Bản tin ngày 27-1-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân: Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ông Bổng nói: “Bước sang nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã khẳng định, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược, tự do hàng hải trên Biển Đông cũng vậy, và đây là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm”.

Tình hình ngoài biển ngày càng căng thẳng, còn trên bờ thì quan chức VN vẫn mơ ngủ, như Thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng Việt Nam ‘không để bất ngờ về tình hình Biển Đông’, theo VnExpress. Ông Giang nói: “Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc”. Tình hình TQ ngày càng lấn tới ở Biển Đông cho thấy diễn biến trái ngược với lời tuyên truyền của ông Giang.

Cũng có người không mơ ngủ, nhưng lại chọn cách… mong người khác bảo vệ giùm biển của mình, như trưởng Ban Đối ngoại TƯ Hoàng Bình Quân: Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế cùng giải quyết vấn đề Biển Đông. Ông Quân nói: “Biển Đông của chúng tôi đang là vấn đề thì Việt Nam mong muốn sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế để cùng giải quyết vấn đề đó”.

VnExpress đưa tin: Trinh sát cơ Mỹ – Trung chạm mặt gần Đài Loan. Trang Aircraft Spots chuyên theo dõi hoạt động hàng không cho biết, trinh sát cơ EP-3E mang mã hiệu 156528 của hải quân Mỹ và trinh sát cơ Y-8G số hiệu 30518 của không quân TQ đã chạm mặt nhau lúc 11h4’ ngày 26/1, ở khu vực phía tây nam đảo Đài Loan.

Vụ chạm mặt cho thấy, TQ ngày càng lấn tới: “Trinh sát cơ Mỹ và Trung Quốc thường xuyên tiến vào ADIZ Đài Loan khi làm nhiệm vụ, nhưng đều hoạt động rất xa nhau và chưa từng bay song song ở khoảng cách gần như vậy”.

Đường bay của chiếc EP-3E (trái) của Mỹ và Y-8G của TQ ngày 26/1. Ảnh: Twitter/Aircraft Spots/VNE

RFI đưa tin: Philippines phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Báo Philstar của Philippines cho biết, hôm nay, nước này đã ra công hàm ngoại giao phản đối luật mới của TQ, cho phép lực lượng hải cảnh TQ nổ súng vào tàu nước ngoài. Ông Teodoro Locsin Jr., ngoại trưởng Philippines cho rằng, luật hải cảnh mới của TQ là mối đe dọa gây chiến với bất cứ quốc gia nào thách thức luật này: “Không thách thức có nghĩa là phục tùng luật này”.

Mời đọc thêm: Chuyển động mới đáng ngại ở Biển Đông (TN). – Biển Đông : Trung Quốc tập trận thách thức hạm đội Mỹ (RFI). – Trung Quốc tập trận tại bán đảo Lôi Châu để dằn mặt Việt Nam (NV). – Nikkei Asia: Đức sẽ đưa tàu chiến tới Biển Đông vào mùa hè, để mắt tới Trung Quốc (TT). Philippines phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc (RFI). – Philippines hủy dự án “khủng” với công ty Trung Quốc cải tạo biển Đông (NLĐ). 

Ngày làm việc thứ 3 của Đại hội 13

Hôm nay là ngày làm việc thứ 3 của Đại hội 13. Báo Người Việt đưa tin: Báo đảng sửa bài liên tục sau khi loan tin Nguyễn Phú Trọng ‘tái cử’. Sáng nay, một số báo “lề đảng” có bài phỏng vấn ông Hầu A Lềnh, Tổng thư ký Ủy Ban TƯ MTTQ VN. Ông Lềnh công khai thông tin đã được dư luận đồn đoán từ lâu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính là “trường hợp đặc biệt” được giới thiệu tái cử

Điều lạ là, không biết “bên trên” tác động thế nào mà chưa đầy nửa ngày sau đó, hầu hết các tin, bài trên báo “lề đảng” hé lộ thông tin này đều bị sửa. Các báo “lề đảng” không chỉ sửa các tựa bài, mà sửa luôn cả phần nội dung, không còn thông tin hé lộ về “trường hợp đặc biệt” là Tổng – Chủ Trọng nữa.

Các báo “lề đảng” cố gắng “bịt miệng” cả Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ VN, nhưng không “bịt miệng” nổi thông tin còn lưu lại trên webcache của Google. Kết quả tìm kiếm trên Google với từ khóa “Nguyễn Phú Trọng” vào thời điểm 7h tối nay, cho thấy tựa gốc và một phần đoạn chapeau gốc của các bài báo trên VnExpress, Pháp Luật TP HCMTuổi Trẻ, ở thời điểm chưa bị chỉnh sửa, cho thấy tin về “trường hợp đặc biệt” của ông Trọng:

Ảnh chụp màn hình Google kết quả tìm kiếm từ khóa “Nguyễn Phú Trọng”.

Trường hợp càng sửa càng lộ ra nhất là VnExpress. Báo Người Việt cho biết, bài phỏng vấn ông Hầu A Lềnh của VnExpress có tựa gốc là: “Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng quá tuổi theo quy định nhưng được giới thiệu tái cử”. Tựa bài này sau đó được đổi thành: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là ‘trường hợp đặc biệt’, rồi lại trở thành: Sẽ trình Đại hội XIII một số nhân sự ‘trường hợp đặc biệt’, cuối cùng được sửa thành: Ông Hầu A Lềnh: ‘Nhân sự khóa XIII được chuẩn bị kỹ lưỡng’.  

Lúc 7h tối nay, webcache của Google cũng không lưu được tựa gốc của bài phỏng vấn của VnExpress, chỉ còn cái tựa thứ 3, nhưng đoạn chapeau gốc vẫn còn: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quá tuổi theo quy định nhưng được giới thiệu là nhân sự thuộc trường hợp đặc biệt”, như được thể hiện trong ảnh chụp màn hình sau đây:

Tựa gốc bài phỏng vấn ông Hầu A Lềnh của VnExpress. Ảnh chụp màn hình của báo Người Việt.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với báo Pháp Luật TP HCM và báo Tuổi Trẻ. Bài báo có tựa: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử, trên báo Pháp Luật TP HCM đã được sửa thành: Công tác nhân sự cho Đại hội XIII được Trung ương bàn rất kỹ. Bài báo: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một trong số các trường hợp đặc biệt, của báo Tuổi Trẻ, đã được đổi tựa thành: Chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Bài phỏng vấn ông Hầu A Lềnh của báo Pháp Luật TP HCM và báo Tuổi Trẻ đều bị đổi tựa, nhưng tựa gốc vẫn còn trên kết quả tìm kiếm của Google. Ảnh chụp màn hình

Dư luận cho rằng, vụ “kiểm duyệt” quy mô lớn này có liên quan đến sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước vào ngày 30/12/2020, trong đó quy định phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước là tuyệt mật. Nếu đúng vậy thì không lẽ một loạt báo “lề đảng” sẽ bị khép tội tiết lộ thông tin tuyệt mật của nhà nước?

Có giả thuyết khác là, chính Tổng – Chủ Trọng đứng sau vụ “kiểm duyệt”. Nhưng không hợp lý, vì khả năng chính ông Hầu A Lềnh đã được phe ông Trọng “bật đèn xanh” trước khi trả lời phỏng vấn của các báo “lề đảng”. Nếu không được “mớm tin” thì 10 người như ông Lềnh cũng không dám “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Nếu vụ “kiểm duyệt” chỉ nhằm mục đích che đậy kế hoạch của ông Trọng, hoặc đơn giản hơn là che đậy diễn biến nội bộ để tránh công luận bàn ra tán vào, thì không vấn đề gì. Nhưng nếu có “thế lực” nào đó đang tìm cách ngăn trở kế hoạch làm tiếp nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ 3 của ông Trọng, thì vấn đề lại rất khác.  

BBC có bài: ĐH 13 và việc hé lộ nhân sự đặc biệt TBT Nguyễn Phú Trọng. Bài báo đưa tin về vụ “kiểm duyệt” quy mô lớn, giống như báo Người Việt, nhưng lưu ý thêm chi tiết: Không chỉ nhiều báo “lề đảng” phỏng vấn ông Hầu A Lềnh, mà còn có hiện tượng “rộ lên thơ ca, nhạc họa về ông Trọng”, xuất hiện bài hát “Bác ơi xin Bác đừng về”, có lời: “Bác ơi xin Bác đừng về, bác làm khóa nữa cho dân được nhờ… Người dân vẫn hằng mong chờ những phường giặc nước phải cho hết vào lò”.  

Facebooker Phạm Minh Vũ viết: Ông Trọng – Từ 10B Nguyễn Gia Thiều Đến Bệnh viện 108. Tác giả nhận định, lý do ông Trọng tiếp tục “bám” cái ghế quyền lực nhất VN: “Có lẽ, nhìn thấy ông trọng là một kẻ biết quy phục nên Bắc kinh cố giữ cho ông trọng tiếp tục nắm quyền? Chứ ai già rồi đi còn không vững mà lãnh đạo cái gì? Không khéo ở tuổi đó ăn cơm rồi còn nói là chưa thì làm sao gánh vác cả giang sơn đây? Nói xui chứ bác sỹ quên cho uống thuốc, ông loạn thần lên làm sao mà ký tá, làm sao mà đọc, mà duyệt văn thư?”

***

Sáng nay, các đại biểu dự ngày làm việc thứ ba Đại hội XIII của Đảng và đã đóng góp một số tham luận cho các dự thảo văn kiện của Đại hội, báo Tiền Phong đưa tin. Đã có 23 tham luận đóng góp tâm huyết, trách nhiệm vào các dự thảo Văn kiện, theo Thông Tấn Xã VN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên làm việc buổi sáng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội 13 trong phiên làm việc sáng nay 27/1. Ảnh: TTXVN

Đến chiều nay, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thảo luận về dự thảo các văn kiện, theo báo Hà Nội Mới. Các đại biểu tham dự Đại hội 13 “tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo các văn kiện Đại hội”. Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khóa 12, điều hành phiên thảo luận chiều nay.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính điều hành phiên họp chiều nay. Ảnh: TTXVN

VietNamNet đưa tin: Ngày mai, Đại hội nghe báo cáo về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương. Trong ngày mai 28/1, “Đại hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XIII và nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Nghĩa là Đại hội 13 đã qua các phần thủ tục râu ria, chuẩn bị bước vào phần tranh đoạt khốc liệt nhất.

Mời đọc thêm: Báo Nhà nước đồng loạt rút tin: ông Trọng là “nhân sự đặc biệt” được tái cử  (RFA). – TBT Nguyễn Phú Trọng ca ngợi chiến dịch ‘đốt lò’ tại Đại hội Đảng (VOA). – Đại hội 13 khai mạc và sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng (NV). Những “trường hợp đặc biệt” đã được bàn hết sức kỹ lưỡng (SGGP). – Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng có phải ‘trường hợp đặc biệt’ ở Đại hội XIII? (Sputnik). – Đại hội XIII của Đảng dành 3 ngày cho thảo luận về công tác nhân sự (KTĐT). – Nhân sự khóa XIII và quy trình hai vòng, tám bước (VNN). 

 – Ngày làm việc thứ ba Đại hội XIII, đại biểu thảo luận về các Văn kiện Đại hội (TG&VN). – Hình ảnh các đại biểu trình bày tham luận tại Đại hội XIII (TTXVN). – 23 tham luận đóng góp tâm huyết, trách nhiệm vào các dự thảo Văn kiện (Tin Tức). – Đại hội 13 giảm bớt ý thức hệ XHCN để ‘sáng tạo có chỉ đạo’ (BBC). – Kỷ luật, đề nghị kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng, gần 70.000 đảng viên (TT). – Toàn văn bài tham luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại Đại hội XIII (VNN). – Ngày mai (28/1), Đại hội XIII nghe báo cáo về công tác nhân sự (PLVN).

Tin nhân quyền

BBC đưa tin: Nghị sĩ Đức ‘bàng hoàng’ vì TS Phạm Chí Dũng không kháng án. Nữ nghị sĩ Renate Künast, người đang nhận bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng, hôm 26/1, nói rằng: “Hôm nay, tôi bàng hoàng khi nhận tin ông Phạm Chí Dũng không muốn đòi phúc thẩm bản án vô nhân đạo… vì ông không còn chút hy vọng nào về một phiên xử công bằng tại quốc gia Việt Nam này”.

Trước đó, chính trị gia của “Liên Minh 90 – Đảng Xanh” đã ra thông cáo báo chí ngay sau khi nhận được tin về phiên xử sơ thẩm đối với các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Bà Künast nói thêm: “Nhân quyền là quyền phổ quát. Bất kỳ nước nào muốn gia nhập khối, trở thành nước có quan hệ thương mại, giao thương với nước khác, thì về mặt chính trị, đều cần phải đặt ra vấn đề nhân quyền”.

Mời đọc thêm: Nhận định của Dân biểu Đức về tuyên bố không kháng án của TS Phạm Chí Dũng (TD). – Nghị sĩ Đức nói ông Phạm Chí Dũng “không tuyên truyền chống nhà nước” (BBC). – Ủng hộ và ‘im tiếng’ về việc Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực (RFA). – Giới văn nghệ sĩ Cuba kiên trì đòi tự do ngôn luận (RFI).

Tin giáo dục

Nghịch lý khiến nền giáo dục VN bế tắc: Giáo viên đi dạy 10 năm, lương cũng chỉ bằng phụ hồ, VTC đưa tin. Một cô giáo có 15 năm dạy học ở TP Hà Nội chia sẻ: “Mức lương gần 11 triệu đồng cũng chỉ bằng lương công nhân. Mà công nhân thì không cần bằng cấp, còn giáo viên phải giỏi lắm đi làm khoảng 10 năm mới nhận được lương hệ số 6,78. Tôi nghĩ mức lương giáo viên đang nhận quá thấp so với khối lượng công việc phải hoàn thành. Đây cũng là lý do nhiều giáo viên bỏ nghề và sinh viên không lựa chọn ngành sư phạm”.

Báo Giáo Dục VN có bài về kiểu đào tạo học sinh giỏi như “luyện gà chọi” ở VN: Đừng biến “học sinh giỏi” thành thợ giải bài, làm thui chột khả năng sáng tạo. Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học ICS ở Sài Gòn nói về cách “luyện gà thi” lấy thành tích ở các trường chuyên, lớp chọn:

“Điều đáng tiếc là những học sinh này không được đào tạo để có được sự phong phú, đa dạng về kiến thức, kỹ năng. Trong khi đó, học sinh một số nước phát triển có thể không đạt giải nhưng năng lực sáng tạo, khả năng tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn lại là những điểm mạnh giúp họ thành công, tạo dựng được nhiều thành quả ý nghĩa”.

Mời đọc thêm: Học sinh mầm non bị chuyển lớp, cô lập vì đẩy bạn ngã (Zing). – Nhiều biện pháp để ngăn chặn “xé rào” tuyển sinh, đã đủ sức răn đe? (PLXH). – Áp lực sổ sách vẫn đè nặng thầy cô, mong Bộ Giáo dục sớm sửa đổi quy định (GDVN). 

***

Thêm một số tin: Hà Nội tiếp tục đu dây giữa Bắc Kinh và Washington (NV). – Hà Nội kỳ vọng vào Joe Biden để đối trọng với Bắc KinhTân chính quyền Biden sẽ « tham vấn các đồng minh » để có chiến lược với Bắc Kinh (RFI). – Tổng cục Đường bộ Việt Nam: có 4 dự án BOT chưa báo cáo doanh thu 2020 (RFA). – Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy trong vụ án dâm ô với trẻ em đã chết (PNVN). – Quốc hội Nga thông qua việc gia hạn hiệp ước hạt nhân New START (VOA). – Xét xử phế truất Donald Trump : 45 thượng nghị sĩ Mỹ phản đối (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây