Tác giả: Francis Fukuyma
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
27-6-2021
Lời người dịch: Bang giao Hoa Kỳ và Trung Quốc bước một bối cảnh mới sau khi Joe Biden nhậm chức: Cả hai cường quốc chấp nhận phục hoạt chủ nghĩa đa phương, là một cơ chế tối thiểu và hữu hiệu để bắt đầu hợp tác song phương và quốc tế.
Sau các cuộc hội thảo song phương ở Alaska, G7 và NATO, một sự thất vọng phơi bày: Hai cường quốc trở nên gay gắt cáo buộc nhau về bản chất của chế độ, nên các vấn đề tồn đọng như cạnh tranh mậu dịch, chuyển giao công nghệ, vi phạm nhân quyền, Đài Loan và Biển Đông, không có những cách giải quyết mới cho phù hợp. Quan trọng nhất là cả hai đều quên lợi ích phát triển của các nước chậm tiến và giá trị phổ quát cho cộng đồng quốc tế.
Các bất lực nội tại của từng chế độ vẫn không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không biện minh được tính cách ưu việt của chế độ, trong khi cực lực bài bác các điểm yếu của đối phương. Trung Quốc không thể biện minh cho việc vi phạm luật thương mại quốc tế, tác quyền trí tuệ và chuyển giao công nghệ, là một mô hình lý tưởng trong việc phát triển để cho các nước noi theo. Việc vi phạm nhân quyền trong nước, cạn kiệt môi sinh và lạm dụng địa chính trị để xâm chiến khu vực cũng không phải là đặc thù mà Trung Quốc tiếp tục hãnh diện.
Mô hình phát triển của phương Tây cũng đã đi vào tàn lụn vì khủng hoảng tài chánh, bất bình đằng xã hội, bất công kinh tế và kỳ thị sắc tộc không được giải quyết.
Vấn đề không dừng lại ở các luận điểm về đối tác chiến lược, canh tranh kinh tế hay phân hoá xã hội, mà quan trọng hơn là tìm xem cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ có nguồn lực thật sự của một cường quốc, niềm tin nơi xã hội và khả năng lãnh đạo không. Nhìn chung, không có một bảo đảm nào cho hai chế độ có thể vận hành hoàn hảo trong tương lai.
Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay không quan tâm đến những lợi ích của các quốc gia láng giềng và quốc tế. Cả hai đã sử dụng ngoại giao độc hại để làm trầm trọng hơn cho tình hình. Do đó, việc hồi phục chủ nghĩa đa phương không mang lại một ý nghĩa thiết thực nào như kỳ vọng ban đầu.
Tình trạng bất trắc sẽ là một lo âu chung cho cộng đồng quốc tế. Tình hình đối đầu tại Biển Đông có thể dẫn đến một cuộc thế chiến vào năm 2034 không, còn quá nhiều yếu tố để thảo luận mà tiểu thuyết giả tưởng của Eliot Ackerman và James Stavridi là một đóng góp hữu ích.
***
2034: A Novel of the Next World War tưởng tượng về một cuộc chiến tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, diễn ra trong cùng năm, giống như sách Hạm đội Ma của Peter Singer. Đô đốc Stavridis có một binh nghiệp nổi bật bao gồm việc chỉ huy một nhóm tàu sân bay chiến đấu không kích, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Nam và sau đó là Tư lệnh Tối cao Đồng minh châu Âu, trước khi nghỉ hưu và trở thành Khoa trưởng của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher. Cuốn tiểu thuyết là một bài đọc nhanh chóng và hấp dẫn, chứa đầy các chi tiết của các hoạt động hải quân, mang lại cho sách rất nhiều màu sắc và tính hợp lý.
Điều làm tôi lo lắng là, đôi khi chúng ta không hình dung được một cách phù hợp về một cuộc chiến trong tương lai với Trung Quốc, có thể khởi động như thế nào. Viễn cảnh của một cuộc chiến như vậy khủng khiếp đến nỗi người dân bình thường trong và ngoài khu vực chọn cách né tránh chủ đề này, đó là chuyện tự nhiên.
Tuy nhiên, nếu muốn ngăn chặn một cuộc chiến như vậy, chúng ta cần nghĩ kỹ về những kịch bản này và soạn thảo kế hoạch đối phó. Ngày càng có nhiều sự công nhận là đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Đài Loan dễ bị tổn thương, cho đến nay, việc này có ít người coi trọng. Trong năm qua, Trung Quốc đã hành xử quá gây hấn đối với Đài Bắc và những lời lẽ hùng hồn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi dùng các hành động quân sự để buộc phải thống nhất đất nước đã trở nên thường xuyên và chói tai hơn. Nếu không xem việc công bố các ý định này một cách nghiêm túc thì sẽ thật là điên rồ.
Trong Chiến tranh Lạnh, các chiến lược gia đã nghĩ qua một số kịch bản kinh điển cho một cuộc xung đột giữa khối NATO-Warsaw, như một cuộc chiếm đóng của Liên Xô tại Berlin hoặc Hamburg, hoặc một cuộc xâm lược toàn diện trên khắp đồng bằng Bắc Đức. Các kịch bản về cách mà hai bên có thể leo thang dẫn đến khái niệm mở rộng việc răn đe và các khoản đầu tư mới cho các lực lượng quy ước mà nó sẽ làm cho sự leo thang nhanh chóng ít có khả năng xảy ra.
Trong khi những người lên kế hoạch tại chỗ như Bộ Tư lệnh Ấn Độ -Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã làm việc tận tụy về những biện pháp dự phòng như vậy, đã có rất ít cuộc thảo luận công khai về một cuộc chiến trong tương lai ở Đông Á có thể xảy ra như thế nào, hoặc mức độ leo thang mà họ sẽ liên luỵ. Đây là những gì làm cho một tác phẩm hư cấu như 2034 mang lại một giá trị đặc biệt. Bất kỳ nỗ lực nào như vậy để đưa ra các kịch bản sẽ gây chỉ trích về tính hợp lý của chúng, và không có kịch bản nào có vẻ hoàn toàn hợp lý cho đến sau khi nó xảy ra.
Cảnh báo: Cuộc chiến diễn ra vào năm 2034 bắt đầu với việc Trung Quốc sử dụng việc kết hợp khả năng tấn công trên mạng và lén lút để che mắt không chỉ Hạm đội Thái Bình Dương, mà còn trong toàn bộ Cơ quan Chỉ huy Quốc gia Hoa Kỳ. Trung Quốc đồng thời giúp Iran kiểm soát máy bay của Mỹ kiểu F-35 ở Vịnh Ba Tư và buộc phi công phải hạ cánh ở Bandar Abbas. Cắt đứt các mối liên lạc trong chỉ huy, một nhóm khu trục hạm thực hiện một cuộc thao diễn quân sự về Tự do Hàng hải gần các đảo ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là có chủ quyền, bị nhử vào trong một cuộc chạm trán, và ba chiến hạm Mỹ bị đánh chìm. Sau đó, gánh nặng của vị tổng thống Mỹ hoặc là sẽ lùi bước hoặc trả đũa.
Sau đó, khi cố gắng trả đũa, Washington phải chịu sự thất bại thậm chí còn nhục nhã hơn và mất một bộ phận đáng kể trong binh chủng Hải quân. Tại thời điểm này, Trung Quốc di chuyển về hướng Đài Loan, bạn phải đọc cuốn sách này để tìm hiểu về những hậu quả bất ổn sẽ xảy ra. Cho tôi ghi nhận rằng, Tổng thống Hoa Kỳ vận dụng vũ khí hạt nhân như là một chiến thuật tương đối sớm vì không có nhiều lựa cách chọn thông thường khác như theo ý mình muốn sử dụng.
Ý tưởng cho rằng Trung Quốc có thể chế ngự toàn diện lĩnh vực không gian mạng kể từ bây giờ cho đến mười bốn năm nữa, hiện nay việc này dường như không thể xảy ra. Nhưng đó là một lời cảnh báo hữu ích để cho thấy lĩnh vực chính của việc cạnh tranh chiến lược đã thay đổi đáng kể như thế nào và có thể tiếp tục thay đổi nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp để bảo vệ chính mình.
Đóng góp quan trọng hơn của cuốn sách là giúp cho chúng ta xác định mức leo thang. Nhiều chiến lược gia không kinh nghiệm sẽ nói rằng, việc cố tình đánh chìm ba chiến hạm Mỹ và hậu quả là mất hàng ngàn sinh mạng người Mỹ sẽ gây ra một cuộc chiến toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và vì lý do đó sẽ là một rủi ro quá lớn đối với bất kỳ giới lãnh đạo Trung Quốc nào. Nhưng đây chính xác là một phần của kịch bản mà tôi thấy hợp lý một cách đáng sợ. Nỗi sợ hãi về cuộc chiến toàn diện giảm đi theo cả hai chiều hướng: Hoa Kỳ phải mất mát nhiều như Trung Quốc trong bất kỳ sự trả đũa nào, và đó là việc thúc đẩy cho họ nhiều hơn là không leo thang thành chiến tranh toàn diện ngay trong những trường hợp này.
Loại tính toán sai lầm này đã xảy ra trước đây trong lịch sử. Người Nhật đã không tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, khi họ nghĩ rằng Hoa Kỳ sau đó sẽ tuyên chiến toàn diện và tiến quân qua Thái Bình Dương để chiếm đất Nhật Bản, hoặc họ có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy. Các nhà hoạch định cuộc tấn công tính toán rằng, một phản ứng như vậy sẽ quá tốn kém, đến nỗi Hoa Kỳ sẽ lùi bước và để Nhật Bản làm gì như họ muốn ở Mãn Châu, Singapore và Đông Ấn thuộc Hà Lan.
Về sau khi nhìn lại, chúng ta mới biết rằng người Mỹ sẵn sàng trả cái giá đó, nhưng liệu họ có làm như vậy trong một cuộc chiến tương lai ở Đông Á không? Các vũ khí hạt nhân và triển vọng thương vong trầm trọng ở Lục địa Hoa Kỳ không xảy ra năm 1941, nhưng chúng sẽ xảy ra ở bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai với Trung Quốc.
Có những phần khác của kịch bản trong sách năm 2034 ít hợp lý hơn. Cuộc chiến Mỹ-Trung không leo thang vì có sự can thiệp của Ấn Độ, lúc đó đã phát triển khả năng quyền lực mà không ai lường trước được. Có tiền đề cho rằng, khả năng trên không gian mạng đã trở nên quá hoàn hảo đến mức gây cho các cơ quan chỉ huy hoàn toàn mù quáng cho phép các nhóm tàu sân bay chiến đấu (CBG) hoạt động gần bờ biển của kẻ thù và vẫn xem là có liên đới.
Nếu tiền đề về không gian mạng lỏng lẻo hơn, các CBG trở nên rất dễ bị tổn thương nhiều hơn trước so với loại tên lửa đạn đạo và tầm xa, và rất có thể sẽ phải triệt thoái sớm trong cuộc xung đột. Các phi công anh hùng thuộc binh chủng Hải quân đóng một vai trò quan trọng trong sách năm 2034, nhưng sẽ không có khả năng này nếu tình trạng lộn xộn thật sự bắt đầu. Người ta tưởng tượng kịch bản của cuốn sách sẽ diễn ra rất khác, nếu Stavridis là một người chỉ huy tàu ngầm, không phải là nhóm tàu sân bay tấn công.
Tuy nhiên, điều này không làm mất đi tính cách hữu ích của tiểu thuyết. Ngoài các nhà hoạch định quân sự chuyên nghiệp, đơn giản là hiện nay không có nhiều suy nghĩ khó khăn về một cuộc chiến ở châu Á và tình trạng leo thang có thể diễn ra như thế nào. Trong Chiến tranh Lạnh, các Tổng thống Hoa Kỳ và bộ tham mưu dân sự của họ đã có những ý tưởng khá rõ ràng về việc mở rộng các răn đe, và có thể kéo lùi các nhà hoạch định quân sự, nếu kịch bản của họ dựa vào các tiền đề đáng ngờ. Tôi không đoán chắc đó là trường hợp cho hiện nay.
Nếu có một mục tiêu duy nhất cho chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm vào châu Á, đó là ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự Mỹ-Trung xảy ra. Cách mà bạn làm điều này không phải bằng cách bỏ qua khả năng chiến tranh hoặc từ bỏ việc soạn thảo kế hoạch chống lại nó; thay vào đó, bạn cần hiểu chính xác điểm leo thang nằm ở đâu và làm thế nào để tự tạo các lựa chọn thay thế cho các lựa chọn quan trọng và phá hoại được mô tả trong sách năm 2034. Để đạt mục tiêu này, một công trình tưởng tượng theo lối tiểu thuyết có thể hữu ích hơn bất kỳ số lượng bài báo học thuật nào khác về chủ đề này.
Bài liên quan: Điều gì có thể gây ra chiến tranh Mỹ-Trung?— Hồi phục và tương tranh của Mỹ và Trung Quốc