Đại hội 13, các cụ già đã quay trở lại

Jackhammer Nguyễn

18-1-2021

Chiều tối ngày 17/1/2021, giờ Việt Nam, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) kết thúc. Hội nghị này được tổ chức nhằm giải quyết vướng mắc cuối cùng về vấn đề “tứ trụ”, mà các kỳ Hội nghị trước đó đã không thống nhất danh sách cuối cùng về bốn nhân vật lãnh đạo cao nhất nước là ai.

Thông tin chính thức về danh sách này, như thường lệ, vẫn mù mù mịt mịt, nhưng tin không chính thức, cũng như thường lệ, rất rõ ràng.

Theo giới blogger thạo tin, lẫn giới chuyên gia tay trong của Đảng, bốn người sẽ lãnh đạo nước Việt Nam trong năm năm tới là: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCSVN; Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng và Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội.

Thông tin này không khác với nguồn tin trong bài viết trên Tiếng Dân ngày 15/1/2021 của tác giả Lê Văn Đoành, trong bài “Chấm dứt đại diện Nam bộ trong ‘tứ trụ’ khóa 13”. Tin này khác một chút với thông tin trong bài viết của Thu Hà vào ngày 10/1/2021, trong đó có bà Trương Thị Mai thay vì ông Phạm Minh Chính. Nhưng chúng ta nên hiểu rằng, cả Lê Văn Đoành và Thu Hà đều không sai vì diễn biến của sự thay đổi vào phút chót.

Theo nhà quan sát Lê Hồng Hiệp, từ Singapore, thì những người nắm quyền lực Việt Nam hiện nay phá vỡ một luật lệ của chính họ đặt ra, và hai thông lệ cũng của họ. Luật của họ (ĐCSVN) qui định, chức tổng bí thư do một người nắm không quá hai nhiệm kỳ.

Hai thông lệ kia bị phá vỡ là, thêm một trường hợp đặc biệt là chức chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc đã quá tuổi và chức thủ tướng giành cho ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Người giữ chức Trưởng ban Tổ chức chưa bao giờ vào tứ trụ, ngay cả nhân vật quyền lực một thời là Lê Đức Thọ.

Phe đảng thắng, phe chính phủ lùi

Nhìn vào việc phân công nhiệm vụ của tứ trụ mới này, nhiều người ngạc nhiên không phải ở chỗ ông Trọng ở lại để giữ vững vai trò của Đảng, mà là ba chiếc ghế còn lại bị tréo nghoe.

Ông Phúc được giới quan sát trong và ngoài ngước đánh giá cao về năng lực điều hành kinh tế quốc gia và chống dịch bệnh trong năm qua, nay lại nắm chức chủ tịch nước vốn có nhiều nghi lễ hơn là quyền điều hành. Viên chức điều hành có hiệu quả tài chánh quốc gia là ông Vương Đình Huệ lại cũng sẽ giữ một chức không có thực quyền là Chủ tịch Quốc hội. Ông Phạm Minh Chính gốc công an lại là người sẽ điều khiển guồng máy kinh tế quốc gia.

Trong một bài trước đây, tôi có nêu sự cân bằng giữa Đảng/ Chính phủ, trong cơ cấu tứ trụ, hai người thuần đảng, hai người phe chính phủ. Với bốn vị trí mới được đảo lộn như vậy, phải chăng là phe đảng đã lấn tới và phe chính phủ phải chịu nhường bước, để cho ông công an Phạm Minh Chính, vốn nắm hết hồ sơ ở Ban Tổ chức Trung ương, nắm quyền sinh quyền sát chỉ huy các bộ?

Các cụ già quay trở lại

Nhưng điều thể hiện sự khủng hoảng lãnh đạo của đảng CSVN chính là sự hiện diện của hai vị cao niên Nguyễn Phú Trọng (77) và Nguyễn Xuân Phúc (67).

Theo ông Nguyễn Khắc Giang, người từng làm ở Viện nghiên cứu chính sách công ở Hà Nội, và đang học tiến sĩ tại Tân Tây Lan, thì đảng CSVN đã từng có một bước tiến lớn trong chuyện cải cách chính họ, đó là đặt ra độ tuổi cho các ứng viên ở hai cấp độ, Bộ Chính trị, và Ban Chấp hành Trung ương. Nay với sự trở lại của hai cụ già Trọng và Phúc, hình ảnh những lãnh tụ già nua thời Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười đang trở lại. Điều này là điều ông Giang thấy là rất quan trọng trong một bài viết gần đây trên tạp chí Diplomat.

Việt Nam có dân số rất trẻ, với đại đa số nhỏ hơn 24 tuổi (số thống kê đưa ra vào năm 2019 là 70% người Việt Nam có tuổi từ 15 đến 24). Theo ông Nguyễn Khắc Giang, có đến 43% các lãnh đạo tỉnh thành dưới 50 tuổi. Nhưng với bộ tứ trụ vừa mới hình thành, các cụ già tròm trèm 70 sẽ lãnh đạo đám đông trẻ tuổi này.

Đã có người chống chế rằng, tại Mỹ, quốc gia dân chủ hàng đầu cũng vừa xảy ra cuộc tranh tài giữa hai cụ thất thập cổ lai hy là Joe Biden (78 tuổi) và Donald Trump (gần 75 tuổi), nhưng ông Biden đã nói trước khi đắc cử tổng thống là ông cần một người phó có thể đảm đương trọng trách với ông ngay ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Bà Kamala Harris, nhân vật lãnh đạo số 2 của nước Mỹ tới đây, mới có 56 tuổi.

Hơn nữa, các lãnh đạo Mỹ rất chú trọng tới việc luyện tập thể thao, giữ cho mình khỏe mạnh. Hai năm trước, ở tuổi 76, trông ông Biden khỏe mạnh qua hình ảnh ông chạy bộ với người dân ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, lan truyền trên mạng.

Ông Trump ở tuổi 74 vẫn thường đi đánh golf. Còn ông Trọng, sau lần đột quỵ hồi tháng 4/2019, hình ảnh ông xuất hiện trong một clip, cho thấy, ông đi đứng khó khăn chậm chạp. Tin tức lan truyền trên mạng, đôi khi ông Trọng cần có người dìu ở những lần hội họp sau đó.

Clip ông Trọng đi đứng khó khăn. Nguồn: Nhân Dân TV

***

Bên cạnh việc không tin vào giới trẻ hiện nay của ĐCSVN, như trường hơp ông Vũ Đức Đam bị ra rìa, theo tôi khuynh hướng độc tài cá nhân quay trở lại qua sự tham quyền cố vị của ông Nguyễn Phú Trọng. Về việc này ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm từ Mỹ cho rằng, đó là do sự khủng hoảng ý thức hệ, khi ông Trọng không tìm ra người kế tục cùng ý thức hệ.

Nhưng ông Võ Văn Thưởng thì sao? Ông Thưởng cũng còn trẻ, cũng thuần đảng mà. Chỉ có thể giải thích là các phe phái, các địa phương cạnh tranh nhau rất ác liệt, vô tình phá vỡ cả luật lệ lẫn thông lệ của chính những người cộng sản đặt ra.

Việc tranh giành quyền lãnh đạo, còn có một truyền thống sống lâu lên lão làng của dân Việt nữa. Trong một câu chuyện mang tính huyền thoại về dân chủ của Vương quốc Đại Việt trước đây, người ta nói đến Hội nghị Diên Hồng, với các bô lão, mà trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng không khá hơn, với câu chào đầu môi trong các cuộc hội họp hành, lễ lộc thường là, “chào các bậc trưởng thượng”.

Cân bằng vùng miền

Điều thứ ba người ta nhận thấy trong danh sách tứ trụ mới ra lò này vắng bóng đại diện của Nam bộ. Việc này chắc hẳn cũng đã được rào trước đón sau khi liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của nhà nước những bài báo lần đầu tiên công khai nói về sự cân bằng vùng miền.

Một số học giả trong nước cũng lên các phương tiện truyền thông nước ngoài để nói về điều này, như ông Vũ Cao Phan nói với BBC Việt ngữ trong bài Đại hội 13: Nhân sự nào cho thời kỳ phát triển mới? Ông Phan nói, nên bỏ đi cái ông gọi là “tư duy vùng miền”.

Thiết nghĩ, tư duy vùng miền không phải cần tránh mà là cần có, vì một quốc gia như Việt Nam với gần 100 triệu dân, các vùng rất đa dạng, chuyện mỗi vùng cần có đại diện của mình là điều cần thiết. Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN hiện nay thật sự bao trùm tất cả các địa phương. Theo ông Lê Hồng Hiệp, có khả năng là một vị đại diện của Nam bộ sẽ đứng đầu Ban Bí thư, nhân vật có quyền lực thứ 5, sau “tứ trụ”.

Nhưng hãy trở lại “tứ trụ” với hai ông già trên dưới 70 tuổi, và sự tréo ngoe của Đảng/ Chính phủ trong “tứ trụ” lần này, tôi cho rằng, sự trì trệ trong ban lãnh đạo Việt Nam đã trở lại, với khuynh hướng độc tài cá nhân, sống lâu lên lão làng.

Và quan trọng hơn hết là luật pháp không có nghĩa gì đối với những người cộng sản, họ sẵn sàng phá bỏ những luật lệ do họ đặt ra. Điều này, tôi không lạc quan như ông Lê Hồng Hiệp, cho rằng họ là bậc thầy trong những vấn đề có thể, mà đó là não trạng “luật là ta, ta là luật”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Các lãnh đạo CS là chúa làm ngược và phá vỡ luật lệ do chính họ lập ra, chỉ cần có lợi cho họ
    Điều lệ ĐCS quy định TBT, Các tứ trụ giữ ghế không quá 2 nhiệm kỳ, không quá tuổi 65. Bây giờ chính họ lại đạp lên cái điều lệ đó với cái mác “trường hợp đặc biệt”. 4 triệu ĐV mà không tìm nổi người làm được mà phải giữ các cụ già ở lại. Công tác quy hoạch cán bộ lúc nào cũng tự cho là siêu mà

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây