“Ổ tham nhũng, hối lộ” ngay tại Thanh tra Chính phủ

Thu Hà

8-6-2021

Thanh tra Chính phủ (TTCP) là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Quyền lực của TTCP được quy định tại Nghị định số Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018 của Chính phủ. Và dĩ nhiên, nó là thứ quyền lực vô biên dành cho các đại quan thanh tra nhà nước khi thực thi việc kiểm soát tất cả hoạt động từ kinh tế, vốn, tài sản, ngân sách của các ban bộ, ngành trực thuộc Chính phủ và 63 tỉnh thành trên cả nước.

Trưởng một đoàn Thanh tra, có toàn quyền chuyển hay không chuyển hồ sơ thanh tra sang Cơ quan điều tra được quy định tại Điều 30 Thông tư 05/2014/TT-TTCP.

Như vậy bất kỳ đơn vị nào bị thanh tra, nếu như Trưởng đoàn quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu sai phạm, cấu thành tội danh, sang Cơ quan điều tra, thì xem như “bộ sậu” ở đó nhẹ thì bay chức, chuyển công tác, nặng thì khởi tố, bắt giam, đi tù. Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP của Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Thanh tra Chính phủ cũng thể hiện rõ điều đó.

Năm 2005, một vụ án chấn động dư luận xã hội, khi Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, khám xét nơi làm việc, bắt giam ba nhân vật, gồm: Lương Cao Khải, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra kinh tế 2; Dương Văn Lực, Phó Vụ trưởng Vụ 4 và Bùi Xuân Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ 2, Thanh tra Chính phủ, về tội “nhận hối lộ”.

Theo cáo trạng, Lương Cao Khải đã nhận hối lộ, số tiền 11.500 USD và 10 triệu đồng. Khải cũng khai nhận, ba lần đưa tiền hối lộ với tổng số tiền 110 triệu đồng cho ông Quách Lê Thanh (1947-2010) khi ấy là Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cả ba đều phải ra toà năm 2007 và nhận mức án như sau: Lương Cao Khải 21 năm tù; Dương Văn Lực 8 năm tù và Bùi Xuân Bảy 3 năm tù giam. Ông Quách Lê Thanh dù miễn trách nhiệm hình sự nhưng phải về vườn vào tháng 8/2007. Trong vụ án này, Trần Quốc Trượng, Phó Tổng TTCP bị cáo buộc nhận hối lộ 3000 USD và 10 triệu VNĐ nhưng sau đó thoát nạn.

Ba năm sau, năm 2010, Quách Lê Thanh cựu Tổng TTCT, Phó Ban Nội chính Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá chết vì bạo bệnh.

Từ trái sang: Các bị cáo Bùi Xuân Bảy, Dương Văn Lực và Lương Cao Khải tại phiên toà

Sau khi Quách Lê Thanh bị phế bỏ năm 2007, người được điền vào vị trí Tổng TTCP là Trần Văn Truyền. Truyền sinh năm 1950, quê Bến Tre, Uỷ viên Trung ương khoá IX và X, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, người của phe 3X.

Dưới thời Trần Văn Truyền, tình trạng tham nhũng hoàn toàn mất kiểm soát. Lực lượng chống tham nhũng đã đồng loã, tiếp tay, dung túng cho sai phạm của các bộ ngành, tập đoàn kinh tế, các tỉnh thành. Hậu quả là hàng trăm ngàn tỷ của nhà nước bay theo gió, những “quả đấm thép” của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bỗng nát vụn. Chỉ được một thứ còn nguyên vẹn, đó là tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng, gồm biệt phủ, nhiều căn nhà lầu, bất động sản, mấy chục ngàn mét vuông đất tại Sài Gòn và ở quê nhà Bến Tre của Trần Văn Truyền, cựu Tổng TTCP.

Năm 2014, vụ “phát lộ” tài sản khủng nhờ “làm đến thối móng tay” mà có, chứ “hổng phải do tham nhũng” của Trần Văn Truyền gây chấn động cả nước. Tờ báo Người Cao Tuổi với Tổng biên tập Kim Quốc Hoa đã tiên phong phanh phui vụ việc và lúc này Đảng mới có cơ hội kỷ luật “cảnh cáo” Trần Văn Truyền.

Cựu Tổng TTCP Trần Văn Truyền và biệt phủ của ông ta, làm “thối móng tay” mà có.

Sau đó không lâu, “sóng gió” nổi lên, phe 3X bắt đầu trả thù. Tháng 2/2015, Bộ Thông tin Truyền Thông của Nguyễn Bắc Son đã thanh tra báo Người Cao Tuổi để “bới lông tìm vết”, gây sức ép, thu hồi thẻ nhà báo và miễn nhiệm chức Tổng Biên tập với ông Kim Quốc Hoa.

Tháng 5/2015, Cơ quan An ninh điều tra BCA khởi tố Kim Quốc Hoa về hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258, Bộ luật Hình sự.

Dư luận đồn đoán Kim Quốc Hoa là người của phe ông Nguyễn Phú Trọng và dường như sự đồn đoán này không rõ đúng, sai ra sao, nhưng đến tháng 12/2016, sau khi ông Trọng loại bỏ được Nguyễn Tấn Dũng và tái đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ hai, thì Bộ Công an phải đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với Kim Quốc Hoa.

Ngược dòng thời gian, tháng 12/2013, Thanh tra viên Nguyễn Trung Kiên, thuộc Vụ 1- TTCP đã gởi đơn khắp nơi tố cáo ông Lê Sỹ Bảy, sinh 1966, quê Hoằng Hoá, Thanh Hoá, Phó Vụ trưởng Vụ 1, là kẻ dối trá, man khai lý lịch, bằng cấp, tài sản… để được bổ nhiệm.

Từ một anh học Cao đẳng ngân hàng, Lê Sỹ Bảy khai bừa tốt nghiệp đại học, để được đi học Cao cấp chính trị và bổ nhiệm chức Vụ trưởng. Mức lương của Lê Sỹ Bảy thời điểm năm 2013 khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng Lê Sỹ Bảy đứng tên gần chục căn nhà và thửa đất ở Hà Nội, đi xe 5 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu trị giá nhiều tỷ đồng. Nếu không nhận hối lộ, thì tài sản đó đo đâu mà có?

Mặc dù vào cuộc, nhưng Kết luận của UBKT Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cũng chỉ dừng lại ở đề nghị “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” đối với Lê Sỹ Bảy.

Người bảo kê, nâng đỡ cho Lê Sỹ Bảy là Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh. Bản thân Ngô Văn Khánh cũng chẳng tốt đẹp gì. Sở hữu nhiều nhà đất ở Hà Nội, Sài gòn, đặt biệt Khánh đã xây một lâu đài lên đến 300 tỷ VNĐ (gần 15 triệu đô vào lúc đó). Ngoài ra, Ngô Văn Khánh bị phát hiện có hàng chục tỷ đồng gửi tại ngân hàng VIB Bank, cổ phiếu ở các ngân hàng như Quân đội, Nam Á, Liên Việt, cùng một số công ty như Xi-măng Công Thanh, Công ty CP Thiết bị Bưu điện…

Cựu Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh và lâu đài 300 tỷ

Tiền ở đâu ra mà nhiều thế? Cứ nhìn việc Ngô Văn Khánh ém nhẹm hồ sơ thanh tra sai phạm tại hệ thống ngân hàng, các dự án BOT, các Tập đoàn kinh tế như Điện lực VN, Hàng không VN, vụ mua bán AVG… có thể đoán được Khánh đã nhận hối lộ số tiền khủng như thế nào. Đặc biệt, năm 2015, Ngô Văn Khánh thay mặt Tổng TTCP ký quyết định đóng dấu “Mật” hoãn vô thời hạn thanh tra Thủ Thiêm. Nhờ đó, bộ sậu “lãnh chúa” thành Hồ thoát tội, còn dân oan Thủ Thiêm thì … mãi mãi khóc than.

***

Sau khi Trần Văn Truyền nghỉ hưu, người thay Truyền là Huỳnh Phong Tranh. Tranh sinh năm 1955, quê Hậu Giang, Uỷ viên Trung ương khoá X và XI, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng. Huỳnh Phong Tranh là một “đệ tử” nữa của Nguyễn Tấn Dũng. Tranh “chân ướt chân ráo” được anh 3X gọi về thủ đô, vì vậy mọi việc ở TTCP gần như do các Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh, Nguyễn Đức Hạnh mặc sức tung hoành.

Cũng như người tiền nhiệm Trần Văn Truyền, nhiệm kỳ 5 năm của Huỳnh Phong Tranh chỉ làm mỗi việc đánh bóng mác “liêm chính” cho chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và giúp các đại dự án của các tập đoàn kinh tế phá hàng chục ngàn tỷ đồng của quốc gia.

Tháng 12/2014, tại một cuộc toạ đàm về phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Huỳnh Phong Tranh có câu nói “để đời”, khi cho rằng “tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định”.

Trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND TP Hà Nội tổ chức, sáng 24/12/2015, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh khẳng định rằng, các cơ quan chống tham nhũng có hành vi tham nhũng của những người thực thi công vụ, nhưng … “ở mức độ chưa nhiều”.

Tại đại hội 12 của Đảng, dù tốn khá nhiều tiền để được giữ lại “trường hợp đặc biệt”, song Huỳnh Phong Tranh vẫn bị “out” khi bầu bán và đành ngậm ngùi rời cuộc chơi.

Người thay Tranh là Phan Văn Sáu, sinh năm 1959, quê Đồng Tháp, Uỷ viên Trung ương khoá XII, Phó Ban kinh tế Trung ương, cựu Bí thư Tỉnh uỷ An Giang. Giai đoạn này nội bộ lãnh đạo TTCP mất đoàn kết, chia phe nhóm đấu đá, tố cáo nhau kinh hoàng.

Gồng mình gần hai năm trong vai Tổng TTCP, chịu không thấu cảnh “trên đe, dưới búa” với các “đồng chí” xứ Bắc, Phan Văn Sáu xin rút lui khỏi vị trí, đề đạt nguyện vọng về lại Nam Bộ. Ngay sau đó, ghế Tổng TTCP được dành cho Lê Minh Khái, sinh năm 1964, quê Bạc Liêu, Uỷ viên Trung ương khoá XII, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu. Lê Minh Khái là “đệ” của Vương Đình Huệ, đầu quân phe tổng Trọng.

Quay trở lại câu chuyện Vụ trưởng Vụ 1 – TTCP Lê Sỹ Bảy. Dù bê bối như thế, Lê Sỹ Bảy vẫn ngồi vững trên ghế, điều đó chứng tỏ Bảy biết chung chi đầy đủ cho cấp trên.

Vụ trưởng Lê Sỹ Bảy vẫn “đều đều” được cấp trên khen thưởng

Mới đây, vỡ ra chuyện bà Lê Hồng Sâm, thanh tra viên chính Vụ 1-TTCP, “gà cưng” của Lê Sỹ Bảy, đã có 27 lần đi nước ngoài nhưng không báo cáo, không xin phép cơ quan. Thậm chí có chuyến bà Sâm vi vu ra nước ngoài để sinh con thứ 3, khi vẫn có tên trong các đoàn đang đi thanh tra, nhưng chỉ bị Đảng xử lý “khiển trách”.

Nhân sự việc này, dư luận xã hội và các cán bộ lão thành cho rằng, cơ quan TTCP hiện không phải là nơi chống tham nhũng, mà là “ổ tham nhũng”, “nơi nhung nhúc sâu mọt”, quả không sai chút nào.

_______

Ảnh chụp 7 trang Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018:


Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ông Trọng đã nói ” chống tham nhũng là ta đánh ta” điều này chứng tỏ ngay bản thân ông ta cũng không tin vào việc đốt lò của mình, ông chỉ răn đe để chúng sợ. Với lại ông Trọng cũng đã nói ” ném chuột tránh làm vỡ bình” bình ở đây là cái đảng của ông.
    Đám lãnh đạo đảng sau này, đa phần chúng không còn tin ” đảng tồn tại vĩnh hằng. Đảng có thể đổ sụp bất cứ lúc nào vì tội ác của đảng đã gây cho dân tộc trời không thể dung, đất không thể tha. Và không ai có thể dám chắc là không có một sự trả thù tàn khốc của những người đã bị đảng hành hạ, đầy đọa, giết hại” cho nên ” tẩu vi thượng sách”. Do vậy càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng tợn. Những đứa bị bắt chắc là do còn ” mồ mả ông bà” mà chúng không thể tha mang đi cùng.

  2. Cả cái ổ Ba đình là một ổ tham nhũng. Lớn tham lớn, nhỏ tham nhỏ, bao che nâng đỡ nhau bòn rút ngân khố, bòn rút máu dân.
    Cứ xem cái cơ ngơi giát vàng giát bạc của Nông đút Mạnh thì biết rằng cái máu tham tiền, tham quyền ấy “không có vùng cấm”.

Leave a Reply to Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây