là những đòn ý thức hệ, nhồi sọ, cải tạo, tẩy não, cày ãi tinh thần con người miền Bắc.
    -Sau 4/75 là diệt trừ mầm mống phản ý thức hệ bằng cách bắt “nguỵ quân nguỵ quyền” đi học tập cải tạo, chính sách kỳ thị lý lịch, đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, chiến dịch bài trừ văn hoá nguỵ quyền (vu khống là đồi truỵ, những thứ mà bây giờ họ sưu tầm lại vào thư tàng của chế độ để học hỏi!), đổi tiền nhiều đợt để vô sản hoá toàn dân…
    …là những tác hại kinh hoàng của đòn ý thức hệ mác lê.

    “Cộng sản Việt Nam chấp nhận cải cách kinh tế sớm hơn và rộng hơn Cuba”
    là vì nó kiệt quệ, trên bờ phá sản sau ứng dụng ý thức hệ kinh tế mác lê;
    là vì Mỹ buông tha sau cấm vận, chìa tay ra cứu.
    Và trên hết…là bắt chước đi theo quan thầy. Thầy mở thì việc gì mình sợ không mở.
    Kinh tế Cuba lệ thuộc rất lớn vào LX dù không hề có chiến tranh tại đây.
    Giá trị viện trợ của LX cho Cuba là 65 tỷ US$ tính từ 1960 đến 1990; đổ đồng mỗi năm Cuba nhận 2.17 tỷ $ từ LX ròng về viện trợ kinh tế thôi; chứng tỏ dân tộc nầy thiếu sức chiến đấu để tự tồn tại, phát triển.
    [During the Cold War period, the Cuban economy was heavily dependent on subsidies from the Soviet Union, valued at $65 billion in total from 1960 to 1990… an average of $2.17 billion a year.
    theo https://en.wikipedia.org › wiki › Ec…]

    Tóm lại Cuba kém VN là vì…LX, Đông Âu sụp đổ- ’sau khi cha chết gót con đen sì.’

    ‘Điều ít người để ý là, mặc dù có hỗn danh “người miền Bắc có lý luận” nhưng ông Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng đảng Cộng sản Việt Nam là người thực tế hơn nhiều so với các đồng chí Cuba của ông. Trong dịp thăm Cuba năm 2018, ông Trọng đã khuyên các đồng sự Cuba hãy chấp nhận kinh tế thị trường.’

    *Chỉ là một nhận định tâng bốc đồng chí TBT thôi.

    VN gia nhập ASEAN năm 1995, chính thức mở cửa hội nhập và bắt đầu tham gia các FTA với các nước.
    Mãi…16 năm sau, 19 tháng 1 năm 2011, ông Trọng mới là Tổng Bí thư ĐCSVN,
    thì ông chỉ vuốt đuôi chính sách đổi mới chuyển qua kinh tế thị trường;
    không phải là người khởi xướng nó!
    Làm gì có chuyện ông Trọng “là người thực tế hơn nhiều so với các đồng chí Cuba của ông”.

    Nói bậy hơi bị nhiều!

  3. Vài điều trong bài này hổng được thuyết phục lắm .

    “Đảng Cộng sản Cuba lên cầm quyền xuất phát từ một phong trào cánh tả châu Mỹ Latin, để giải quyết những vấn đề xã hội. Trong khi đảng Cộng sản Việt Nam lên cầm quyền xuất phát từ phong trào giải thực (decolonization), giành độc lập dân tộc”

    Jose Marti là anh hùng giải thực của Cuba, Cộng Sản Cuba có nguồn gốc từ các phong trào giải thực . Không xảy ra chuyện chia cắt đất nước vì Cuba quá nhỏ, khi chống chế độ Bautista bù nhìn của Mỹ thì hoàn toàn hổng khác nhau là mấy

    “Thứ hai là giới báo chí nhà nước không thấy có gì gắn bó ý thức hệ nữa với Cuba”

    Rất đúng . Không những quân đội biến thành quân lụi trong chuyện lý tưởng M-L-H, cả báo chí, heck, bây giờ đụng vô chỗ nào cũng rứa, cũng thoái hóa, biến thái … Lý do chính vì chính chủ nghĩa M-L-H cũng bị làm cho thoái hóa, biến thái . Không ít bài trên báo Đảng xem chuyện “bổ sung, phát triển & hoàn thiện” chủ nghĩa M-L-H cho nhiệm vụ phát triển chủ nghĩa tư bản ở VN là 1 điều tốt & đáng tự hào . Thời đại chống Mỹ hào hùng vẻ vang của dân tộc, báo Đảng dùng những tính từ bọn phản động người Việt nước ngoài cũng phải tặc lưỡi “bảo thủ, lạc hậu, duy ý chí, phản tiến bộ, phản dân chủ, giáo điều …”

    “Sự khác nhau căn bản này làm cho tính ý thức hệ Marxism ở Cuba cao hơn Việt Nam rất nhiều”

    Rất đúng, nếu không nói ý thức hệ Marxism của VN là thấp nhất hiện nay . Ngày xưa còn nhỉnh hơn Nam Tư, bây giờ Nam Tư bị chia ba xẻ bảy . Có thể xem Việt Nam là “ngày mai” của Nam Tư không ?

    “Trong dịp thăm Cuba năm 2018, ông Trọng đã khuyên các đồng sự Cuba hãy chấp nhận kinh tế thị trường”

    Nghe nói từ hổm tới giờ, lãnh đạo Việt Nam bị cấm cửa .

    “nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đảng Cộng sản Cuba không muốn cải cách”

    Cuba hiện giờ giống như VN của “đêm trước đổi mới”, và dân Cuba rõ ràng là khác dân mình . Họ có thể tin vào sự lãnh đạo của Đảng để vượt qua những khó khăn của thời kỳ quá độ tiến lên phản bội không, were watchin.

    “có thể thổi bùng lên những ngọn lửa bất ngờ”

    Chúng ta cần lên án chuyện này vì tính vô học & không ôn hòa của chúng . “Anti-Comunist”!!! Cứ đọc 10 điều răn biểu tình nhà ta thì biết . Bao nhiêu hy sinh của đa số -nói cho rõ- dân tộc để giải phóng miền Nam đã bị Đảng đổ sông đổ bể vì “Đổi Mới”, vấn đề là dân ta với truyền thống cách mạng yêu Đảng nồng nàn có đủ nhẫn tâm không ? Giặc chưa bao giờ là Đảng, là cách mạng, là quân đội nhân dân hay công an nhân dân . Mai Quốc Ấn còn nộp Đặng Văn Hiến cho công an thì ai dám chống Đảng ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây