Hồ Bạch Thảo
21-4-2021
Tiếp theo phần 1-51
52. Vua Trần Nghệ Tông
Niên hiệu: Thiệu Khánh (1370-1372)
Tháng 11 năm Thiệu Khánh thứ nhất [19/11 đến 18/12/1370] (Minh Hồng Vũ năm thứ 3). Cung định vương Phủ lên ngôi vua tại phủ Kiến Hưng [Nam Định], miếu hiệu là Nghệ Tông, mang quân về thành Thăng Long, vào thành bái yết nhà Thái miếu, nhà vua nói:
“Việc ngày nay thật vượt ngoài ý tôi định liệu. Chỉ vì cớ nghĩ đến xã tắc, nên không thể từ chối được. Xét mình lỗi đạo hiếu trung, lòng những hãi hùng hổ thẹn. Vậy xin giảm bỏ sự cao sang để gọi là đáp lại sơ tâm đôi chút“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Vua bèn ra lệnh: phàm các xe kiệu và đồ dùng đều sơn đen, không được trang sức bằng vàng son, châu báu và màu đỏ. Nhà vua lại dụ bảo quần thần rằng:
“Bản triều dựng nước có chế độ riêng. Khoảng niên hiệu Đại Trị [1358-1369 Dương Nhật Lễ] thay đổi lung tung đến nỗi rối ren phiền nhiễu! Nay nên trừ bỏ những chính sự tệ hại. Mọi việc đều tuân theo điều lệ thời Khai Thái [1324-1328 Minh Tông]”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Trần Nhật Hạch là người tôn thất nhà Trần, trước đây thuộc bè đảng với Dương Nhật Lễ, định mưu lật đổ xã tắc; nhà vua sai bắt giết chết.
Danh sĩ Chu Văn An, Quốc Tử giám tư nghiệp (1) trí sĩ, mất:
“Chu An tính cương trực, thanh cảnh, giữ tiết khắc khổ thanh tu, không cầu danh lợi hiển đạt. Ở nhà, đọc sách, học nghiệp tinh thâm thuần túy. Gần xa nghe tiếng, đến học rất đông. Học trò nhiều người thi đậu cao, làm quan to, như Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát đã làm đến Hành Khiển, thời thường lui tới thăm hỏi, vẫn cứ thụp lạy ở bên giường thầy, hễ được thầy nói chuyện một chút thì họ lấy làm mừng lắm. Hễ kẻ nào làm gì lầm lỗi trái ý thì thầy quở trách ráo riết, có khi đến quát mắng đuổi ra. Ấy tính Chu An nghiêm nghị là như vậy.
Dưới triều Trần Minh Tông, ông được vời làm Quốc Tử Tư nghiệp, dạy thái tử học. Đến Trần Dụ Tông ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép. Chu An can không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực và được cưng chiều cả; bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ” (2). Sớ dâng lên, không được trả lời, Chu An liền treo trả mũ áo, trở về điền viên. Yêu phong cảnh núi Chí Linh, ông đến ở ẩn tại đấy. Những ngày đại triều hội thì vào kinh triều cận. Dụ Tông muốn ủy thác công việc chính trị cho ông, nhưng ông từ chối không nhận. Bà Huệ Từ thái hậu nói rằng:
‘Đối với kẻ sĩ thanh tu, thiên tử còn không bắt làm bày tôi được, nữa là chực đem chính sự ép người ta làm?’.
Mỗi khi nhà vua có ban thưởng gì, ông lạy tạ xong rồi, lại đưa cho người khác. Thiên hạ đều khen là người có khí tiết cao. Kịp khi Trần Dụ Tông mất, quốc thống (3) hầu đứt. Được tin Trần Nghệ Tông lên làm vua, Chu An mừng lắm, chống gậy đến bái yết, xong lại xin về, rồi mất ở nhà. Nhà vua sai quan đến tế viếng. Đặt cho tên thụy là Văn Trinh, được thờ phụ ở Văn Miếu”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 2 năm Thiệu Khánh thứ 2 [16/2 đến 17/3/1371] (Minh Hồng Vũ thứ 4). Thết yến quần thần ở điện Thiên An; ban thưởng tùy công, có phân biệt hơn kém. Phong cho người thuộc dòng tôn thất như Thiên Ninh công chúa làm Lạng Quốc thái trưởng công chúa, Sư Hiền làm Cung Chính vương; dùng Trần Nguyên Đán làm Tư đồ, Trần Nguyên Uyên làm Phủ quân tướng quân.
Nhà vua xuống lệnh trừ bỏ phép “sa châu tiệt cước” tức lấy đất bồi tại ven sông và điểm kiểm tài sản:
“Trước đây, bà Chiêu Từ thái hậu đặt ra phép ‘sa châu tiệt cước’, để cắt lấy những bãi phù sa mới bồi ở ven sông, chiếm làm của mình. Trần Dụ Tông lại ra lệnh điểm kiểm tài sản: các nhà quyền quý có đồ quý báu, khi chết đi rồi, phải điểm kiểm đem nộp nhà nước, không được chia cho con cháu. Phàm những chính sự tệ hại ấy đều bởi bọn bầy tôi ‘tụ liễm’ (4) bày ra cả. Đến đây, bãi bỏ hết”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Trước khi Chế Bồng Nga mang quân đánh thành Thăng Long vào tháng 3 nhuần năm Thiệu Khánh thứ 2 [16/4 đến 14/5/1371]; vào dịp này y sai Sứ dâng biểu lên nhà Minh dưới tên Ha Đáp Ha Giả, phàn nàn bị An Nam xâm lấn, xin giúp cho vũ khí. Vì giao thông cản trở, nên mãi đến tháng 7. Sứ giả mới tới triều Minh:
“Ngày 25 tháng 7 năm Hồng Vũ thứ 4 [5/9/1371]
Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] sai bầy tôi Đáp Ban Qua Bốc Nông đến triều đình dâng biểu về việc An Nam xâm lấn đất. Biểu viết trên vàng lá, dài hơn 1 xích, bề ngang 5 thốn (5) bằng chữ nước này, Thông sự dịch văn bản ý như sau:
‘Hoàng đế Đại Minh lên ngôi cao quí, chức vị coi sóc bốn biển, như trời đất che chở; mặt trời, mặt trăng soi sáng. Ha Đáp Ha Giả chỉ đáng là một cây cỏ mà thôi, được ơn Hoàng đế ban cho ấn vàng, phong làm Quốc vương; lòng trung thành hân hoan đội ơn vạn bội.
Duy việc An Nam dùng binh xâm nhiễu bờ cõi, giết bắt quan lại nhân dân; nguyện được Bệ hạ nghĩ đến ban cho binh khí, nhạc khí, chuyên viên về âm nhạc; khiến An Nam biết Chiêm Thành được trang bị thanh giáo, là nước triều cống Trung Quốc, thì An Nam không dám khinh thường.’
Thiên tử cảm động bởi lòng mong muốn, nên khi Đáp Ban Qua Bốc Nông từ giả bệ rồng bèn ra lệnh cho Trung thư tỉnh chuyển văn thư cho viên Quốc vương như sau:
‘Lân quốc giao thiệp, đạo lý là phương sách hay để giữ đất, thờ nước lớn tận lòng thành để làm trọn lễ của bề tôi. Vả lại Chiêm Thành và An Nam đã là bề tôi thờ triều đình, cùng phụng thừa lịch Chính Sóc, lại gây việc binh khiến độc hại sinh linh, trái lễ phụng sự bề trên, lại sai đường giao hảo giữa lân bang. Đã báo cho Quốc vương An Nam bãi binh ngay, bản quốc cũng nên để hai bên tôn trọng giữ gìn cương thổ. Việc xin Thiên tử binh khí thì nào có tiếc gì, nhưng Chiêm Thành và An Nam đang tranh chấp, mà triều đình lại cho riêng Chiêm Thành, là giúp ngươi đánh nhau, rất trái với đạo chiêu an. Còn về việc xin nhạc khí và chuyên viên âm nhạc, thì về thanh luật Trung Quốc và nước ngoài không khác, nhưng về ngữ âm thì có sự sai biệt giữa Hoa và Di, như vậy khó có thể điều khiển. Nếu nước ngươi có kẻ tập nói được tiếng Hoa, có thể dạy cho âm luật; hãy tuyển chọn một số người đến kinh đô học tập. Lại dụ Hành tỉnh Phúc Kiến nếu thuyền bè Chiêm Thành ghé bờ thì cho miễn thuế, để tỏ ý mềm dẽo quyến luyến”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 141)
Tháng 3 nhuận [16/4-14/5/1371], quân Chiêm Thành vào cướp thành Thăng Long. Nhà vua chạy sang huyện Đông Ngàn [Bắc Ninh] trốn tránh; quân giặc cướp phá, kinh đô thiệt hại rất lớn:
“Dương Nhật Lễ đã bị giết rồi, mẹ nó trốn sang nước Chiêm Thành, xui Chiêm Thành vào lấn cướp. Bấy giờ, từ khi Trần Dụ Tông rông rỡ chơi bời, việc võ không sửa sang, biên giới chẳng phòng bị, quân Chiêm Thành do cửa biển Đại An [Cửa Liêu ở huyện Hải Hậu, Nam Định] thẳng tiến, xâm phạm kinh đô. Cánh du binh của địch đến bến Thái Tổ [phường Phục Cổ, huyện Thọ Xương, Hà Nội], không ai chống cự được. Nhà vua phải chạy sang huyện Đông Ngàn để lánh giặc. Người Chiêm bắt lấy con trai, con gái, cướp bóc ngọc lụa, của cải, thiêu đốt cung điện, đồ thư và sổ sách. Kinh thành, vì thế, hết sạch sành sanh. Từ đấy, năm nào, Chiêm Thành cũng thường vào xâm lấn khuấy nhiễu; do đó biên giới mới xảy ra lắm việc”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10
Sau khi quân giặc rút, vào tháng 4 [15/5 đến 12/6/1371] nhà vua từ huyện Đông Ngàn trở về kinh đô. Bấy giờ Cung Tuyên vương Kính, em cùng cha khác mẹ với vua có công trong việc chiêu tập quân sĩ lấy lại đất nước, bèn phong làm Hoàng thái tử; ban cho 14 chương khuyên dạy gọi là Hoàng Huấn.
Tháng 5 [13/6-12/7/1371], dùng người họ ngoại là Lê Quý Ly tức Vua Hồ Quý Ly sau này, làm Xu mật đại sứ:
“Ông tổ nhà Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, về đời Ngũ Quý (907-959), sang bên ta, lập ấp ở tại làng Bào Đột thuộc Diễn Châu. Về sau, Hồ Liêm di cư sang Thanh Hóa, làm con nuôi Lê Huấn, do đấy, đổi theo họ Lê. Quý Ly là cháu bốn đời. Quý Ly có hai người cô đều được Trần Minh Tông lấy vào hậu cung: Một người, là bà Sinh Từ, sinh được nhà vua đây; một người, là bà Đôn Từ, sinh được Duệ Tông. Cho nên nhà vua tin dùng Quý Ly, cho Quý Ly do Chi hậu chánh chưởng thăng lên chức này; lại gả cho Quý Ly người em gái mới góa là Huy Ninh công chúa”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Bấy giờ cung thất đều bị Chiêm Thành đốt phá. Nhà vua hạ chiếu cho xây dựng và sửa sang lại, nhưng việc doanh tạo chỉ cốt mộc mạc, đơn giản, do những người trong họ tôn thất đứng làm, chứ không dùng đến sức dân.
Tháng 9 [8/10 đến 7/11/1371], gia phong cho Lê Quý Ly tước Trung Tuyên quốc thượng hầu; sai đi vào Nghệ An, vỗ về nhân dân, chiêu an nơi biên giới.
Tháng 10 [8/11 đến 7/12/1371], sai Phan Nghĩa, lang trung bộ Lễ, đặt ra thông chế và các lễ nghi.
Tháng giêng năm Thiệu Khánh thứ 3 [5/2 đến 5/3/1372] (Minh Hồng Vũ năm thứ 5), triều đình xét thành tích các quan.
Tháng 2, Sứ thần nước ta đến triều Minh nạp cống, biểu văn không đề tên vua cũ Dương Nhật Lễ, mà đề tên Vua mới là Trần Thúc Minh [tên Vua Nghệ Tông xưng với nhà Minh]. Khiến Minh Thái Tổ giận dữ, từ khước không nhận cống; việc rắc rối này kéo dài đến năm sau [1373] mới tạm giải quyết xong:
“Ngày 8 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 5 [13/3/1372]
Trần Thúc Minh nước An Nam sai quan là Nguyễn Nhữ Lâm đến triều đình dâng biểu và cống voi thuần. Người bộ Lễ nhận tờ biểu mang vào, Chủ sự Tăng Lỗ xem phó bản rồi nói rằng:
‘Vương trước là Trần Nhật Kiên [Dương Nhật Lễ], nay biểu đề tên Trần Thúc Minh tất phải có lý do; hãy trình ngay Thượng thư để cật vấn việc này.’
Hóa ra Thúc Minh bức tử Nhật Kiên để đọat ngôi; sợ triều đình trách phạt nên giả bộ nạp cống để dò ý. Nhữ Lâm không dám dấu, khai đầy đủ. Thiên tử nói:
‘Man Di nơi hải đảo giảo họat như vậy, hãy từ khước cống vật không nhận. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 142)
Tháng 4 [4/5 đến 1/6/1472], dùng Đỗ Tử Bình làm Hành khiển, Tham mưu quân sự.
Tháng 5 [3/6 đến 30/6/1472], dùng Nguyễn Nhiên kiêm chức Xu Mật viện. Nguyên trước đây Nguyễn Nhiên có công lao bí mật báo tin Dương Nhật Lễ định giết nhà vua, nên khi mới lên ngôi, cho làm Hành khiển rồi thăng tả Tham tri chính sự. Nhưng Nguyễn Nhiên ít chữ, lúc phê sổ sách, nhà vua thường phải dạy cho viết chữ. Đến đây, lại có mệnh lệnh cho kiêm giữ chức Xu Mật viện.
Sau khi sang đánh nước ta, Chế Bồng Nga sai Sứ sang cống triều Minh, được Minh Thái Tổ sủng ái ban nhiều tặng vật:
“Ngày 20 tháng 9 năm Hồng Vũ thứ 5 [17/10/1372]
Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] sai quan là bọn Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Phật Lộc đến cống phương vật. Chiếu ban cho Ha Đáp Ha Giả 40 tấm lụa là, lụa ỷ, có hoa văn kim tuyến. Ban cho Sứ giả lụa là, lụa ỷ và tiền có phân biệt”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 143)
Tháng 10 [27/10 đến 25/11/1372], nhà vua đi Thiên Trường, sửa sang lăng miếu.
Tháng 11 [26/11 đến 25/12/1372], vua truyền ngôi cho thái tử Kính. Thái tử lên ngôi, xưng là Khâm Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Kế Thiên Ứng Vận Nhân Minh Khâm Ninh hoàng đế tức là Vua Trần Duệ Tông. Vua Nghệ Tông làm bài châm (6), gồm 150 chữ, ban cho.
______
Chú thích:
1. Quốc Tử giám tư nghiệp: Như chức phó hiệu trưởng trường Đại học bây giờ.
2. Tờ sớ xin chém bảy tên.
3. Quốc thống hầu đứt: Đây chỉ dòng vua họ Trần truyền cho Dương Nhật Lễ.
4. Tụ liễm: Ráo riết thu vét bắt dân đóng góp để làm giàu cho người trên.
5. Xích, thốn: 1 xích = 0.32 mét. Thốn = 1/10 xích.
6. Châm: Một thể văn cô đọng, súc tích; nhằm khuyên răn.