Liên hệ giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (Bài 2)

Nguyễn Thiện Tống

7-1-2021

Tiếp theo Bài 1: Ý đồ ban đầu của Dự án xây dựng sân bay Long Thành và tình hình hiện nay 

Dự án sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép ngày 10/5/2007 là trái với Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng chính phủ duyệt ngày 27/5/1995 và trái với mục đích sử dụng đất quốc phòng.

Từ giữa năm 2013, khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được lấy ý kiến rộng rãi, nhiều cử tri tại TP HCM, các chuyên gia đã phản đối dự án sân golf Tân Sơn Nhất.

Sau khi Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành ngày 25/6/2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục đầu tư Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Từ nhiều năm qua, ý kiến xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về sân gofl trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, gây khó khăn trong việc mở rộng sân bay nhằm giảm ùn tắc giao thông vận tải hàng không.

Trong tháng 6 năm 2017, Thủ tường chính phủ đã có cuộc họp bàn luận về vấn đề dừng xây nhà hàng và biệt thự trong sân golf, nhưng cho đến hôm nay thì vụ việc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, và chưa có quyết định thu hồi lại sân golf để mở rộng sân bay.

a) Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được lập năm 1994 và được Thủ tướng chính phủ duyệt năm 1995

[Tài liệu tham khảo: Viện Nghiên cứu Quy hoạch Xây dựng và Kiến trúc Đô thị – TP Hồ Chí Minh, “Quy hoạch định hướng cải tạo phát triển sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất” (Giai đoạn 1995-2000 và 2000-2015), 8/1994.]

Quy hoạch năm 1994 có đầy đủ các giải pháp giao thông xung quanh sân bay và giải pháp về cấp thoát nước.

Quy hoạch này được Viện Nghiên cứu Quy hoạch Xây dựng và Kiến trúc Độ thị – TP Hồ Chí Minh thực hiện theo Hợp đồng ký kết ngày 23/08/1993 với Cụm cảng Hàng không miền Nam.

Quy hoạch này dựa trên các cơ sở sau:

– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất theo thông báo số 14/TB ngày 20/01/1993.

– Thông báo kết luận của Thủ tướng chính phủ số 48/TB ngày 28/03/1994 đã định hướng quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án 1 và phương án 1B.

– Quy hoạch tổng thể mặt bằng TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng chính phủ duyệt tháng 01/1993.

– Diện tích đất của sân bay Tân Sơn Nhất là 1.122 ha

Phương án Quy hoạch định hướng cải tạo phát triển sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất này được Thủ tướng chính phủ duyệt ngày 27 tháng 2 năm 1995.

Phương án chọn năm 1995 này với hai nhà ga hành khách Bắc, Nam nằm hai bên đường CHC Đông – Tây 25R/07L và 25L/07R, đều thỏa mãn các yêu cầu của ICAO và các tiêu chuẩn quốc tế tĩnh không, đường CHC, nhà ga hành khách, ga hàng hóa, giao thông và các công trình phụ trợ khác…

b) Dự án sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép theo Công văn 567/TTg-NN của Thủ tướng chính phủ (Nguyễn Tấn Dũng) ngày 10/5/2007 là trái với Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng chính phủ (Võ Văn Kiệt) duyệt ngày 27/5/1995

Nội dung Công văn như sau:

Kính gửi:

– Các Bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường;

– Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng (công văn số 408/BXD-XL ngày 6/3/2007), Bộ Quốc phòng (công văn số 591/BQP-ĐT ngày 1/2/2007) và ý kiến của các cơ quan liên quan về Dự án đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Cho phép đầu tư Dự án xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất như đề nghị của Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng tại các công văn nêu trên.

2. Về chọn Chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

3. Giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng trình phê duyệt theo quy định. Chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để hoàn chỉnh Dự án, lưu ý phù hợp với quy định độ tĩnh không, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động bình thường của sân bay; tổ chức thẩm định, phê duyệt Dự án theo quy định hiện hành và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của Dự án.

4. Chủ đầu tư phải thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CPngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trong trường hợp Nhà nước cần thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, Chủ đầu tư phải trả lại diện tích đất quốc phòng mà không được yêu cầu bồi hoàn.

5. Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện cụ thể.

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

c) Công văn 489/TTg-NN của Thủ tướng chính phủ ngày 31/3/2008 cho đầu tư xây dựng công trình phụ trợ các Dự án: sân golf và dịch vụ Long Biên, sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất là trái với mục đích sử dụng đất quốc phòng

Nội dung Công văn như sau:

Kính gửi:

– Bộ Quốc phòng;

– Bộ Xây dựng;

– Bộ Giao thông vận tải;

– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

– Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Xét đề nghị của Bộ Quốc phòng (công văn số 6985/BQP-TM ngày 21 tháng 12 năm 2007); ý kiến của Bộ Xây dựng (công văn số 261/BXD-XL ngày 18 tháng 02 năm 2008), Bộ Giao thông vận tải (côngvăn số 611/BGTVT-KHĐT ngày 28 tháng 01 năm 2008), Ủy ban nhân dân thành phố HàNội (công văn số 758/UBND-KH&ĐT ngày 30 tháng 01 năm 2008), Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (công văn số 1685/UBND-ĐT ngày 17 tháng 3 năm 2008) về việc đầu tư xây dựng công trình phụ trợ Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ tại Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất như đề nghị của Bộ Quốc phòng tại văn bản nêu trên.

2. Giao Bộ Quốc phòng quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ dự án, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minhvà theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 567/TTg-NN ngày 10 tháng 5 năm 2007, văn bản số 568/TTg-NN ngày 10 tháng 5 năm 2007./.

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

d) Nhiều ý kiến và văn bản kiến nghị ngừng triển khai dự án sân golf Tân Sơn Nhất

Từ giữa năm 2013, khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được lấy ý kiến rộng rãi, nhiều cử tri tại TP HCM, các chuyên gia đã phản đối dự án sân golf Tân Sơn Nhất.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ ngừng triển khai dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) lo ngại về dự án xây dựng sân golf, nhà hàng, khách sạn, biệt thự và căn hộ cao cấp trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hệ quả của dự án này, theo đại biểu, đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc đảm bảo an ninh quốc phòng khi một khu phức hợp như thế đặt trong khu vực sân bay của thành phố; vấn đề bảo đảm an toàn bay khi khu phức hợp này nằm dưới đường lượn của máy bay; vấn đề hiệu quả kinh tế khi mỗi đêm nhiều máy bay phải bay ngược ra gửi ở sân bay Đà Nẵng vì thiếu diện tích đậu đỗ; vấn đề môi trường nguồn nước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để duy trì sân golf.

Lo ngại khác của Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng, dự án xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất vi phạm tĩnh không sân bay và đặt hoạt động hàng không vào trạng thái mất an toàn thường trực.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, Thủ tướng cho biết dự án được thực hiện theo đề nghị của các bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội, TP HCM về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf cùng một số công trình thể thao phù hợp.

e) Tái đề xuất mở sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất sau khi Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 94/2005/HQ13 thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành ngày 25/6/2015

Ngày 04/10/2015, sau khi Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 94/2005/HQ13 thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành ngày 25/6/2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục đầu tư Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Từ văn bản đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư Long Biên, Bộ KHĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất mà không phải thực hiện lại thủ tục xin chủ trương đầu tư. Kiến nghị này đã nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương của Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT.

Như vậy, chủ trương đầu tư Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Bộ Quốc phòng cũng đã có quyết định phê duyệt phương án đầu tư sân golf – dịch vụ Tân Sơn Nhất và giao cho Công ty cổ phần đầu tư Long Biên làm chủ đầu tư. Tp.HCM cũng đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình.

Cùng với việc Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 94/2005/HQ13 thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành; Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, các văn bản nói trên là lý do khiến các bộ, ngành cho rằng Dự án không cần phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo các số liệu, tổng mức đầu tư dự án sân golf Tân Sơn Nhất dự kiến 5.443 tỷ đồng, vốn đã đầu tư ghi nhận đến năm 2014 là 799 tỷ đồng. Để được thực hiện dự án, DN đã phải cần tới 133 văn bản từ nhiều cơ quan TP.HCM và các Bộ, ngành, Chính phủ…

Theo báo cáo của nhà đầu tư lên Thành ủy và UBND TP. HCM, hiện Công ty cổ phần đầu tư Long Biên đã xây dựng hoàn thành sân golf Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. [tháng 10 năm 2015]

f) Ngày 18/06/2017 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ (Nguyễn Xuân Phúc) tại cuộc họp về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Dừng xây biệt thự, nhà hàng trong sân golf Tân Sơn Nhất.

Trước đó, ngày 12-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuộc họp có sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các bộ Quốc phòng, GTVT, Xây dựng, Tài nguyên – môi trường, Văn phòng Chính phủ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa và Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV thiết kế và xây dựng công trình hàng không ADCC.

Tại cuộc họp, Thủ tướng kết luận thời gian qua, ý kiến xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, gây khó khăn trong việc mở rộng sân bay nhằm giảm ùn tắc giao thông vận tải hàng không.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng phản ánh ý kiến xem xét việc trả lại sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, rồi thư của ông Nguyễn Thiện Nhân – bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Để có cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học, trung thực, sử dụng đất đai hiệu quả trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành của nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, nâng tổng năng suất đạt khoảng 45 triệu khách/năm.

Trên cơ sở đó, đánh giá các phương án, trong đó phương án đã được tư vấn trong nước đề xuất. Đề xuất phương án lựa chọn bảo đảm yêu cầu khách quan, khoa học, trung thực đáp ứng được các tiêu chí tuân thủ các quy định về hàng không, tiết kiệm kinh phí đầu tư, thời gian xây dựng nhanh đáp ứng yêu cầu cấp bách giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Lưu ý việc kết nối đồng bộ hệ thống giao thông và hạ tầng liên quan trong và ngoài cảng hàng không với các hệ thống chính của TP.HCM.

Sau khi tư vấn hoàn thành việc xây dựng các phương án, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ Xây dựng, Quốc phòng, Tài nguyên – môi trường, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan thành lập hội đồng thẩm định có ý kiến chính thức, khẩn trương báo cáo Thường trực Chính phủ trước tháng 12-2017.

Về các vấn đề liên quan đến sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng kết luận Bộ Quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf như khu biệt thự, chung cư, nhà hàng, khách sạn, trường học…

Bộ Quốc phòng rà soát các vấn đề liên quan đến đầu tư, khai thác quản lý sân golf, đặc biệt là việc sử dụng quỹ đất trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản ngày 10-5-2007, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không và phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án Cảng hàng không Long Thành đã được Quốc hội thông qua chủ trương; khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động bình thường.

g) Có một sự liên hệ ngấm ngầm giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long ThànhQuan hệ nhân quả mật thiết giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành có thể xảy ra như sau:

– Khi sân bay Long Thành được xây dựng và các hoạt động chính của sân bay Tân Sơn Nhất được đưa về Long Thành thì không còn áp lực thu hồi đất sân golf nữa và sân golf tiếp tục hiện hữu với khả năng phát triển kinh doanh địa ốc. Nếu toàn bộ hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất được đưa về sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất bị khai tử thì hoạt động kinh doanh địa ốc trên vùng đất sân bay càng phát triển với siêu lợi nhuận.

– Khi sân golf bị giải tỏa để thu hồi đất cho việc mở rộng nhằm tăng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất thì áp lực xây dựng sân bay Long Thành giảm xuống vì không khẩn cấp nữa và có thể không cần xây dựng sân bay Long Thành nữa.

– Trong phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay của Bộ GTVT, sân golf tiếp tục tồn tại đến khi sân bay Long Thành bắt đầu hoạt động năm 2025 thì mới bị thu hồi cho việc xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực bảo dưỡng máy bay. Khi đó phương án xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực công nghiệp bảo dưỡng máy bay ở sân bay Long Thành sẽ trở nên hiệu quả và cần thiết hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất và do đó sân golf không bị giải tỏa để thu hồi đất nữa nên tiếp tục hiện hữu.

– Trong phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của TP HCM đề xuất, nhà ga hành khách được xây dựng ở cả mặt Bắc có đất sân golf để phân bố 50% hành khách đi ra mặt Bắc theo hướng kết nối giao thông với Quốc lộ 1 tạo thuận lợi cho hành khách Miền Tây và Nam Trung bộ, đồng thời giảm ùn tắc giao thông ở mặt Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Phương án này rất giống với Phương án Quy hoạch định hướng cải tạo phát triển sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất này được Thủ tướng chính phủ (Võ Văn Kiệt) duyệt ngày 27 tháng 2 năm 1995.

– Tuy nhiên ngày 28/03/2018 Thủ tướng chính phủ (Nguyễn Xuân Phúc) “chốt” phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Bộ GTVT chứ không theo đề xuất của TpHCM, mặc dầu phương án đề xuất của Bộ GTVT tạo ra ùn tắc giao thông khi toàn bộ nhà ga hành khách cho 50 triệu khách/năm tập trung về phía Nam. Lý do ngầm mà ai cũng thấy phương án Thủ tướng chính phủ “chốt” không động đến sân golf ít ra là đến 2025.

– Những thông tin gần đây về quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc trên phần đất sân golf có tác dụng đánh lừa dư luận vì nhiều người lầm tưởng đó là theo phướng án đề xuất của TP HCM, chứ họ không biết rằng đó là theo quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc đó của Bộ GTVT thì đến 2025 đất sân golf mới có thể đụng đến.

– Tại sao sân golf tiếp tục tồn tại đến khi sân bay Long Thành bắt đầu hoạt động năm 2025 thì mới bị thu hồi cho việc xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực bảo dưỡng máy bay mà không thu hồi ngay để xây dựng nhà ga hành khách?

Vì đó là giải pháp câu giờ kéo dài thời gian tồn tại của sân golf để đến 2025 thì phương án xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực công nghiệp bảo dưỡng máy bay ở sân bay Long Thành sẽ trở nên hiệu quả hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất và do đó sân golf không bị giải tỏa để thu hồi đất nữa nên tiếp tục hiện hữu.

Việc khởi công xây dựng sân bay Long Thành đầu năm 2021 để có thể hoạt động vào năm 2025 còn có tác dụng giải cứu sân golf ở Tân Sơn Nhất.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đ,M. lũ cọng sản vn vừa ăn cướp vừa la làng, vừa ỉa vừa dẵm. Nói đằng đé.o nào cũng được.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây