Phản hồi bài viết của ông Gellert Nguyễn về dân chủ hóa Việt Nam và nghiệp đoàn tự do

Jackhammer Nguyễn

6-1-2021

Ngày 6/1/2021, Tiếng Dân đăng bài của tác giả Gellert Nguyễn, có tựa đề: Dân oan tranh đấu cho dân chủ và Liên Âu hỗ trợ Việt Nam? Bài này phản biện bài viết trước đó của tôi, phân tích rằng, trên con đường dân chủ hóa Việt Nam sắp tới đây, hoạt động nghiệp đoàn tự do rất quan trọng.

Đầu tiên, xin cảm ơn tác giả Gellert Nguyễn đã đọc và phản biện bài viết của tôi. Đã lâu rồi chúng ta không thấy những tranh luận ôn hòa, dựa vào lý lẽ như thế.

Tiếp theo, tôi xin làm rõ hơn nhận định của tôi, cũng như trả lời tác giả Gellert Nguyễn những điều mà tác giả cho rằng bài viết của tôi chưa thuyết phục.

1/ Vấn đề dân oan

Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả rằng, hiện tượng dân oan là việc người nông dân đòi thêm quyền lợi của họ. Nếu họ được chính quyền giải quyết thỏa đáng thì việc đấu tranh sẽ chấm dứt.

Nhưng tôi không đồng ý với tác giả Gellert hai điều. Thứ nhất, tác giả viết là (chuyện dân oan) “không mang nghĩa đối kháng chính trị”. Thứ hai, tác giả viết là “không có chuyện dân chủ hóa ở đây”.

Tôi tin rằng, chuyện nông dân bị mất đất và đòi quyền lợi của mình xuất phát từ các chính sách của nhà nước cộng sản, trong đó có hai điều cần nhấn mạnh, thứ nhất là đất đai sở hữu toàn dân, thứ hai là sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hai chính sách này đưa đến sự thiệt hại của nhà nông và họ chống đối. Đó là chính trị.

Theo một góc nhìn khác thì nhận xét phi chính trị của Gellert Nguyễn cũng đúng. Sự khác biệt giữa tôi và tác giả dựa trên quan niệm “thế nào là chính trị”.

Còn nói về đấu tranh dân chủ hóa thì thế này, có lẽ tác giả Gellert Nguyễn cho rằng dân chủ hóa là một hoạt động có chủ trương, có tổ chức, có đường lối cụ thể?

Tôi không quan niệm dân chủ hóa là như thế. Theo tôi dân chủ hóa rất đa dạng, nó có thể là có chủ trương đường lối của một người, của một tổ chức, nhưng nó cũng là những hoạt động mang tính dân chủ trong xã hội mà trước kia chưa có. Xin lấy ví dụ ca sĩ Thủy Tiên, tự động quyên góp trợ giúp người dân bị thiên tai, và biện luận bảo vệ hành động của mình, là một việc làm dân chủ hóa, vì nó mang tính dân chủ, và trước kia nó chưa có.

Xin thêm một ý tôi đã đề cập trong bài về gia đình bà Cấn Thị Thêu. Đầu tiên họ chỉ đòi quyền lợi của mình, không ý thức đó là hành động chính trị. Sau đó họ ý thức hoàn toàn là họ đang dấn thân vào chính trị. Chính lý do đó mà họ bị người cộng sản tìm cách triệt tiêu, bắt cả ba mẹ con bà.

2/ Chuyện Liên Âu và nghiệp đoàn

Tôi đồng ý với ông Gellert Nguyễn rằng, Liên Âu sẽ đặt quyền lợi của họ, của các tập đoàn kinh tế châu Âu, lên trên hết, nên họ sẽ dễ dàng bỏ qua chuyện nghiệp đoàn, nhân quyền tại các quốc gia nghèo. Điều đang diễn ra với Hoa Lục chứng minh điều đó và với Việt Nam cũng sẽ như vậy.

Nhưng xin nói rằng, tôi đặt vai trò của Liên Âu như một thuận lợi cho phong trào nghiệp đoàn tự do Việt Nam, chứ tôi không nói rằng nghiệp đoàn tự do nên dựa vào Liên Âu.

Câu cuối cùng của tôi đặt một dấu hỏi rằng, liệu các nhà tổ chức, đấu tranh cho nghiệp đoàn tự do có tranh thủ được điều kiện thuận lợi đó hay không.

Tôi cũng cho rằng những thuận lợi mà phong trào nghiệp đoàn tự do Việt Nam có được nhỏ hơn nhiều so với những khó khăn mà họ đang và sẽ đương đầu.

Điểm quan trọng nhất trong bài phân tích của tôi về dân chủ hóa và nghiệp đoàn tự do là: chú trọng đến nghiệp đoàn tự do trong tương lai, vì sự thay đổi của xã hội Việt Nam, cũng như những điều kiện quốc tế thuận tiện sắp tới.

Cuối cùng, tôi đồng ý với ông Gellert Nguyễn, rằng “giới đấu tranh cho công đoàn Việt Nam hãy lo tạo nội lực và không nên trông Liên Âu hỗ trộ cho Việt Nam”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Quốc vương Bhutan đã tự dân chủ hóa đất nước thành quân chủ lập hiến, thực hành tam quyền phân lập, QH có quyền bãi miễn vua.
    Đúng là dân chủ hóa không đơn giản từ mấy vấn đề dân oan, VN không thể dân chủ hóa trước một thể chế máu, thép, nhà tù.
    Những đề tài: Năm 2020, phong trào đối kháng chấm dứt ở Việt Nam; Đảng Cộng sản thừa thắng xông lên thật ra có những mâu thuẫn, có những nhầm lẫn về đối kháng, đối lập và dân chủ hóa.
    Nguyễn phú Trọng làm theo cách Bhutan được không, giải tán đảng csvn, thành lập một nền quân chủ lập hiến, vẫn còn hơn để cái đảng chó hoành hành độc diễn nửa thế kỷ gieo rắc đau thương kinh hoàng cho dân và cho cả cái đám đồng rận thiêu thân tham tàn.

    • Không ai có thể giải tán ĐCSVN, kể cả toàn thể Bộ Chính trị đều đồng lòng, nếu kẻ đó không đủ sức giải tán ĐCS TQuoc. Chuyện bất khả!
      Đừng quên rằng VN là cái đệm an toàn của TQ. Nó muốn thế, và csVN đã ngay từ đầu tạo tâm lý cho nó đèo bòng như thế, bằng cách ngã vào lòng nó. Nó sẽ vượt biên giới can thiệp ngay, hoặc ít nhất và trước hết là đòn cảnh cáo: siết chết kẻ toan “phản” nó bằng sợi thừng kinh tế, bằng đòn cân não như xâm phạm biên giới trên bộ dưới biển, khiêu khích, phá rối trị an, trị thuỷ…
      Cùng biên giới với nó có cả nửa tá quốc gia, nhưng họ đâu có bị tương tự như VN?

      * Cho nên, chống VC trước hết là chống TC!

      Nhưng hết rồi!
      Hy vọng đã tan theo với cuộc bầu cử 3/11/2020!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây