Merrick Garland vs. Donald Trump (Kỳ 1)

Minh Phạm

1-6-2021

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland. Nguồn: AP Photo/Susan Walsh

Bộ Tư pháp Mỹ và Donald Trump: Vụ điều tra nghi vấn thông đồng Trump-Nga, vụ bạo loạn ngày 6/1/21 và vụ George Floyd…

Mặc dù là một thành phần quan trọng nhất nhì của Hành pháp liên bang (Executive Branch), là một bộ cấp Nội-các (Cabinet level department) của Tổng thống; Bộ Tư pháp Mỹ ( Department of Justice: DOJ) vẫn hoàn toàn độc lập với Tổng thống: chịu sự quản lý nhân sự từ Ủy ban Tư pháp Thượng nghị viện (The U.S. Senate Committee on the Judiciary, the Senate Judiciary Committee), và dưới sự giám sát hoạt động từ Ủy ban Tư pháp Hạ nghị viện (The U.S. House Committee on the Judiciary, the House Judiciary Committee).

Có thể nói, Bộ Tư pháp Mỹ là “cánh tay nối dài” của Quốc Hội bên cạnh Tổng thống, giúp Tổng thống thay mặt Quốc Hội thực hiện quyền chấp-pháp (law- enforcement), mà quan trọng nhất là thay mặt Tổng thống để thực hiện quyền Công-tố lên mọi công dân Mỹ, kể cả chính Tổng thống.

Trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống thứ 45 – Donald John Trump – là người duy nhất không muốn thừa nhận thực tế đó, và đó cũng là dấu hiệu rõ nét nhất để phá hủy một nền cộng hòa.

***

Hôm thứ ba ngày 4/5/2021, nữ Thẩm phán Amy Berman Jackson của Tòa sơ thẩm liên bang Phân khu thủ đô (The United States District Court for the District of Columbia) ra phán quyết, lệnh cho Bộ Tư pháp trong vòng 2 tuần lễ sau khi phán quyết được tuyên, phải công bố toàn văn Biên bản (mật) pháp lý nội bộ (The internal legal memo) do Văn phòng Cố vấn Luật pháp thuộc Bộ Tư pháp (DOJ’s Office of Legal Counsel: OLC) soạn thảo, nhằm giải trình lý do (cựu) Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bill Barr không ủng hộ việc truy tố (cựu) Tổng thống Donald Trump phạm tội “Cản trở Công lý” (obstruction of justice charges) trong vụ điều tra nghi vấn thông đồng Trump-Nga 2016 của Điều tra viên đặc biệt (Special Counsel for the United States Department of Justice) Robert Mueller.

Điều đáng nói là vụ kiện này được phát động từ năm 2019, Bộ Tư pháp lúc đó hoàn toàn nằm dưới sự chi phối từ ông Tổng thống Trump nên Bộ Tư pháp bảo vệ ông Trump bằng mọi giá. Và cho dù Bản Kết luận Điều tra của Mueller (Mueller Report) để ngỏ khả năng truy tố Tổng thống tội danh “cản trở công lý”, Bộ Tư pháp thời Bill Barr đã không làm điều đó với lý do được “giấu kín”.

Trên căn bản pháp lý từ Đạo Luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act), tổ chức bất vụ lợi “Công Dân vì Trách Nhiệm và Đạo Đức” (Citizens for Ethics and Responsibility in Washington: CREW) ở Washington đứng nguyên đơn kiện Bộ Tư pháp, yêu cầu Bộ trưởng phải công bố lý do Bộ này không truy tố đương kim Tổng thống lúc đó là Donald Trump.

Cũng cùng thời điểm đó, Bản Kết luận Điều tra của Mueller (Mueller Report) được công bố nhưng những phát hiện quan trọng nhất khả dĩ buộc tội Donald Trump đã bị Bộ Tư pháp bôi đen để không ai có thể đọc được. Sự kiện này khiến vụ án của SCREW bị treo tại Tòa sơ thẩm suốt gần 2 năm.

Nay đã là năm 2021, thuộc Hành pháp Biden; và Bộ Tư pháp nay cũng đã đổi chủ, dưới quyền điều hành của ông tân Bộ trưởng là Merrick Garland.

***

Phán quyết ngày 4/5/21 hoàn toàn bất lợi cho ông Donald Trump và cả ông Bill Barr. Thông qua phán quyết này, nữ Thẩm phán Jackson cũng chỉ trích ông Barr “không thành thật” khi nói về những phát hiện của ông Mueller trong vụ điều tra nghi vấn thông đồng Trump – Nga 2016.

Đương nhiên một phán quyết của Tòa sơ thẩm liên bang có thể bị kháng cáo lên tòa trên, Tòa Thượng thẩm liên bang khu vực Thủ đô (the United States Court of Appeals for the District of Columbia Circuit). Và với luận-lý thường thức, Bộ Tư pháp thời Joe Biden hẳn sẽ không kháng cáo một phán quyết chống lại Donald Trump. Trước đó, một số Nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cũng đã gởi thư yêu cầu Bộ trưởng Garland không chống án.

***

Những tưởng sang thời tân Tổng thống Joe Biden, Bộ Tư pháp do “oan gia” Merrick Galand sẽ thừa cơ tấn công ông Trump và ông Bill Barr bằng cách vận dụng “uy lực quyết tụng” (jus judicata) để cho thi hành ngay bản án (hợp với cái lý lẽ mà Donald Trump thường viện dẫn bằng thuật ngữ “ám sát chính trị”, tức “săn phù thủy”).

Nhưng lạ chưa, ngày 24/5/21, Bộ Tư pháp lập tức thông báo sẽ chống án lên tòa Thượng thẩm một ngày sau khi phán quyết được tuyên!!!??? Thông báo kháng cáo của Bộ Tư pháp (DOJ “Notice of Appeal”) do Phó Trợ lý Bộ trưởng (Deputy Assistant Attorney General Brian Netter) nộp cho Tòa.

***

Ba ngày sau, 27/5/21, Bộ Tư pháp lại một lần nữa khiến công chúng chưng hửng khi họ thỉnh cầu Tòa Sơ thẩm liên bang Phân khu Thủ đô bác bỏ đơn kiện Donald Trump và những quan chức dưới quyền đã hành hung những người biểu tình ôn hòa ngày 4/6/2020 ở Quảng trường La Fayette trong buổi tưởng niệm cái chết của George Floyd xảy ra hơn một tuần trước đó.

Nghe có vẻ…”sai sai”!

Các quyết định dường như “có lợi cho Donald Trump” của Bộ Tư pháp khiến rất nhiều người hụt hẫng, bởi lẽ cùng với phán quyết của Tòa sơ thẩm, Kết luận điều tra của Mueller (Mueller Report) sẽ được công bố toàn vẹn và khả năng là ông cựu Tổng thống cùng cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Trump sẽ đối mặt với luật pháp hình sự vì tội cản trở công lý. Từ đây, các chỉ trích bắt đầu xuất hiện, thậm chí có những cáo buộc cho rằng ông Biden (và ông Garland) đã “bảo vệ ông Trump” trong các vụ kiện nói trên.

Kỳ sau: Những lời giải thích ban đầu

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây