Từ Cần Tiên, viên tướng dũng cảm đã chống lệnh của Đặng Tiểu Bình và Quân ủy Trung ương Đảng CSTQ

Bùi Xuân Bách

8-7-2021

Ngày mồng 4/6/1989, quân đội TQ đã đàn áp dã man cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên, học sinh trên quảng trường Thiên An Môn. Nhiều đơn vị lớn của Quân đội được điều về Bắc Kinh tham gia trấn áp, trong đó có Tập đoàn quân 38, đóng tại Bảo Định, vùng trung tâm tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 150km về phía Tây Nam.

Đây chỉ là một trong những đại đơn vị được điều động, theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Dương Thượng Côn, Chủ tịch nước từ năm 1988, Phó Chủ tịch Quân ủy.

Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư Đảng và Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương không ký mệnh lệnh này.

Tập đoàn quân 38 là đơn vị lục quân thiện chiến, được trang bị tối tân nhất và huấn luyện tốt nhất trong toàn quân, được hình thành từ Quân đoàn 38, bao gồm 5 Sư đoàn (xe tăng, thiết giáp, cơ động, bộ binh và pháo binh), 3 lữ đoàn (tên lửa đạn đạo, cao xạ pháo, công binh) cùng 1 đạị đội trực thăng, 1 trung đoàn hóa học, 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn thông tin… Quân số khoảng 8,6 vạn người.

Giai đoạn 1988-1989, Tư lệnh Tập đoàn quân là Thiếu tướng Từ Cần Tiên, Chính ủy Vương Phúc Nghĩa.

Theo Dương Kế Thằng (tác giả cuốn “Bia Mộ”), nhà báo kỳ cựu của Tân Hoa Xã, thì thời gian này, Từ Cần Tiên đang nằm bệnh viện do cần giải phẫu lấy sỏi thận. Hàng ngày ông vẫn theo dõi tiến triển của phong trào sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn qua truyền hình cùng báo chí và ông đã khóc khi họ bắt đầu tuyệt thực.

Theo Dương, Từ Cần Tiên đang bình phục sau khi đã được lấy sỏi thận ra. Ngày 17/5/1989, Lý Lai Trụ, Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh đã tới thăm ông. Ông được thông báo về việc phải triển khai đơn vị và lệnh Thiết quân luật sẽ được ban bố ngày 19/5, cũng như được yêu cầu thể hiện sự ủng hộ của mình với tư cách là một Tư lệnh Tập đoàn quân.

Tướng Từ Cần Tiên. Nguồn: SCMP

Từ Cần Tiên đã trả lời rằng, ông không thể thực hiện một lệnh miệng và yêu cầu được xem văn bản mệnh lệnh. Khi Lý Lai Trụ nói rằng, hiện đang là “thời chiến” và văn bản mệnh lệnh sẽ được cung cấp sau, Từ đã đáp lại, hiện chẳng có cuộc chiến nào cả và nhắc lại việc từ chối thi hành lệnh miệng. Sau đó, Từ đã gọi điện thoại cho Lưu Chấn Hoa, Chính ủy Quân khu Bắc Kinh, thông báo việc mình khước từ thi hành mệnh lệnh. Ông đã nói riêng với bạn bè mình rằng, chẳng thà ông bị hành quyết còn hơn là trở thành tội đồ trong lịch sử.

Sang ngày 18, Chủ tịch nước Dương Thượng Côn được biết việc Từ Cần Tiên không chấp hành mệnh lệnh và ông ta đã mất ngủ nhiều ngày. Ông ta tham khảo ý kiến của Đặng Tiểu Bình và Đặng đã nói rằng, một người lính như Từ không thể không chấp hành mệnh lệnh được. Từ bị bắt ngay trong bệnh viện và bị đưa ra tòa án binh.

Theo “Tài liệu Thiên An Môn” (The Tiananmen Papers), Dương Thượng Côn đã cử Châu Y Băng, Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, tới Bảo Định để thuyết phục Từ. Từ Cần Tiên đã hỏi Châu, ba nhân vật trụ cột của Quân ủy Trung ương đã nhất trí thông qua lệnh thiết quân luật chưa? Châu trả lời rằng, Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Dương Thượng Côn, phó Chủ tịch, đã thông qua, còn Triệu Tử Dương, phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy thì không.

Không có sự đồng ý của Triệu Tử Dương, Từ Cần Tiên đã từ chối thi hành mệnh lệnh này và yêu cầu nghỉ ốm. Yêu cầu của ông không được chấp nhận, nhưng ông cũng không có mặt tại đơn vị.

Sau này, khi được tờ báo “The Sydney Morning Herald” phỏng vấn về việc này, Châu Y Băng cũng thừa nhận như vậy.

Theo Ngô Nhân Hoa, một học giả hiện đang sống ở Mỹ và cũng đã từng là sinh viên tham gia vào sự kiện Thiên An Môn, Từ Cần Tiên đã được triệu tập tới trụ sở Quân khu Bắc Kinh theo lệnh của Tư lệnh Châu Y Băng và Chính ủy Lưu Chấn Hoa vào khoảng giữa tháng 5. Từ không phản đối ngay lập tức, nhưng trở về Bảo Định, chuẩn bị hậu cần cho đơn vị trong khi chờ lệnh. Sau đó ông gọi cho Quân khu thông báo rằng, ông không thể chỉ huy đơn vị vì tình trạng sức khỏe và trở về bệnh viện Quân khu, nơi ông bị bắt.

Theo Cao Du, nữ phóng viên và nhà báo lâu năm, một người bất đồng chính kiến từng bị tù đầy, Từ Cần Tiên bị gọi lên Trụ sở Quân khu một ngày sau khi từ chối nhận lệnh. Giữa đường, chiếc xe bị bắt cóc và họ đã giấu ông qua đêm, trong khi những người của Tập đoàn quân 38 tiếp tục kiếm tìm.

Việc Từ Cần Tiên chống lệnh khiến cho một số lãnh đạo của Đảng Cộng sản lo ngại về sự nổi loạn trong quân đội và họ càng tin rằng, cuộc biểu tình của sinh viên học sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng cần phải loại bỏ. Sau khi thay đổi các viên chỉ huy của Tập đoàn quân 38, dưới sự lãnh đạo của họ, đơn vị này đã đóng vai trò đắc lực trong việc trấn áp cuộc biểu tình.

Từ Cần Tiên bị đưa ra tòa án binh, song trước tòa ông vẫn giữ vững lập trường của mình, tuyên bố rằng: “Quân đội Nhân dân trong toàn bộ lịch sử của nó chưa từng được dùng để đàn áp nhân dân, tôi từ chối việc bôi nhọ hồ sơ lịch sử này”. Ông bị khai trừ Đảng và chịu án 5 năm tù giam.

Cũng theo Cao Du, Từ Cần Tiên bị chuyển từ trại giam quân đội sang Tần Thành giam ngục (ở Bắc Kinh, nơi giam giữ những nhân vật quan trọng) theo lệnh của Dương Bạch Băng (em cùng cha khác mẹ với Dương Thượng Côn), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông bị giam 4 năm ở Tần Thành và năm cuối cùng trong bệnh viện Công an. Sau khi ra tù, ông phải sống cách ly ở Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) theo lệnh của Giang Trạch Dân và không được trở về Bắc Kinh.

Trong 20 năm sau đó, người ta không được biết tin tức gì về ông. Ông mất tháng 1/2021.

Từ Cần Tiên sinh tháng 8/1935 tại Dịch huyện, nay là Lai Châu thị, tỉnh Sơn Đông, trong một gia đình nông dân nghèo. Tháng 12/1950 nhập ngũ, đã tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên. Từ một người lính trơn đi lên, trở thành tướng lĩnh.

Ngoài ông ra, còn có Thiếu tướng Hà Yên Nhiên, Tư lệnh, cùng Chính ủy Trương Minh Xuân của Tập đoàn quân 28 cũng chống lệnh. Khi những người biểu tình đốt cháy xe thiết giáp của đơn vị, Hà Yên Nhiên không cho phép nổ súng và đơn vị không có mặt đúng hạn chót, 5h30 sáng mồng 4/6/1989, tại quảng trường Thiên An Môn. Hai người này cũng đều bị đưa ra Tòa án binh.

Ngoài ra còn có các nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình và Tần Cơ Vĩ cũng phản đối việc đàn áp. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Tiêu Khắc cùng 6 viên thượng tướng “khai quốc công thần” (*) khác cũng viết thư gửi quân ủy Trung ương, trong đó có đoạn: “Do tình hình khẩn cấp, chúng tôi với tư cách là những người lính già, xin đưa ra yêu cầu như sau: Vì Quân đội nhân dân vốn thuộc về nhân dân, nó không thể chống lại nhân dân, đừng nói tới việc giết hại, và nhất định không thể cho phép bắn vào dân, gây ra cảnh đổ máu; để ngăn chặn tình hình leo thang, Quân đội phải không được phép tiến vào thành phố”.

(Đã ký tên, gồm các Thượng tướng Diệp Phi, Trương Ái Bình, Tiêu Khắc, Dương Đắc Chí, Trần Tái Đạo, Tống Thời Luân, Lý Tụ Khuê).

_____

Chú thích:

(*) Các tướng lĩnh được phong quân hàm trong đợt đầu tiên năm 1955, đều là những người đã có công lao hãn mã trong các cuộc chiến tranh giành chính quyền của Đảng Cộng sản, đưa tới việc thành lập nước CHND Trung Hoa. Do đó xuất hiện cụm từ “khai quốc công thần” đi cùng cấp bậc.

Trong số vài ngàn viên tướng được phong, chỉ có 10 Nguyên soái và 10 Đại tướng, bởi vậy cấp Thượng tướng là cực kỳ cao và họ cũng giữ nhiều trọng trách trong hệ thống Đảng và Nhà nước.

Tham khảo thêm:

John Garnaut, “How top generals refused to march on Tiananmen Square”, The Sydney Morning Herald 2010-06-04

– O’Neill, Mark (13 March 2011). “The story of an army commander who disobeyed Deng”. South China Morning Post. Retrieved 11 January 2021.

徐勤先 – 维基百科,自由的百科全书. https://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%BE%90%E5%8B%A4%E5%85%88

– 中國人民解放軍陸軍第二十八集團軍. https://zh.wikipedia.org/wiki/%E4%B8%AD%E5%9C%8B%E4%BA%BA%E6%B0%91%E8%A7%A3%E6%94%BE%E8%BB%8D%E9%99%B8%E8%BB%8D%E7%AC%AC%E4%BA%8C%E5%8D%81%E5%85%AB%E9%9B%86%E5%9C%98%E8%BB%8D

Bình Luận từ Facebook