Bầu cử Mỹ: Vụ bang Texas kiện bốn tiểu bang chiến trường lên Tối cao Pháp viện (Phần 2)

Minh Phạm

11-12-2020

Tiếp theo phần 1

Cùng với phản đối từ Wisconsin, Georgia, Michigan; trong Biện-minh-trạng gởi đi sớm nhất của mình theo yêu cầu của Tối cao pháp viện, chính quyền tiểu bang Pennsylvania chỉ trích đích danh Ken Paxton, Tổng chưởng lý Texas – người đang bị FBI điều tra hình sự – cùng 17 Tổng chưởng lý các tiểu bang có tên trong bản Lý-nghị ủng hộ Nguyên đơn Texas hôm 9/12, là người “xúi giục gây bạo loạn”.

***

Và mới đây sáng sớm, ngày thứ năm 10/12/20, đã quá thời hạn luật định để chấm dứt tranh chấp kết quả bầu cử và chỉ còn 3 ngày để các Đại cử tri đi bỏ phiếu; Tổng thống Trump lại tweet: “Tối cao Pháp viện có một cơ hội cứu lấy đất nước chúng ta ra khỏi cuộc bầu cử gian lận lớn nhất trong lịch sử Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ!

Sau bữa trưa hôm trước tại Bạch Cung với 18 Tổng chưởng lý của 18 tiểu bang (đỏ) ủng hộ ông Trump để kêu gọi Tối cao pháp viện liên bang hủy bỏ kết quả bầu cử theo đơn kiện của tiểu bang Texas; ngay chiều hôm đó, 106 trong số 196 Dân biểu Cộng hòa tại Quốc hội liên bang đã gởi một Bản Lý-nghị ủng hộ Texas cho Tối cao Pháp viện. Cao cấp nhất trong số 106 thành viên Hạ nghị viện ấy là Phụ tá Thủ lãnh khối thiểu số (Minority Whip) Steve Scalise (từ Louisiana), và chủ tịch Ủy ban quốc gia các nhà lập pháp đảng Cộng hòa Tom Emmer (từ tiểu bang Minnesota).

Quả là một cuộc “bạo loạn chính trị” vô tiền khoáng hậu!

***

Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin là những “bãi chiến trường” đúng nghĩa.

Ở “chiến tuyến bên kia”, hai mươi tiểu bang, hai vùng lãnh thổ và thủ đô Washington DC cùng gởi phản đối của họ lên Tối cao Pháp viện. Trong 29 trang Lý-nghị (phản đối) do Karl Racine, Tổng chưởng lý DC (Dân chủ) chắp bút, các Tổng chưởng lý phản đối Texas, cáo buộc Texas đã “giải thích Hiến pháp một cách sai lầm, khiến gây hại cho tính-toàn-vẹn-lãnh-thổ” (tức phá hoại các nguyên tắc của chủ nghĩa liên bang, principles of federalism).

Hơn thế nữa, Bản Lý-nghị phản đối còn kết tội Texas và các tiểu bang ủng hộ Texas đã giải thích Hiến pháp theo khuynh hướng vô hiệu thẩm quyền của các Viện Lập pháp tiểu bang (của các bị đơn Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin), vô hiệu luật pháp liên bang, đặc biệt là làm sai lệch ý nghĩa của Điều khoản Hiến-định về thể thức bầu chọn Đại cử tri (tức Điều khoản Electors Clause trong Hiến pháp liên bang).

Ngoài ra, việc kiện cáo “vượt cấp” của Tổng chưởng lý Texas cũng bị các tiểu bang phản đối, lên án là “hành vi làm đảo lộn vai trò của hệ thống tòa án liên bang, làm suy yếu vai trò của Quyền Tư pháp liên bang“.

Bản Lý nghị trích dẫn phát ngôn của Chris Krebs, lãnh đạo cơ quan An ninh Mạng Quốc gia, người vừa bị Tổng thống Trump sa thải cũng chính vì câu phát ngôn này; rằng cuộc bầu cử Tổng thống 2020 là “cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử” (các cuộc bầu cử tổng thống).

Bản Lý nghị tiếp tục chỉ trích Texas “sính tụng” sau hàng chục vụ kiện của Tổng thống Trump và những đồng minh chính trị của ông đòi hủy bỏ kết quả bầu cử vô căn cứ, đã bị các tòa án ở mọi cấp bác bỏ.

Các tiểu bang (Dân chủ) và lãnh thổ phản đối Texas và đồng minh của Texas gồm: Thủ đô Washington DC, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Guam, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, North Carolina, Oregon, Rhode Island, Vermont, Virginia, U.S. Virgin Islands và Washington. Đây cũng là các tiểu bang mang lại chiến thắng cho ông Biden, ngoại trừ North Carolina.

Đa số các nhà lập pháp Cộng hòa tại Quốc Hội liên bang đều ủng hộ ông Trump qua đơn kiện của Texas, nhưng cũng có hàng tá nhà lập pháp Cộng hòa “ngấm ngầm” ủng hộ ông Biden. Thậm chí mới đây, Nghị sĩ cộng hòa Ben Sasse (tiểu bang Nebraska) nói “toạc móng heo” ra rằng, ông Paxton đi kiện “chỉ để xin Tổng thống (Trump) đại xá các tội hình sự mà ông này đang bị FBI điều tra“.

Lưu ý: Nói lần nữa cho rõ về thuật ngữ pháp lý Latin. “Amicus Curiae”: “Friend of the Court”: “Thân hữu của Tòa”, dùng để nói lên mình có tư cách đóng góp ý kiến cho Tòa.

Sự đóng góp ý kiến ấy thông qua một Bản đề nghị các ý kiến pháp lý có liên quan đến vụ kiện. Bản đề nghị mang tính chất pháp lý đó được gọi là tắt là Lý-nghị (Amicus Curiae, số nhiều là Amici Curiae). Tòa án có quyền đọc hoặc… không thèm đọc Lý-nghị!

Thuật ngữ luật pháp này xuất phát từ tiếng Latin mà các ngôn ngữ khác không diễn tả đầy đủ ý nghĩa.

Các “Thân hữu của Tòa” thân thiết và gần gũi nhất của tòa là… Bị đơn, Nguyên đơn, các đồng bị đơn và đồng nguyên đơn, dự sự (intervene: can thiệp, xin tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, có thể cùng ủng hộ Nguyên đơn hoặc bị đơn).

Các nhà nghiên cứu luật, giáo sư luật…cũng là thân hữu của tòa.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thật đáng ngại khi Tối Cao Pháp Viện có người do Trump và đảng Cộng Hòa cài cắm vào trước mùa bầu cử. Nếu Tối Cao Pháp Viện coi hàng triệu lá phiếu hợp pháp không có một giá trị gì mà lại ra quyết định nghiêng về phía những kẻ gian tà thì coi như nước Mỹ đã đến thời đốn mạt. Thể chế dân chủ phải mất gần hai ngàn năm mới hình thành được, mà Mỹ là nước tiêu biểu cũng như gương sáng của thế giới nay bỗng nhiên trở thành tro bụi chỉ vì một tên đại gian thương lên nắm quyền. Chắc chắn cử tri mà những lá phiếu của họ bị phủ nhận sẽ có phản ứng mạnh mẽ nếu Tối Cao Pháp Viện phán xét thiếu công minh. Đại dịch và lòng dân không thuận sẽ đem đến cho nước Mỹ nhiều biến loạn. Các nước văn minh dân chủ trên thế giới dần quay lưng và lánh xa nước Mỹ. Phải chăng đây là cơ hội ngàn vàng để Tàu cộng thao túng thế giới?

    • Tối cao Pháp Viện sẽ vứt đơn kiện của Texas vào sọt rác, chẳng có ai trong TCPV đem danh dự, liêm sỉ, tự trọng của mình ra phục vụ cho những mưu đồ bẩn thỉu của Ken Paxton và Donald Trump cho dù 3 người trong họ do Trump bổ nhiệm.

Comments are closed.