Làm thế nào Biden có thể đơn phương khôi phục chủ thuyết đa phương?

Project-Syndicate

Tác giả: Joseph E. Stiglitz

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

31-12-2020

Ông Joe Biden tại New Castle Airport, Delaware, ngày 22/10/2020. Nguồn: Drew Angerer/ Getty Images

Có rất nhiều điều để ăn mừng cho năm mới. Sự xuất hiện của vắc-xin COVID-19 an toàn, hiệu quả có nghĩa là ánh sáng ló dạng ở cuối đường hầm đại dịch (mặc dù vài tháng tới sẽ rất kinh hoàng). Một điều quan trọng không kém là vị tổng thống gian manh, bất tài và xấu tính của nước Mỹ sẽ được thay thế bằng một người hoàn toàn đối nghịch: Đàng hoàng, trung thực và chuyên nghiệp.

Nhưng chúng ta không nên có ảo tưởng về những gì mà Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải đối mặt khi nhậm chức. Trong nhiệm kỳ tổng thống và một trận đại dịch mà chính quyền sắp mãn nhiệm đã làm rất ít để chống chọi, Trump để lại những vết hằn sâu thẳm. Những tổn thương kinh tế sẽ không thể hàn gắn trong một sớm một chiều, và nếu không có sự hỗ trợ toàn diện vào thời điểm cần thiết quan trọng này – bao gồm hỗ trợ cho các chính quyền địa phương và tiểu bang thiếu ngân khoản – thì nỗi đau sẽ còn kéo dài.

Tất nhiên, các đồng minh lâu đời của Mỹ sẽ hoan nghênh sự trở lại thế giới nơi Hoa Kỳ đứng lên đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, đồng thời hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu như đại dịch và biến đổi khí hậu. Nhưng, lại một lần nữa, sẽ là ngu ngốc nếu cho rằng thế giới không thay đổi một cách triệt để. Xét cho cùng, Mỹ đã cho thấy mình là một đồng minh không đáng tin cậy.

Đúng như vậy, Hiến pháp Hoa Kỳ và 50 tiểu bang đã tồn tại và bảo vệ nền dân chủ thoát ra khỏi những điều tồi tệ nhất do sự bốc đồng đầy gian ý của Trump. Nhưng thực tế là 74 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho 4 năm nữa về hành vi sai trái kỳ cục của Trump, khiến người ta ớn lạnh. Cuộc bầu cử sắp tới có thể mang lại gì? Tại sao những người khác tin tưởng một quốc gia mà mọi thứ kể từ hiện nay chỉ có thể tồn tại trong bốn năm và sẽ hủy bỏ?

Thế giới cần cách giải quyết vấn đề nhiều hơn như trong giao dịch hẹp hòi của Trump, ở Mỹ cũng vậy. Lối thoát duy nhất là thông qua chủ thuyết đa phương thật sự, trong đó chủ trương biệt lệ của Mỹ phụ thuộc vào các lợi ích và giá trị chung, các định chế quốc tế và một hình thức tôn trọng pháp quyền mà Mỹ không được miễn trừ. Điều này sẽ thể hiện một sự thay đổi lớn đối với Mỹ, từ vị thế bá chủ lâu đời, sang một vị thế xây dựng dựa trên quan hệ đối tác.

Một phương sách như vậy không phải là chưa từng có bao giờ. Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ nhận thấy việc tương nhượng một số ảnh hưởng cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế thật ra là vì lợi ích của chính Mỹ. Vấn đề là Mỹ đã không đi đủ xa. Trong khi John Maynard Keynes đã khôn ngoan kêu gọi việc tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu – một ý tưởng sau đó được thể hiện trong Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights, SDRs) của IMF – thì Mỹ yêu cầu có quyền phủ quyết tại IMF và không trao cho IMF nhiều quyền lực như IMF nên có.

Trong mọi trường hợp, phần lớn những gì Biden sẽ có thể làm khi nhậm chức, phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử cho hai ghế Thượng viện Hoa Kỳ của Georgia vào ngày 5 tháng 1. Nhưng ngay cả khi không có đối tác sẵn sàng giúp trong Thượng viện, tổng thống có ảnh hưởng rất lớn các vấn đề quốc tế. Có rất nhiều điều mà Biden có thể tự bắt đầu làm ngay lập tức.

(Người dịch: Theo kết quả kiểm phiếu ngày 6 tháng 1 năm 2021, cử tri tiểu bang Georgia đã bầu cho Jon Ossoff và Mục Sư Raphael Warnock vào Thượng Viện. Tỷ số của hai đảng sẽ là 50-50, nhưng với lá phiếu của Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris trong tư cách là Chủ tịch Thượng viện sẽ giúp cho Đảng Dân Chủ kiểm soát Quốc Hội và Tổng Thống đắc cử Joe Biden có đủ quyền để ban hành luật và thúc đẩy việc cải tổ mà không cần có sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa).

Một ưu tiên hiển nhiên sẽ là việc phục hồi sau đại dịch, việc phục hồi sẽ không mạnh ở bất cứ đâu cho đến khi nó mạnh ở khắp mọi nơi. Chúng ta không thể tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò rõ rệt trong việc thúc đẩy nhu cầu toàn cầu trong khoảng thời gian này, giống như Trung Quốc đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hơn nữa, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi thiếu nguồn lực cho các chương trình kích thích quy mô mà Mỹ và châu Âu đã cung cấp cho các nền kinh tế của họ. Như Giám đốc điều hành của IMF là Kristalina Georgieva đã chỉ ra, điều cần thiết là một đợt phát hành ồ ạt các SDR. Khoảng 500 tỷ đô la trong số “tiền” toàn cầu này có thể được phát hành trong một sớm một chiều nếu chỉ có Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ chấp thuận.

Trong khi chính quyền Trump đang ngăn chặn việc phát hành SDR, Biden có thể bật đèn xanh cho việc này, đồng thời tán thành các đề xuất hiện có của quốc hội để mở rộng việc phát hành trong một tầm vóc quy mô. Sau đó, Mỹ có thể tham gia cùng các quốc gia giàu có khác đã đồng ý tài trợ hoặc cho vay các khoản phân bổ của họ cho các quốc gia đang có nhu cầu.

Chính quyền Biden cũng có thể giúp thúc đẩy việc tái cơ cấu các món nợ của chính phủ. Một số quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ và nhiều quốc gia khác có thể sau đó sẽ đi theo. Nếu có thời gian Mỹ quan tâm đến việc tái cơ cấu nợ toàn cầu thì hiện nay là đúng lúc.

Trong bốn năm qua, chính quyền Trump đã phủ nhận khoa học cơ bản và coi thường việc tôn trọng pháp quyền. Vì vậy, khôi phục các chuẩn mực Khai sáng là một ưu tiên hàng đầu khác. Pháp quyền quốc tế, không kém gì khoa học, cũng quan trọng đối với sự thịnh vượng của chính Hoa Kỳ cũng như đối với hoạt động của nền kinh tế toàn cầu.

Về thương mại, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cung cấp một nền tảng để xây dựng lại. Cho đến hiện tại, trật tự WTO được định hình quá nhiều bởi nền chính trị dựa theo quyền lực và ý thức hệ tân tự do; nhưng điều đó có thể thay đổi. Ngày càng có nhiều sự đồng thuận ủng hộ cho việc Ngozi Okonjo-Iweala ra ứng cử làm Tân Tổng Giám đốc của WTO. Là một cựu Bộ trưởng Tài chính nổi tiếng của Nigeria và là Cựu Phó Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới, việc bổ nhiệm Okonjo-Iweala bị ngăn trở chỉ bởi chính quyền Trump.

Không một hệ thống thương mại nào có thể hoạt động mà không có phương pháp phân xử các tranh chấp. Bằng cách từ chối chấp thuận bất kỳ thẩm phán mới nào vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để kế nhiệm những thẩm phán đã mãn nhiệm, chính quyền Trump đã khiến cơ quan này trở nên không thể chung quyết và tê liệt. Tuy nhiên, trong khi Trump làm mọi cách để làm suy yếu các định chế quốc tế và pháp quyền, thì Trump cũng đã vô tình mở ra cánh cửa để cải thiện chính sách thương mại của Mỹ.

Ví dụ như việc chính quyền Trump đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, phần lớn đã loại bỏ các điều khoản đầu tư vốn đã trở thành một trong những khía cạnh tai hại nhất của quan hệ kinh tế quốc tế. Và hiện nay, Đại diện Thương mại của Trump, Robert Lighthizer, đang sử dụng thời gian còn tại chức để kêu gọi các biện pháp trừng phạt “chống bán phá giá” đối với các quốc gia tạo lợi thế cho doanh nghiệp của họ bằng cách không quan tâm đến các tiêu chuẩn về môi trường cho toàn cầu. Khi lưu ý đến việc mà tôi đã đề xuất tương tự trong cuốn sách năm 2006 của tôi: “Làm cho Toàn cầu hóa hoạt động“ (Making Globalization Work), dường như bây giờ có rất nhiều cơ sở cho một sự đồng thuận lưỡng đảng mới về thương mại.

Hầu hết các biện pháp mà tôi đã mô tả không yêu cầu cần có hành động của quốc hội và có thể được thực hiện trong những ngày đầu tiên khi Biden nắm quyền. Theo đuổi chúng sẽ là một chặng đường dài hướng tới việc tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với chủ thuyết đa phương và đẩy lùi thảm họa bốn năm qua lại sau lưng của chúng ta.

______

Joseph E. Stiglitz: Giáo sư Đại học Columbia, đoạt giải Nobel kinh tế. Ông là kinh tế trưởng của Viện Roosevelt và Cựu Phó Chủ tịch và Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách mới nhất của ông là People, Power, and Profits: Progressive Capitalism for an Age of Discontent.

Giới thiệu trang nhà của dịch giả: https://kimthemdo.com

Bình Luận từ Facebook