Bàn về “chính trị gia”

Trương Nhân Tuấn

12-4-2021

Gần đây báo chí trong nước thường hay dùng từ “chính khách” và “chính trị gia” để chỉ cho những đảng viên mới được đảng phân phối cho ngồi vào ghế nhà nước. Ta cũng thấy báo chí sử dụng từ “làm chính trị” để chỉ những “nhân vật trẻ” mới được nâng lên “ghế cao”. Người ngoài nhìn vào tưởng bở, VN có đầy “chính trị gia”, có sinh hoạt chính trị đủ thứ…

Lầm chết.

VNCH và Mỹ thua xiểng niểng, trước hết là thua về “nói dóc”, chớ không hề thua về quân sự. Thực ra về quân sự, quân VNCH bỏ súng đầu hàng. Nhưng đầu mối đưa tới các việc “đồng minh tháo chạy” cho tới việc Mỹ cúp viện trợ… đều là hệ quả của cách nói láo siêu quần bạt vía ở tầm quốc tế của cán bộ tuyên truyền cộng sản. Vừa ký kết hiệp ước đó thì cũng vừa sổ toẹt đó. Họ cam kết một đường, nhưng khi họ làm là làm ngược lại.

Thử nhìn lại, có ai nói láo cho bằng người cộng sản? Họ hứa hẹn dân chúng thiên đường, rốt cục họ đem lại địa ngục cho mọi người. Họ hứa hẹn đem lại “bình đẳng” cho xã hội, rốt cục họ “cào bằng” xã hội. Họ hứa hẹn bánh vẽ nhưng hàng triệu triệu người trí thức cũng tin theo và khen cái bánh rất ngon. Đến khi phong trào cộng sản thế giới sụp đổ, thì ngay ở những nước như Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc và VN… dân chúng vẫn sùng bái lãnh tụ, vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tài lãnh đạo của “đảng”… “Đất nước ta chưa bao giờ xin đẹp thế này” là lời nói mới đây của ông Trọng.

Thì cũng đúng thôi. Đối với tầng lớp lãnh đạo, vốn là bần nông trước kia, nay giàu sụ nhờ tham ô nhũng lạm, mua quan bán chức, bán nước buôn dân, hút máu dân nghèo… thì “chưa bao giờ đất nước xinh đẹp như thế này” phải đúng thôi.

Chính trị là gì?

Nói tới “chính trị” là nói tới mọi sinh hoạt có quan hệ đến sự tồn vong, đến lợi ích của một cộng đồng nhân sự sinh sống trên một vùng lãnh thổ. Đó là các việc an ninh, quốc phòng, kinh tế, pháp luật, giáo dục v.v… Tức là, trong một xã hội (văn minh), tất cả những quan hệ, ở bất kỳ lãnh vực nào, giữa “công dân” với “công dân”, giữa “công dân” với nhà nước, giữa “công dân” với “tổ chức”, “đảng phái”… đều là “sinh hoạt chính trị”.

Vấn đề là các “quan hệ” trong xã hội, ở các lãnh vực riêng biệt, đều không giống nhau, đương nhiên do mâu thuẫn về quyền và lợi ích.

Phe “chủ” thì có khuynh hướng “bóc lột”, trong khi phe “nhân công” thì có khuynh hướng “phản kháng”. Phe chủ và phe thợ không thể mặc chung bộ “đồng phục”, vì họ có quyền và lợi ích mâu thuẫn với nhau. (Vấn đề là cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN của VN thì đang mặc đồng phục cho cả chủ lẫn thợ.)

Để những mâu thuẫn không làm suy vi cộng đồng, những bậc “trí giả” nhảy ra “làm chính trị”, đề nghị trước cử tri một “tư tưởng” hay “triết lý” chính trị, với những “chương trình hành động” cụ thể.

Nhưng một cá nhân khó có thể áp đặt một “chương trình chính trị”. Cá nhân cần phải được sự ủng hộ của số đông. Nhờ số đông (cử tri) “chính trị gia” này nắm được quyền hành. Từ đó mới áp dụng các chính sách, theo kiểu “trổ tài kinh bang tế thế”.

Vì vậy nói tới “chính trị” là phải nói tới “đảng phái chính trị”.

Nếu có thể so sánh, “làm chính trị” cũng như là “làm kinh tế”. Kinh tế có cạnh tranh thì chính trị cũng có cạnh tranh. Kinh tế không có cạnh tranh thì không phải là “kinh tế thị trường”. “Làm chính trị” theo kiểu độc đảng như VN, thì không có dân chủ, không có sinh hoạt “chính trị”.

Ở VN, ngay bây giờ, bất kỳ người dân nào, không có thẻ đảng, vỗ ngực tuyên bố “làm chính trị” cũng đều có thể bị khép tội theo bộ luật HS.

Tội “chống đảng” đôi khi còn nặng hơn cả tội “phản bội tổ quốc”.

Vì vậy thấy báo chí sử dụng các từ “chính trị gia”, “chính khách”, “làm chính trị” thiệt tức cười.

Các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ… đều không phải là “chính trị gia”. Họ chỉ là những đảng viên đảng cộng sản, được đảng “phân công” để nhận lãnh một chức vụ lãnh đạo nhà nước.

Những người này lúc tuyên thệ nhậm chức ở QH luôn nói câu “làm tròn nhiệm vụ đảng giao”.

Quyền hạn của đảng viên này do đảng “ủy nhiệm”, chớ không phải đến từ lá phiếu của nhân dân.

Cách đây khá lâu, nhân dịp ông Ba X bị loại khỏi cuộc chơi vì bị ông Trọng chơi trò “tráo bài ba lá” ở việc thay đổi điều lệ đảng. Ông X nói rằng “đảng hết chính sách thì nghỉ”.

Chẳng có “chính trị gia” gì ráo. Lên ghế được hay không là đảng có “phân công” hay không, “chính sách đảng” có “duyệt” hay không mà thôi.

Tất cả những cán bộ nhà nước đều là đảng viên. Họ tranh giành quyền lực trong đảng, một người lên làm quan không chỉ cả họ làm quan mà tất cả nhân sự bợ đỡ cũng có thể “hưởng sái”. Vì vậy ta thấy mỗi khi có ông này ông nọ lên chức thủ tướng, ôi thôi biết bao nhiêu người bu theo như ruồi, biết bao nhiêu lời nịnh bợ tâng bốc được đăng báo. Cũng đúng thôi. Theo voi hít bã mía.

Đảng viên cha kê ghế cho đảng viên con. Đảng viên anh kê ghế cho đảng viên em. Đảng viên chồng kê ghế cho đảng viên vợ. Dân chúng chỉ trích tới đâu thì cũng “đúng qui trình”. Bởi vì đấm đá, bỏ thuốc phóng xạ với nhau cho chết, họ đều là đảng viên đảng CSVN.

Đó là nội bộ đảng viên xâu xé lẫn nhau, làm gì có sinh hoạt chính trị mà nói tới chính khách với chính trị gia?

Không có “kinh tế thị trường” thì làm sao có “cạnh tranh” về kinh tế?

Không có chế độ dân chủ thì làm sao có chuyện “làm” chính trị? “Sân khấu chính trị” không có, đào kép không có, không có vận động tranh cử, không có chương trình kinh bang tế thế, tất cả đều có “đảng” lo, đảng “phân công” cho từng đảng viên.

Tất cả đều do đảng và đảng viên thủ vai, lấy đâu ra “chính khách” với “chính trị gia”?

Thêm một lần nữa, họ nói láo với toàn dân. Dân ngu thì không nói làm chi. Những bậc trí thức cầm bút (nhà báo) cũng tin rằng việc chia chác ghế trong nội bộ đảng là “làm chính trị”, những người mới ngồi vào ghế cao là “chính khách”, “chính trị gia” thì hết nước để nói luôn.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Tất cả những cán bộ nhà nước đều là đảng viên. Họ tranh giành quyền lực trong đảng, một người lên làm quan không chỉ cả họ làm quan mà tất cả nhân sự bợ đỡ cũng có thể “hưởng sái”. Vì vậy ta thấy mỗi khi có ông này ông nọ lên chức thủ tướng, ôi thôi biết bao nhiêu người bu theo như ruồi, biết bao nhiêu lời nịnh bợ tâng bốc được đăng báo. Cũng đúng thôi. Theo voi hít bã mía”

    Đúng thía . cái-gọi-là “trí thức phản biện” chỉ là phe ô Kiệt, ô Khải đánh phe ô Phúc thui . Tất nhiên, chiện đánh nhầu cũng kéo theo 1 số rỗi hơi vô đánh hôi, kiếm chác . Nhưng “trí thức phản biện” hay “trí thức giúp Đảng” hiện thời … Sêm xít .

    Ta đã có “Sán dân trong quần dân”, rùi cũng sẽ có “Bảy Phúc trong đống …” do nhóm “trí thức” thất sủng vì Phúc rời khỏi chức thủ tướng in ra. Ad infinitum e ad nauseam.

  2. Nhà chính trị tiêu biểu ít nhất có được các điều kiện: hợp lý, hợp lẽ, hợp thời.
    Băng đảng CHÍNH TRỊ GIA csvn theo như tác giả NHẬN ĐỊNH thì đúng là các nhà kỹ trị bịp bợm tiềm năng.
    Không hợp lý vì ngang xương leo lên đầu thiên hạ
    Không hợp lẽ vì chính quyền này có là do cướp, chỉ biết bợp tai nhân dân.
    Không hợp thời vì cố sức dùng bạo lực mà lưu hành thứ chủ nghĩa lỗi thời.
    Tác giả chơi chữ rất hay, đúng là những chính trị gia XIN ĐẸP.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây