Cuối cùng thì bà Kình cũng gặp được các con trai bà!

Nguyễn Thị Duyên

27-3-2021

Bà Dư Thị Thành, quả phụ ông Lê Đình Kình. Ảnh: FB tác giả

Ngày 26/03/2021, gia đình họ Lê chúng cháu lại tiếp tục hành trình tìm người.

Giữa nhiều thông tin xác định vị trí khác nhau thì Bà Thành vẫn quyết định vào trại số 2 Thường Tín để tìm các con trai mình sau hàng năm trời xa cách…

Trên đường đi con gái đầu lòng nhà cháu (Kiến Con) lại thốt lên một câu khiến mấy người lớn phải suy ngẫm, nó lại bảo: “Lát nữa gặp ông nội cấm ai được khóc nhè trước mặt ông nhé!”

Cả nhà chỉ lặng và đợi chờ chiếc xe di chuyển thật nhanh tới trại giam số 2 tìm bố Lê Đình Công.

Cuối cùng thì cũng được bật tín hiệu là bố Công đang ở đây và nhà cháu được xếp thăm gặp vào lúc 14h chiều.

Nhà cháu đi gần cả chục người bao gồm bà và các cô, các con dâu, các cháu của bố Công. Nhưng nhà cháu chỉ được vào 3 người lớn và 4 đứa trẻ con (Bao gồm Vợ – 2 con dâu và 4 đứa cháu), bà Thành không được vào.

Chờ đợi một lúc thì bố Công cũng bước ra từ cánh cửa sau tấm kính… Hình ảnh đầu tiên chúng cháu nhìn thấy là 2 tay – 2 chân bị cùm, một cán bộ trẻ dìu bố ra với thái độ lễ phép.

Nhìn thấy đám trẻ con là ông nội chúng khóc liền.

Nhấc điện thoại lên câu đầu tiên Ông nói: “Ông thương nhớ con cháu vô cùng, các con phải nuôi nấng chúng nên người nhé. Lúc nào bố cũng nhớ các cháu của bố.”

Trấn an tinh thần bố một lát thì bắt đầu những câu chuyện.

– Bố oan hoàn toàn, bố Không hề giết người. Nhưng nếu phải chết, bố cũng không bao giờ hối tiếc về những gì bố tranh đấu bao năm qua.

– Mẹ động viên bố hãy kiên cường: Em ở nhà buôn bán, được cả làng thương ủng hộ, nên anh cứ yên tâm về cuộc sống của 3 mẹ con em, anh hãy luôn nhớ rằng 3 bố con anh không giết người, kẻ giết người là kẻ tội đồ khác…

Bố chỉ gật đầu, khóc và kêu oan! Lúc này Kiến Con (cháu gái nội) nghe phone và nói:

– Ông nội ơi, đừng khóc nữa, Kiến thương nhớ ông, ông không khóc thì tuần sau Kiến lại vào chơi với ông.

Các cháu cứ hồn nhiên thay nhau giằng co cái phone để nói “Nhớ Ông Nội”.

Đến cái thằng cu con nhà cháu Kiến Hưng cũng đứng lên bàn gọi “Ông ê… Ông ê…”

Nói chung để bố Lê Đình Công rơi nước mắt thì cảm xúc chỉ vì dồn nén thương mấy đứa cháu nội nheo nhóc ở nhà mà thôi, chứ dù bản án thế nào thì bố cũng kiên định từ đầu đến cuối mà, “Cái án tử không dập tắt được ý chí của anh em họ Lê Đình”.

Đến lượt con được nói chuyện với bố thì con lúc nào cũng mong bố có ý chí tích cực, cho dù ở môi trường nào. Bố chỉ cần sống khoẻ, có niềm tin vào cuộc sống, cứ tin rằng bố sẽ được trở về… “giống vụ án của anh Hồ Duy Hải, Toà tuyên y án tử hình nhưng anh ấy vẫn sống lạc quan suốt hơn chục năm nay trong phòng biệt giam, anh ấy có niềm tin rằng sẽ có một ngày anh được minh oan!”

Cái chết của cụ Kình đã làm thức tỉnh hàng triệu con tim những người có lương tri, bởi vậy, bố nên mừng vì thật nhiều người trên đất nước này đã ngộ ra đâu là lẽ phải, khi quan sát toàn bộ vụ án Đồng Tâm. Những kẻ trực tiếp, gián tiếp truy sát gia đình nhà ta dần dần đã phải chịu quả báo nặng nề.

Bố chỉ gật đầu và nói: Riêng vấn đề tâm linh thì bố hoàn toàn tin tưởng, bố không làm gì có lỗi nên bố không cảm thấy áy náy lương tâm chút nào trong suốt quá trình biệt giam.

Con hỏi bố: Tại sao tiền lưu ký mẹ con con gửi cho bố lại không được chi tiêu trong việc gì? Con lo quá, đó là câu hỏi con nhắn luật sư vào hỏi bố rất nhiều lần.

Bố trả lời trong nước mắt: Bố sợ mẹ con con ở nhà bị đè nén và bị tước hết mọi quyền tự do khiến công việc làm ăn gặp khó khăn, nên bố không dám chi tiêu tiền con ạ.

Thời gian gặp bố chỉ vỏn vẹn 15 phút, thật chóng vánh quá khi gia đình mình còn nhiều điều muốn nói với nhau.

Vội chào nhau qua lớp kính, ông nội hôn tụi nhỏ, chạm tay vào kính nơi mẹ đặt bàn tay…

Chú Lê Đình Chức được xếp thăm gặp vào cuối buổi chiều, khi chú bước ra từ cánh cửa, điều mà mọi người không ngờ được là chú lại cực kỳ tỉnh táo khi nhìn thấy vợ, các con và các chị gái. (Tất nhiên bà Thành không được vào vì lý do không có chứng minh nhân dân, mặc dù bà đã nói do vụ tấn công của chính quyền đã cướp hết giấy tờ đất đai cùng giấy tờ tuỳ thân của bà – Bà là mẹ ruột của chú Chức).

Mọi người oà lên khóc khi nhìn thấy chú bước ra, nhưng chú lại là người động viên và xoa dịu nỗi đau của gia đình mình. Chú xua tay báo hiệu không cần khóc lóc – không cần đau khổ.

Trong trại chú tự đòi quyền con người khi bị thiệt thòi, chú còn nói đồ ăn, đồ uống không hợp vệ sinh hay chú đăng ký mua gì mà không được mua chú đều yêu cầu gặp ban giám thị.

Chú nói với các chị gái chú:

– Em hát hò suốt ngày, chị không phải lo đâu. Lúc vui em hát, lúc buồn em chửi. Ở nhà cố gắng động viên bà khoẻ mạnh giúp em.

Lúc này nhà cháu ôm ngực bà Thành bên ngoài nhìn con trai qua lớp cửa và hàng rào người che chắn. Nhìn con trai loáng thoáng nhưng tim bà đập loạn nhịp, thở dài thương xót.

Thỉnh thoảng chú lại liếc mắt lên nhìn về hướng cửa để nhìn bà một cái rồi lại tiếp tục chuyện trò với vợ, các con và các chị.

Một cán bộ ra ngoài nhắc nhở, yêu cầu bà Thành và cháu ngồi xuống ghế chờ chứ không được đứng sát vào cửa để nhìn vào trong như vậy.

Gần về những phút cuối, do quá phẫn nộ, gia đình yêu cầu cho bà Thành vào nói chuyện với chú Chức mấy câu vì dù gì bà cũng là mẹ đẻ của chú, được chấp nhận yêu cầu thì bà mới được vào bên trong nhấc phone và nói chuyện với chú qua lớp kính.

Bà Thành cũng thật can đảm khi ngay từ nhà bà đã dặn dò các con cháu không được khóc để bố Công và chú Chức yên lòng!

Kết thúc giờ thăm gặp, chú đứng lên, bước đi tập tễnh nhưng lại đi hàng đầu cùng các phạm nhân khoẻ mạnh khác đi sâu vào buồng giam.

Nhìn từ xa, người đàn ông cao gầy, bị lõm một bên sọ não nhưng vẫn hiên ngang bước đi tập tễnh rất nhanh khiến người ta liên tưởng đến những anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, bất khuất oai vệ từ ý chí đến hành động mạnh mẽ khi gặp người thân sau bao ngày cách xa.

Buổi thăm gặp 2 án tử nhà họ Lê Đình kết thúc vừa chóng vánh vừa yên ả: Chóng vánh vì thời gian chờ đợi rất lâu nhưng khi gặp thì chỉ được vài phút. Yên ả vì tưởng người kết án tử sẽ sợ hãi trước cái chết, nhưng họ lại chẳng hề hối tiếc vì những gì đã tranh đấu, khiến cả thế giới rung động con tim.

Soán ngôi thủ lĩnh làng Kình… bà Thành bây giờ là tân thủ lĩnh mới. Từ ngày ông mất, bà tự nhiên minh mẫn và bình tĩnh lạ kỳ. Không những không khóc lóc đau khổ, mà bà còn động viên cả nhà phải kiên cường, tự hào vì gia đình đã hy sinh không hối tiếc cho dân làng.

Bố Công và chú Chức nhà cháu nhắn lời cảm ơn tới những tấm lòng của người dân cả nước,các luật sư dũng cảm, những nhân sĩ trí thức, các báo đài trong và ngoài nước đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và tư duy khách quan, quan tâm, lên tiếng bảo vệ đến vụ án Đồng Tâm, đặc biệt là 2 án tử hình vô nhân tính, dành cho 2 anh em Lê Đình Công và Lê Đình Chức.

Hy vọng rằng, xã hội này dù không thay đổi được bản chất thì sẽ thức tỉnh được lương tri của hàng triệu người dân cả nước, không cần phải bị cưỡng chế hay bị thiệt hại gì mà tự đánh thức được mới là điều cả thế hệ mai sau cần…

Bình Luận từ Facebook

14 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  3. Học giả: Bùi Chí Vịnh.

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
    Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
    Giúp nhà Lê mã đáo công thành

    Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
    Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
    Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
    Giết đời cha, con, cháu cho đành

    Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
    Công thần thua một lũ hư danh
    Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
    Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
    Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
    Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh

    Hai con án chết đầy oan khốc
    Một cháu chung thân xử rành rành
    Tam tộc một đời đi theo Đảng
    Tưởng thời phong kiến mới lưu manh

    Không ngờ thế kỷ 21
    Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
    Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
    Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Quả báo ngày nay đến rất nhan

    Nguồn Mạng.

  4. Đảng nà nơi ước mơ hoài bão được thực thi
    Đảng nà người gạch bỏ ta đi trong nháy mắt
    Phải sống ” khôn ngoan, nươn lẹo như các bậc nhân sĩ trí thức may ra mà toại nguyên”
    Ngu thì sống, tinh khôn thì chết, Lờ Lờ sống Ngon. Hihi. Tớ nói thế có đúng không hỡi các bâc học giả ăn tiền thật

  5. Quân chó đẻ không còn trò gì khác ngoài trò hộ khẩu chứng minh, diệt chủng một lần là không bao giờ đủ, ăn thịt dân răng rụng mới thôi. trọng lú đêm nằm ngủ ngon thật tài tình. Cụ Kình còn chưa có được cái giấy báo tử.
    Kết luận không hèn hạ lưu manh trộm cướp không là cọng sản.

  6. Trần Đức Thạch

    Mái đầu tôi mỗi ngày càng nhanh bạc.
    Với câu hỏi đất nước sẽ về đâu?
    Thế hệ chúng tôi tội lỗi ngập đầu
    Nhìn con cháu lòng muôn hổ thẹn…

    Thế hệ chúng tôi một thời chinh chiến.
    Thắng lợi mang về là xua đuổi văn minh.
    Thắng lợi mang về là làm khổ dân mình.
    Để đểu cáng lên ngôi gây tội ác.

    Thế hệ chúng tôi hoàn toàn lầm lạc.
    Quên dân tộc mình theo chủ nghĩa Mác Lê Nin.
    Bệnh hoạn tư duy méo mó cách nhìn.
    Gieo thù hận trong lòng con cháu.

    Thế hệ chúng tôi đổ bao xương máu.
    Chẳng ý nghĩa gì khi dân tộc điêu linh.
    Chẳng ý nghĩa gì khi đất nước tanh bành.
    Lãnh thổ giang sơn bị ngoại bang gậm nhắm.

    Thế hệ chúng tôi cuộc đời cay đắng lắm.
    Mất chính mình mang tội ác với tương lai.
    Gần đất xa trời mới thấy được cái sai.
    Không phải thơ mà những lời sám hối…

    Xin ngàn lần triệu lần chịu tội.
    Trước băn khoăn đất nước sẽ về đâu ???

  7. dưới ngọn giáo
    mang tên ý thức hệ,
    đất nước bị cầm tù

    ý thức hệ,
    đấu tố cha ông,
    bỏ tù mọt gông,
    bất cứ trái tim nào dám sống

    ý thức hệ độc tài,
    bội phản lẽ nhân sinh

    ý thức hệ,
    đẻ ra những điêu linh,
    biến bệnh họạn hóa ra lẽ thường tình
    người câm điếc hóa ra người biết sống
    quỳ gối, khom lưng ra kẻ ấy thiên tài

    đất nước tôi không còn thấy những hình hài,
    nói dõng dạc tiếng Con Người,
    thuở ấu thơ mẹ dạy.

    Tội đấy phần ai,
    ngoài mi,
    ý thức hệ độc tài.

    Trích từ tập thơ “Hãy Ngẩng Mặt” của người thơ Nguyễn Đắc Kiên.

  8. Trích nguồn:Thơ Nguyễn Duy

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    _________________________

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

  9. Vận nước+ số trời bắt bao gia đình phải tan nát .Nhân-Quả báo ứng thông cả ba thời ,không chạy đâu cho thoát hỡi những kẻ toan lấy tay che trời kia .

  10. Vụ Đồng Tâm hay vụ án Đồng Tâm đã gây rung chuyển chế độ như chính Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Lê Minh Trí gần đây đã phải thừa nhận đã thể hiện rõ ràng những yếu kém của những người nắm quyền lực, suốt ngày ra rả: gần dân, sát dân, nhưng ngay 1 vụ việc bình thường hoàn toàn có thể giải quyết 1 cách hòa bình, thì đã chọn cách “ăn thua đủ” với dân và bây giờ nếu toàn bộ dân Việt hiểu hết bản chất vụ việc, thì chả phải 1 vài triệu, mà có thể nói toàn bộ dân Việt trong và ngoài nước, yêu chuộng hòa bình, công bằng, công lý đều đứng về phía những người nông dân cơ bản chân thật, và bản chất vẫn là hiền lành – dù đáng tiếc vẫn có những lời lẽ nghe dữ tợn, nhưng ở họ 1 số cũng chỉ dừng lại ở lời nói (con giun bị xéo thì nó cũng phải quằn người phản ứng, và ai bị dồn vào đường cùng thì cũng phải dữ tợn nếu như không chịu khất phục), và phản đối những hành động vô thiên vô pháp của chính quyền, từ kéo vào bênh nhau buộc tội cho dân về đất đai, đến đột nhiên nửa đêm tấn công phi pháp vào nhà dân, đổ những tội vô lý cho dân, hành hạ dân, phạm pháp nặng khi ép cung, mớm cung, hết sức thiếu tình người khi ngăn cản gia đình người bị giam thăm nom thân nhân …. Và đối xử với dân thì như vậy, trong khi với kẻ thù bên ngoài chiếm không biết bao vùng biển đảo của Việt nam thì lại chọn biện pháp „hòa bình“ có vẻ bằng mọi giá, và „tế nhị“ tới mức nó làm gì cũng mặc kệ và IM LẶNG, tóm lại chả dân Việt yêu nước hiểu các vị đang chơi kiểu gì, nếu không muốn nói là vì nói thẳng ra MÀY KHÔNG ĐƯỢC ĂN CƯỚP CỦA TA thì nó gây rối „không được họp đại hội“, hay sợ không được ở Thủ đô, nếu nó đánh vào Hà Nội?

  11. Đồng bào cả nước vô cùng cảm động trước ý chí sắt son của toàn gia họ Lê Đình, từ cụ bà đến các cháu nhỏ.
    Cảm ơn chị Duyên đã cho mọi người biết về những phút giây đầy xúc động của gia đình chị.
    Đồng bào cả nước vững lòng đứng sau dân làng Hoành.
    ( trừ lũ giết thuê và lũ viết thuê )

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây