Quỳ là một đức khiêm cung

Nhã Duy

10-7-2021

Đức Giáo Hoàng Francis hôn chân những lãnh đạo Sudan tại Vatican vào tháng Tư năm 2019. Ảnh trên mạng

Một lần đang trò chuyện với một nhóm người Việt, một người chỉ vào đám đông ngoài bãi đậu xe và bảo rằng, “mấy thằng gay kìa”. Tôi nhìn theo và thấy một nhóm nam nữ, hết thẩy đều mang áo thun hồng đang đứng trò chuyện.

Đồng tính thì đã sao? Nhưng điều ngộ nhận của người vừa trịch thượng trước đó là anh ta không biết rằng những thanh niên mang áo thun hồng hay gắn nơ hồng là những người tham gia nhóm hoạt động kêu gọi đại chúng lưu tâm về ung thư ngực. Anh ta cứ nghĩ đàn ông mang áo hay gắn nơ hồng là “gay”, là đồng tính vì không biết ý nghĩa của nó.

Tôi quay lại giải thích sơ cho anh ta như vậy. Chuyện anh ta không biết là điều bình thường nhưng thái độ của anh ta mới đáng trách. Đã không biết lại còn cười ngạo, phô bày sự thiếu hiểu biết của mình lẫn thái độ kém tôn trọng người khác, dù đã sống tại Mỹ cũng khá lâu.

Câu chuyện quỳ gối cũng vậy, dù điều này đã được bàn luận, giải thích từ vài năm qua, kể từ khi các cầu thủ chơi banh bầu dục quỳ gối lúc chào cờ để phản đối các vấn đề xã hội. Nó cũng trở thành câu chuyện mà một số người đã dùng chế giễu, tấn công một vài chính khách quỳ gối khi họ bày tỏ một thái độ đồng cảm hay chia sẻ nào đó.

Với riêng cộng đồng Việt, không ít người hào hứng mỗi khi thấy được cảnh tổng thống Joe Biden quỳ gối. Cho dù trước một trẻ nhỏ, một người già không đứng được hay mới nhất là trước một nữ cố vấn của tổng thống Do Thái khi ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ người phụ nữ có đến 12 đứa con nhưng vẫn tham gia chính trường và phục vụ quốc gia. Đó là cơ hội để họ chụp lấy và sỉ nhục, mạt sát không tiếc lời vị lãnh đạo nước Mỹ, người đã chiến thắng kẻ họ tôn thờ nhưng chưa bao giờ đủ khả năng lẫn tư cách lãnh đạo nước Mỹ.

Các cầu thủ bóng đá Đức và Anh cùng nhau quỳ gối đoàn kết với phong trào Black Lives Matter, chống lại sự phân biệt chủng tộc, trước trận đấu Euro 2020 tại Luân Đôn. Ảnh: DW news

Như anh chàng không biết về ý nghĩa của những chiếc áo thun hồng kể trên, những người Việt này chắc chắn chưa bao giờ hiểu được những ý nghĩa khác nhau của hành động quỳ trước người khác là gì. Đặc biệt với những người có đức tin tôn giáo mạnh mẽ hay những nhân vật quyền lực cao, mà tổng thống Joe Biden đều có cả hai.

Theo bài báo đăng trên tờ Washington Post của ký giả Matt Viser vào ngày 18 tháng Sáu năm 2021, theo học trường Công Giáo của những vị nữ tu, tổng thống Biden đã có ý định đi tu từ nhỏ. Mẹ ông đã khuyên hãy theo học đại học trước nên đến khi vợ con ông tử nạn trong một tai nạn xe cộ, vị thượng nghị sĩ trẻ lúc bấy giờ lại quay lại ý định muốn trở thành một linh mục nhưng bất thành. Bài báo viết rằng, đức tin là một phần quan trọng trong đời sống của tổng thống Joe Biden. Ông không bỏ lễ, người ta thấy ông làm dấu thánh, lần chuỗi mân côi hay thường trích dẫn kinh Thánh trong các phát biểu. Và hơn hết, ông sống và thực hành theo đức tin.

Đó là lý do ông thường quỳ gối trước người thua kém mình hay khi muốn biểu đạt sự đồng cảm, ngưỡng mộ nào đó. Một thói quen, một biểu hiện của một người ngoan đạo và am hiểu Thánh kinh.

Quỳ gối có thể bị xem là hành động vâng phục hay thua kém trước người quyền lực trong văn hóa này nhưng không nhất thiết mang ý nghĩa như vậy trong nền văn hóa hay tôn giáo khác, đặc biệt với người có đức tin thuần thành. Hãy đọc vài trích dẫn từ Thánh Kinh:

“Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự giá. Cũng vì đó nên Ðức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh” (Philippians 2:8-9: “And being found in appearance as a man, he humbled himself by becoming obedient to death – even death on a cross! Therefore God exalted him to the highest place and gave him the name that is above every name).

Hay, “Khi Bathsheba đến gặp Vua Solomon để bẩm với ngài giùm cho Adonijah, nhà Vua đứng dậy đón bà, gập người chào bà và rồi ngồi xuống ngai vàng” (1 Kings 2:19: “When Bathsheba went to King Solomon to speak to him for Adonijah, the king stood up to meet her, bowed down to her and sat down on his throne.”)

Có thể kể thêm vô số những trích dẫn khác từ Thánh kinh về Chúa Jesus, vua Solomon, vua David hay những nhân vật khác về câu chuyện cúi mình, quỳ xuống. Chẳng có gì sai trái khi tỏ lòng kính trọng với những người anh em, đặc biệt với người thấp hơn mình lại càng là hành động danh dự và đáng kính hơn.

Hơn ai hết, đức Giáo Hoàng Francis là người thường thực hành điều này khi quỳ hôn hay ôm chân những người khác. Há không phải như lời trích trong “Thư gởi tín hữu Phi-líp-phê” đã dẫn bên trên hay sao? Đó là hành động khiêm cung, tôn vinh người khác bằng cách tự hạ mình xuống, cho dù đang ở một vai trò quan trọng. Hành động của tổng thống Joe Biden cũng mang cùng ý nghĩa như vậy.

Không thể kỳ vọng mọi người sẽ biết hay hiểu hết mọi điều, nhưng đời sống là một quá trình học hỏi. Cho đến khi thấu đáo thêm dăm điều, những người Việt thường lên tiếng ngạo báng, dè bỉu trước hành động cúi chào hay quỳ chân của những giới chức tôn giáo hay chính trị có lẽ cũng không cần thiết phải tiếp tục phô bày sự kém hiểu biết và thiếu văn minh của mình nơi công chúng nhiều đến vậy.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Vấn đề là quỳ gối trước Ai???? Quỳ gối vì lẽ gì????
    Ở cái nước Đảng chỉ duy nhất quan điểm là ban ơn, là đóng góp thì làm sao phải quỳ. Tớ nói vậy có đúng không hả các bậc” hiền tài tai họa quốc gia!” nhân sĩ trí thức ‘” Rùa Mù Đớp gươm”

  2. Hãy so sánh Tổng thống Joe Biden quỳ gối với cái miệng cười nịnh bợ của Chu Ngọc Anh trước Nguyễn Tấn Dũng, thì có thể đánh giá được nhân cách.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây