Chống dịch kiểu “đánh úp” người dân và vaccine Trung Quốc

BTV Tiếng Dân

5-6-2021

Chủ đề nổi bật trên cả mạng xã hội và báo chí “lề phải” hôm nay là vụ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quyết định cách ly người đến từ Sài Gòn, đột ngột như “đánh úp” người dân. Chiều ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai ra thông báo, từ 0h ngày 5/6, người từ TP.HCM đến Đồng Nai phải cách ly 21 ngày, tự trả phí.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, tỉnh này giáp ranh với thành Hồ, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, trong tình hình thành Hồ vẫn chưa kiểm soát được ổ dịch hội truyền giáo, đồng thời phát hiện thêm một số ca nhiễm không rõ nguồn lây.

Cách hành xử của UBND tỉnh Đồng Nai làm khó dân bằng cách ra công văn đột ngột, người dân không kịp trở tay. Mọi người dân từ Sài Gòn về Đồng Nai sẽ bị đưa đi cách ly 21 ngày ngay lập tức. Người bị cách ly phải tự túc hoàn toàn chi phí xét nghiệm, được thực hiện vào ngày thứ 7 và 14 trong quá trình cách ly. Các hoạt động vận chuyển hành khách giữa Đồng Nai – Sài Gòn, cả chiều đi, chiều về đều bị tạm dừng.

VnExpress có bài: 16.000 lao động bị ảnh hưởng khi Đồng Nai cách ly người từ TP HCM. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM cho biết, mỗi ngày có hơn 6.000 lao động từ Đồng Nai đến các khu chế xuất ở TP HCM làm việc. Theo chiều ngược lại, có khoảng 10.000 chuyên gia nước ngoài từ TP HCM về làm việc trong các khu công nghiệp Đồng Nai. Cả 2 nhóm người đều bị ảnh hưởng bởi quyết định vội vàng của phía UBND tỉnh Đồng Nai.

Đây là một trong các bài báo của VnExpress có phần bình luận náo nhiệt nhất trong một tuần qua. Mục bình luận giống như một “đấu trường” giữa người dân và tuyên truyền viên. Người dân chiếm ưu thế về số lượng, đặt ra một loạt chất vấn về những tác động kinh tế mà họ phải gánh chịu. Còn tuyên truyền viên thì vẫn quen giọng “ủng hộ”, “tán thành”, “hoan nghênh” mọi quyết định của lãnh đạo, bất chấp đúng, sai.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Người dân ‘sốc’ với quyết định của Đồng Nai cách ly người từ TP.HCM 21 ngày. Một độc giả đặt ra loạt câu hỏi cho các quan chức chống dịch cực đoan: “Một ngày có bao nhiêu ngàn người Đồng Nai đến TP.HCM làm việc? Riêng công ty tôi đã là vài trăm người nhà ở Đồng Nai. Quy định vậy chỉ làm khó cho dân. Giờ đi làm thì không thể về lại nhà, vậy thì ở đâu trong 21 ngày tới trong khi không có quần áo, tư trang vật dụng cá nhân? Còn nếu đã về nhà thì phải nghỉ làm 21 ngày thì ai đền bù thu nhập cho người lao động? Công ty nào chấp nhận?”

BS Võ Xuân Sơn chia sẻ: “Tôi có một số nhân viên cư ngụ ở Long An, hàng ngày lên phòng khám làm việc. Thế có nghĩa là, nếu Long An còn ngăn cách, thì các bạn ấy không thể lên Sài gòn, làm việc tại phòng khám được. Ai sẽ trả lương cho các bạn ấy trong những ngày các bạn ấy bị ngăn cách không cho đi làm? Tỉnh Long An có trả không? Hay là để cho các bạn ấy và gia đình chịu đói?”

BS Sơn lưu ý, phía quan chức Đồng Nai khẳng định, họ chỉ cấm lái xe di chuyển 2 chiều giữa TP HCM và Đồng Nai, chứ không cấm hàng hóa, như thể hàng hóa tự di chuyển được mà không cần tài xế. Vụ ngăn cấm này, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho thủ phủ miền Nam, vì Đồng Nai chính là cửa ngõ nối liền các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ với Sài Gòn.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài: Đồng Nai táy máy! Theo tác giả, quyết định của lãnh đạo Đồng Nai chỉ mượn danh “sự an toàn” của người dân để triệt tiêu miếng cơm, manh áo của họ. Có thể người dân tỉnh Đồng Nai sẽ vì mấy biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt này mà tránh được dịch lây lan, nhưng khả năng cao hơn nữa là họ sẽ chết đói trước khi có cơ hội chết vì bệnh dịch.

Ông Tường cũng đưa ra luận điểm tương tự với BS Võ Xuân Sơn, về vụ ông Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói, tỉnh không “ngăn sông cấm chợ”, hàng hóa, nhu yếu phẩm 2 nơi cứ lưu thông bình thường. Nhưng tài xế không có kết quả xét nghiệm âm tính kịp thì làm sao có giấy thông chốt? “Đường bộ là giao thương duy nhất giữa TP.HCM-ĐN, nếu họ bị điểm huyệt hết, hàng hoá sẽ tự mọc cánh bay?”

Ngay sau khi UBND tỉnh Đồng Nai “đánh úp” người dân, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp ”cầu cứu” UBND TP Hồ Chí Minh, theo trang Kinh Tế Đô Thị. Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM đã gửi công văn hỏa tốc để “cầu cứu” UBND TP thành Hồ, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp khi phải thực hiện công văn “ngăn sông cấm chợ” của UBND tỉnh Đồng Nai.

Đến trưa nay, TP HCM chính thức phản hồi việc cách ly người về từ TP của Đồng Nai, theo báo Người Lao Động. UBND TP HCM gửi văn bản khẩn đến UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị không làm ảnh hưởng đến các dòng lưu thông, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân giữa 2 khu vực. UBND TP HCM cũng kêu gọi UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, đưa ra phương án kiểm soát hợp lý, tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, di chuyển của công nhân, nhân viên, người lao động và chuyên gia từ tỉnh Đồng Nai đến TP HCM và ngược lại.

Trước phản ứng của dư luận và UBND thành Hồ, Đồng Nai ra văn bản khẩn, tạm nới một phần đi lại với TP.HCM, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Theo văn bản khẩn công bố trưa nay, phía Đồng Nai không dỡ bỏ hết các quy định “ngăn sông cấm chợ”, chỉ cho phép các chuyên gia nước ngoài, công nhân, người lao động từ TP HCM đến Đồng Nai làm việc không phải đi cách ly, nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch và khai báo y tế.

Có ý kiến cho rằng, nếu không phải lãnh đạo thành Hồ, cùng với các doanh nghiệp và người dân lên tiếng phản đối liên tục từ tối qua đến trưa nay, chưa chắc lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chịu rút lại một phần quy định “ngăn sông cấm chợ”. Dù họ chịu nhượng bộ, sự kiện một công văn cấp tỉnh được công bố vội vàng, rồi được điều chỉnh bằng “văn bản khẩn” trong chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau đó, cho thấy sự tùy tiện của UBND tỉnh Đồng Nai.

Ảnh chụp văn bản hỏa tốc của Đồng Nai. Nguồn: VNN

VietNamNet có bài: Chống dịch theo kiểu phanh gấp, hậu quả khó lường. Tác giả nhận định vụ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vội vàng ra công văn, rồi vội vàng điều chỉnh: “Đứng trước nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương nên có những biện pháp gấp gáp, chưa cân nhắc hết mọi khía cạnh. Tuy nhiên, đã có nhiều bài học về việc đứt gãy chuỗi cung ứng do biện pháp chống dịch từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng lãnh đạo Đồng Nai dường như chưa kịp đánh giá để rút ra phương án cho địa phương mình”.

VOV có bài tóm tắt tình hình ngày đầu Đồng Nai kiểm soát người từ TP.HCM: Người hoang mang, người lỡ kế hoạch. Dù lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thông báo, cho phép người từ TP HCM đến Đồng Nai làm việc được qua các chốt kiểm dịch, chỉ cần khai báo ý tế, nhưng một người dân cho biết, lực lượng chức năng không chấp nhận: “Mong muốn có giấy tờ gì để xác định có được qua hay không, chứ bây giờ cách ly 21 ngày thì chúng tôi không có tiền. Tôi mới biết, đi từ TP.HCM về Đồng Nai thì không được”.

Các phương tiện di chuyển từ TP HCM đến Đồng Nai xảy ra ùn ứ tại chốt kiểm soát. Ảnh: VOV

Một người dân ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, dù bản thân ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ để tránh dịch bệnh, nhưng việc kiểm soát quá chặt khiến ông bị lỡ kế hoạch: “Tôi về nhà ông bà lấy đồ ở Đồng Nai, nhưng bây giờ nếu quay về thì phải cách ly 21 ngày nên tôi về lại TP.HCM chứ không đi Đồng Nai nữa”.

Vaccine Trung Quốc: Mắc tiền, không hiệu quả…

Nhiều nước sử dụng vaccine Trung Quốc chích cho dân, sau khi chích ngừa, số ca nhiễm chẳng những không giảm, mà lại tăng. Chẳng hạn như ở Chile, tỉ lệ dân số chích ngừa ở nước này (tối thiểu 1 liều: 57,7% dân số; 2 liều: 43% dân) cao hơn ở Mỹ (tối thiểu 1 liều: 51,5% dân số; 2 liều: 41,6% dân), nhưng số ca nhiễm hàng ngày ở Chile này tăng mạnh. Ngược lại, số ca nhiễm ở Mỹ giảm mạnh.

Số ca nhiễm ở Chile tăng mạnh dù đa số dân đã được chích ngừa. Ảnh chụp màn hình Worldometers
Số ca nhiễm ở Mỹ giảm mạnh sau khi đa số dân được chích ngừa. Ảnh chụp màn hình từ Worldometers

Không những số ca nhiễm tăng, mà số người chết ở một số nước sử dụng vaccine TQ cũng tăng. Như Bahrain, dù tỉ lệ dân số chích ngừa nhiều hơn cả Chile lẫn Mỹ (có gần 60% dân chích tối thiểu 1 liều, 49,3% dân chích 2 liều), nhưng số người chết vẫn tăng mạnh, cho thấy vaccine TQ không có tác dụng chống Covid-19 như họ quảng bá.

Số người chết từ Bahrain tăng mạnh dù đa số dân đã được chích ngừa. Ảnh chụp màn hình từ Worldometers

TS Nguyễn Hồng Vũ có bài: Vaccine Trung Quốc của Sinopharm – Vết xe đổ, tại sao chúng ta phải đi vào? Tác giả viết: “Có ai tự hỏi tại sao chúng ta dễ dàng kiếm được vô vàn các dữ liệu của các vaccine phương Tây về độ an toàn và hiệu quả nhưng các thông tin ấy lại quá ít đối với các vaccine Trung Quốc? Có ai tự hỏi tại sao vaccine của Trung Quốc với số liệu đẹp như mơ trên báo khoa học nhưng khi đi vào thực tế thì biết bao nhiêu nước nhận quả đắng? v.v…

Ngoài tác dụng thấp hoặc không có tác dụng, vaccine TQ còn có giá rất mắc, mỗi liều Sinopharm có giá $19-36 đô, theo tin từ BMJ. Trong khi vaccine của Mỹ, Pfizer giá $19,5/ liều, Moderna giá $15/ liều, theo tin từ Fierce Pharma.

Vụ VN vội vã phê duyệt vaccine của tập đoàn dược Sinopharm của TQ, RFI có bài: Covid-19: Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, ở Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, chỉ ra hai mối quan ngại về việc mua vaccine TQ trong công luận VN.

Thứ nhất là vấn đề minh bạch, một số nước như Nepal, khi ký hợp đồng mua vaccine TQ đã buộc phải ký thỏa thuận về “bảo mật thông tin”, không được tiết lộ những thông tin như giá thành của vaccine TQ. Thứ hai, nguy hiểm hơn, TQ có thể dùng vaccine để gây áp lực với VN trên những vấn đề khác, chẳng hạn vấn đề Biển Đông, mà họ đã làm với Philippines để thu tóm Đá Ba Đầu.

RFA đặt câu hỏi: Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vắc xin Trung Quốc, người dân có muốn tiêm? Một người dân ở Sài Gòn khẳng định, họ sẽ không chích vaccine của TQ: “Chị dám chắc chắn trả lời với em là chị sẽ không phải là người tiên phong. Chị và gia đình chị sẽ không phải là những người đầu tiên để trích những cái mũi đó. Chị sẽ chờ đợi trong thời gian nhất định xem người ta chích như thế nào. Chị xem là người dân Việt Nam, người Châu Á có hợp với vắc xin của Mỹ hay là của Anh không. Chị sẽ theo dõi. Còn so sánh giữa vắc xin của Mỹ hay Trung Quốc, thì chắc chắn chị sẽ chọn Mỹ”.

BBC đặt câu hỏi: Singapore có cho dùng vaccine Trung Quốc không, theo cách nào? Hôm 2/6, Singapore thông báo vaccine Sinovac của TQ sẽ được phép cho dùng thông qua chương trình Tiếp cận đặc biệt, Special Access Route (SAR). Điều đó có nghĩa là, vaccine Sinovac không nằm trong chương trình vaccine quốc gia của Singapore, là chương trình tiêm chủng hiện chỉ cho dùng vaccine Pfizer và Moderna. Nghĩa là, những người ở Singapore nếu chọn tiêm Sinovac mà gặp phản ứng phụ nặng, thì sẽ không được chính phủ Singapore bồi thường.

_____

Mời đọc thêm: Đồng Nai áp dụng cách ly 21 ngày người về từ TP.HCM: TP.HCM bị ảnh hưởng sản xuất (TN). – Đồng Nai cách ly người từ TP.HCM: 6.000 người lao động bị ảnh hưởng (VTC). – Đồng Nai cách ly 21 ngày người từ TP.HCM: Không hợp lý (VNN). – 6.000 người lao động tại các KCX-KCN TP HCM “kêu cứu” vì công văn cách ly của Đồng Nai (NLĐ).

Lãnh đạo TP.HCM nói về việc Đồng Nai cách ly người về từ TP.HCM (PLTP).  – Người dân được phép qua lại TP HCM và Đồng Nai (VNE). – Đánh giá việc Việt Nam lập quỹ chống Covid và đầu tư làm vaccine (BBC). – Làn sóng COVID-19 thứ tư, y tế Việt Nam vẫn lúng túng rối rắm (RFA).

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Bạo chúa, những thằng bạo chúa vừa ác lại vừa dốt. Dân đen lãnh đủ

  2. Ai thích thì chích, không thì thôi. Chích thuốc tàu vào chết tạp cặn bã nó đâu có đền, mà chết rồi đền cái gì !

  3. Thiết nghĩ, vaccine của tầu cộng nên để cán bộ đảng viên Vn dùng. Đấy mới chính là “đồng chí, là anh em” còn những Người không phải đảng viên nên cho dùng hàng của bọn tư bản. Dùng thuốc nào nên công khai để bà con được biết. Công khai minh bạch là tôn trọng bản thân!

  4. Vác xin Trung Quốc để dành cho các cấp lãnh đạo chích còn tôi chắc chắn là không.

  5. “Trong khi vaccine của Mỹ, Pfizer giá $19,5/ liều, Moderna giá $15/ liều, theo tin từ Fierce Pharma”

    20$ là giá sản xuất . Ở Mỹ này khi tiêm ở CVS, bs nói thẳng giá là 35$ gồm chuyên chở & bảo quản + giá nhân viên y tế. Còn tới VN, con số phải ít nhất 2.5, thậm chí 3 lần nếu muốn standardized equipments. Chưa hết, vì không bảo quản được lâu, phải chích liền . Ước tính giá chót cũng khoảng 100 USD/liều . Với điều kiện “được phép mua”.

    Tốt nhất trong thời gian này ? Các trí thức, KOLs … nên nhìn nhận thực tế & thuyết phục dân . WHO công nhận rồi . Chiện 50% dân đã được tiêm chủng nhưng số ca vẫn tăng, có thể ở 50% còn lại . Vả lại, vaccines kể cả Pfizer & Moderna không bảo đảm 100%. Cao nhất là Moderna cũng chỉ tới 98%, kế tới là Pfizer ở 96.5 … và cuối cùng là Sinopharm ở 75. Well, vaccines kia của Trung Quốc ở 64%.

    Với giá thành vaccines tư bửn khi về tới VN là tròm trèm 100 USD, tớ đã đề nghị tái lập lại chế độ tiêu chuẩn . Chỉ ở 1 chức vụ cao nào đó mới có thể nghe được “đài địch”, bây giờ cũng vậy, chỉ ai có chức vụ đủ cao mới có tiêu chuẩn tiêm “vaccines địch”. Còn quần chúng thì chỉ nên dùng hàng “Ta” cho nó lành .

    Theo lý luận của những người mang danh đấu tranh, đây là “lấy mỡ nó rán nó”, vì virus covid cũng xuất phát từ Trung Quốc lun . Huỳnh Thế Du khuyên “lựa cơm gắp mắm”, với “cơm” của VN như vậy, “mắm” này là tốt nhất . Và tư di “nói thế là khá rồi” của dân đ/v trí thức đảng viên có thể áp dụng ở đây luôn . Có còn hơn không, có còn hơn không . Không nên cực đoan, nóng vội mà xài ngay đồ tư bửn . Ta về ta tắm ao “Ta”, dù trong dù đục ao “nhà” vẫn … biên giới là thứ man-made, hổng phải sản phẩm của Divine Being … là “Ta”. Cứ từ từ rồi mọi người sẽ được tiêm chủng .

    “mỗi liều Sinopharm có giá $19-36 đô, theo tin từ BMJ”

    Không đúng . Hung trả 10-15 đô giá lúc tiêm chủng, tức là giá thành phẩm ít hơn nhiều . Việt Nam sẽ được hưởng giá mềm, giá hữu nghị, giá nội bộ, làm mọi tính toán của trí thức nhà mềnh (khoảng 6-10 đô/liều) chính xác khít khìn khịt lun . Tỷ mốt đó là số tiền mua đủ vaccines “tiêu chuẩn” cho đảng viên . 10 triệu đảng viên + gia đình, mỗi người 2 mũi, chỉ đủ cho đảng viên + gia đình các cán bộ cấp cao mỗi người 2 mũi . Cán bộ cấp thấp chưa chắc được cover.

    Cách tốt nhất lúc này là các trí thức & các xã hội dân sự nên dùng ảnh hưởng rất to to của mình để có lời với dân . Phía Đảng thì lúc tiêm cứ việc tiêm . Dùng codes thay vì tên, rùi giải thích code này có nghĩa là tư bửn . Done. Nguyễn Anh Tuấn có đề nghị hãy giao nhiệm vụ tuyên truyền cho các xã hội dân sự . Muốn Đảng chấp nhận sự tồn tại của các tổ chức xhds, đây là dịp có thể chứng minh với Đảng rằng họ cũng có thể làm tốt nhiệm vụ của dư luận viên, for absolutely nothing. Chỉ xuất phát từ cái tâm sáng của mềnh thui .

Comments are closed.