Lý do cánh hữu cực đoan hoảng sợ và chối bỏ “Lý thuyết Chủng tộc Phê phán” (Critical Race Theory)

Việt Linh

6-7-2021

Từ rất lâu, các học giả và nhà hoạt động dân quyền ở Hoa Kỳ đã tìm hiểu, tranh luận về các phương cách giải quyết của luật pháp Hoa Kỳ đối với công lý chủng tộc và phân biệt chủng tộc.

Critical Race Theory“, mà tôi xin tạm dịch là “Lý thuyết chủng tộc phê phán” bắt nguồn từ giữa thập niên 1970 và sôi nổi nhất là trong thập niên 1980, đem đến nhiều nghiên cứu pháp lý quan trọng, tập trung nhiều hơn vào vấn đề chủng tộc và phân biệt chủng tộc, rằng tại sao bất bình đẳng chủng tộc lại tồn tại lâu hơn rất nhiều so với sự phân biệt đối xử về chủng tộc.

Phân tích một cách đơn giản và dễ hiểu hơn, thì đây là những định kiến tiêu cực và có chủ ý phân biệt chủng tộc qua màu da, cộng với quan điểm xem trọng quyền tối cao của người da trắng thượng đẳng là một nhận thức xã hội chủ yếu phục vụ lợi ích của người da trắng, chống lại những thiệt thòi về quyền lực và lợi nhuận tự nhiên của khối người da trắng và ngăn chặn sự phát triển của các cộng đồng thiểu số da màu.

Kể từ năm 2020, dưới thời Trump, một kẻ có đầu óc chủ trương kỳ thị, phân biệt chủng tộc công khai, các nhà lập pháp bảo thủ ở Hoa Kỳ đã tìm cách cấm hoặc hạn chế hướng dẫn lý thuyết chủng tộc phê phán cùng với các chương trình chống phân biệt chủng tộc khác, trong hệ thống học đường và trong các chương trình huấn luyện quân sự trong quân đội. Mục đích của những nhà bảo thủ cực đoan trong đảng Cộng Hòa là ngăn sự ảnh hưởng lan rộng bởi các cuộc thảo luận rộng hơn về phân biệt chủng tộc, bình đẳng, công bằng xã hội và lịch sử chủng tộc trên toàn nước Mỹ, đặc biệt nhất là tại các tiểu bang đỏ, dưới sự ảnh hưởng của đảng Cộng Hòa.

Các nhà sáng lập “Lý thuyết chủng tộc phê phán” đã định nghĩa lại với những sửa đổi quan trọng trong những năm 1994 và 2017, bằng cách kêu gọi sự lên tiếng từ mọi công dân Mỹ chân chính, bất kể màu da, một nhận thức đúng đắn, nhằm phê phán chống lại những luật lệ, định kiến và trật tự xưa cũ của nền pháp lý lỗi thời bởi quan điểm dựa trên sự phân biệt chủng tộc.

Nên có thể định nghĩa một cách rút gọn, sáng nghĩa hơn, “Lý thuyết phê phán chủng tộc” chính là hiện thân của hoạt động dân quyền, được tạo ra để đối lập với quyền lực của một nhóm người có định kiến phân biệt chủng tộc.

Tính đến năm 2002, hơn 20 trường luật tại Mỹ và 3 trường luật ở các nước khác đã bắt đầu cung cấp các lớp giảng dạy về “Lý thuyết chủng tộc phê phán” và áp dụng trong các môi trường giáo dục, khoa học chính trị, nghiên cứu về quyền cho nữ giới, nghiên cứu dân tộc, truyền thông, xã hội học và nghiên cứu.

Trong thời gian 4 năm nắm quyền, Donald Trump đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ huỷ bỏ tài trợ cho các chương trình lên án “đặc quyền của người da trắng thượng đẳng” hoặc tranh luận về “Lý thuyết chủng tộc phê phán”. Trump cũng từng lên án trực tiếp “Lý thuyết chủng tộc phê phán” vào ngày 17/9/2020 và cho thành lập một “Uỷ ban 1776 – Giáo dục yêu nước” với mục đích bịt miệng các tổ chức phát triển rộng “Lý thuyết chủng tộc phê phán”, nhưng chỉ đến sau khi Tổng Thống Joe Biden nhậm chức, thì “Uỷ ban 1776 – Giáo dục yêu nước” mà Trump đã lập ra mới thật sự bị dẹp bỏ.

Nhưng với chủ trương bảo thủ cực đoan của đảng Cộng Hòa, các tiểu bang đỏ vẫn không ngừng cuộc chiến đánh bại “Lý thuyết chủng tộc phê phán“, điển hình là Thống Đốc tiểu bang Idaho, Brad Little ký ngày 4/5/2021 (cách đây khoảng 2 tháng) một dự luật nghiêm cấm bất kỳ thực thể giáo dục nào trong tiểu bang giảng dạy “Lý thuyết phê phán chủng tộc” và “Công bằng xã hội“.

Tiếp theo sau Idaho, Ron deSantis, Thống Đốc tiểu bang Florida, ngày 10/6/2021 (hơn 3 tuần trước) ký một dự luật nghiêm cấm tất cả các trường công lập giảng dạy “Lý thuyết chủng tộc phê phán“. Tính đến nay, đầu tháng 7, đã có 8 tiểu bang của Hoa Kỳ, thuộc ảnh hưởng của đảng Cộng Hòa đã ban hành luật cấm giảng dạy “Lý thuyết chủng tộc phê phán“, 9 tiểu bang đỏ khác cũng đang chuẩn bị ra những dự luật tương tự.

Những thành phần bảo thủ cực đoan quan niệm rằng, cuộc sống và tương lai của những người Mỹ gốc Phi không quan trọng, lý thuyết chính trị của những đảng viên Cộng Hòa là những khái niệm cứng rắn, rằng “phân biệt chủng tộc” được hình thành sẵn trong các hệ thống pháp luật và chính sách của nước từ thời lập quốc đến nay, không nên thay đổi.

Và nói đến “Lý thuyết chủng tộc phê phán” thì phải nói đến thuật ngữ “huỷ bỏ văn hóa“, tại đại hội đảng Cộng Hòa năm 2020, họ đã mô tả “huỷ bỏ văn hóa” là cách thức phân biệt của những người cánh tả thuộc đảng Dân Chủ nhằm mục đích xóa bỏ lịch sử của chủ thuyết phân biệt chủng tộc của nhóm cánh hữu cực đoan, đây thực chất là những kẻ xâm lược đến từ châu Âu, họ đã đến đây và giết người, hãm hiếp, cướp bóc, tước đoạt đất đai và phẩm giá con người của những thổ dân da đỏ khi xưa. Những người chủ trương da trắng thượng đẳng cho đó là những chiến tích lẫy lừng cần phải gìn giữ bảo vệ, những người da trắng thuộc thế hệ sau này hầu như không hề cảm thấy xấu hổ, nhục nhã về lịch sử xấu xí của cha ông mình.

Thuật ngữ “huỷ bỏ văn hóa” được hơn phân nữa người Mỹ ủng hộ qua việc rút lại sự ủng hộ đối với nhân vật hay công ty nào đó sau khi họ đã làm hoặc nói điều gì đó bị xem là phản cảm, dối trá, xúc phạm hay miệt thị người khác. Những đảng viên Cộng Hòa đang bị nhiều hình thức trừng phạt “huỷ bỏ văn hóa” ngày càng nhiều bởi người dân Mỹ, các công ty lớn trên cả nước bởi những hành vi đàn áp cử tri và quyền bỏ phiếu, ủng hộ những kẻ gây bạo loạn trong ngày ô nhục 6/1, chống lại những dự luật tích cực của Quốc Hội và chính phủ và ngày càng ngiêng về chủ trương cực đoan, bạo lực đảng phái.

Chỉ cách đây 10 ngày, dân biểu Jim Bank của tiểu bang Indiana đã phát biểu như sau: “Là đảng viên Cộng Hòa, chúng tôi bác bỏ chủ nghĩa thực chất về chủng tộc mà lý thuyết chủng tộc phê phán định nghĩa và giảng dạy… rằng các thể chế của chúng tôi là phân biệt chủng tộc, chúng tôi muốn phá bỏ những định lý này. Phân biệt chủng tộc không phải là điều gì bất thường, mà nó là những điều bình thường trong cuộc sống của xã hội Mỹ”.

Nhưng các đảng viên Cộng Hòa hầu như đã quên lịch sử với những tiến độ pháp lý chậm chạp đã đem đến những bất công và đau khổ cho người Mỹ gốc Phi từ sau cuộc nội chiến năm 1865, kéo dài cho đến khi có được Tu chính án thứ 14 vào năm 1868, với những người bị xem là nô lệ trước đây được bảo vệ bình đẳng theo luật pháp và Tu chính án thứ 15 vào năm 1870, bảo đảm quyền bầu cử cho nam giới, bất kể chủng tộc hay tình trạng nô lệ trước đó. Dù vậy, các cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi công dân vẫn liên tục diễn ra ở nước Mỹ thời hậu chiến, bởi sự lan rộng đầy nét tiêu cực và thù hằn của luật “Jim Crow” trên khắp đất nước, đòi hỏi phải có sự tách biệt trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống.

Tình hình khả quan hơn trong thế kỷ 20 và 21, khoảng cách giàu nghèo giữa người da đen và da trắng ít đi, trong khi sự phân biệt về trường học và nhà ở hầu như vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Phân biệt chủng tộc thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống, hạnh phúc và cơ hội sống của người da đen, da màu, và cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên xứ sở này cũng không phải ngoại lệ.

Trong thời đại chúng ta đang sống hiện nay, không ai có thể bác bỏ sự hợp pháp của thuật ngữ “Lý thuyết chủng tộc phê phán” là một nghiên cứu trí tuệ nhằm chứng minh sự hợp pháp hóa về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, đưa ra ánh sáng những cách áp bức chủng tộc đã hình thành từ lâu trong những hệ thống pháp lý và đang được đảng Cộng Hòa sử dụng để tạo ra những dự luật đàn áp nhiều nhất có thể.

Nước Mỹ không phải là một đất nước có một thể chế đạo đức trọn vẹn, các yếu tố nền tảng của luật pháp Hoa Kỳ, các hệ thống xã hội, kinh tế, giáo dục và chính trị vẫn còn hiện hữu đây đó những cấu trúc còn tồn tại quan điểm phân biệt chủng tộc gần như công khai, và sau cùng, vấn nạn phân biệt chủng tộc là một cưộc đấu tranh lâu dài, mãi mãi mà nước Mỹ không thể nào thoát khỏi được, nó sẽ không biến mất nếu chúng ta không có sự can đảm để cố gắng giải quyết tận gốc rễ.

Tham khảo:

https://nymag.com/intelligencer/2021/06/the-white-panic-behind-critical-race-theory.html

https://theconversation.com/structural-racism-what-it-is-and-how-it-works-158822

https://www.huffpost.com/entry/critical-race-theory-in-schools_n_60dc5e6de4b058eea49d3c64

https://theconversation.com/critical-race-theory-what-it-is-and-what-it-isnt-162752

Youtube channel: https://www.youtube.com/channel/UCLN3-zo7pC2EgezqO-NSbMQ

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Phải chăng ở thời điểm này thuyết đấu tranh giai cấp không đủ khả năng kích động
    người dân Mỹ được nữa,nên phải cầu vìện thêm thuyết “đầu tranh chủng tộc” dưới
    chiêu bài chống bọn “thượng đẳng da trắng” thì mới dễ làm đế quốc Mỹ auy kiệt ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây