Jackhammer Nguyễn
5-2-2021
Một sắc tộc, hay đa sắc tộc?
Sau vụ đảo chánh ở Miến Điện, trên trang Luật khoa, tác giả Bùi Công Trực có một bài viết rất hay, so sánh Việt Nam với Miến Điện, mang tựa đề “Dân tộc dân chủ: Lời nguyền cho Aug San Suu Kyi, bài học cho Việt Nam”.
Tác giả so sánh tình trạng đa sắc tộc và tôn giáo của hai quốc gia, từ đó kết luận rằng, Miến Điện là một ví dụ mà người Việt Nam nên chú ý.
Tuy nhiên tôi có một nhận xét là, dường như Bùi Công Trực đã quá nhấn mạnh đến vấn đề mà tác giả gọi là dân chủ đơn sắc tộc (ethnic democracy). Nói nôm na là một nền dân chủ ở một quốc gia sẽ dễ dàng được thực hiện hơn nếu như quốc gia đó có 1 sắc tộc, hay ít nhất, có 1 sắc tộc thống trị.
Bên cạnh đó, tác giả cho rằng, hiện nay hầu như chỉ có ba quốc gia thực hành tốt một nền dân chủ đa sắc tộc (multicultural democracy) là Hoa Kỳ, Anh và Pháp, ba đại thực dân xưa cũ (Hoa Kỳ không hẳn là đại thực dân xưa cũ).
Chắc chắn rằng, nếu một quốc gia có tính sắc tộc đồng nhất thì sẽ dễ ổn định hơn, người ta dễ nghe nhau hơn. Ví dụ rõ ràng nhất ở châu Á là hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc, hay như một vài nước châu Âu mà tác giả đề cập. Tuy nhiên hãy nhìn các trường hợp những quốc gia như Ai Cập, Chi Lê, hay Argentina, rất đồng nhất về sắc tộc, nhưng vẫn ì à ì ạch trên con đường dân chủ hóa. (Chi Lê chỉ mới ổn định trong thời gian gần đây).
Không chỉ có Anh, Pháp và Mỹ thực hiện được tốt dân chủ đa sắc tộc (tôi cho rằng tác giả muốn nói đến dân chủ đại diện?). Hai nước rất gần với Hoa Kỳ về cấu trúc chính trị là Canada và Úc cũng rất thành công. Ngoài ra, trường hợp Ấn Độ, có khi được mệnh danh là nền dân chủ lớn nhất thế giới, tôi không cho là thất bại. Tại các quốc gia thuộc liên hiệp châu Âu, đa số đều có nền dân chủ đại diện và thành công, rõ nhất là nước Bỉ với hai sắc dân nói tiếng rất khác nhau. Thụy Sĩ có đến bốn thứ tiếng khác nhau.
Thế nên, tôi nghĩ rằng, để một nền dân chủ thành công, có nhiều vấn đề phức tạp và chồng chéo lên nhau, chứ không chỉ sắc tộc. Ngay cả nền dân chủ đa sắc tộc như Hoa Kỳ cũng không phải một sớm một chiều mà có. Bốn năm vừa qua cho thấy, nền dân chủ Mỹ bị thử thách rất dữ dội bởi chủ nghĩa dân túy, phân biệt chủng tộc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trước khi rời nhiệm sở phán rằng: Nước Mỹ không phải là nền văn hóa đa sắc tộc. Nước Úc trong hai mươi năm qua, cũng có lúc rung rinh vì đảng Một dân tộc, chống người châu Á và người Hồi giáo.
Việt Nam, Miến Điện và… Trung Quốc
Cả ba quốc gia này đều đa sắc tộc, với một sắc tộc thống trị như người Kinh ở Việt Nam, người Miến ở Miến Điện và người Hán ở Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ, Miến Điện không giống như hai nước kia, đó là nền quân chủ tập trung quyền lực kiểu Trung Quốc thời xưa và tiếp nối là chế độ toàn trị của đảng cộng sản.
Hệ thống toàn trị kiểu chi bộ của đảng cộng sản len được vào đến các bản làng của người thiểu số, nắm chặt lấy họ trong hệ thống chính trị. Hệ thống quân đội của các tướng lãnh Miến Điện không len được vào đến các thôn làng của người Karen, người San,… chứ đừng nói chi đến Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, trong nội bộ các đảng cộng sản, tính sắc tộc cũng sẽ dần dà chiếm thế thượng phong, với sự thống trị của các đảng viên thuộc về nhóm sắc tộc đa số. Ông Tito đứng đầu nước Nam Tư trước đây, thuộc sắc tộc Croatia thiểu số, nhưng khi Nam Tư tan rã thì đảng Cộng sản Nam Tư được thống trị bởi các đảng viên người Serbia đa số. Tại Trung Quốc, bí thư các khu tự trị người thiểu số thường là người Hán.
Ở Việt Nam, nếu ta xem Trung ương đảng là một quốc hội De Facto, thì nó đã từng đại diện khá đầy đủ các vùng miền và sắc tộc trên cả nước. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng từng có một người đứng đầu thuộc sắc dân thiểu số là ông Nông Đức Mạnh.
Nhưng như nhà báo Nguyễn Hùng có chỉ ra trong bài “Đại hội 13: Mười bảy ông sao có mỗi một bà”, Bộ Chính trị vừa được bầu, không có một người thiểu số nào. Ngoài ra, trong số 200 ủy viên trung ương, chỉ có 10 người thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 5%, trong khi người thiểu số chiếm 15% dân số. Không có người Khmer nào, mặc dù vấn đề Khmer Krom không phải là vấn đề nhỏ trong những năm qua.
Ngoài vấn đề Khmer Krom, chính phủ Việt Nam đã không ít lần phải giải quyết những bất ổn liên quan đến sắc tộc như vụ Fulro, người Hmong Lai Châu, các sắc tộc thiểu số theo đạo Tin lành ở Tây nguyên. Lo ngại của tác giả Bùi Công Trực về một tương lai “những kìm nén của đảng Cộng sản bị tháo gỡ” là đáng quan tâm.
Hãy để cho những sắc tộc có tiếng nói ở một cơ cấu đại diện, dù nó là quốc hội lập hiến (con đường còn xa) hay trung ương đảng hiện thời.
Tôi vẫn tin ở cơ cấu dân chủ đại diện, dù đôi khi nó có những biến động như bốn năm qua ở Mỹ, hay Ấn Độ, khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi, một phần từ sự lo ngại của sắc dân đa số. Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders từng nói, dân chủ thì phải có sự lộn xộn thôi.
Vấn đề Bắc Ái Nhĩ Lan của Vương quốc Anh, vấn đề xứ Basque và Catalan của Tây Ban Nha rồi cũng được giải quyết, khi những người đại diện các sắc dân thiểu số có mặt ở quốc hội.
Việc đàn áp người thiểu số như vấn đề người Rohingya ở Miến Điện, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người Khmer và Phật giáo tiểu thừa ở Tây Nam Bộ Việt Nam, là những thất sách.
Đứng trước nhiều thách thức quá lớn và quá sức, một đảng thiểu năng phải đánh đổi lắm thứ và giải quyết mọi thứ bằng bạo lực. Đồng bào Tây Nguyên thực chất bị Kinh hóa, đánh đổi phương thức sinh sống cho dân ngay sau 1975 bằng phá rừng Tây Nguyên, dồn dân thiểu số bằng một chiêu bài mị dân, ưu tiên hình thức.
Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy Tây Nguyên trước đây là người đồng bào, nhưng bây giờ hoàn toàn Bắc hóa, huống chi cơ cấu đại biểu nọ kia. Thực trạng đồng bào TN rất đáng quan tâm cũng như Khmer, nhưng đối với bọn lưu manh thì không gì là không thể.
Nghị quyết nọ kia chẳng qua cũng là thuyết âm “miu”