Địa ngục xanh Việt Nam – Phần 9: Bẫy mìn và những mưu mẹo khác

Tác giả: Helmut P. Müller

Dịch giả: Phan Ba

21-12-2020

Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5Phần 6 Phần 7Phần 8

Cây cầu dài ba mươi mét. Nó được canh giữ ở hai đầu bởi tám người lính ngồi ở đằng sau những bao cát. Các khầu súng tiểu liên đã được mở khóa an toàn và lựu đạn lủng lẳng bên dây thắt lưng. “Đêm nào chúng tôi cũng ném vài chục quả xuống sông”, một viên thiếu úy trẻ tuổi người Việt nói. “Có cái gì đó khả nghi trôi nổi tới là cho nổ ngay tức thì.”

“Tôi nhìn thấy rồi, Việt Cộng không có cơ hội nào ở các anh đâu”, một đại úy người Mỹ khẳng định, người đi thanh tra cây cầu, và gật đầu với viên thiếu úy trẻ tuồi. “Đúng vậy, thưa đại úy!” Viên thiếu úy đứng nghiêm. “Nếu chúng còn xuất hiện thêm lần nữa thì chúng tôi sẽ bắn chúng chết hết. Chúng sẽ không thành công thêm lần thứ nhì.”

Nhưng viên thiếu úy hăng hái này với những người lính của anh ta đã không ngăn chận được lần thứ nhất: Năm ngày trước đây, cây cầu đã nổ tung vào lúc giữa đêm – Việt Cộng đã plastic hóa nó, nhưng người ta nói trong thuật ngữ chuyên môn. Kể từ lúc đó, cái nhịp cầu bằng sắt ấy chúc xuống dưới mặt nước…

Một chiếc xe đò bị trúng mìn

“Tại sao lại canh gác một cây cầu đã bị giật sập?”

“Anh không biết đấy thôi” – viên đại úy dùng tay chỉ qua bên kia bờ sông –, “cây cầu này không thể thiếu được. Điều này đối với VC (Việt Cộng) có nghĩa là nó phải bị phá hủy hoàn toàn. Họ sẽ không hài lòng với một lần tấn công duy nhất đâu. Họ có rất nhiều mưu mẹo…”

Ví dụ như: người ta để cho một sợi dây dài 2000 mét trôi theo sông ở dưới mặt nước, bằng cách cột một mảnh gỗ và một bao muối nhỏ vào một đầu. Như vậy chắc chắc là sợi dây, mảnh gỗ và bao muối sẽ trôi qua cầu ở dưới mặt nước mà không ai nhìn thấy. Sau một thời gian, muối tan hết và miếng gỗ nổi lên mặt nước với đầu dây. Một vài tên Việt Cộng can đảm bơi ra sông vào ban đêm và gắn chất nổ plastic vào đầu dây. Bây giờ thì những tên Việt Cộng khác, ở bên kia cầu, kéo chậm chậm sợi dây về – ngược dòng sông và dưới sự che chở của màn đêm. Phần còn lại chỉ là công việc của ngòi nổ…

“Chúng tôi đã phải cần nhiều thời gian để thích ứng với những mưu kế và bẫy cá nhân của Việt Cộng”, viên đại úy thuật lại, “nhưng cho tới ngày nay thì chúng tôi cũng không thành công được hoàn toàn. Họ đơn giản là quá sáng tạo và có nhiều ý tưởng mà chúng tôi nói chung là không có. Đây này” – viên đại úy chỉ xuống cẳng tay trái của mình, nơi có hai vết thẹo còn mới mang màu nhợt nhạt – “hai dấu xăm này là tôi có từ một trong những cái bẫy đê tiện của họ.”

Đó là trên một chuyến đi tuần tra, ở trong vùng phía nam của tỉnh Thừa Thiên. Một người lính phát hiện một loạt dấu hiệu kỳ lạ trong một làng. “Trông giống của Viẹt Cộng quá”, đại úy Collinghood lẩm bẩm sau khi quan sát kỹ những dấu hiệu được khắc vào nhiều thân cây khác nhau. “Đi vào lục soát xem sao…”

Người dân trong làng bị thẩm vấn hai giờ đồng hồ – kết quả là con số không. Cũng không phát hiện được một hệ thống đường hầm nào. Cho tới khi một người lính báo cáo: “Thưa đại úy, tôi tìm thấy một lá cờ Việt Cộng.” Cờ Việt Cộng là một vật lưu niệm được những lính Mỹ rất ưa thích.

Lá cờ được treo đường hoàng trên một bức tường của một ngôi nhà nằm ẩn chỗ kín đáo. Một viên hạ sĩ quan muốn giật nó xuống ngay. “Cẩn thận!”, đại úy Collinghood quát lớn. “Coi chừng xảy ra chuyện.” Viên đại úy xem xét lá cờ từ xa. Cả căn nhà cũng được lục soát cẩn thận. Nhưng không phát hiện ra điều gì đáng nghi ngờ. “Hạ sĩ ở lại – những người khác đi ra ngoài”, Collinghood ra lệnh và bước tới gần lá cờ. Ngay cả bây giờ ông cũng không phát hiện ra được dấu vết nào báo hiệu có một cái bẫy. “Nằm sấp xuống”, ông ra lệnh. Viên hạ sĩ quan tuân lệnh, mặc dù không nhịn được cười. Collinghood cầm lấy một đoạn dây thép, bẻ cong một đầu và bắt đầu dùng đoạn dây thép đó móc vào lá cờ trong lúc ông nằm ở tư thế hít đất. Sau một vài khoảnh khắc, sợi dây thép móc được vào lá cờ, và Collinghood vừa muốn giật mạnh…

“Cứ giống như chúng tôi lao vào một khẩu súng máy vậy”, ông nhớ lại, “mười tám phát súng bắn từ hai bức tường hai bên – được kích động khi động vào lá cờ. Nếu như tôi đang đứng trong lúc đó thì tôi là người chết nhiều lần nhất của toàn quân đội rồi.”

Chỉ nhờ vào sự cẩn trọng của mình mà viên đại úy đã thoát nạn, chỉ bị hai viên đạn bắt sượt qua cẳng tay trái đang giơ lên. “Đó là trường hợp đặc trưng cho một cái bẫy cá nhân”, viên đại úy nói và thêm vào: “Lá cờ đó bây giờ là của tôi. Mấy đứa trong chuyến tuần tra đó nói tôi xứng đáng có lá cờ đó…”

Để chuẩn bị trước nhằm chống lại chiến thuật phục kích của Việt Cộng, thời gian vừa qua người Mỹ đã thiết lập nhiều “trường mìn” . Trong những khóa đào tạo cấp tốc, lính Mỹ làm quen với mọi loạt bẫy súng, bom trong nhà và hố sập. Được sử dụng làm vật liệu giảng dạy là mìn Việt Cộng và những cái bẫy cá nhân đã được vô hiệu hóa lúc nào đó, trước khi chúng có thể hoạt động. Một ngôi nhà nông dân được dựng lại là “vùng chiến đấu chính”: có 49 cái bẫy mìn được dấu trong mảnh đất nhỏ của ngôi nhà bằng tre đó…

Một cách thức được đưa ra như là lời dẫn nhập: “Lấy một cái bẫy chuột”, trong phần mở đầu của khóa đào tạo có viết,  “thêm một sợi dây ngòi nổ và một quả đạn, cỡ 30. Người ta cộng thêm vào đó một tinh thần sáng tạo châu Á, thế là cái bẫy chuột ấy có thể dễ dàng giết chất một người.”

“Chỉ khi giải thích các loại mìn bình thường thì mới đi theo sách giảng dạy”, một viên trung tá nói, chỉ huy trường mìn của Tiểu đoàn Công binh 3 ở Đà Nẵng. “Sau đó thì mọi thứ đều không theo sách vở nào cả. Việt Cộng cũng không làm theo một quyển sách giáo khoa…”

Ở họ, những điều quan trọng là sự tinh xảo, ý tưởng và sự khéo léo thủ công. Trái dừa, lon đồ hộp cũ, rễ cây cũng như những bao thuốc lá bị vứt đi – tất cả đều có thể trở thành mìn. Ngay cả cái bẫy chuột cũng phục vụ cho việc nổ mìn: một sợi dây thật nhỏ mà nếu vướng vào sẽ để cho cái bẫy chuột sập lại. Đồng thời, chuyển động đó cũng đẩy một cây kim vào một ngòi nổ, cái sẽ bắn ra mười viên đạn giết chết con người đang nằm xuống đất đó. Ai vô tư cầm lấy một trái dừa vô hại thì sẽ được trái dừa ấy chào mừng bằng một phát nổ mạnh – và một cây nấm trên mặt đất trong rừng sẽ kích nổ một quả bom mảnh cách đó mười mét khi bị chạm nhẹ vào.

“Tất cả những thứ đó đều thuộc vào chiến thuật của du kích quân”, ông trung tá nói, “vốn liếng đó của họ là kết quả hàng chục năm kinh nghiệm. Ở đây, kỹ thuật chiến đấu chống lại bẫy phục kích. Và điều đó có nghĩa là: Ai đi vào rừng đều phải có khả năng vượt qua hàng trăm cái bẫy, vì ở khắp nơi là chất nổ plastic, mảnh, chất độc và hầm hố…

Chiến thuật phục kích của Việt Cộng là việc gây khó khăn nhiều nhất cho tất cả mọi người: cho người dân, cho quân đội chính phủ và cho người Mỹ. Nhưng trong khi những người lính được đào tạo để đối phó với “bẫy cá nhân” qua các khóa cấp tốc thì hàng triệu người dân thường không được che chở lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trước sự khủng bố và trả thù của Việt Cộng.

“Từ khi tôi sống ở trong làng này – cho tới ngày nay là 39 năm – tôi đã trải qua hàng chục cuộc viếng thăm vào ban đêm của Việt Cộng”, ông nông dân Pham Dinh Ho của làng Cam Thanh nói. “Ông có thể tin tôi: Tôi đã biết sợ run cả người qua đó, và trước hết là tôi học được việc cùng sống với cả hai bên…”

Lần đầu tiên, họ đến trong đêm vào lúc 2 giờ 15. “Không một tiếng động như những con cọp”, Pham Dinh Ho nhớ lại. “Tôi bất thình lình tỉnh dậy vì có ai đó chọc vào người tôi. Khi mở mắt ra, tôi nhìn vào họng của một khẩu súng ngắn. ‘Nếu không muốn chiến đấu cho Mặt Trận Giải Phóng thì ít nhất là phải trả tiền đây’, một người nói với tôi trong giọng thô lỗ. Rồi tôi phải mua sáu tờ giấy công phiếu của Việt Cộng – hắn đòi tôi sáu ngàn đồng. Đó gần như là toàn bộ số tiền tôi tiết kiệm được trong chín năm. ‘Mày bây giờ yên ổn được một năm’, hắn nói khi nhận tiền. Trước khi đi khỏi, hắn dùng dao khắc một dấu hiệu ở cửa vào nhà.”

Nhưng chỉ ba tuần sau đó thì những tên Việt Cộng khác đã đến. “Tôi đã giao ra toàn bộ số tiền của tôi rồi”, Pham Dinh Ho than thở và chỉ vào cửa ra vào nhà, nơi có thể nhìn thấy rõ dấu hiệu của VC. “Này, câm miệng lại đi”, người trưởng nhóm du kích nói, “chúng tao không muốn tiền – chúng tao cần gạo.” Với bạo lực vũ khí, người dân làng bị đẩy ra nơi họp chợ bé tí.

“Mấy người có thời gian là 35 phút”, viên trưởng nhóm ra lệnh, “sau đó thì phải có hai tấn gạo nằm ở đây. Nếu không” – trong lúc nói những lời này hắn xoay người sang một bên và chỉ tay vào mười đứa trẻ em bị du kích quân bao quanh – “thì nửa giờ nữa, làng này sẽ mất mười đứa trẻ em.”

“Chúng tôi làm gì được bây giờ?” Pham Dinh Ho nói. “Chúng tôi đã mang gạo đến và đã khóc. Không phải vì tiếc số gạo – nhưng chúng tôi lo sợ cho mấy đứa bé.”

Không lâu sau, cả làng đều căm ghét Việt Cộng. Nhưng khi các toán đi tuần tra của quân đội chính phủ xuất hiện vào ban ngày thì rồi không ai dám mở miệng ra.

“Ở làng kế cận, ông trưởng làng đã báo cáo lại sự việc”, Pham Dinh Ho nói, “thế rồi quân lính chính phủ đóng lại nhiều ngày đêm trong làng. Khi VC quay trở lại trong một đêm, họ bị bắn chết hết. Nhưng rồi quân lính chính phủ lại rút đi – và ba đêm sau đó Việt Cộng lại trở về. Không ai trong làng nhận biết. Mãi đến hừng sáng họ mới thấy đầu của ông trưởng làng bị cắm lên một cái cọc. Có một tờ giấy được găm trên lại ở đó, viết rằng: ‘Đây là một tên phản bội’. Lúc đó, khi tôi nhìn thấy, tôi đã tự nói với chính mình: Không chống cự gì nữa – khi quân lính chính phủ đến thì mình theo chính phù, và khi Việt Cộng xuất hiện thì mình theo cộng sản. Ông cũng có thể tưởng tượng được là tôi mừng cho tới đâu, khi chuyện này kết thúc.” Từ một năm nay, làng Cam Thanh được cho là đã được bình định, tức là người dân làng được trang bị vũ khí và có thể tự bảo vệ – cho tới chừng nào địch quân không quá mạnh. Cho tới ngày nay, Cam Thanh không phải vượt qua lần thử thách này. “Tôi cũng không tin rằng Việt Cộng sẽ về thêm một lần nữa”, Pham Dinh Ho nói. “Họ cũng không can đảm như người ta đánh giá họ đâu. Khi gặp phải phản kháng và không đông hơn thì họ rút đi. Huấn luyện của họ chỉ giới hạn ở chiến thuật phục kích, không phải cho chiến đấu công khai…”

Chiến thuật này, mặc do ưu thế áp đảo về vũ khí của Mỹ, dường như có thể hứa hẹn thành công thêm nhiều năm nữa, nếu như người Mỹ không đưa thêm quân lính…

“Thật ra thì mọi việc hết sức đơn giản”, một sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ tại Sài Gòn thú nhận. “Tổng thống nên gửi một triệu lính sang đây – rồi thì sẽ có yên ổn. Cho tới chừng nào mà chúng tôi chỉ có vài trăm ngàn thì không thể làm gì được. Chúng tôi không thể có mặt ở khắp mọi nơi – kẻ địch biết điều đó, và họ lợi dụng điều đó. Họ không xuất hiện trên một mặt trận liền nhau, họ giới hạn ở những vụ tập kích và khủng bố nhỏ. Vì vậy mà nói chung là luôn luôn không có an ninh…”

Hoạt động khủng bố của Việt Cộng được công bố hằng tuần. Đó là một danh sách dài, tàn bạo – một tài liệu thương tâm cho sự tiến thoái lưỡng nan đẫm máu mà người dân phải sống ở trong đó. Mỗi tuần trung bình có 70 vụ ám sát, tập kích và khủng bố. Để hiểu được tính đáng sợ của nó, người ta chỉ cần đưa ra một ít vụ của danh sách hàng tuần:

Vào ngày 10 tháng 5 vào lúc 7 giờ sáng, một chiếc xe Lambretta đã chạy trúng mìn Việt Cộng giữa My Chanh và Phu My. Chín người dân thường chết ngay tại chỗ, mười người khác bị thương nặng.

Vào ngày 13 tháng 5, Việt Cộng, mặc quân phục giả quân lính chính phủ, đã bắt cóc bốn người của làng Phú Mỹ. Ít lâu sau đó, người ta tìm thấy bốn người dân thường này bị chặt đầu ở vùng núi Thị Vải.

Vào ngày 15 tháng 5, một đơn vị Việt Cộng đã tập kích một cây cầu cách Quan Tri 18 ki-lô-mét về phía đông nam. Việt Cộng đã giết chết tám người lính dân vệ và làm bị thương chín người dân thường đang muốn đi qua cầu. Bảy nông dân khác cũng như hai người phụ nữ nông dân bị bắt đi.

Vào ngày 12 tháng 5, Việt Cộng tập kích làng Cam Loc bằng lựu đạn. Mười người dân thường thiệt mạng, mười bốn người bị thương nặng.

Hai đại đội Việt Cộng bắn súng cối vào một “tiền đồn” ở gần làng Tri Tra Con. Mười sáu trẻ em và tám phụ nữ bị giết chết.

Mỗi một tuần có trên 70 thông báo như vậy – hàng trăm người chết và bị bắt cóc. Và hầu như lúc nào đó cũng là những người không có vũ khí sống giữa hai chiến tuyến – nông dân và người dân của nước Việt Nam. “Trong số 15 triệu người ở Nam Việt Nam”, theo một thống kê, “có 8,52 triệu người – tức 56,8% – sống trong những vùng nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. 2,72 triệu người – đó là 18,2% – trong trong những vùng đầm lầy và rừng rậm do Việt Cộng kiểm soát, trong khi 3,76 triệu người Nam Việt Nam – hay 25% dân số – sống trong những vùng được cho là đang bị tranh chấp. Những con số này chỉ thay đồi không đáng kể từ đầu năm 1966.”

Điều đó có nghĩa là: Sự hiện diện và ưu thế về quân sự trong những vùng quan trọng của đất nước này tuy đã tước đi cơ hội có một chiến thắng mang tầm quyết định ra khỏi tay Việt Cộng – nhưng mối đe dọa vẫn còn đó. Nhận thức này đã góp phần cho thấy rằng chỉ riêng sức mạnh quân sự ở Việt Nam không thôi thì không mang tính quyết định. “Phải dùng mọi phương tiện để làm suy yếu kẻ địch”, như tướng Westmoreland nhấn mạnh. “Chúng ta phải chiến đấu đồng thời ở khắp mọi nơi – ở tiền tuyến và ở hậu phương. Công cuộc xây dựng một cuộc sống mới chỉ có thể thực hiện khi an ninh và công bằng xã hội thắng thế.”

Với câu khẩu hiệu đó, một giai đoạn mới đã bắt đầu. Khẩu hiệu của nó là: chiến tranh tâm lý và RD…

Hết chương VII: Bẫy mìn và những mưu mẹo khác

Bình Luận từ Facebook