Địa ngục xanh Việt Nam: Mỗi một phút của cuộc chiến tốn 164.000 Mark (Phần 4)

Tác giả: Helmut P. Müller

Dịch giả: Phan Ba

12-12-2020

Tiếp theo Phần 1Phần 2Phần 3

Lính TQLC Mỹ đứng trên đồi 881 Bắc vào ngày 3 tháng 5 năm 1967 sau trận chiến ác liệt kéo dài 9 ngày gần Khe Sanh, Việt Nam. Ảnh: AP

Kể từ khi những người lính cổ da – tên chính thức là “Lực lượng Viễn chinh thứ Ba TQLC” – đổ bộ lên Vùng I Chiến thuật vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, vùng này đã thuộc vào những vùng đất bị giành giật ác liệt nhất tại Việt Nam. Có không ít người cho rằng cuộc chiến này không được quyết định ở Đồng bằng sông Cửu Long mà là ở đây – tại năm tỉnh phía Nam của vùng đệm cạnh vĩ tuyến 17.

“Nếu như chúng tôi có thể mang lại an ninh cho phần đất này”, Thiếu tướng Donn J. Robertson, tư lệnh Sư đoàn 1 Lính Cổ da, nói, “thì Việt Cộng sẽ bị khóa dòng chảy tiếp tế từ Bắc Việt Nam và chúng tôi có thể tập trung vào những vùng khác. Cho tới chừng nào chưa đạt được điều đó, thì một phần đáng kể của lực lượng chúng tôi bị ràng buộc ở đây và Việt Cộng ở phía Nam luôn có thể thở lấy sức.”

“Khả năng tiến đến thành công về mặt quân sự là thật sự có”, Frank Roberts bổ sung cho lời nói của người tướng của anh. “Có 2,6 triệu người sống ở đây trong Vùng I Chiến thuật. Trước khi lính cổ da đến thì đây là vùng của Việt Cộng. Ngày nay đã có 1,1 triệu người dân sống dưới những điều kiện mà người ta có thể gọi là an toàn.”

74.000 lính cổ da và 76.000 lính của quân đội Nam Việt Nam có nhiệm vụ “quét sạch” Việt Cộng và các sư đoàn của Bắc Việt Cộng sản ra khỏi Vùng I chiến thuật theo chiến thuật “Tìm và Diệt”. Đặc biệt lính cổ da – có tỷ lệ tổn thất cao nhất trong Chiến tranh Việt Nam – đã tự chứng tỏ mình như là lính chữa cháy: Trong vòng hai năm đã thực hiện 200.000 lần đi tuần tra, 82.000 lần tập kích vào các vị trí của quân địch, 100.000 lần oanh kích, 734.000 chuyến bay trực thăng – thống kê chính thức là như vậy. Frank còn có thể bổ sung thêm: “Trong thời gian đó chúng tôi đã tịch thu được 3900 vũ khí, phá vỡ hàng trăm trại tiếp tế và kho đạn dược, bắt 2100 tù binh và giết chết 22.000 du kích quân.”

Người ta không thể diễn đạt lòng can đảm qua những con số – người ta chỉ có thể bày tỏ sự kính trọng nó. Nhưng lợi thế về vật chất có thể diễn tả được qua tính toán. Vì thế mà câu hỏi sau đây là hết sức tự nhiên: “Thế thì đã phải tốn kém bao nhiêu cho nổ lực khổng lồ về vật chất này?” Frank Roberts lật trang trong quyển sổ ghi chú đầy thống kê của anh. “Toàn bộ cuộc chiến cho tới nay đã khiến cho chúng tôi tốn tròn 52 tỉ dollar”, anh nói. “Máy tính của chúng tôi thậm chí đã tính toán cho từng phút một: Mỗi một phút của cuộc chiến này khiến nước Mỹ tốn 41.000 dollar – theo tiền của các anh thì là 164.000 Mark…”

Ở bên kia – ở bờ bên kia – tiếng súng nổ vang qua màn đêm. Những chiếc pháo sáng mạ vàng bầu trời và rừng nguyên thủy chung quanh Đà Nẵng. Ở nơi bom nổ, ánh sáng lóe lên sáng như ban ngày trong một khoảnh khắc – cuộc chiến có mặt ở khắp nơi. Một câu nói chơi chữ đã thành hiện thực: Ở Việt Nam, không nơi nào súng bắn nhiều như khắp nơi ở Việt Nam…

Tôi phải nghĩ đến Tướng Robertson – và về cuộc trao đổi với ông ấy. Đó là một khóa học ngắn hạn với câu kết luận gây kinh ngạc, rằng “việc này có thể kéo dài 20 năm nữa”. “Việt Nam có đáng cho nổ lực khổng lồ này, có đáng hoạt động này với cái giá phải trả là sinh mạng của người Mỹ hay không?” tôi đã hỏi vị tướng như thế. Ông ấy đã bước tới tấm bản đồ bọc nhựa hiển thị tình hình sư đoàn của ông mà con số lính cổ da tử trận trong những ngày vừa qua đã được viết trên đó bằng nét chữ đậm. “Có và không”, vị tướng trả lời. “Vấn đề ở đây không phải là Việt Nam.

Chúng tôi chiến đấu ở đây vì chúng tôi chống lại bạo lực và xâm lược nhiều hơn. Người cộng sản Bắc Việt đã bí mật đưa vũ khí, đạn dược, cán bộ và quân đội vào miền Nam nhiều năm trời, để chiếm lấy quyền lực bằng khủng bố và bạo lực. Nếu như phương pháp này trở thành điển hình thì bất cứ sự xâm lược nào rồi đây cũng tự do tiến tới. Chúng tôi đã đưa ra lời hứa bảo vệ cho 40 nước trên Trái Đất này. Nam Việt Nam là một trong những nước đó. Đất nước này bị tấn công từ bên ngoài – tức là chúng tôi phải thực hiện lời hứa. Nếu như chúng tôi không làm điều đó – thì một lời hứa của Mỹ còn có nghĩa lý gì ở thế giới này?”

“Chúng tôi tròng vào cổ sự việc này”, Frank Roberts nói, tháo giày ủng ra và đu đưa chân trần trong làn nước ấm của sông Cửa Việt. “Và có lẽ chúng tôi sẽ tròng nó vào cổ nhiều năm dài. Nhưng chúng tôi có thể làm khác đi không? Đây không phải là một cuộc nội chiến – đây rõ ràng là một cuộc xâm lược! Và tôi chỉ có thể hỏi những người cộng sản đang xuyên tạc mọi việc ở đây: Liên bang Xô viết sẽ làm gì nếu như bảy sư đoàn Tây Đức phát động một cuộc chiến ở giữa nước Đức? Họ sẽ ném người Tây Đức ra ngoài…”

Có lẽ cuộc trao đổi về đêm này còn kéo dài nhiều giờ nữa, nếu như trong khoảnh khắc đó không xảy ra điều mà ở Việt Nam có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trong bất cứ giây phút nào – một viên đạn bay đến găm vào trong thân cây sát ngay trên đầu chúng tôi. “Một trong những tay thiện xạ”, Roberts làu bàu. “Bắn sát mặt nước tới mức viên đạn chạm xuống rồi bay loạn cả lên. Không thể là Việt Cộng được – bờ bên kia an toàn kia mà.”

Nhưng đó là Việt Cộng. Vì chỉ vài giây sau đó là có phát súng kế tiếp. Không có tiếng đạn rít, không có tiếng réo – không có gì cả. Chỉ một tiếng “phập”, và vữa của bức tường cạnh bờ sông văng tung tóe quanh tai chúng tôi. “Cẩn thận!” Roberts hét to và kéo giật tôi xuống sàn xi măng. Một khẩu súng máy bắt đầu bắn ở bên phải chúng tôi.

“Điều điên rồ của cuộc chiến này”, một đồng nghiệp nói sau lúc đó, “chính là việc chúng ta không biết ai là đối thủ và hắn ta ẩn nấp ở đâu. Trong số 15 triệu người ở đây có chưa tới 300.000 Việt Cộng. Nhưng họ giống như một con ma – họ ở khắp nơi và không ở nơi nào cả. Ở đây thì người nào cũng giống nhau – tất cả họ đều có nụ cười giống nhau và mặc quần áo giống nhau. Nhưng thống kê đã tính toán: Trong số 100 người Việt thì có hai người chắc chắn là Việt Cộng. Nhưng cho tới nay, trong tất cả những năm vừa rồi, thì chúng ta chỉ thất bại tại mỗi một điều: tìm ra ai là hai người đó trong số một trăm người…”

“Hừm, anh đã có một bộ quân phục rồi”, hạ sĩ McLanny nói vào sáng ngày hôm sau trong trụ sở bộ chỉ huy sư đoàn. “Anh sẽ cần đến nó đấy. Trước đây, anh có biết không – nhà báo đến đây trong chiếc áo thể thao của họ. Họ vừa mới đi ra ngoài thì đã có tiếng súng bắn ‘peng’ – một tên Việt Cộng nào đó đã nhắm tới họ. Thì cũng đúng thôi: Chúng nhìn thấy mười người lính và bất chợt ngay ở giữa đó là một chàng trai thể thao. Tất nhiên là hắn nổi bật lên. Rồi có tiếng ‘peng’ – như đã nói, thế là chúng tôi phải tìm cách đưa anh chàng đó ra phía sau…”

Bộ quân phục xuất phát từ COFAT. Đó là một trong những cửa hàng đó của Mỹ mà người ta có thể tự trang bị mình cho chiến tranh – nếu như có một giấy phép. Các nhà báo nhận được giấy phép này từ Commander Moorhead của Hải quân Hoa Kỳ. Theo giấy phép đó, người ta, “phù hợp với AR 700-8 400-1, phần 4, điều 26, và dựa trên công văn của MACJ 42-SU, được phép mua các vật dụng sau đây: hai chiếc áo dã chiến, hai chiếc quần lính, một đôi giày ủng đi trận, một chiếc nón dã chiến, bốn đôi tất có lớp lót.” Sự biến đổi từ nhà báo sang GI với tất mang lớp lót có giá là 28 dollar…”

“Bộ quân phục thì được rồi đó”, McLanny nói, “còn nón sắt thì sao? Tất nhiên là người ta cũng có thể đi mà không có nó. Tùy theo anh muốn điều gì nhiều hơn: Không có nón sắt thì nghe tốt hơn, có nón thì an toàn hơn.”

Nhưng an toàn có nghĩa là gì ở Việt Nam kia chứ? Người ta cũng cần phải ngủ với cái nón sắt à? Sáng sớm hôm nay trong lúc bình minh ở Huế thì sao? “Những tên Charlies đê tiện đó”, McLanny chửi rủa. “Đúng năm giờ là chúng thình lình nã súng cối vào chỗ chúng tôi ngủ. Tất nhiên là không ai đưa được cái mũi lên khỏi hố. Và thế là trong khi súng bắn che như thế, 20 tên Việt Cộng bơi qua sông bằng một cái bè – ngay giữa trong thành phố. Vài phút sau đó có một cái khách sạn nổ tung. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng có một vài người lính của chúng tôi trong số những người chết – mặc dù mấy anh chàng đó không được phép ngủ qua đêm trong khách sạn. Nếu như họ ít nhất là có một cái nón sắt thì chắc chắn là đã không bị những mảnh tường vụn ấy đập chết.”

Thế là hạ sĩ McLanny rút ra kết luận: “Trong đất nước này thì ngủ với nón sắt tốt hơn là ngủ với gái…”

Bây giờ còn thiếu cái được gọi là “cantine-belt” – cái thắt lưng với hai bi đông nước. “Anh sẽ cần chúng đấy”, người hạ sĩ cảnh báo. “Trong rừng rậm người ta quý từng giọt nước một – ngay cả khi nó hâm hẩm.” Và cả đại tá Derryberry – người mà chỉ cần nói “yes” thôi là người ta đã ở trong rừng rồi – cũng lưu ý. “Không có ‘belt’ thì không được đâu. Và ngoài ra thì anh nên mặc một cái flak jacket – một cái áo chống đạn. Chúng tôi sẽ đưa cho anh một cái flak jacket. Nó tuy nặng 9 kílô nhưng đã cứu mạng cho nhiều người rồi đấy.” “Tổn thất có cao không đại tá?” tôi hỏi. “So với địch thì không”, ông ấy trả lời và nhìn nhanh vào tài liệu. “Nhưng chúng tôi tham chiến càng nhiều thì tất nhiên là nó sẽ càng tồi tệ hơn. Nhưng có một điều lý thú là: Thống kê của chúng tôi đã cho thấy người cộng sản nói dối. Họ luôn khẳng định rằng sự leo thang của người Mỹ chính là nguyên nhân của cuộc chiến, cuộc chiến mà chỉ là một cuộc đấu tranh chống lại “những tên cướp biển Mỹ, những tên xâm lược và đế quốc” – theo như họ nói. Nhưng thật sự thì chính sự khủng bố của những người cộng sản mới đưa đất nước này đến bờ của sự hỗn loạn, đặc biệt tồi tệ chính là trong những năm mà chúng tôi hầu như không tham chiến ở đây.”

Viên đại tá giở thống kê trải ra trên bàn. Thống kê tính theo năm như sau: Từ 1954 đến 1961, người Mỹ có hai người chết ở Việt Nam. “Trong bảy năm đó, chúng tôi không bao giờ có hơn 700 cố vấn trong nước”, Derryberry giải thích, “nhưng điều kỳ lạ là – dường như không có ai trên thế giới biết đến điều đấy. Vì chính trong những năm đó, những người cộng sản với sự trợ giúp của Hà Nội đã sử dụng bạo lực mà tình trạng ngày nay đã phát sinh từ đó: Họ giết chết chỉ riêng dân thường thôi là 13.700 người – phần lớn là các nhân vật lãnh đạo.”

Trong những năm tiếp theo sau đó, tỷ lệ tổn thất của người Mỹ vẫn thấp: 1961: 11, 1962: 31, 1963: 78 và 1964: 147. Mãi cho đến khi các đơn vị chiến đấu được đưa sang – “vào thời điểm mà người cộng sản đã tuyên bố chiến thắng cuối cùng của họ rồi” – thì con số người Mỹ tử trận mới tăng vọt: 1965: 1369; 1966: 5008 và cho tới 1.7.1967: 4356. “Cuộc chiến này đã trở nên ác liệt cho tới đâu”, Đại tá Derryberry nói, “việc đó có thể nhận thấy ở so sánh, rằng trong năm 1967 chúng tôi đã có nhiều tổn thất hơn là trong các năm 1954 đến 1966 cộng lại.”

Những tổn thất khác còn ghê gớm hơn: Cho tới giữa năm 1967, quân đội Nam Việt Nam có 64.000 người tử trận – Việt Cộng cũng như Quân độiNhân dân Bắc Việt Nam, quân đội mà đã đưa bảy sư đoàn thâm nhập Nam Việt Nam, có 242.000 người tử trận!

“Người ta có thể kể thêm vào đó hàng chục ngàn người”, viên đại tá kết thúc đề tài, “vì phần lớn người chết của Việt Cộng được họ chôn ngay trong thời gian của trận đánh cho nên chúng tôi không ghi nhận được. Thống kê này đây” – ông gấp tờ giấy lại – “chỉ đưa ra con số tổn thất body-counted – tức là đếm từng xác chết một. Có bao nhiều người chết sau đó vì những vết thương của họ – ai có thể nói được?”

Và ai có thể nói được cuộc chiến sẽ tiếp tục ra sao? Mặt trận ở Việt Nam đã trở nên cứng rắn cho tới mức ngay cả người chết cũng không còn là lời cảnh tỉnh nữa. “Hòa bình có nghĩa là gì?” đài phát thanh Hà Nội tuyên bố. “Những lời nói của Mỹ về nỗ lực tìm kiếm hòa bình chỉ là một bước đi tội phạm tiếp theo để che đậy việc leo thang chiến tranh. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài năm mươi năm.” Đối lại với những lời nói này là một câu nói duy nhất của Mỹ. Dean Rusk đã đưa ra nó vào ngày 6 tháng 7 năm 1967: “Khi những người đến từ miền Bắc trở về nhà của họ – thì rồi quân đội của chúng tôi cũng rút lui.”

Có thể đơn giản như vậy đấy. Nhưng Hà Nội không màng đến lô-gíc lẫn người chết. Ở đó chỉ có một điều là quan trọng: Người ta không được phép bị mất mặt. “Yêu cầu hai người cãi nhau hãy thống nhất”, một thành ngữ của đất nước này nói như thế, “cũng vô vọng như hỏi mượn lược từ hai người hói đầu…”

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây