Để giáo viên bớt khổ

Nguyễn Tiến Tường

14-4-2021

Tân bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xướng thông điệp giáo dục “nhân bản”, tôi thấy mừng. Vì ông đã nhìn thấy rằng giáo dục của chúng ta đi xa quá, xa tới mức vắng bóng yếu tố con người.

Ông cũng muốn lấy lại vị thế của người giáo viên trong mắt xã hội. Tôi cho rằng xã hội ta truyền thống nghìn năm “bắc cầu kiều”, chưa bao giờ thôi yêu thương người cô người thầy, kể cả là cô thầy của con mình.

Quốc gia chi ngân sách thường xuyên 20% cho giáo dục, nghĩa là cũng luôn đặt ước mơ tri thức của dân tộc lên đỉnh tháp nhu cầu. Quốc gia hiếu học, nhân dân hiếu học, vì sao giáo viên khổ?

Giáo viên khổ vì chính cơ chế quản lý giáo dục!

Tôi đọc những cuộc cải cách giáo dục ở các nước, đều bắt đầu từ việc nâng lương giáo viên. Giáo viên không chỉ được bảo đảm cuộc sống tốt mà còn lo được gia đình và tích luỹ.

Ở ta, lương giáo viên thấp, thu nhập bị lệ thuộc vào thi đua, chuyên cần, xếp hạng… Ganh ghét tị nạnh từ đó mà ra, kéo bè kết cánh trù dập nhau cũng từ đó mà ra. Mà giáo viên thì yếu thế, rất dễ bị xé lẻ ra để trừng phạt. Cho dù dân chủ cỡ nào, một giáo viên cũng không thể thắng nổi người quản lý giáo dục, từ hiệu trưởng đến phòng sở.

Nghề giáo là một nghề, quan hệ với chủ quản đã có luật lao động. Nhưng thầy cô giáo sống trên giáo án thì ít mà ngoài giáo án thì nhiều. Rồi bị điều động đi muôn hình vạn trạng công việc phong trào, địa phương, rồi “nhiệm vụ chính trị”, tiếp khách tiếp khứa. Nhiễu nhương khôn tả!

Muốn giáo viên bớt khổ, bộ GD-ĐT phải định biên được nhân sự từ khâu đào tạo đại học, cao đẳng. Ngày xưa “chuột chạy cùng sào chui vào sư phạm”, nay chạy chỗ dạy công khai. Hôm nay bỏ vài trăm triệu, mai chưa chắc được đi dạy vì bị người khác bỏ tiền nẫng tay trên.

Phải bỏ hàng trăm triệu đồng để đứng lớp, người ta kêu gì cũng phải dạ. Thậm chí bị cán bộ giáo dục hoặc lãnh đạo địa phương đòi hỏi cái này cái khác, nhắm mắt chấp nhận. Nếu không thì phải chịu chuyển công tác, chuyển ngạch.

Bao năm qua, việc xây dựng nhân sự các trường chưa được tự chủ. Giáo viên chạy việc quỵ luỵ tứ phương. Thi tuyển công chức chưa minh bạch, nghĩa là số phận giáo viên được điều khiển sau bức màn, muốn tuyển sao thì tuyển, muốn xếp ngạch sao thì xếp.

Minh bạch khâu tuyển giáo viên, tôi nghĩ không khó. Giáo viên phải nhất quán được là công chức chính danh, dựa trên nhu cầu của từng trường, tự chủ tuyển chọn, minh bạch công khai. Đây cũng là cách chấm dứt chạy việc, lẫn lộn vàng thau và trả lại vị thế cho nghề giáo.

Người giáo viên ở mình được xướng danh “người đưa đò”, một kiểu tôn vinh người hùng hư danh nhưng ụp luôn lên họ nhiều sự chịu đựng, phải nín lặng và chịu đựng thân phận.

Là một người thầy, có lẽ bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thấu hiểu điều này. Và cho dù một cánh én không thể làm nên mùa xuân, còn nhiều ràng buộc cơ chế nhằng nhịt nhưng đi rồi sẽ thành đường…

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. “Tôi đọc những cuộc cải cách giáo dục ở các nước, đều bắt đầu từ việc nâng lương giáo viên”

    Sai bét nhè . Ở Mỹ từ trước tới giờ kêu gào cải cách giáo dục, chưa lần nào chú chọng vào việc tăng lương cho giáo viên . Pháp cũng thía . Giáo viên ở Pháp lâu lâu vẫn biểu tình đòi tăng lương . Hà Lan, Đan Mạch cũng chưa bao giờ chú chọng vào tăng lương cho giáo viên chong cải cách giáo dục . Hổng phải cứ có tiền là mọi việc đều trôi chảy, ngoại trừ mún mở rộng tham nhũng chong giáo dục .

    Níu có cải cách giáo dục, tớ chỉ xin đừng bao giờ dựng lại cờ Vàng trong cải cách giáo dục . Chính vì nền giáo dục VNCH thúi nát, vong bản … mà những ngừ như Lê Học Lãnh Vân mới quyết định tham gia đạp đổ nó . Dựng lại cờ Vàng rùi kiu đó là cải cách giáo dục chính là phản bội lại những hy sinh của những ngừ như Lê Học Lãnh Vân để lập nên chế độ này .

    • Chắc chú mầy ngày xưa, trước 1975, đi học hay đội sổ; thi tú tài 1 mất 3 năm mới lọt cửa, phải trốn lính; tú 2 thêm 2 năm nữa, già quá không vào được đh vì phải lo kiếm sống, nên hận giáo dục của chế độ nầy?

      Nhân bản là tiêu ngữ, cứu cánh của hầu hết mọi nền giáo dục trên thế giới văn minh, tuyên bố hoặc ngầm hiểu qua thể hiện trên thực tế,
      ngoại trừ giáo dục của hitler, mussolini, stalin, polpot hay mao và đồ đệ của hắn ở các nước chư hầu.

      Vì đó là mục tiêu của bất cứ hoạt động nhân văn, văn hoá văn học nào. Không lấy con người làm gốc, thì giáo dục nhằm phục vụ cái gì, phục vụ cho showbiz, đào tạo hoa hậu người mẫu, hay cai tù?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây