Trả lời phỏng vấn của tổng thống Biden trong buổi họp báo đầu tiên của ông về vấn đề Trung Quốc

Trần Vũ Hoài

27-3-2021

PHÓNG VIÊN: Cám ơn ngài Tổng thống. Tôi muốn hỏi ngài về mối quan hệ của ngài với Trung quốc sau khi ngài đã nhậm chức được vài tháng. Đã có cuộc gặp gỡ mang chút kịch tính tại Alaska, và vấn đề TQ tiếp tục xâm phạm nhân quyền.

Vì vậy, tôi muốn biết: Hiện ngài có sẵn lòng hơn trong việc duy trì thuế quan với TQ so với lúc ngài mới nhậm chức? Ngài có đang cân nhắc tới việc cấm nhập các sản phẩm TQ có sử dụng lao động cưỡng bức? Và ngài có cân nhắc tới việc cấm Mỹ đầu tư hoặc cấm TQ tiếp cận với các hệ thống thanh toán quốc tế?

TỔNG THỐNG: Tất cả đều là những câu hỏi đặc biệt chính đáng, nhưng chúng cũng chỉ mới chạm tới một phần nhỏ của mối quan hệ Mỹ – Trung.

Tôi đã biết ông Tập cận Bình trong một thời gian dài. Trên thực tế, khi tôi rời vai trò Phó Tổng thống, tôi đã có thời gian gặp gỡ với Tập cận Bình nhiều hơn bất cứ một lãnh đạo nào khác trên thế giới, do tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào quyết định rằng, chúng tôi nên làm quen với nhau do sẽ không hợp lý nếu tổng thống Mỹ lại dành thời gian gặp gỡ với phó chủ tịch nước một quốc gia khác. Nhưng ngay lúc đó đã rất rõ là ông ấy sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của TQ.

Vì vậy, tôi đã có hàng giờ tiếp xúc với riêng ông ấy cùng với phiên dịch (của tôi và ông ấy), bàn luận rất cụ thể nhiều vấn đề. Ông ấy rất, rất thẳng tính, và không có chút nào ý thức dân chủ (dân chủ không viết hoa) trong người. Nhưng ông ấy rất, rất thông minh. Ông ấy là một trong số những người, trong đó có Putin, nghĩ rằng độc trị là trào lưu tương lai và dân chủ không thể vận hành trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Vì vậy, khi tôi trúng cử và ông ấy gọi điện chúc mừng, chúng tôi đã nói chuyện hai tiếng đồng hồ. Vâng, hai tiếng liền, trong sự ngạc nhiên của các chuyên gia về Trung quốc, cả người của tôi lẫn của ông ấy, tham gia nghe cuộc điện đàm.

Và chúng tôi đã làm rõ với nhau nhiều điều. Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa những gì tôi đã nói trực tiếp với ông ấy nhiều lần trước đây: Rằng chúng ta không muốn đối đầu, mặc dù chúng ta biết sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai bên.

Thứ hai, chúng ta sẽ cạnh tranh quyết liệt nhưng chúng ta cũng đòi TQ phải tuân thủ theo luật lệ quốc tế: Cạnh tranh công bằng, luật chơi công bằng, giao thương công bằng.

Thứ 3, để cạnh tranh hiệu quả, tôi có nói rằng chúng ta phải xử lý vấn đề TQ một cách hiệu quả và chúng ta cần phải làm 3 việc. Tôi nói với ông ấy và với cả người của mình.

Thứ nhất, chúng ta sẽ đầu tư vào người lao động Mỹ và vào nền khoa học Mỹ. Tôi đã nói những điều này trong suốt quá trình tranh cử và giờ tôi nói lại lần nữa. Và chúng ta sẽ phải làm được một việc: thời những năm 60, chúng ta đầu tư tới 2% GDP cho nghiên cứu và đầu tư cho khoa học. Giờ con số này là 0,7%. Tôi sẽ thay đổi việc này. Chúng ta sẽ thay đổi việc này, và tôi sẽ xây dựng một bộ máy chính quyền có năng lực làm được việc này. Tương lai thuộc về những ai làm chủ được tương lai liên quan tới công nghệ, điện toán lượng tử, y học và một loạt vấn đề khác. Nên việc tôi sẽ làm là sẽ đầu tư tới 2% GDP cho mục tiêu này.

Một trong những lý do tại sao tôi lại cho thành lập PCAST – ủy ban các nhà khoa học của tổng thống – là để chúng ta đầu tư vào công tác nghiên cứu y học – ung thư, Alzheimer, tiểu đường… và các ngành công nghiệp của tương lai – AI, điện toán lượng tử, sinh học… Và chúng ta sẽ đầu tư thực sự. Trung quốc đã đi trước chúng ra một bước dài trong việc này vì kế hoạch của họ là làm chủ tương lai các ngành đó.

Việc thứ 2 chúng ta sẽ làm là chúng ta sẽ tái thiết lập các đồng minh của chúng ta. Tôi đã rất thẳng thắn với ông Tập về điều đó. Đó không phải là bài Hoa. Và chúng tôi đã nói kỹ về điều này.

Một trong những việc tôi sẽ làm là nói chuyện với 27 người đứng đầu nhà nước ở châu Âu, và việc này sẽ diễn ra rất sớm ngay sau đây, trong vòng một giờ đồng hồ tới.

Và hồi đầu tháng này tôi đã gặp gỡ với các đồng minh của Mỹ để bàn về việc chúng ta phải cùng nhau làm gì để buộc TQ phải chịu trách nhiệm tại khu vực. Đó là Úc, Ấn độ, Nhật bản, và Mỹ – khối được gọi chung là Quad. Vì chúng ta cần các quốc gia dân chủ cùng chung tay. Việc này rõ ràng đã buộc TQ phải chú ý, dù đó không là mục đích của tôi.

Không lâu nữa, tôi sẽ mời một liên minh các quốc gia dân chủ tới nước Mỹ để cùng thảo luận về tương lai. Và chúng ta sẽ tuyên bố rõ rằng để có thể xử lý những vấn đề tương lai, chúng ta sẽ buộc TQ phải có trách nhiệm tuân thủ luật lệ quốc tế, dù đó là vấn đề biển Bắc Trung Hoa hay biển Nam Trung Hoa, hay vấn đề Đài Loan… cũng như một loạt các vấn đề khác.

Và điều thứ 3, và đây là điều tôi phục khi làm việc với ông Tập, là ông ấy hiểu – ông ấy không giả vờ tỏ ra không hiểu điều tôi nói (và tôi cũng vậy). Tôi nói thẳng với ông ấy: Không một lãnh đạo nào có thể duy trì được địa vị của mình nếu họ không đại diện cho các giá trị của quốc gia họ.

Tôi nói nguyên văn như sau: “Ngài chủ tịch, như tôi đã nói với ngài trước đây, nước Mỹ tôn trọng khái niệm tự do. Nước Mỹ tôn trọng nhân quyền. Không phải lúc nào chúng tôi cũng làm đúng như kỳ vọng, nhưng nó là một hệ giá trị và nước Mỹ được thành lập trên nguyên tắc đó. Và chừng nào mà ông và quốc gia của ông còn tiếp tục xâm phạm nhân quyền trắng trợn, chúng tôi sẽ còn tiếp tục một cách bền bỉ kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới và làm rõ điều gì đang xảy ra”.

Và ông ấy hiểu điều đó. Tôi cũng nói rõ không một tổng thống nào của nước Mỹ (có thể trừ một người) lại im lặng không lên tiếng về những gì đang diễn ra ở Tân Cương đối với người Duy Ngô Nhĩ, ở Hongkong, hoặc ở các nơi khác tại TQ. Chúng tôi là vậy. Khi một tổng thống Mỹ từ bỏ nguyên tắc đó, như người tiền nhiệm của chúng ta đã làm vậy, là lúc chúng ta bắt đầu đánh mất vị thế chính đáng của mình với thế giới.

Tôi biết chúng ta đang cạnh tranh đối đầu với TQ. TQ có mục tiêu lớn của họ. Và tôi không chỉ trích mục tiêu của họ. Nhưng họ muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới, quốc gia giàu nhất thế giới, cường quốc số một thế giới. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra vì nước Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và mở rộng.

PHÓNG VIÊN: Tôi xin tiếp tục hỏi về ý nghĩa của dân chủ: Đấy có phải là cơ sở, theo nghĩa đa phương, để ngài đưa ra các quyết định về các biện pháp trừng phạt?

TỔNG THỐNG: Không. Đó không phải là cơ sở để tôi đưa ra quyết định. Đó là cơ sở để tôi đảm bảo tất cả chúng ta đều có cùng hiểu biết như nhau. Tôi có thể dự báo với anh rằng con anh, cháu anh sẽ làm luận văn tiến sĩ về vấn đề: Ai sẽ thắng, dân chủ hay độc trị? Bởi vì đó mới là vấn đề đang bị đe dọa, không chỉ riêng với Trung quốc.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Thẳng thán mà nói thì đây là một cuộc họp báo không bình thường cho lắm
    so với các tổng thống tiền nhiệm của 2 đẳng.
    Bất thường thứ nhất là các câu hỏi được được gửi tới Tóa Bạch Ốc để…nghiên
    cứu trưóc cuộc họp báo theo thông cáo của Toà BO. trước đó. Rồi ông Biden
    chỉ việc đọc những câu trả lời sẵn, khôngg khác gì các nước độc tài.
    Bất thường thứ 2 là ông Biden cầm trong tay 2 bản văn,một là các câu hỏi
    và trả lời còn cái kia là danh sách ký giả phỏng vấn …thân DC hay của…
    “phe ta” để ông ta trả lời,chứ không phải ai muốn hỏi gì thì hỏi !
    Tin cho biết ông Biden nói lầm nói lộn là ông ta vào Quốc Hội cách đây
    150 năm ! Làm TT.mà nói lẫn lộn thể này thì …”sai một ly đi một dặm”.

  2. Bàn cờ thế giới trước WW II, cách nay ngót một thế kỷ, hình như đang lặp lại.
    Cũng có một Tàu quốc xã tham lam, cuồng bạo, nham hiểm đang lăm le nuốt chửng thế giới.
    Cũng có một lũ lâu la xun xoe theo đóm ăn tàn.
    Cũng có một nước Nga láu vặt, vẫn tưởng rằng có thể chia phần với con sói xảo quyệt.
    Cũng có một đồng minh lừng khừng, lỏng lẻo, bị những mối lợi riêng che mất tầm nhìn.
    Liệu có một kết cục nào cho nhân loại tốt hơn, đỡ tàn khốc hơn WW II hay không ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây