Bản tin ngày 17-3-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VnExpress đưa tin: Đài Loan tăng lực lượng đồn trú trái phép ở đảo Ba Bình. Khâu Quốc Chính, lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan, xác nhận, Đài Loan sẽ điều thêm cảnh sát biển cùng vũ khí tới đồn trú trái phép tại Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa mà VN tuyên bố chủ quyền, hiện do Đài Loan chiếm đóng.

Ảnh vệ tinh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: CSIS/VNE

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Trung Quốc muốn gì ở quần đảo Natuna phía nam Biển Đông? Quần đảo Natuna vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân Indonesia, nhưng Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia cảnh báo, tàu thuyền TQ thường xuyên đến đây khai thác hải sản trái phép. Tháng 12/2019, Bắc Kinh đã khơi mào một cuộc đối đầu “nghiêm trọng” với Jakarta, khi hàng chục tàu cá TQ được sự hộ tống của tàu hải cảnh, tiến vào vùng biển Natuna. TQ công bố bản đồ “ngư trường truyền thống” vươn đến tận vùng biển này, nghĩa là xa hơn cả “đường lưỡi bò”.  

Trong lúc VN vẫn còn đang loay hoay xây dựng lực lượng tàu ngầm, toàn bộ tàu ngầm VN hiện có đều mua từ Nga, thì Indonesia hạ thủy tàu ngầm sản xuất trong nước cho lực lượng Hải quân, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Hôm nay, tại Jakarta đã diễn ra lễ bàn giao tàu ngầm Alugoro-405 do Công ty PT PAL Indonesia cùng với Công ty đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo của Hàn Quốc chế tạo cho lực lượng Hải quân Indonesia.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cho biết, đây là một cột mốc lịch sử “khi lần đầu tiên một nhà máy đóng tàu thuộc sở hữu quốc gia đã thành công trong việc tham gia sản xuất tàu ngầm”. Về phía VN, toàn bộ hải quân VN hiện chỉ có một lữ đoàn tàu ngầm duy nhất là lữ đoàn 189, với 6 chiếc đều là tàu ngầm Kilo lớp 636, loại tàu được hải quân Liên bang Soviet sử dụng từ năm 1982.

VTC đưa tin: Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trung Quốc hành xử ngang ngược ở Biển Đông. Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng các hành động trên biển và cách hành xử với Đài Loan cho thấy TQ đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực: “Bắc Kinh đã hành động thô bạo hơn ở trong nước và ngang ngược hơn ở nước ngoài, kể cả ở biển Hoa Đông (gồm cả Senkaku), Biển Đông và cả với Đài Loan”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Châu Âu ‘xoay trục’ về biển châu Á. Nội các của Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố sách lược quốc phòng và đối ngoại mới với nội dung “xoay trục” về châu Á. Cả Đức và Pháp cũng lên kế hoạch kiềm chế tham vọng bá quyền của TQ ở Biển Đông, buộc TQ phải tôn trọng luật quốc tế. Ông Hiroyuki Akita, nhà bình luận người Nhật, nhận định: “Điều này sẽ khiến Trung Quốc cân nhắc kỹ hơn trước mỗi quyết định hành động quân sự”.  

Mời đọc thêm: Mỹ và Trung Quốc đề ra các lằn ranh đỏ có thể nổ ra chiến tranh nếu đối phương vượt qua (VietTimes). – Mỹ nói Trung Quốc ‘hung hăng hơn’ ở Biển Đông (VNE). – Mỹ lên án Trung Quốc đang hành động ngang ngược trên Biển Đông (TĐ). – Tổ chức SCSPI: Mỹ ‘ép Trung Quốc tối đa” ở biển Đông (NLĐ). Trung Quốc nổi đóa vì bị Mỹ – Nhật ‘dằn mặt’ (TN).

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung ở Alaska có gì đặc biệt? (VTC). – “Đừng quá kỳ vọng sẽ có đột phá sau cuộc đàm phán cấp cao Mỹ – Trung tại Alaska” (KTĐT). – Trước cuộc gặp tại Alaska, Mỹ trừng phạt thêm 24 quan chức Trung Quốc, Hồng Kông (RFI). – Mỹ-Hàn đối thoại 2+2 tìm cách đối phó với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng (RFI). – Điểm yếu quân sự lớn của Trung Quốc: Chỉ có một căn cứ hải quân ở nước ngoài (TP). – Chuyên gia: ASEAN cần có luật riêng để cân bằng sức mạnh hàng hải ở Biển Đông (TG&VN). – Đài Loan tăng cường lực lượng ở đảo Ba Bình, Mỹ đồng ý bán công nghệ tàu ngầm (RFI).

Chung “con” tiếp tục ra tòa

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Đức Chung liên quan vụ chế phẩm Redoxy 3C, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm bị điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến vụ mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn TP Hà Nội, trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Cụ thể, ông Chung và ông Nguyễn Trường Giang, GĐ Công ty Arktic đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water-Cộng hòa Liên bang Đức. Trong thương vụ này, Công ty Arktic của ông Giang đóng vai trò trung gian. Ông Chung bị cáo buộc cầm đầu thương vụ mua chế phẩm “làm sạch” với giá cao nhưng không hiệu quả. 

Zing có bài: Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C. Trước đó, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an xác nhận, trong lúc triển khai và thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, UBND TP Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức để phía Đức nghiên cứu và sản xuất hóa chất này riêng cho TP Hà Nội sau khi nghiên cứu đặc tính sông, hồ ở đây.

Ông Tô Ân Xô nói: “Lãnh đạo Hà Nội đã sang Đức làm việc, nếu ký trực tiếp với công ty này thì rất bình thường nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký qua một đại lý khác, quá trình điều tra xác định việc này gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng”.

Bị can Nguyễn Đức Chung (trái), cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, GĐ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic. Ảnh: Zing

Vụ tai tiếng làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy 3C, từng có thông tin cho rằng phía UBND TP Hà Nội đã cố tình làm khó dễ đoàn chuyên gia Nhật Bản bằng cách xả nước sông Tô Lịch đúng thời điểm phía Nhật đang làm thử nghiệm. Sau đó, Sở Xây dựng Hà Nội bày trò “cả vú lấp miệng em” bằng cách tuyên bố chính Công ty Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã chủ động từ bỏ dự án, còn phía JVE cho rằng chính phía Hà Nội đã nói sai sự thật.

Trước đó, ngày 11/12/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù trong phiên tòa “thần tốc” xử vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Vụ án với cáo buộc nghiêm trọng, liên quan đến an ninh quốc gia nhưng bản án được tuyên chỉ sau một buổi sáng xét xử. Khoảnh khắc ấn tượng của phiên xử là lúc kết thúc, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn vỗ vai thân mật bị cáo Nguyễn Đức Chung.  

Bị cáo Nguyễn Đức Chung nói chuyện thân mật với thẩm phán Trương Việt Toàn trước khi trở về trại giam. Ảnh: Phạm Dự/ VNE

Mời đọc thêm: Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố thêm tội mới (PTLP). – Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố trong vụ án thứ 2, liên quan việc mua chế phẩm Redoxy (TN). – Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố thêm tội danh vụ chế phẩm Redoxy 3C (TT). Mời đọc lại: Xử Tướng Chung: Thẩm phán nói về ‘cái bắt tay tình người’ (BBC). 

Quân đội “nhân dân”

Chiều qua, Ủy ban kiểm tra Quân ủy TƯ nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã tổ chức kỳ họp thứ 18, nhưng hôm nay các báo “lề đảng” mới đưa tin về kết quả kỳ họp. Báo Tuổi Trẻ có bài: Ủy ban kiểm tra Quân ủy trung ương đề nghị kỷ luật 10 quân nhân. Nhóm 10 quân nhân bị đề nghị kỷ luật cả về mặt đảng và quân đội: Có 4 trường hợp bị đề nghị khai trừ đảng; một trường hợp bị đề nghị giáng cấp bậc quân hàm, một trường hợp bị đề nghị tước quân hàm sĩ quan, 8 trường hợp bị đề nghị tước danh hiệu quân nhân.

TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở phiên tòa xét xử nguyên đại úy quân đội lừa 2 tỷ đồng ‘chạy trường’ công an, theo báo Tiền Phong. Đó là vụ cựu đại úy Phạm Văn Dũng, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, khi còn công tác tại Ban Chỉ huy quân sự thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, dù không có khả năng xin việc, tuyển sinh trong ngành quân đội, công an, nhưng Dũng vẫn tỏ ra ông ta có mối quan hệ rộng, có thể xin cho người khác vào các trường này mà không qua thi tuyển.

Bà D.T.H đã chuyển 30 triệu đồng, nhờ Dũng xin cho 4 người con của mình vào học ngành công an và quân đội. Dũng đã nhờ một người đóng giả là cán bộ công an cấp cao đến gặp bà H và hứa hẹn. Từ năm 2014 đến năm 2018, bà H đã nhiều lần chuyển tiền cho Dũng, với tổng số tiền là hơn 2 tỉ đồng.

Cựu đại úy quân đội Phạm Văn Dũng tại phiên tòa xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: TP

Mời đọc thêm: Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 10 quân nhân (Tin Tức). – Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư đề nghị thi hành kỷ luật 10 quân nhân (TP). – UB Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật Đảng 10 quân nhân (VNN). – Nguyên đại úy quân đội lừa ‘chạy trường’ công an, quân đội (TT). – 14 năm tù giam cho cựu đại úy quân đội lừa đảo 2 tỷ chạy trường công an (PL Plus).

Vụ bán rẻ “đất vàng” ở thành Hồ

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm hoán đổi khu “đất vàng” ở số 57 đường Cao Thắng lấy khu đất số 185 đường Hai Bà Trưng đã bước sang ngày làm việc thứ 3, với tình tiết bất ngờ: Bị cáo Dương Thị Bạch DIệp gây rối tại tòa, báo Thanh Niên đưa tin. Lúc bắt đầu phiên xử, đại diện Viện KSND TP HCM quay lại xét hỏi bổ sung đại diện Sở TN&MT TP HCM, chủ tọa công bố một số bút lục về lời khai của bà Diệp tại cơ quan điều tra.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp gây rối tại tòa. Ảnh: Khả Hòa/TN

Lúc chủ tọa đang công bố bút lục lời khai của bà Diệp, bà ta đứng lên, la hét, phản đối, cho rằng lời khai “không có thật”. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu phía an ninh đưa bị cáo Diệp ra ngoài; yêu cầu thư ký phiên tòa ghi rằng hành vi bà Diệp không tuân theo sự điều khiển phiên tòa của chủ tọa, có hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa.

Báo Thanh Niên có clip: Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp gây rối, đập phá, la hét tại tòa

Thêm sự phản kháng trong phiên tòa xét xử bà Dương Thị Bạch Diệp: Cả luật sư, bị cáo từ chối ký vào biên bản của tòa, theo báo Tuổi Trẻ. Sau khi thư ký tòa lập biên bản với nội dung như trên, chủ tọa phiên tòa yêu cầu các LS và bị cáo ký xác nhận, vì biên bản ghi nhận bị cáo Diệp phản đối 2 bút lục lời khai, cho rằng thẩm phán cố tình ghép tội cho bị cáo. Nhưng các LS tại tòa đều từ chối ký vào biên bản, LS Phan Trung Hoài đưa ra lý do: “Cho rằng bị cáo gây mất trật tự tại phiên tòa thì chúng tôi đề nghị không ký”.

Phần lớn các tờ báo “lề đảng” đều đưa tin theo hướng bà Diệp cố tình “ăn vạ”, làm loạn tại tòa, riêng báo Tuổi Trẻ có bài về thái độ “đồng lòng” phản kháng của các LS và bị cáo. Trong 2 ngày xử trước đó, bà Diệp liên tiếp đưa ra các lập luận bắt bẻ các quan điểm buộc tội trong cáo trạng, nhưng phía quan tòa và VKS đều phớt lờ lời bà Diệp. 

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp được đưa về sau phiên tòa. Ảnh: Quang Định/TT

Nhìn lại các phiên tòa tai tiếng gây oan sai trước đó, như vụ án Hồ Duy Hải, vụ án Huỳnh Văn Nén, vụ án Nguyễn Thanh Chấn, vụ án Hàn Đức Long… Các vụ này đều có điểm chung là, đều có “lời khai” do chính bị can nói ra, thậm chí có “tang chứng, vật chứng”, nhưng sau một thời gian đều bị phát hiện sai phạm. Riêng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người, nếu hung thủ thật sự không lộ diện thì ông Chấn phải sống hết đời trong tù. Các vụ án đều có dấu hiệu “mớm cung”, “bức cung”, các tay điều tra viên dùng “nghiệp vụ” tra tấn để ép người dân nhận tội.

Trường hợp bà Diệp, bà không hoàn toàn vô tội trong vụ hoán đổi đất công, nhưng phiên tòa diễn ra với nhiều sai phạm, không khác gì các phiên tòa liên quan đến chiến dịch “đốt lò” trước đó, đều chỉ lôi mấy người thừa hành ra xử, còn những người chủ mưu đứng sau như Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải thì tòa không đụng đến được, nên phải dựng các cáo trạng mà trong đó kẻ thừa hành kiêm luôn vai trò “ông trùm”, một tay lo hết. 

Trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin: Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp có nguy cơ đột quỵ nên phiên tòa phải tạm dừng. Một trong các lý do chính khiến bà Diệp và các LS nhất quyết cho rằng có yếu tố “dàn xếp” để gán tội: Có mâu thuẫn lớn về mốc thời gian của hợp đồng thế chấp tài sản giữa Công ty Diệp Bạch Dương với Agribank Chi nhánh TP HCM.

Văn bản của Trung tâm thông tin Sở TN&MT TP HCM gửi cho UBND Quận 3 về việc thế chấp tài sản từ năm 2000, cách xa 8 năm so với thời điểm ký hợp đồng tín dụng là năm 2008 và bản gốc là năm 2012 chứ không phải năm 2008.

Các LS đã cùng ký vào đơn xin hoãn phiên tòa, với lý do: Các BS đã kiểm tra huyết áp và nhịp tim, nhận thấy bà Diệp có nguy cơ đột quỵ. Trước đó, phía công an cũng xác nhận bà Diệp mắc bệnh tim. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa đến thứ Hai tuần sau, tức ngày 22/3/2021 mới mở lại.

Mời đọc thêm: Bà Bạch Diệp đối chất với ngân hàng và sở, ngành (PLTP). – Vụ hoán đổi khu “đất vàng” tại TPHCM: Nguyên lãnh đạo nhận trách nhiệm nửa vời – nữ đại gia chối tội (GDTĐ). – Hành động bất ngờ của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp khi nghe lại bút lục lời khai (NLĐ). – Tình tiết bất ngờ khiến phiên tòa xử nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài phải tạm dừng 5 ngày (PLVN). – Hoãn phiên tòa vì bà Dương Thị Bạch Diệp gào khóc, sức khỏe yếu (VNN). – Công ty BĐS Diệp Bạch Dương lỗ nặng trước khi bà Bạch Diệp bị khởi tố (Zing). 

***

Thêm một số tin: Giáo dục Việt Nam trượt dài suốt 5 năm nhiệm kỳ bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (RFA). Người từng chất vấn “nảy lửa” nghị trường không ứng cử đại biểu Quốc hội (DT). – Vụ sai phạm trong đấu thầu: Bắt cựu Giám đốc Sở Y tế Sơn La (VOV). – Cuộc đời phi thường trên đất Mỹ của người phụ nữ Việt bị ung thư, khiếm thị (PNVN). – Putin thúc đẩy chiến dịch ‘ủng hộ’ Trump, can thiệp bầu cử Mỹ? (BBC). – Hàng ngàn người gốc Á bị kỳ thị bằng lời nói, thể xác, và bị xa lánh (NV). – Tình báo Mỹ: Nga từng định can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2020Miến Điện: Một nhóm nhà sư kêu gọi quân đội ngừng tàn sát người biểu tìnhTăng già Miến Điện: Nỗ lực thoát khủng hoảng bằng bất bạo động (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây