BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tập trận cả tuần ở vịnh Bắc bộ. Theo thông báo được đăng trên website của Cục Hải sự TQ (MSA) hôm qua, Quân đội TQ sẽ tiến hành cuộc tập trận ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu, tức phía đông vịnh Bắc bộ của VN, từ ngày 19 đến ngày 25/6, tàu thuyền không phận sự bị cấm vào khu vực tập trận.
Trung Quốc liên tục tập trận ở vịnh Bắc bộ trong mấy tháng gần đây. Trước đó, ngày 8/6, MSA đăng thông báo về cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu từ ngày 9 đến ngày 18/6. Chưa đầy nửa năm, TQ đã thực hiện hoặc lên kế hoạch thực hiện ít nhất 23 cuộc tập trận ở Biển Đông, với 10 cuộc tập trận ở vịnh Bắc Bộ, khu vực sát thủ đô VN. Còn trong năm 2020, TQ thực hiện 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, với 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc Bộ.
Báo Thanh Niên có clip: Xem tấp nập hoạt động trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông.
Báo Người Việt có bài: Nhật kêu gọi thế giới chống bá quyền bành trướng Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo châu Âu về tốc độ hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng của TQ. Theo các tài liệu của Mỹ, TQ hiện có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, với tầm xa từ 500 km đến 5.500 km, xa hơn loại mà Mỹ đang có. Mỹ hiện không có tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, theo dữ kiện hiện nay, sau khi ký hiệp định kiểm soát vũ khí với Nga, trong khi không có hiệp ước tương tự với TQ.
Mời đọc thêm: Cơ hội nào cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung? (PLTP). – Nhóm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan diễn tập tác chiến trên Biển Đông (TĐ). – Trung Quốc điều cả chiến đấu cơ ‘lỗi thời’ vào vùng phòng không Đài Loan làm gì? (Infonet). – Hồn Việt giữa Trường Sa (TNMT).
Dịch Covid-19 ở VN
Bộ Y tế thông báo: Sáng 19-6, thêm 94 ca Covid-19 mới, TP HCM có 40 ca, các ca nhiễm mới xuất hiện trên 8 tỉnh, thành. Trưa nay, Bộ Y tế cập nhật: Trưa 19-6, thêm 112 ca Covid-19, TP HCM có 64 ca, 13 trường hợp đang điều tra dịch tễ, khái niệm “trường hợp đang điều tra dịch tễ”, nghĩa là không rõ nguồn lây, đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân Sài Gòn. Tối nay, Bộ Y tế cập nhật: Tối 19-6, thêm 90 ca Covid-19 trong nước, TP HCM có 31 ca.
Như vậy, hôm nay cả nước có thêm 296 ca nhiễm Covid-19 trong nước, nếu tính các ca nhập cảnh được cách ly ngay thì tổng cộng có 308 ca mới. Riêng Sài Gòn tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm trong ngày nhất, với 135 ca, chiếm hơn 45% tổng số ca lây hôm nay.
Zing đưa tin: TP.HCM họp về Covid-19 sau nhiều ngày ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục. Chiều nay, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố đã trải qua 2 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất cả nước, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.346 ở thành Hồ, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau hơn 3 tuần bùng phát dịch. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó GĐ Sở Y tế TP HCM khẳng định, TP HCM sẽ tổ chức các điểm chích ngừa trong cộng đồng với số lượng 650 điểm/ngày.
VietNamNet dẫn lời Bí thư Nguyễn Văn Nên: Cần nâng cao mức giãn cách xã hội tại TP.HCM. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thừa nhận, dù lực lượng chức năng toàn TP đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt, nhưng vẫn chưa khống chế được dịch. Ông Nên cho biết, TP thống nhất với các đề xuất của các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai biện pháp hạn chế, giãn cách mạnh hơn.
Báo Người Lao Động có bài về tình hình dịch Covid-19 ở miền Tây: Diễn biến liên quan Covid-19 ở Tiền Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu. Tỉnh Tiền Giang đã có 58 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 44 ca lây nhiễm cộng đồng, chuỗi lây nhiễm phức tạp nhất ở thị xã Cai Lậy. Ở Bạc Liêu, ca nhiễm có liên quan đến ổ dịch hội “Truyền giáo Phục Hưng” được công bố vào ngày 29/5, hiện đã xuất viện, nhưng gần đây lại xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng mới. Đồng Tháp phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 1/6, tới nay chưa có thêm ca mới.
Đà Nẵng lại trở thành ổ dịch: Đà Nẵng ghi nhận thêm 18 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Chiều nay, lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, trong 7 trường hợp nghi ngờ có liên quan đến ca bệnh số 12437, có thêm 18 ca dương tính. Đà Nẵng từng là tâm dịch trong đợt bùng phát Covid-19 lần 2 vào cuối tháng 7/2020, gần một năm qua, cho dù dùng đủ các biện pháp chống dịch, Đà Nẵng vẫn tiếp tục bị dịch hoành hành.
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19: Việt Nam phấn đấu cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng. Để đạt miễn dịch cộng đồng, VN cần ít nhất 70% dân số được chích vaccine, tương ứng với khoảng 70 triệu người phải chích 2 liều, tức cần 140 triệu liều vaccine chích cho dân.
Theo thống kê của chính Bộ Y tế vào trưa hôm qua, VN đã chích 1.991.059 liều vaccine, số người đã được chích đủ 2 liều là 89.833 người. Từ nay đến cuối năm 2021, nghĩa là còn 6 tháng và 11 ngày nữa, VN phải chích thêm 138 triệu liều (trừ khi có vaccine một liều như Johnson & Johnson). Từ bây giờ tới cuối năm, còn 197 ngày nữa, tức mỗi ngày Việt Nam phải chích hơn 700.000 liều, thì mới mong đạt được miễn dịch cộng đồng.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc về Việt Nam sử dụng như thế nào? Bộ Y tế cho biết, khi đàm phán về tiếp nhận lô vắc xin này, “lãnh đạo 2 nước đã có trao đổi và thống nhất khi lô vắc xin này về Việt Nam sẽ ưu tiên cho những người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người có nhu cầu đi học tập và công tác tại Trung Quốc và cư dân ở khu vực biên giới“.
Blogger Mẹ Nấm bình luận, vụ viện trợ vaccine để chích cho người TQ ở Việt Nam, là “điều kiện cam kết thường thấy của Trung Quốc mỗi khi viện trợ vaccine. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất khi viện trợ vaccine giữa Mỹ và Trung Quốc. Hoa Kỳ chưa có đòi hỏi phải ưu tiên tiêm cho công dân Mỹ ở nước ngoài.
Hãng tin Reuters có bài viết về việc người Singapore đi tiêm vaccine Sinovac mặc dù có Pfizer và Moderna. Dự đoán Trung Quốc sẽ đem bài này về tuyên truyền trong nước. Ở Singapore, nhiều người chọn Sinovac vì họ lầ Hoa kiều, có nhu cầu đi lại làm ăn với Trung Quốc, Hong Kong rất lớn. Nếu chích vaccine Sinovac sẽ không phải cách ly 1 tháng theo quy định của Trung Quốc“.
Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ đưa tin, 500.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc về tới Việt Nam, phân bổ cho TP. HCM. Có lẽ một phần vaccine này được chích cho người TQ làm việc ở thành Hồ, phần còn lại, nhiều người dân Sài Gòn sẽ bị chích ngừa vaccine Trung Quốc.
Việt Nam đã huy động tài chính của người dân để gây quỹ vaccine Covid-19, nghĩa là, về lý thuyết, người dân sẽ được chích miễn phí, vì tiền mua vaccine sẽ lấy từ quỹ này. Nhưng Việt Nam chuẩn bị cho cơ chế tiêm dịch vụ vắc xin phòng Covid-19, báo Thanh Niên đưa tin.
“Tiêm dịch vụ” là cách nói hoa mỹ của khái niệm: “Tiền trao cháo múc”, phải trả tiền thì mới được chích vaccine. Đó là điều không hề có ở các nước “tư bản giãy chết” như Mỹ, nơi người dân không những được chích ngừa miễn phí, mà còn được “bonus” tiền thưởng hoặc quà thưởng khi đi chích ngừa.
Trước đó, vụ gây quỹ vaccine đã gây tranh cãi khi tiền dân đóng mua vaccine được chính phủ CSVN ‘gửi ngân hàng lấy lãi’. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đã xác nhận, “tiền ủng hộ tạm thời nhàn rỗi sẽ được gửi ngân hàng để lấy lãi theo đúng quy định”, phải đến khi có yêu cầu chi được phê duyệt, thì Bộ Tài Chính mới thực hiện các thủ tục xuất quỹ. Vấn đề quan trọng là ai sẽ hưởng lợi từ tiền lãi từ quỹ này thì ông Phớc lại không nói, khiến người dân càng nghi ngờ về tính minh bạch của “quỹ vaccine”.
Vụ bé gái 5 tuổi dùng 100 triệu tiền tiết kiệm ủng hộ quỹ vaccine, Facebooker Phạm Minh Vũ viết: Tuyên giáo có lấy làm vinh quang? Tác giả bình luận: “Nếu như cháu bé này sống tại Châu Âu, Mỹ, Úc hay là Canada… thì chính phủ nuôi cả gia đình em hơn một năm qua, phát tiền chi trả tất cả sinh hoạt chi phí khác, em sẽ được free sữa và đồ ăn chất lượng. Còn đây, nơi được gọi là thiên đường không những trấn lột em, lại còn bắt em khoe cái mặt cho dư luận xì xào. Phục em thì ít, mà thương hại em thì nhiều vì ai cũng biết em bị đảng nó lừa, tuyên giáo nó lừa. Sự trơ trẽn, đốn mạt của người cộng sản dường như là không có ranh giới”.
Mời đọc thêm: Sáng 19/6: Có 94 ca mắc COVID-19, TPHCM tiếp tục nhiều nhất với 40 ca — Trưa 19/6: Thêm 112 ca mắc COVID-19, Việt Nam có tổng cộng 12.620 bệnh nhân — Ngày 19/6: Việt Nam ghi nhận 308 bệnh nhân COVID-19 (SKĐS). – Ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, TP Hồ Chí Minh họp khẩn (KTĐT). – Phát hiện F1, công ty ở Đồng Nai cho hơn 18.000 công nhân tạm nghỉ (Zing). – 24 ca COVID-19 trong 1 ngày, Đà Nẵng lại dừng tắm biển, dịch vụ ăn uống tại chỗ (PLTP).
– Đã đến lúc tập sống chung với Covid-19 (FB Hành Tinh Titanic). – Việt Nam sắp cho ‘tiêm dịch vụ’ dù tuyên bố ‘toàn dân được chích vaccine miễn phí’ (NV). – Covid-19: Vì sao Việt Nam cảnh giác với vac-xin Trung Quốc? — Covid-19 : « Muôn vẻ » chiến dịch tiêm chủng — WHO cảnh báo nhiều nước không đủ vac-xin cho liều thứ hai — Tư pháp Bỉ bắt AstraZeneca cung cấp vac-xin cho Liên Âu (RFI). – Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ thúc đẩy người dân tiêm chủng (VOA).
Tin môi trường
Báo Giáo Dục Thời Đại có bài về hậu quả của các nhà máy điện than: Ảo tưởng và hệ lụy. Dự thảo Quy hoạch điện 8 do Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng đề nghị phê duyệt vào ngày 26/3/2021 cho thấy, chỉ trong 10 năm tới, VN có thể đầu tư thêm tối đa khoảng 25.000 MW công suất nhiệt điện than, gấp 2,2 lần công suất hiện nay. Trong khi các nhà máy nhiệt điện than ở VN hiện nay đều dùng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường.
Bài báo nói rằng, công nghệ “nhiệt điện than của Việt Nam rất lạc hậu so với thế giới khi chiếm đa số là công nghệ cận tới hạn với dải hiệu suất thấp nhất và cũng phát thải ô nhiễm cao nhất”. Hiệu suất trung bình của nhiệt điện than tại VN ở mức cận tới hạn là 35% và siêu tới hạn là 37%. So với thế giới, hiệu suất trung bình của nhiệt điện than VN thấp hơn 2,2 điểm phần trăm, lạc hậu gần 13 năm so với thế giới.
Truyền hình Thông Tấn có clip: Trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm tại Khánh Hòa.
Báo Công Thương có bài: An ninh nguồn nước đang đứng trước nhiều nguy cơ. Hoạt động khai thác nước ở VN tập trung quy mô lớn, dẫn đến hạ thấp mực nước sâu và gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả ven biển miền Trung. Nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật đang gây sức ép lớn đến số lượng, chất lượng nguồn nước các sông, suối. Nhiều sông chính cạnh khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, làng nghề đều bị ô nhiễm trầm trọng.
Chuyện ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh: Trạm trộn bê tông nhựa nóng xả khói mịt mù, người dân khốn khổ, Infonet đưa tin. Người dân tổ dân phố 8, phường Đậu Liêu, phản ánh về hoạt động của trạm trộn bê tông nhựa nóng của Công ty Biển Đông liên tục thải ra khói bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân xung quanh, nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết được, dù đã từng xuống lập biên bản một lần ở cơ sở gây ô nhiễm.
Truyền hình Hậu Giang có clip: Sẽ kiểm tra, xử lý nhà máy xay xát lúa gạo gây ô nhiễm bụi.
Báo Lao Động đưa tin: Nắng nóng kỷ lục thiêu đốt tây nam nước Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Emily Kirkland, nhà tổ chức truyền thông của nhóm phi lợi nhuận Phoenix, nói về tình hình hạn hán kỷ lục ở khu vực Texas và California: “Cảm giác như tận thế với nền nhiệt cao kỷ lục, khói từ những đám cháy rừng xé toạc sa mạc Sonoran và tin tức về hạn hán. Chỉ 10 phút đi bộ từ nhà tôi đến đường sắt nội thành đã khiến tôi váng vất”. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đã phát cảnh báo, nhiệt độ quá cao cho 5 tiểu bang gồm California, Nevada, Utah, Arizona và Colorado.
Zing có bài: Bang California tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thống đốc bang California Gavin Newsom tuyên bố, lệnh tình trạng khẩn cấp tại bang này sẽ bắt đầu từ 23h59’ ngày 19/6 nhằm “giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng và tăng năng lực của hệ thống điện” trong tình hình bang đông dân nhất nước Mỹ đang đối mặt với đợt nắng nóng lịch sử. Người dân California được khuyến cáo tiết kiệm điện trong bối cảnh nhiệt độ có nơi lên tới 43 độ C.
Mời đọc thêm: Hà Nội: Rác thải xây dựng vẫn bị đổ trộm tràn lan (KTĐT). – Dân bức xúc bãi phế liệu nghìn m2 mọc trên đất nông nghiệp (KT). – Tiếp tục đóng cửa 97 doanh nghiệp ở làng giấy Phong Khê, Bắc Ninh (VTC). – Vụ “xuất hiện” hàng nghìn mét khối cát trái phép tại Nhà máy đóng tàu Nhật Lệ: Cần kiên quyết xử lý dứt điểm (QB).
– Xả thải ra bãi biển nổi tiếng nhất Quảng Ngãi (Zing). – Nắng nóng kéo dài khiến nhiều nơi ở Quảng Ngãi thiếu nước sinh hoạt (SGGP). – Indonesia tuyên chiến với rác thải nhựa (TG&VN). – IMF kêu gọi các nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới thống nhất giá sàn carbon (Tin Tức). – Người Việt nhận giải thưởng môi trường quốc tế nhờ bảo tồn tê tê (BBC).
***
Thêm một số tin: Thanh tra Chính phủ điểm danh những sai phạm quản lý đất công ở TPHCM để “dằn mặt” hay sẽ xử lý? (RFA). – Nghề đáy hàng khơi, ghé thăm miền Tây khi đi sẽ nhớ (NV). – Đại Hội Đồng LHQ thông qua nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Miến Điện — Hồng Kông: Hai lãnh đạo Apple Daily bị từ chối cho tại ngoại — Ngành rượu vang: Úc đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (RFI).
Đả Đảo bọn CÔN ĐỒ BÀNH TRƯỜNG BẮC KINH!!!