Minh Phạm
24-2-2021
Hôm thứ hai ngày 22/2/21, Tối cao Pháp viện liên bang, lần thứ hai đã quyết định bác bỏ thỉnh cầu tạm ngưng thi hành phán quyết của Tòa Thượng thẩm số 2 cho vụ “Trump kiện Vance” của cựu tổng thống Donald Trump kể từ khi vụ kiện được phát động từ năm 2019.
Quyết định này của Pháp viện chỉ là một án lệnh phê đơn dưới hình thức một thông tri từ chối thụ lý yêu cầu của Donald Trump, được ghi trong Sổ đăng đường (docket). Điều này nghĩa là có thể đã không có bất kỳ một buổi Nghị án nào giữa 9 thẩm phán.
Thỉnh cầu này được ông Trump gởi đến Tối cao pháp viện từ tháng 10/20, sau hai lần ông thất kiện trước Biện lý Cyrus Vance Jr. ở Tòa sơ thẩm và Tòa Thượng thẩm liên bang.
Các thẩm phán của Pháp viện, kể cả ba vị do ông Trump đề cử là các phụ thẩm Neil M. Gorsuch, Brett M. Kavanaugh và Amy Coney Barrett; đã không có ý kiến gì về thỉnh cầu của ông Trump.
Trong phán quyết lần thứ nhất của vụ này vào tháng 7/20, có đa số 7/9 thẩm phán của Pháp viện quyết định một “đương kim Tổng thống không được miễn trừ chấp hành các giai đoạn của luật Tố tụng Hình sự“, thì hai thẩm phán phản đối phán quyết lại không phải là người do ông Trump đề cử, đó là các ông C. Thomas và S. Alito.
***
Có thể xem vụ kiện này là trường hợp chưa từng có tiền lệ: Hai lần xử sơ-thẩm (Tòa sơ thẩm liên bang phân khu Nam New York), hai lần phúc-quyết (Tòa Thượng thẩm liên bang số 2) và hai lần thượng-tố lên Tối cao Pháp viện. Dễ hiểu vì sao có ngoại lệ “vô tiền khoáng hậu” này là vì sự can thiệp quá sâu vào ngành Tư pháp (Tòa án) của ông Trump, nhờ vào chức vụ Tổng thống.
Quyết định của Tối cao Pháp viện cho phép thi hành phán quyết từ các Tòa cấp dưới, đã minh thị cho Biện lý Manhattan Vance quyền ra lệnh thu thập hồ sơ tài chính của cựu tổng thống Donald Trump (ở bất cứ nơi nào) là một kết quả không bất ngờ vì nó quá hiển nhiên về phương diện luật-lý. Tuy vậy, quyết định này vẫn tạo nên tiếng vang của một “quả bom” vì nhiều lẽ.
– Trước hết, quyết định này chính thức chấm dứt những tranh cãi về các đặc quyền của Trump thủ đắc nhờ chức vụ tổng thống. Từ nay, mọi viện dẫn về việc bảo vệ tính bí mật nguồn thông tin của ông Trump trước các ngành quyền lực khác (quyền Đặc miễn Hành pháp: Privilege Executive) và quyền được miễn trách nhiệm hình sự và dân sự khi thi hành phận sự của Tổng thống (quyền Miễn trừ Hành pháp: Immunity Executive) của đương sự Donald Trump trước các loại tòa án đều không được tòa chấp nhận nữa.
Phán quyết mặc nhiên thừa nhận Donald Trump không còn là tổng thống nên mọi vụ kiện mà đương sự Donald Trump trên danh nghĩa là một tổng thống đều bị bác bỏ (dismiss) vì vô nguyên nhân (moot, moot case).
– Kế đó, phán quyết đến từ tòa án “cao nhất của xứ sở” thuộc quyền lực Tư pháp liên bang, xem như một tiền lệ có giá trị áp dụng tại mọi tòa án trên toàn liên bang (án lệ), đã chấm dứt một điểm pháp lý gây tranh cãi vốn dĩ bất khả tư nghị nhưng bị tổng thống Donald Trump lạm dụng trong thời gian ông làm tổng thống: “Không ai đứng trên luật pháp“.
Cần lưu ý rằng, điều tra của Vance tập trung vào các hoạt động của Trump trong tư cách một tư nhân (private citizen), nghĩa là lãnh vực mà Tổng thống không được hưởng đặc quyền “miễn tố” trong pháp-nhiệm tổng-thống. Điểm pháp lý này cũng thể hiện câu cách-ngôn được khắc trên tiền diện của Pháp viện: “Bình đẳng trước Luật pháp” (Equal Justice Under Law).
– Phán quyết này được kỳ vọng từ lâu, như chiếc chìa khóa sẽ phơi bày những ngóc ngách sâu kín về những hoạt động kinh doanh phía sau bức màn của “nhà tài phiệt” Donald Trump.
Từ phán quyết này, Công tố viên có thể lần tới những hoạt động kém minh bạch của Tập đoàn kinh doanh Trump (Trump Organization),”con gà đẻ trứng vàng” cho Trump và bầu đoàn thê tử của ông.
– Chắc chắn, quyết định này của Tối cao Pháp viện sẽ làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của … cả thế giới hiện nay, bởi nó có thể giải đáp cho câu hỏi: Tại làm sao mà ông Trump lại phải giấu giếm hồ sơ Thuế (cá nhân) và hồ sơ Tài chính (liên quan đến Trump Organization) một cách “thừa sống thiếu chết” đến như vậy!!!
Giờ là lúc ông Trump phải trả lời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cáo buộc cho trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chánh và trách nhiệm hình sự của “công dân Trump”.
Về trách nhiệm dân sự”, ông Trump là bị đơn trong các vụ kiện phỉ báng với các phụ nữ (bà E. Jean Carroll và bà Summer Zervos). Về trách nhiệm hành chánh của ông Trump, đó là các vụ kiện liên quan đến Điều khoản Bổng lộc (Emoluments clause), lạm dụng quyền lực; và trách nhiệm hình sự là ông Trump đang đối mặt với các cáo buộc thông đồng Trump Nga (Mueller Investigation), xúi giục gây bạo loạn ở trụ sở Quốc Hội ngày 6/1, vụ Georgia Call nhằm hủy bỏ kết quả bầu cử ở Georgia, hoạt động gian lận thương mại (frauds)…
Minh Phạm, tác giả của bài viết đã viết ra những vấn đề có liên quan tới trump trong 4 năm giữ chiếc ghế TT. Hành vi của trump đã được đa số người dân trong và ngoài nước không chỉ nghe thấy mà còn tận mắt nhìn thấy trừ khi có ai đó không đủ dũng cảm để đối diện với những sự thật khủng khiếp diễn ra trong mấy năm qua; hoặc … cho dù đảng cộng hòa hay đảng dân chủ nắm quyền cũng chẳng làm xáo trộn lớn tới cuộc sống của tôi. có chăng, chỉ là chút ít quyền lợi bị mất khi đảng dân chủ cầm quyền. Đành chấp nhận vậy thôi; mất cái này được cái khác là qui luật chung! Qua những gì xảy ra ở Mỹ trong mấy năm qua cho thấy nước Mỹ vẫn tuyệt với lắm! Tuyệt vời ở chỗ: KHÔNG MỘT AI ĐƯỢC QUYỀN NGỒI XỔM TRÊN PHÁP LUẬT! Còn Vn đất nước tôi thì sao? Cứ có quyền chức là được quyền phóng uế trên pháp luật. Chức càng to thì bãi phân càng lớn. Đau lòng khi nghĩ tới những thân phận khốn cùng của đất nước tôi.
Tổng thống thường được hưởng các đặc quyền trong lúc tại nhiệm,nhưng khi mãn nhiệm vẫn bị pháp luật chi phối nếu xét thấy có vi phạm luật lệ trước hoặc sau khi mãn nhiệm.Đó chính là nguyên tắc thượng tôn pháp luật.Nếu pháp luật lập ra mà kẻ có quyền lực coi thường thì xã hội rối loạn