Thượng tướng Võ Tiến Trung, ông là ai? (Phần cuối)

Thu Hà

13-3-2021

Tiếp theo phần 1

Máu nhuộm hải đảo, biên cương…

Trong khoảng thời gian 50 năm qua, có bốn mốc quan trọng mà Trung Cộng đã tiến hành xâm lược quy mô, giết người tàn bạo đối với Việt Nam, đó là Hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974, Chiến tranh biên giới 2/1979, Mặt trận Vị Xuyên 7/1984 và Thảm sát Gạc Ma tháng 3/1988.

Lẽ thường, con dân đất Việt ngã xuống, hay binh sĩ hy sinh anh dũng để bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của quốc gia, sẽ được tôn vinh, ngợi ca và ghi công trong sử sách. Tương tự, tội ác hung bạo và đẫm máu mà quân xâm lược Trung Cộng gây ra, những ai có lương tri, sẽ không được phép quên. Thế nhưng, hội nghị Thành Đô giữa chóp bu Đảng Cộng sản VN và giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 9/1990, đã dùng “màn nhung” bịt tất cả mọi thứ.

Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc tại hội nghị Thành Đô, Tứ Xuyên, ngày 3/9/1990. Ảnh trên mạng

Suốt hơn 20 năm kể từ hội nghị Thành Đô, truyền thông Việt Nam bị cấm đề cập, gợi lại tội ác của Trung Cộng. Sự hy sinh của mấy chục ngàn binh sĩ cũng bị lãng quên. Sử không viết, học sinh không được học và giởi trẻ mù tịt về những gì đã diễn ra trong quá khứ.

Học sinh, sinh viên chỉ được nhồi nhét “chủ nghĩa Mác Lê” trong học phần, buộc phải thuộc “16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt”. Các em không phần lớn không biết về cuộc chiến biên giới tháng 2/1979, nơi đồng bào chiến sĩ của mình bị Trung Cộng sát hại, con số lên đến hàng chục ngàn người, máu nhuộm đỏ cả những dòng sông và hài cốt hàng ngàn người chưa tìm thấy, vẫn còn vắt vẻo đâu đó ở các cao điểm, sườn núi, cánh rừng hiểm trở…

Các em cũng không được dạy về lòng yêu nước và sự hy sinh của những người lính dũng cảm, bỏ mình ngoài biển khơi trong trận Hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974, nơi 74 binh sĩ VNCH đã anh dũng nằm xuống khi đối đầu với quân Trung Quốc.

Bà Huỳnh Thị Sinh (trái) vợ Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa. Nguồn: Nhịp cầu Hoàng Sa
Bà Hà Thị Liên áp má vào di ảnh con trai là liệt sĩ Đào Kim Cương, chết trong Thảm sát Gạc Ma. Nguồn: Báo SGGP

Sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” là tác phẩm hiếm hoi, như là nén nhang tri ân, sưởi ấm vong linh của 64 binh sĩ bị Trung Cộng thảm sát trong buổi sáng 14/3/1988. Ngày ấy máu của 64 người con ưu tú xả thân cho dân tộc, loang đỏ cả vùng biển đảo san hô và đến tận hôm nay, xương cốt của họ vẫn còn nằm sâu trong lòng biển lạnh.

Vậy mà các kiêu binh Võ Tiến Trung, Nguyễn Thanh Tuấn, Hoàng Kiền, Khuất Biên Hoà, cùng một “rừng” DLV hùa theo miệt thị, cản trở, gây áp lực để sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” không đến được tay bạn đọc.

Đạo đức “mập mờ” của sĩ quan cấp cao…

Có một câu chuyện khác xảy ra năm 2018. Không phải ngẫu nhiên mà cựu Thượng tá Bùi Tiến Lợi, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Công binh (Bộ Quốc phòng), trùm “Lực lượng 47” lại công khai clip trên YouTube tuyên truyền “Nói Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế, không đúng với công ước về luật biển năm 1982. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta cứ có các dữ liệu lịch sử là chúng ta có thể vơ lãnh hải, thềm lục địa, các hòn đảo vào lòng mình …”

Khi bị khai trừ ra khỏi Đảng, Bùi Tiến Lợi bộc bạch: “Tôi khẳng định phát ngôn đó không phải là phát ngôn không định hướng. Đây là phát ngôn có thông tin chính thống. Chúng tôi được tập huấn và đã từng giảng dạy bốn, năm năm nay”.

Vậy là đã rõ, việc Đảng CSVN vội vã khai trừ Bùi Tiến Lợi ra khỏi đảng, xem như Lợi chỉ là “quả chanh” bị vắt hết nước và bị trảm vì “tiết lộ bí mật” quá nhiều vấn đề.

Các quyết định loại bỏ ông trùm “AK47” Bùi Tiến Lợi

Ai đã “tập huấn, giảng dạy” cho những kẻ như Bùi Tiến Lợi, để “định hướng” dân chúng, nếu không phải là những kiêu binh “phò Tàu” như Võ Tiến Trung, giám đốc Học viện Quốc phòng, nơi đào tạo ra các sĩ quan cấp cao giữ vai trò chủ chốt trong quân đội, Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục tuyên huấn Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng và Hoàng Kiền, Tư lệnh binh chủng Công binh?

Nếu ai từng đọc truyện cổ dân gian hoặc say mê bộ môn cải lương miền Nam, sẽ không quên kịch bản nổi tiếng “Bên cầu dệt lụa”.

Nhiều thế hệ khán giả phải rơi lệ, mến thương và xúc động vô bờ về hình ảnh thôn nữ Quỳnh Nga, nàng dâu hiếu thảo, người vợ công, dung, ngôn, hạnh với lòng vị tha nhân hậu và tình yêu thuỷ chung, sâu nặng, mà nàng đã dành cho Trần Minh “khố chuối”. Cũng cảm kích không kém, một Trần Minh “khố chuối” đói rách thuở hàn vi, khi đỗ Trạng Nguyên vẫn từ chối lời cầu hôn từ công chúa Bích Vân tuyệt sắc giai nhân. Trần Minh lắc đầu với mọi phú quý vinh hoa, sẵn sàng chịu bị xử chém bay đầu vì tội “khi quân”, chứ quyết không phản bội hiền thê chờ đợi nơi quê nghèo…

Võ Tiến Trung thì khác. Xuất phát điểm là tướng quân “bần cố nông” không khác gì Trần Minh “khố chuối”, nhưng nhân cách và đạo phu thê khi đã “công thành danh toại” thì khác xa một trời, một vực.

Khi mang lon Thượng tá, trung đoàn trưởng một đơn vị thuộc sư đoàn 315 đóng tại nội thành Đà Nẵng, Trung quên ngay người vợ đầu ấp tay gối là Đặng Thị Miên và hai đứa con thơ dại, để lao vào cuộc tình với một bóng hồng xinh đẹp tuổi đôi mươi, đến từ Hải Dương tên là Phạm Hồng Vân.

Bất chấp tất cả, Trung công khai mối tình mới và viết đơn ly hôn để nhanh chóng cưới Vân. Đau đớn và tủi nhục vì bị phản bội, bà Đặng Thị Miên nuốt nước mắt, ôm chặt hai cô con gái vào lòng…

Bà Đặng Thị Miên (trái) vợ của Trung và cô Phạm Hồng Vân (phải), người tình mới của Trung. Nguồn: CTV Tiếng Dân

Phạm Hồng Vân đẻ cho Trung hai cậu con trai. Điều lạ lùng là Trung đặt tên cho hai đứa con trai, ghép cùng tên ông ta, thành một cụm từ, thành một địa danh gắn liền với giới chức cầm quyền một chính thể mà ai nghe đến cũng sẽ rùng mình, ghê sợ: Trung-Nam-Hải.

Lấy được vợ trẻ, Trung đưa Phạm Hồng Vân vào quân đội. Chân ướt chân ráo, chưa làm được gì nhưng nàng đã đeo lon Trung uý, đến năm 2017 đã là Thiếu tá, cán bộ Phòng thi hành án, Quân khu 5.

Vợ chồng Võ Tiến Trung sống vương giả trong căn biệt thự rộng cả ngàn mét vuông ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, giống như một lâu đài, có cả bể bơi, lầu vọng nguyệt, bao quanh là hàng trăm gốc cổ thụ, bon sai cây cảnh, lan rừng có giá hàng chục tỷ đồng. Nhìn chung không khác gì Trung đã bứng cả đại ngàn Tây Nguyên về vườn thượng uyển của mình.

Một số hình ảnh “cuộc sống bình dị” của vợ chồng Võ Tiến Trung. Nguồn: Tác giả Thu Hà

Như đã nói ở phần trước, bất kỳ ai phản biện, đối đầu với nhóm kiêu binh, đều bị họ quy chụp là “thế lực thù địch”, là “tự diễn biến, tự chuyển hoá”.

Trên các diễn đàn, Võ Tiến Trung kêu gọi trung thành với Chủ nghĩa cộng sản, luôn phê phán, chửi bới “bọn đế quốc”, bọn “tư bản giãy chết”. Thế nhưng, Trung lại đưa con trai út Võ Tiến Hải sang du học ở Úc và cô con gái đầu với người vợ trước Võ Thảo Linh lại kết hôn và có con với một ông già người Đức gốc Bulgari có tuổi đời bỏ xa cả… Võ Tiến Trung.

Một cô con gái nữa là Võ Trúc Linh, từng sang Hàn Quốc làm đẹp và về lập nghiệp ở Sài Gòn, có nhà lầu, xe sang và một thẫm mỹ viện để kinh doanh. Cô này là một người đẹp trong “hội chân dài” vây quanh tay chơi khét tiếng, đa tình và phóng đãng có hạng ở Sài Gòn, đó là Lê Trương Hải Hiếu, đương kim Chủ tịch UBND quận 12, con trai của Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành Hồ.

Con gái Võ Tiến Trung bên con trai Lê Thanh Hải

Với nhóm kiêu binh của Võ Tiến Trung, xin nhắc để các ông nhớ rằng, cán bộ cao cấp vẫn có nhiều người yêu nước và có nhân cách hơn các ông vạn lần. Sáng 14/3/2014, trong một buổi lễ có tên “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” nhằm kêu gọi đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm Gạc Ma – Trường Sa và Đài tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, ông Đặng Ngọc Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xúc động phát biểu:

40 năm trước, ngày 19.1.1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 74 sĩ quan, binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hy sinh vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa. Máu của những người con đất Việt dù trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội”.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, thế nhưng dù đã kết thúc nội chiến, suốt 46 năm qua hòa giải dân tộc vẫn không đến được với con Lạc cháu Hồng. Đảng viên Lê Đình Kình 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng vẫn bị xử bắn mà không cần bản ản, con cháu bị “tru di” chỉ vì tội giữ đất. Giới trí thức, cùng dân chúng phản biện thì bị bắt bớ, tra khảo, giam cầm. Người Việt hải ngoại gởi tiền phúng điếu ông Kình, giúp đỡ tù nhân lương tâm, tặng cho những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ… nhưng bị đảng xem là “thế lực thù địch”.

Góp phần phá chủ trương, chính sách hoà giải, đại đoàn kết dân tộc, có “công” rất lớn của những ông tướng kiêu binh, cực đoan và bảo thủ, giáo điều như Võ Tiến Trung, Nguyễn Thanh Tuấn, Hoàng Kiền. Họ là những kẻ sống xa hoa trong vàng son nhung lụa, nhưng với cái tâm độc ác, chuyên gieo rắc nghi kỵ, châm lửa hận thù, xát muối vào vết thương chưa lành của chính đồng bào mình.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Đến bùi tiến lợi, chủ nhiệm bộ môn khoa học trường sĩ quan công binh mà còn chưa hiểu đúng bản chất thật của đcs vn để dẫn đến cái kết cay đắng như thế; thì những nạn nhân của chế độ như Cụ Lê Đình Kình, bà con nông dân Đồng Tâm, Nhà báo Trương Châu Hữu Danh …. sao có thể đánh giá chính xác bản chất của lũ độc tài bịp bợm!

  2. Ban chat cua Che Do CSVN la PHI NHAN BAN va VO DAO DUC, Cho nen nhung viec lam DOI TRUY hay TOI BAI cua cac Lanh Dao DCSVN la CHUYEN HIEN NHIEN. Nguoi dan BIET RO.
    Bon chung CUNG BIET RO chuyen ban than BI OI CHO NEN LUC NAO CUNG PHAI CO GANG CHE DAY bang nhung CONG TAC MY DAN va RA TAY BOP NGHET nhung phanh phui bang cach “LY LUAN” ; PHAI DIET TRU “THE LUC THU DICH ” (!)

  3. Trần Đức Thạch

    Mái đầu tôi mỗi ngày càng nhanh bạc.
    Với câu hỏi đất nước sẽ về đâu?
    Thế hệ chúng tôi tội lỗi ngập đầu
    Nhìn con cháu lòng muôn hổ thẹn…

    Thế hệ chúng tôi một thời chinh chiến.
    Thắng lợi mang về là xua đuổi văn minh.
    Thắng lợi mang về là làm khổ dân mình.
    Để đểu cáng lên ngôi gây tội ác.

    Thế hệ chúng tôi hoàn toàn lầm lạc.
    Quên dân tộc mình theo chủ nghĩa Mác Lê Nin.
    Bệnh hoạn tư duy méo mó cách nhìn.
    Gieo thù hận trong lòng con cháu.

    Thế hệ chúng tôi đổ bao xương máu.
    Chẳng ý nghĩa gì khi dân tộc điêu linh.
    Chẳng ý nghĩa gì khi đất nước tanh bành.
    Lãnh thổ giang sơn bị ngoại bang gậm nhắm.

    Thế hệ chúng tôi cuộc đời cay đắng lắm.
    Mất chính mình mang tội ác với tương lai.
    Gần đất xa trời mới thấy được cái sai.
    Không phải thơ mà những lời sám hối…

    Xin ngàn lần triệu lần chịu tội.
    Trước băn khoăn đất nước sẽ về đâu ???

  4. Cảm ơn tác giả đã góp phần lột truồng cái ” ước mơ hoài bão” mà đám nhân sĩ trí thức cành cạch nước Đảng them khát mà không đc.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây