Kẻ thù chung của đảng Cộng sản Trung Quốc và giới bảo thủ Mỹ là “Bạch Tả”

Foreign Policy

Tác giả: Frankie Huang

Jackhammer Nguyễn chuyển ngữ

27-3-2021

Ảnh chụp cảnh trong show “Tucker Carlson Tonight” ngày 20/3/2021 trên Fox News.

Lời người dịch: Hai khái niệm chính trị xã hội là “Tả” và “Hữu” có từ thời cách mạng Pháp, nhưng hiện nay được sử dụng theo những cách rất thú vị, ít ai ngờ tới. Đó là, những người bảo thủ, ủng hộ Donald Trump và những người ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc lại rất ưa chuộng từ “Tả” để tấn công các đối thủ ý khác thức hệ của mình. Mà kẻ thù của họ lại là một, đó là những người mang đầu óc cấp tiến phương Tây. Xin giới thiệu bài viết của bà Frankie Huang, đăng trên tạp chí Foreign Policy về sự trùng hợp thú vị này.

***

Ngày 19/3/2021, người dẫn chương trình của Fox News là ông Tucker Carlson, đả kích ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cho là ông Blinken đã làm nhục nước Mỹ khi không đáp trả mạnh mẽ thái độ của phái đoàn Trung Quốc, trong cuộc họp tay đôi ở Alaska. Lát sau, Tucker Carlson lại chế giễu dân biểu Jerry Nadler của New York, khi ông này cảnh báo về sự gia tăng chống người Mỹ gốc châu Á, vì sử dụng cụm từ “China virus” (khi nói về dịch Covid-19).

Hai sự việc đó dẫn ông Carlson giới thiệu một từ tiếng Trung là Baizuo (âm Hán Việt là Bạch Tả), mà ông ta nói rằng, được người Trung Quốc sử dụng để ám chỉ những người Mỹ đầu óc phóng khoáng (liberal) là yếu kém. Ông ta cũng nói là, điều đó làm cho chính phủ Trung Quốc nhìn ra những yếu kém của Mỹ và sẽ lợi dụng. Khi chứng minh điều đó, ông Carlson trích dẫn giải thích của giáo sư Chenchen Zang, nhưng lại nhầm bà Zang là một phần của truyền thông Trung Quốc (ND: Giáo sư Zang làm việc ở đai học Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan).

Từ Bạch Tả, có nghĩa đen là những người da trắng thuộc cánh tả, xuất hiện khoảng 10 năm trước đây, đặc biệt nổi lên từ năm 2017 khi Donald Trump bắt đầu nắm quyền. Đôi khi nó có được dùng như là từ Woke trong tiếng Anh, mà giới bảo thủ dùng để chế nhạo phe cấp tiến. (ND: Từ Woke xuất hiện từ phong trào đấu tranh đòi bình quyền của người da đen, có nghĩa là sự thức tỉnh. Khi nó bị biến thành một từ mang nghĩa mỉa mai, có thể được sử dụng giống như cụm từ “trí thức, trí ngủ” trong tiếng Việt?!). Hiện nay từ này (Bạch Tả) được dùng liên tục trên thế giới mạng Internet ở Trung Quốc, nó có nghĩa nhục mạ, nhằm ném đá những ai bị xem có những ý tưởng thơ ngây, buồn cười về công bằng xã hội, phá hoại sự ổn định chính trị [của chế độ].

Nhưng từ này có thể được dùng khác nhau, tùy thuộc bạn nói về quốc gia nào, bạn đang đứng ở bờ Đông hay bờ Tây Thái Bình Dương, hay là xung đột Mỹ – Trung.

Gốc của từ ‘bạch’, thoạt đầu để chỉ chủng tộc và được dùng một cách tinh tế hơn. Theo bà DD Yang, người đồng dẫn chương trình podcast bằng tiếng Quan thoại rất phổ biến, có tên là Loud Murmurs (Thì thầm ồn ào), lần đầu tiên bà nghe từ (bạch tả) này, nó được dùng để chỉ sinh viên Mỹ đi du lịch ở các nước nghèo để làm phong phú thêm hồ sơ nhân thân của họ. Bà Yang nói: “Bạch Tả dùng để chỉ nhóm cấp tiến người da trắng ở những quốc gia giàu có, từng có một quá khứ đế quốc. Họ bị cho là có một kiểu đạo đức giản đơn và nông cạn khi họ nhìn thế giới. Từ này có ẩn ý là chỉ thành phần được ưu ái trong xã hội, nhưng lại đạo đức giả, luôn cho mình là đúng”.

Nhưng ý nghĩa của từ “bạch” đã thay đổi, nó không còn chỉ chủng tộc nữa, mà chỉ sự ngây thơ, kém hiểu biết. Chẳng bao lâu sau, bà Yang cũng bị gọi là “bạch tả”, bởi những người từng chế giễu những người da trắng “ái kỷ, cứu rỗi” trước kia.

Bà Yang nói: “Tôi bị gọi là bạch tả trên mạng Vi Bác (Weibo) bắt đầu khoảng thời gian trước bầu cử 2016 vì tôi không ủng hộ Trump. Điều này làm tôi rất tổn thương vì nó ám chỉ rằng những lý tưởng của tôi trước kia là không có thật, và tôi đang hành xử như một kẻ da trắng, quên mất mình là ai”.

Nhóm người Hoa chống đảng Cộng sản Trung Quốc ở hải ngoại, những di dân có tinh thần bảo thủ, lại dùng từ này (Bạch Tả) để chống lai những ai không ủng hộ các lý tưởng hay các chính trị gia bảo thủ ở phương Tây. “Bạch tả” dùng để chống những ai đặt những giá trị cấp tiến lên trên những gì là Trung Hoa, trong đó gồm cả những người gốc châu Á ủng hộ phong trào “Black Lives Matter”, đòi quyền bình đẳng của người da đen.

Các cây bút ủng hộ Trump dùng từ “Bạch Tả” để chỉ việc Mỹ đã thất bại trong chính sách đối với Hoa Lục, họ muốn có một chính sách mạnh mẽ hơn, vì họ có một tình cảm chống cộng sản Hoa Lục rất mạnh. Những người Hoa ủng hộ Trump này chắc chắn dựa vào những thái độ có vẻ như cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc. Trump được những người Hoa ủng hộ ông ta xem là một người đàn ông mạnh mẽ, dựa trên sự tồn tại sống còn và thống trị của ông ta. Đối với họ, Trump có vẻ như là một giải pháp duy nhất trong cuộc đấu tranh của họ chống Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi Bạch Tả là không có hiệu quả và yếu kém.

Đối với những thành phần chống đảng Cộng sản Trung Quốc ở Mỹ thì chữ ‘tả’ được hiểu rất đơn giản, và ghép nó vào kiểu định nghĩa chính trị của chính Trung Quốc, trong đó ‘tả’ được xem là chủ nghĩa Mao, còn ‘hữu’ có nghĩa là thị trường tự do, chống Mao. Một nhà văn bất đồng chính kiến người Hoa lưu vong ở Mỹ là ông Cao Hành Kiện, so sánh phong trào Black Lives Matter với Hồng vệ binh trong cuộc cách mạng văn hóa, gây đổ nát trên toàn cõi Trung Quốc.

Cha mẹ tôi là những người đã sống qua thời cách mạng văn hóa ở tuổi thiếu niên, giải thích cho tôi vì sao những người thuộc thế hệ ông Cao ở hải ngoại lại có những suy nghĩ không hợp lý đến như vậy. Những tương đồng ở hình thức bên ngoài từ những bất ổn xã hội trên diện rộng hôm nay, gợi lại cho họ ký ức thương tổn mà họ hứng chịu sau những cơn điên của cách mạng văn hóa. Đối với họ, chủ nghĩa lý tưởng tạo ra cảm xúc mạnh mẽ và chết chóc, kiểu nhiệt quyết đạo đức giả của Mao trong cách mạng văn hóa, và như thế là mọi ý tưởng nhằm xóa bất công cho những tầng lớp sống bên lề xã hội bị cho là phá hoại trật tự hiện hữu, một khởi đầu của việc đảo lộn và phá vỡ mọi trật tự xã hội. Đối với họ, tư tưởng Bạch Tả không những là điên khùng mà còn nguy hiểm, nó đe dọa, phá hoại sự ổn định và phồn thịnh tương đối mà họ [đến Mỹ] để hưởng thụ.

Nhưng việc hiểu từ Bạch Tả như trên là đối với những người chống cộng sản ở hải ngoại, nơi dùng từ này nhiều nhất lại là ở Hoa lục, được những người ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc dùng để tấn công những người mà họ cho là bị nước ngoài tẩy não, hoặc quá quan tâm đến chuyện nhân quyền. Trong cả hai trường hợp, Bạch Tả là những người bị [dán nhãn và] tấn công vì đã đặt công lý xã hội và bản ngã cá nhân lên trước sự vĩ đại của quốc gia.

Cái ý ám chỉ phản bội giống nòi thường được những cổ động viên nhiệt thành của đảng Cộng sản Trung Quốc dùng khi họ gọi ai đó là Bạch Tả. Ông Yao Lin, một nhà khoa học chính trị của trường luật, đại học Yale, nói: “Khi những người dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc dùng từ Bạch Tả, họ hàm ý sự cạnh tranh trong đó. Có nghĩa là người da trắng là bá quyền từ lâu rồi, nhưng Trung Quốc đang trỗi dậy và sẽ nắm quyền bá chủ thế giới”.

Khi một người, hay một ý tưởng bị dán nhãn Bạch Tả ở Trung Quốc, có nghĩa là người đó, ý tưởng đó bị biếm nhẽ vì đã lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế. Chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng bong bóng bất động sản hồi thập niên 2010 ở Trung Quốc, những người đặt câu hỏi về đạo đức đằng sau sự đầu cơ bất động sản, bị chỉ trích là nhát gan và thiển cận, không thấy sự cần thiết phải phát triển bằng mọi giá, rằng không khó nhọc thì làm sao mà khá được, giống như dùng chất kích thích vậy.

Tại Hoa Lục, có một bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ba tập rất được ưa chuộng mang tên Tam Thể (Three body Problem), tác giả Lưu Từ Hân, trong đó ý chính là, được ăn cả ngã về không, theo kiểu cạnh tranh chọn lọc tự nhiên khốc liệt theo thuyết Darwin trong thế giới địa chính trị: Thống trị hoặc bị trị. Có thể bộ sách nổi tiếng ở Hoa lục vì người Hoa nghĩ rằng, việc đấu tranh giữa những dân tộc là không thể tránh khỏi, và cách tốt nhất để chiến thắng là đừng làm cho người Hoa bị lo ra, làm suy giảm khối thống nhất dân tộc không lay chuyển của Trung Quốc.

Trong suy nghĩ đó, thì Mỹ và châu Âu đã tích góp được sự thịnh vượng của mình vào thời đế quốc bằng cách bóc lột, nay bị suy yếu vì đặt những ưu tiên như là đa văn hóa, nhân quyền lên trên. Và đó là một sai lầm mà Trung Quốc không được mắc phải. Những nhà dân tộc chủ nghĩa Hoa lục lý luận như thế, và điều đó dẫn họ tới một từ ít thông dụng hơn là “Hoàng Tả”, dùng để chỉ người Trung Quốc có đầu óc cấp tiến tự do, cứ mơ màng những chuyện đa văn hóa, bình đẳng sắc tộc như những thành phần cấp tiến da trắng đã bị rớt đài vì quá mềm yếu. Chủ nghĩa chống Bạch Tả được xem như lời hứa không mất tập trung, không lặp lại sai lầm.

Thế là có một sự đồng nhất ngộ nghĩnh giữa hai kiểu chủ nghĩa dân tộc. Sau chương trình của Tuck Carlson, đông đảo người Trung Quốc trên mạng Vi Bác cảm thấy rất hứng khởi khi cái từ Bạch Tả của họ được dùng để chống lại Bai Deng (Biden). Trong từ Bai Deng này cũng có từ Bạch để chỉ tổng thống Biden. Họ thấy lời lẽ cẩn trọng của Biden như là một kiểu phản bội lại dân tộc, giống như là bọn Bạch Tả ở Trung Quốc quên mất chuyện đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Trump thì được họ nhìn như một người mạnh mẽ ở phía ngược lại.

Và cuối cùng, còn một từ nữa hay đi đôi với từ Bạch Tả, là Thánh Mẫu, lần này mang nghĩa bất bình đẳng giới tính rất tệ hại, dùng để móc mỉa những ai ‘trí thức, trí ngủ’ (woke). Khi Bạch Tả được dùng để dán nhãn cho đàn ông, nó sẽ được dùng với dạng làm cho người đàn ông đó yếu đi. Như vậy những vẫn đề mà người phụ nữ nhạy cảm lo lắng đều không đáng xu nào khi so sánh với sự thống trị, và như thế phải loại bỏ sự yếu đuối. Vậy là dù ủng hộ Trump hay Tập Cận Bình, thì khi dùng từ Bạch Tả, cả hai đều muốn nói rằng, phải đặt quyền lực lên trên hết.

______

Tác giả: Frankie Huang là một nhà báo và là chiến lược gia, sinh ra ở Bắc Kinh, lớn lên ở New Jersey, Hoa Kỳ, hiện sống ở Thượng Hải.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tờ báo Pháp có uy tín Le Monde vừa tung tin phản biện chứng minh Trung Quốc đã ‘nặn lên’ một nhà báo không bao giờ có thật để phản bác Báo chí phương Tây về vấn đề Tân Cương !!!

    Laurène Beaumond : một Nhà báo ‘cái’ Tàu gốc Pháp
    ***************************

    Ả xẩm từ đáy huyệt mộ Liêu Trai :
    Mang di thể Tần Cối lẫn hình hài
    Rất Phú Lăng Sa thông hành tên họ :
    Tưởng nữ ký giả Pháp chứ đâu sai !
    Chưa hết Báo nô ‘cái’ Tàu gốc Pháp
    Tốt nghiệp Đại học Sorbonne Đền đài :
    Trường Lớn lâu đời nhất trên Thế giới …
    Nhận bằng Khảo cổ + Nghệ thuật cả hai !
    Thêm bằng tối ưu Thạc sĩ Báo chí
    Cộng tác nhiều tờ báo Paris đa tài
    Sau quy Cố hương Bắc Kinh sinh sống
    Thường thăm họ hàng siêu thực Liêu Trai
    Nơi Thủ phủ Tân Cương ả không thấy
    ‘Lao động cưỡng bức’ + ‘nạn diệt chủng’ đều sai !

    https://archive.is/USZ45/314603a9de89e1ac6c71e95720e37e5d6bba7e0c.jpg

    “Người Duy Ngô Nhĩ đang vui hạnh phúc
    Dưới Hoàng ân Hồng đế Tập Cận Bình đa tài !”
    Tin vịt về ‘triệt sản’ cùng ‘lao động cưỡng bức’
    Tuyên giáo phương Tây chúng viết đều sai !

    Bên Pháp Tân hương bảo Ả không tồn tại
    Nhà báo ‘cái’ Tàu gốc Pháp từ đáy mộ Liêu Trai
    Mang di thể Tần Thủy Hoàng + tào lao Tào Tháo
    Hình hài nặc mùi máu Đại Hán chứ đâu sai !
    Quỷ ma nhập hồn bao nhiêu thân xác tục ?
    Nữ Hồng vệ binh hộ n..ý Mao Xếnh Xáng thiên tai !

    TỶ LƯƠNG DÂN
    nhân đọc

    https://twitter.com/AntoineBondaz/status/1377251609412001793

    https://twitter.com/rollandnadege/status/1377406404537946112

    CHINE
    Quand la télévision chinoise CGTN invente une journaliste française
    Une certaine Laurène Beaumond développe sur le média d’Etat chinois les thèses de Pékin sur les Ouïgours et Taïwan.
    https://www.lemonde.fr/international/article/2021/03/31/quand-la-television-chinoise-cgtn-invente-une-journaliste-francaise_6075155_3210.html
    Par Nathalie Guibert
    Publié le 31 mars 2021

  2. Tucker Carlson, biên tập viên có năng lực ở Fox news đồng thời hắn còn thuộc cánh hẩu của phe trump!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây