Minh Phạm
31-3-2021
Tổng thống Biden đang có cơ hội cải tổ ngành Tư pháp liên bang sau làn sóng bổ nhiệm kỷ lục các thẩm phán của cựu Tổng thống Donald Trump.
Có thể nói chỉ sau 4 năm tại nhiệm, Donald Trump – cùng với đảng Cộng hòa nắm quyền chuẩn nhận các chức vụ tư pháp tại Thượng nghị viện – đã cấu trúc ngành tư pháp liên bang “triệt để” đến mức, nói như cựu thủ lãnh khối đa số tại Thượng nghị viện Mitch McConnell, là “không để một ghế trống”.
Giờ thì đến lượt Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ.
Joe Biden từng phục vụ suốt 14 năm trong Ủy ban Tư pháp Thượng nghị viện dưới tư cách chủ tịch hoặc tương nhiệm chủ tịch ủy ban (high ranking member), đại diện cho đảng Dân chủ để chọn thẩm phán cho các tòa án liên bang. Do vậy, có thể nói hiện không ai đánh giá chính xác “đến từng cm” vai trò của một thẩm phán liên bang đối với nghị-trình của một Tổng thống.
Mới đây, một thẩm phán Tòa sơ thẩm liên bang ở Texas đã vô hiệu hóa một qui định tạm ngưng trục xuất những người vi phạm pháp luật ở Mỹ về cố quốc, (trong số này có hơn 30 người gốc Việt) của đương kim Tổng thống Biden. Trước một phán quyết của thẩm phán Tòa sơ thẩm, Tổng thống Biden đành… “bó tay”.
Cần nhắc lại các qui định trục xuất là của ông Donald Trump. Khác với Trump, Joe Biden không “chửi mắng” các thẩm phán bất chấp địa vị tôn-kính của họ khi quyết định của mình bị bác bỏ. Trong trường hợp này, Joe Biden tỏ rõ mình là một con người… chính chắn!!!
Và nếu ông Joe Biden muốn thực hiện lời hứa lúc tranh cử là sẽ hủy bỏ chương trình trục xuất di dân của ông Trump thì chỉ còn cách là can thiệp vào ngành Tư pháp. Nói theo ngôn ngữ “phổ thông”, ông Joe Biden phải “tái định hình” (reshape) ngành Tư pháp liên bang.
Hành pháp Obama đã bị chỉ trích vì thiếu sót trong việc “chiếm giữ” hệ thống Tòa án liên bang trong 8 năm, đã “giúp” Trump – cùng với sự trợ giúp của Mitch McConnell với phương châm “không để trống một ghế thẩm phán liên bang nào hết!” – chỉ trong 4 năm đã đưa hơn 200 người vào hệ thống tòa án liên bang. Lỗi lầm này cần phải được Hành pháp Biden “sửa sai”.
***
Các cố vấn của Tổng thống Joe Biden đã và đang chuẩn bị rất kỹ cho việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang trên toàn nước Mỹ, ngoài việc kiện toàn bộ máy tư pháp, còn mang ý nghĩa tái lập trật tự hoạt động bình thường cho ngành Tư pháp thời hậu Donald Trump. Hoạt động chuẩn bị này cũng là một trong nhiều mục tiêu tranh cử của Biden, minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc truyền thống lẫn luật định trong thủ tục đề cử.
Bên cạnh Biden là hai nhân vật có một “nền tảng” đáng nể trong ngành tư pháp, giúp Biden chọn lựa các ứng cử viên (đúng người, đúng việc) cho các Tòa án liên bang, đó là Chánh Văn phòng Bạch cung Ron Klain, người rà soát danh sách đề cử thẩm phán cũng từng đảm nhận vai trò này thời Bill Clinton; người còn lại là Phó Tổng thống Kamala Harris, trước đây phục vụ trong Ủy ban tư pháp Thượng nghị viện và là cựu Tổng chưởng lý tiểu bang California.
Cùng với gói hỗ trợ tài chính 1.900 tỷ dollars thì hoạt động chọn lựa nhân sự cho hệ thống Tòa án liên bang là “vốn liếng chính trị” quan trọng của tân Tổng thống Joe Biden trong 100 ngày đầu tiên, trong vai trò Tổng thống Mỹ.
Trên lý thuyết thì Tư Pháp phải độc lập với Hành Pháp nhưng ở Mỹ TT có thể ảnh hưởng và phần nào chi phối Tư Pháp liên bang qua sự bổ nhiệm như Trump đã làm. Bộ TP (Dept. of Justice) thuộc Hành pháp có quyền hạn quá lớn (bao trùm FBI, DEA, v.v..) trong khi hệ thống tòa án (court system) lại không có cơ quan điều tra riêng.