Tác giả: Larry Engelmann
Người dịch: Nguyễn Bá Trạc
12-4-2021
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 và Phần 5
Dương Quang Sơn
Đêm nào tôi cũng khóc cho Việt Nam. Tôi nhớ và tôi khóc. Trong bóng đêm đen, trí nhớ biến thành nước mắt. Những giọt nước mắt cho bố, cho mẹ, cho các anh chị em tôi, cho tất cả những người đã bỏ đất nước ra đi, cho cả những người không ra đi được. Tôi không muốn ký ức của tôi mất đi như nước mắt trong mưa. Nên tôi xin kể cho ông nghe câu chuyện của tôi để ông kể lại cho những người khác, nhờ thế có thể có nhiều người sẽ biết đến những gì xảy ra ở Việt Nam.
Nhờ thế ký ức của tôi không uổng phí. Nhờ thế ký ức của tôi sẽ là những giọt nước mắt trước cơn mưa. Vậy xin lắng nghe. Những gì tôi kể rất quan trọng. Những gì tôi nhớ. Những gì xảy ra cho tôi. Những gì tôi nói đây chính là những giọt nước mắt trước cơn mưa lũ.
Bố tôi tên Trần Phong. Ông theo Phật giáo, sinh trưởng ở Hải Phòng, Bắc Việt. Ông đã đi kháng chiến chống Pháp, nhưng khi Cộng sản chiếm miền Bắc năm 1954, ông di cư vào Nam, định cư ở Sài Gòn. Bố tôi ghét Cộng sản. Bố tôi yêu Tự Do. Chỉ vì muốn một đời sống Tự Do mà năm 1954 ông đã phải trở thành người di cư.
Ông rất buồn vì đất nước chia đôi, nhưng ông lại muốn tránh xa Cộng sản. Mẹ tôi cũng sinh trưởng ở miền Bắc. Cũng di cư vào Nam với bố tôi năm 1954. Bà ngoại tôi, các anh chị em của mẹ tôi đều ở lại ngoài Bắc cả.
Cuộc sống chúng tôi tại Sài Gòn rất tốt đẹp. Bố tôi kiếm được khá tiền nhờ nghề sửa tàu biển. Trong gia đình, tôi là đứa con bé nhất, nên bố tôi gọi là thằng “Út”, tiếng Việt nghiã là “đứa con nhỏ nhất”. Tôi có một người anh, hai người chị. Cô tôi cũng ở chung với gia đình tôi trong một căn nhà rộng rãi tại Quận Nhứt, Sài Gòn. Tôi học Trung học Công lập, anh tôi đã học Đại học. Mùa xuân năm 1975, tôi vừa được mười sáu tuổi. Lúc này bọn học trò đều chộn rộn về chuyện Cộng sản xâm chiếm. Có đứa bàn tán cả chuyện bỏ nước ra đi. Nhiều hôm trên đường tan trường về, tôi thấy người ta đứng xếp hàng dài để xin giấy tờ hoặc đổi tiền ra khỏi nước.
Có một buổi anh tôi ở Đại học về, bố tôi bảo hai anh em tôi rằng bố tôi muốn đưa hai đứa ra khỏi nước một thời gian. “Chúng mày hãy còn bé”. Bố tôi nói “Chúng mày còn có tương lai. Khi nào yên ổn, các con lại về”. Bố tôi nghĩ chúng tôi nên sang Mỹ học, khi trở về, tương laì chúng tôi sẽ khá hơn. Nhưng bấy giờ ra khỏi Việt Nam là việc thực khó, nên suốt một thời gian, hai anh em tôi chẳng ai tin là sẽ đi được.
Tôi có một thằng bạn thân tên là Quang. Chị nó tên Hương làm thư ký Tòa Đại sứ Mỹ. Thằng Quang bảo tôi là chị nó có thể đưa chúng tôi đi được. Người Mỹ đã hứa cho chị nó cùng thân nhân ra khỏi Việt Nam. Nếu chúng tôi muốn đi, chị nó chỉ cần thêm tên vào danh sách là xong.
Chúng tôi nói thế thì tốt quá. Chị ấy bèn đến nói với thượng cấp cũng là người Việt – rằng chị có hai chú nhỏ muốn rời Việt Nam nhưng không có họ hàng gì. Chị muốn đánh thêm hai tên này lên danh sách, chẳng biết có được hay không? Cấp trên của chị bảo rằng được.
Thế là sau khi đã cho tên chúng tôi vào đanh sách, chị ấy bảo chúng tôi phải sẵn sàng, đêm ngày gì cũng vậy, có thể đi bất cứ lúc nào. Chị cũng bảo chị sẽ cho biết địa điểm và lịch trình chuyến đi.
Thế là mười giờ sáng ngày 28 tháng Tư, chị Hương đến nhà nói với tôi: “Sơn ạ, em sửa soạn ngay. Một tiếng đồng hồ nữa phải đi.” Chị cho chúng tôi biết phải đến chỗ nào. Xe buýt sẽ đưa chúng tôi ra phi trường. Chúng tôi chỉ được phép mang theo mỗi người một túi áo quần. Chúng tôi chẳng có thời giờ từ biệt ai cả. Tôi chỉ còn kịp bảo: “Bố ạ, con thương bố lắm. Con phải đi ngay bây giờ”. Sáng hôm ấy bố mẹ tôi đều khóc. Bố mẹ tôi căn dặn anh tôi: “Con phải săn sóc thằng ‘Út’ cho cẩn thận”.
Bố tôi lái xe chở chúng tôi đến địa điểm đón xe buýt. Chúng tôi chẳng có giấy tờ gì đặc biệt, cũng không rõ họ sẽ hỏi han gì. Đến một cao ốc lớn, chung quanh có hàng rào, gõ cửa, một người đàn ông mở cho chúng tôi vào. Ông này có một danh sách. Tên chúng tôi có trong danh sách rồi. Khi qua khỏi bờ rào, chúng tôi ngạc nhiên, bên trong là một cái sân rất rộng đã đầy người đợi. Những người ấy từ khắp nơi, nhiều người rải rác tận các tỉnh ngoài Trung, khoảng ngàn người có mặt. Tôi hỏi thăm vài người xem họ ở đâu đến. Người thì bảo Đà Nẵng. Người thì bảo Nha Trang. Chúng tôi không gặp người quen nào cả, hình như chẳng ai ở Sài Gòn ngoại trừ hai anh em chúng tôi.
Lúc ấy lòng tôi sướng vui rộn rã. Tôi hãy còn nhỏ, tôi không phải sống dưới chế độ Cộng sản, tôi sẽ được đi học ở Mỹ, khi nào hết Cộng sản thì tôi trở về Sài gòn.
Chúng tôi đợi trong sân không lâu thì họ gọi tên. Hai anh em tôi đi ra cổng. Ngoài ấy có tài xế xe buýt đang đứng kiểm người trong danh sách. Lên xe buýt, chúng tôi không tin nổi. Chúng tôi là những người đầu tiên ở trong sân được gọi đi. Hai anh em mỗi người một cái túi, chẳng tiền bạc gì. Bố tôi đã dặn khi đến thì gọi điện thoại, bố tôi sẽ gửi tiền sang vì chúng tôi dự định sẽ đến California ở với một người quen.
Người ta chở chúng tôi ra phi trường. Phi trường đông nghịt người, mặt trời nóng hừng hực. Chúng tôi ra khỏi xe, đứng một bên chờ trong khung cảnh ồn ào ấy: Máy phóng thanh oang oang gọi tên người, hàng quà, hàng nước, người bán hàng rong rao inh ỏi. Bọn đổi tiền lăng xăng gạ gẫm. Nhiều người đứng khóc. Người ta choáng váng chẳng rõ mọi việc ra sao, rồi đây sẽ đến nơi nào.
Chúng tôi cũng chẳng rõ mọi việc ra sao, nhưng đột nhiên máy phóng thanh kêu tên. Ngạc nhiên, tôi hỏi vài người ở đấy xem họ đã đợi bao lâu. Có người bảo: “Cả tuần lễ rồi”. Có người thì hai, ba ngày. Tôi đang nghĩ có lẽ chẳng bao giờ tới lượt anh em chúng tôi, thì chợt họ gọi tên, đưa chúng tôi ra Trạm khởi hành.
Họ khám người, khám hành lỷ. Họ bảo anh em chúng tôi đứng sắp hàng. Một lúc sau, họ dẫn chúng tôi ra máy bay. Bên ngoài máy bay có hai quân cảnh Việt Nam đứng gác để ngăn ngừa những người đào ngũ chạy ra khỏi nước. Họ nhìn mọi người một cách cẩn mật, nhưng không hỏi gì chúng tôi. Anh em chúng tôi bước vào máy bay.
Tôi tưởng là một cái máy bay đàng hoàng, nào ngờ chỉ là một chiếc C-130. Chúng tôi vào theo lối đàng đuôi, bên trong không có ghế. Chúng tôi phải ngồi chen chúc trên sàn như cá hộp. Lúc ấy cửa sổ còn mở, chợt bên ngoài vang lên một tiếng nổ lớn, tôi hoảng hốt nghĩ: “Trời ơi, cái gì thế”. Một tiếng nổ thật lớn ngay đằng sau máy bay.
Chiếc máy bay chuyển dịch. Chạy, trong lúc cửa còn mở. Tôi nhìn qua cửa thấy người ta chạy khắp bốn phía, nã đạn lên trời. Họ đều có vẻ hoảng hốt. Những người bên cạnh tôi trong máy bay rú lên kêu khóc. Vài người bắt đầu cầu nguyện lớn tiếng. Tôi nắm lấy anh tôi mà bảo: “Cầu cho máy bay này đừng rớt”.
Người ta vẫn không có thì giờ đóng cửa. Chiếc máy bay chạy trên phi đạo nhưng cửa vẫn còn mở. Khi máy bay cất cánh, chúng tôi có thể nhìn rõ qua phiá sau, dưới đất người ta chạy toán loạn với hàng trăm tiếng nổ. Trong lửa đạn, cả phi trường đắm trong cơn điên loạn.
Theo sau chúng tôi một chiếc C-130 nữa tiến tới. Chỉ vài giây sau khi chúng tôi cất cánh, nó bốc lên theo. Tôi nghĩ đây là hai chiếc máy bay cuối cùng cất cánh từ Tân Sơn Nhất. Chúng tôi may mắn quá.
Lúc chúng tôi rời Sài Gòn, một người lính Mỹ đứng trấn ở cửa sau máy bay ôm súng bắn xuống đất. Máy bay cất lên rồi, anh ta vẫn cứ bắn. Bên trong máy bay, nhiều người khóc om sòm. Lúc nhìn người lính Mỹ đang bắn, tôi tự hỏi chẳng biết anh ta bắn gì. Tôi nghĩ anh ta đang cố chứng tỏ sức mạnh của người Mỹ một lần cuối cùng. Tôi nghĩ anh ta muốn bảo mọi người, với khẩu súng, là: “Đừng bắn vào phi cơ chúng tôi! Đừng lộn xộn với cái phi cơ này! Bọn này là Mỹ đây. Trên phi cơ có súng – tránh ra. Để chúng tôi yên!” Nhưng tôi chỉ đoán thế. Tôi không nghĩ anh ta biết được chuyện gì đang xảy ra. Tất cả chúng tôi lúc ấy đều thực rối ren.
Dẫu sao, đó là hình ảnh cuối cùng tôi thấy ở quê nhà. Trong lúc máy bay cất cánh tôi đã thấy hình ảnh Việt Nam với một người lính đang cầm súng bắn vào đất nước ấy. Chúng tôi hạ cánh ở Phi Luật Tân, tại Phi trường Clark. Người ta đưa chúng tôi đến một nhà kho rất lớn, người Mỹ đã sắp đặt mọi thứ chu đáo làm chúng tôi ngạc nhiên. Họ đưa chúng tôi vào một khu chuyển tiếp khá rộng rãi, có cả máy truyền hình, giường nệm đầy đủ. Ngày hôm sau, người ta bảo Cộng sản đã chiếm Sài Gòn. Chúng tôi đều bàng hoàng. Chúng tôi lo lắng chẳng rõ gia đình ra sao. Bố mẹ thế nào. Cuộc đời chúng tôi khi đến đất nước Hoa Kỳ đi đến đâu. Bao nhiêu câu hỏi nảy ra trong tâm trí anh em tôi.
Chúng tôi xem tin trên truyền hình, nhìn cảnh Bộ đội Cộng sản tiến vào Sài Gòn. Nhiều người khóc khi thấy cảnh đó. Anh em tôi cũng khóc. Gia đình chúng tôi vẫn còn ở Việt Nam. Anh em tôi nhìn nhau tự hỏi: “Rồi ngày mai, cuộc đời chúng tôi sẽ ra sao?”
Nguồn: Blog Phan Ba
Để xem 30 tháng 4 năm nay cáo già sẽ đưa bài diễn văn như thế nào cho Chính đặc khu nó đọc, có lẽ lại là những sáo rỗng chống Mỹ, chống diễn biến hòa bình, chống việc chán đảng nhạt đoàn. Vào đảng, đoàn thì bị dân chúng nguyền rủa mà không vào thì mộng làm giàu khó thành. Cáo già bây giờ mới chìa khuân mặt dày như đít trâu và cái tánh thích nịnh thích được tung hô, chống mỹ nhưng vắc xin của đế quốc thì lén lút tiêm và chạy loạn tứ tung, tình đồng chí môi hở răng lạnh với TC nhưng khi nó chiếm biển đảo thì câm như hến. Tình đồng chí anh em gì mà toàn cướp bóc và đâm sau lưng.