Bản tin ngày 8-6-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

RFA có bài phỏng vấn GS Carl Thayer: Việt Nam nên “tự giúp mình” để đối phó với Trung Quốc. Khi được hỏi liệu có khả năng hải quân, dân quân và cảnh sát biển VN quyết tâm đối đầu với các lực lượng tàu có vũ trang của TQ, ông Thayer trả lời:

“Câu trả lời của tôi là không. Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam cho thấy Việt Nam muốn tránh bằng mọi giá bất kỳ hành động nào được xem là leo thang hoặc đối đầu với Trung Quốc cũng như liên quan đến cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực. Và chúng ta đã thấy, trong vụ việc Bãi Tư Chính cách đây vài năm, Việt Nam đã không chủ trương làm mạnh”.

Báo Thế Giới và VN đưa tin: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Cuộc hội đàm giữa 2 Bộ trưởng Ngoại giao VN – TQ diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-TQ và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương diễn ra ở TP Trùng Khánh, TQ. 

Ông Bùi Thanh Sơn và ông Vương Nghị cùng khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, bày tỏ sự vui mừng trước “đà phát triển tốt đẹp của quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua”. Ông Sơn chỉ nói chung chung về vấn đề Biển Đông, không đề cập đến các hành động gia tăng căng thẳng của TQ từ đầu năm 2021 đến nay. 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Nguồn: TG&VN

Báo Dân Việt có bài của TS Trần Công Trục: Sự kiện đá Ba Đầu, mũi “tiến công mềm” của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông? Tác giả nhận định, với hành động triển khai hơn 200 tàu cá xuống khu vực đá Ba Đầu, TQ đang thực hiện chiến dịch xâm lăng mới đối với khu vực có vị trí chiến lược quan trọng nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, thuộc trung tâm quần đảo Trường Sa. Do đặc điểm nửa chìm, nửa nổi, Đá Ba Đầu không có người ở, TQ dễ dàng tiếp cận và thiết lập quyền kiểm soát. 

Theo TS Trục, TQ huy động hàng trăm tàu dân binh không chỉ để thu tóm Đá Ba Đầu, mà còn nhằm thử nghiệm hiệu lực của Luật Hải cảnh mới, cũng là phép thử của TQ để “bố trí thế trận tấn công binh chủng hợp thành, chuẩn bị cho một cuộc xâm lược thích hợp với những tình huống có thể xẩy ra trong khu vực Biển Đông”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Malaysia tố tàu Trung Quốc xâm phạm sau vụ 16 máy bay. Ông Fauzi Othman, người đứng đầu Cơ quan Thực thi pháp luật Hàng hải Malaysia (MMEA) cho biết: “Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã nhận được báo cáo về việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển Malaysia hôm 4-6. Các tàu của chúng tôi, bao gồm tàu chiến của hải quân Malaysia, đang giám sát chặt chẽ tình hình”.

Sau vụ xâm phạm trên không phận Malaysia, tàu hải cảnh TQ tiếp tục leo thang, đi vào vùng biển gần bãi cạn Luconia, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, cách bờ biển TP cảng Miri khoảng 84 hải lý. Vụ xâm phạm này diễn ra chỉ 4 ngày sau sự kiện 16 máy bay quân sự của TQ xâm phạm không phận Malaysia. 

BBC cập nhật tình hình Biển Đông: Mỹ ngầm ủng hộ cáo buộc 16 máy bay TQ ‘xâm phạm không phận’ của Malaysia. Một sĩ quan của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ nói với South China Morning Post: “Chúng tôi hỗ trợ các đối tác trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia và khuyến khích [Trung Quốc] tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia”.

Phía TQ khẳng định, chỉ có 2 máy bay lại gần không phận Malaysia, nhưng người phát ngôn của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ bác bỏ thông tin này, xác nhận rằng họ phát hiện số lượng máy bay TQ giống như phía Malaysia thông báo.

VnExpress đưa tin: Trung Quốc ‘chùn tay’ với Đài Loan sau tuyên bố chung Mỹ – Nhật. Theo dữ liệu của báo Nikkei, từ đầu năm tới ngày 16/4, TQ liên tục điều máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của đảo Đài Loan, với tần suất 5 ngày mỗi tuần. Tổng cộng, đã có 257 máy bay quân sự của TQ, chủ yếu là tiêm kích J-10 và J-16, áp sát đảo Đài Loan với số lượng trung bình khoảng 3 chiếc mỗi phi vụ.

Cũng trong giai đoạn này, có 9 ngày TQ triển khai ít nhất 10 máy bay áp sát đảo Đài Loan, gồm 6 đợt xâm nhập diễn ra trong 3 tuần trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ra tuyên bố chung ngày 16/4, lần đầu tiên nhắc đến vấn đề Đài Loan sau nhiều thập niên. Sau tuyên bố chung này, TQ giảm hẳn tần suất và số lượng máy bay xâm phạm vùng trời Đài Loan. 

Cũng tin Đài Loan, blogger Mẹ Nấm đăng tải, bức ảnh khiến Bắc Kinh khó chịu, đó là chuyên cơ vận tải của quân đội Hoa Kỳ, C-17 Globemaster III mang đáp tại sân bay Tùng Sơn ở Đài Loan, mang 750.000 liều vaccine Covid-19 của Mỹ viện trợ cho Đài Loan, sau khi Đài Loan từ chối nhận vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Chuyên cơ của không lực Hoa Kỳ mang vaccine tới cho Đài Loan. Nguồn: CNN

Mẹ Nấm viết: “Hình ảnh chuyên cơ của lực lượng không quân Hoa Kỳ hạ cánh tại đường băng Đài Loan được các chuyên gia quân sự Bắc Kinh gọi là ‘hành động khiêu khích nghiêm trọng nhất’ kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, Trung Quốc đại lục sẽ không để yên chuyện này. Còn không để yên kiểu gì thì chưa thấy lãnh đạo Bắc Kinh lên tiếng“.

Mời đọc thêm: Các nước thành viên Cấp cao Đông Á tăng cường hợp tác (TTXVN). – ASEAN – Trung Quốc mở rộng hợp tác phát triển (NLĐ). – Ngoại trưởng Indonesia: Vấn đề Biển Đông là phép thử cho mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc (TG&VN). – Trung Quốc hứa đẩy mạnh hỗ trợ vắc xin cho ASEAN (VNN).

Malaysia tố tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập trái phép (Zing). – Biển Đông: Chuyên gia khuyên Philippines đặt tên các đảo nhỏ và xác định ranh giới biển (RFI). – Báo Nhật: Nhóm G7 sẽ lần đầu đề cập eo biển Đài Loan trong tuyên bố chung (PLTP). – Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ: Quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm thực chiến (TT). – “Nga có thể giúp Bắc Kinh nếu Mỹ nhảy vào xung đột Trung Quốc-Đài Loan” (GT). 

“Củi” ở Khánh Hòa

Cơ quan CSĐT công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố hai cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Liên quan đến vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với 2 bị can Lê Đức Vinh và Nguyễn Chiến Thắng, đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. 

Ông Lê Đức Vinh (phải) và ông Nguyễn Chiến Thắng. Nguồn: Baochinhphu.vn

Cơ quan CSĐT công an tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra quyết định khởi tố bị can về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với bị can Lê Mộng Điệp, cựu GĐ Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cũng liên quan đến sai phạm trong hai dự án nói trên.

VTC đặt câu hỏi: Vì sao 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà bị khởi tố, bắt tạm giam? Hơn một năm trước, ngày 23/8/2019, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã xem xét, kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có nhiều sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách Nhà nước. Đến tháng 11/2019, cả ông Lê Đức Vinh và ông Nguyễn Chiến Thắng đều bị cách tất cả chức vụ trong đảng.  

Mời đọc thêm: Bắt tạm giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa (KH). – NÓNG: Khởi tố, bắt tạm giam 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (NLĐ). – Vì sao 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bị khởi tố, bắt giam? (GT). – Hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm đất đai (VOV). 

Tin môi trường

Thủ đô bế tắc trong ô nhiễm: Hà Nội mịt mù ô nhiễm do đốt rơm rạ, chỉ thị của thành phố bị vô hiệu hóa, báo Tiền Phong đưa tin. Trong mấy ngày qua, không khí TP Hà Nội thường ở mức xấu và kém. Nguyên nhân chính là do hoạt động nông nghiệp ở ngoại thành đang ở giai đoạn thu hoạch vụ lúa xuân, người dân đốt rơm rạ khiến khói phát tán vào không khí gây ô nhiễm nặng nề. Chỉ thị trước đó của lãnh đạo thành phố về chấm dứt việc đốt rơm rạ từ ngày 1/1/2021 đã bị người dân vô hiệu hóa.

Người dân đốt rơm rạ tại đồng cỏ ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: TP

Tháng 9/2020, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND, yêu cầu các sở, ngành có liên quan, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng vào cuộc để chấm dứt việc đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác từ ngày 1/1/2021. Theo chỉ thị này, nếu tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra thì chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm, nhưng nó vẫn xảy ra. 

Hà Nội TV có clip: Cảnh báo ô nhiễm không khí vì đốt rơm rạ.

Báo Lao Động có bài: Cận cảnh rừng núi tan hoang vì khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam. Năm 2016, Công ty vàng Bồng Miêu ngừng khai thác vì hết hạn giấy phép, sau đó vấn nạn khai thác vàng trái phép ở thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh trở nên rầm rộ trong suốt 5 năm qua. Tại núi Kẽm, có hàng trăm điểm khai thác vàng trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Hoạt động khai thác vàng sử dụng nhiều hóa chất độc hại, chứa nhiều kim loại nặng, lại được xả thẳng ra môi trường, nên môi trường ở đây bị ô nhiễm trầm trọng. 

Khu vực khai thác trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu, hóa chất độc hại được xả thải thẳng ra môi trường. Ảnh: LĐ

Tin khó tin ở tỉnh Bạc Liêu: Nhà máy xây dựng 12 năm chưa xong, hơn 14.000 dân thiếu nước sạch, theo báo Nông Nghiệp VN. Đó là thị trấn Gành Hào, được thành lập ngày 4/4/1979, 4 năm sau ngày “giải phóng”. Từ đó đến nay, người dân thị trấn này chưa từng được dùng nước sạch, ai muốn có nước sinh hoạt thì tự khoan giếng nước. Một cựu chiến binh kể: “Gia đình tôi về sinh sống ở Gành Hào này từ năm 2003, đến nay cũng không có nước sạch sử dụng”.

Nhà máy nước sạch Gành Hào (huyện Đông Hải) đã “cửa đóng then cài” sau khi thi công được 80% khối lượng. Ảnh: Trọng Linh/NNVN

Năm 2009, dự án nhà máy nước sạch Gành Hào được khởi công xây dựng, huyện Đông Hải đã giao hơn 5.000m2 đất cho nhà đầu tư thuê 50 năm. Nhà máy có tổng công suất dự kiến 12.000 m3/ ngày đêm, về lý thuyết là dư khả năng cung cấp nước sạch cho người dân địa phương. Còn thực tế thì, người dân mòn mỏi chờ đợi, hơn 12 năm vẫn chưa có nước sạch.

Truyền hình Tiền Giang có clip: Ô nhiễm môi trường ở tuyến kênh Giồng Tre.

Mời đọc thêm: Tái diễn tình trạng đốt rơm rạ trên các cánh đồng, gây ô nhiễm không khí (LĐTĐ). –  Dân đốt rơm rạ, không khí Hà Nội bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới (VTC). – Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng giữa mùa mưa (TP). – Hà Nội: Xe vận chuyển rác hoạt động giờ cấm, dân bất an (GTVT). – Trường học Hà Nội ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng (GDTĐ).

 – Liên tiếp nhiều vụ việc xả thải ra môi trường tại Bà Rịa – Vũng Tàu (PLVN). – Sông Sài Gòn: Bức tranh đẹp nhưng chưa đắt giá (PLTP). – Sông Hằng chuyển màu xanh bất thường, dân Ấn Độ phát hoảng (VNN). – ‘Bãi nhầy’ khổng lồ bao phủ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ (Zing). – Đại dương: Sự sống và sinh kế (SGGP). – Liên hợp quốc: Đất trên thế giới đang chịu ‘áp lực vô cùng lớn’ (NNVN). – Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao kỷ lục (TT). 

***

Thêm một số tin: Cuộc chiến VN: Chuyện nữ y tá Tây Đức bị giam bốn năm ở Hỏa Lò (BBC). Hai lính thuỷ đánh bộ Mỹ cứu người dân Việt Nam gặp nạn ở Phú Quốc (VOA). – Bị ASEAN chỉ trích, quân đội Miến Điện biện minh cuộc đảo chính — Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu bảo vệ thỏa thuận đầu tư với Bắc KinhHoa Kỳ sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại với Đài Loan (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây