Một đảng thất bại (Phần cuối)

Foreign Affairs

Đặng Sơn Duân dịch

6-12-2020

Tiếp theo Phần 1Phần 2Phần 3

Nhóm người hoài nghi đầu tiên là các thái tử đảng – hậu duệ của những người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tất nhiên, Tập Cận Bình là một thái tử đảng, và Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh năng động cũng vậy.

Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai gần như vươn lên các chức vụ cấp tỉnh và cấp bộ cùng lúc, họ được dự đoán sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị cao nhất của ĐCSTQ và được coi là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ cho các vị trí lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, Bạc Hy Lai văng khỏi cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo vào đầu năm 2012, khi dính líu đến vụ vợ ông ta sát hại một doanh nhân người Anh và các nguyên lão chính trị của đảng đã ủng hộ một Tập Cận Bình an toàn và vững vàng.

Một số thái tử đảng mà tôi biết hiểu rõ về sự tàn khốc vô tình của Tập Cận Bình và họ dự đoán tranh chấp Tập-Bạc sẽ không kết thúc ở đây. Đúng như dự đoán, sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bạc Hy Lai bị kết tội tham nhũng, bị tước hết tài sản và bị kết án tù chung thân.

Một kiểu hoài nghi khác là một số học giả trong hệ thống. Hơn một tháng trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ được tổ chức vào tháng 11 năm 2012, khi Tập Cận Bình sắp chính thức trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ, tôi trò chuyện cùng một phóng viên kỳ cựu của một tạp chí lớn của Trung Quốc và một giáo sư nổi tiếng hàng đầu trong trường chúng tôi, người từng quan sát Tập Cận Bình trong thời gian dài.

Buổi phỏng vấn của họ diễn ra rất thoải mái, vui vẻ và trước khi rời đi, người phóng viên dường như đưa ra một câu hỏi ngẫu hứng: “Tôi nghe nói ông Tập Cận Bình đã sống trong khuôn viên Trường Đảng Trung ương một thời gian. Bây giờ ông ta sắp trở thành tổng bí thư. Giáo sư nghĩ gì về ông ta?”. Vị giáo sư mím môi khinh khỉnh buông một câu Tập Cận Bình “không đủ kiến thức”. Tôi và người phóng viên sững sờ trước câu trả lời thẳng thắn này.

Bất chấp những ý kiến tiêu cực này, tôi sẵn sàng gạt bỏ những hoài nghi của mình sang một bên và đặt hy vọng vào Tập Cận Bình. Nhưng ngay sau khi Tập Cận Bình nhậm chức, tôi bắt đầu có nghi vấn. Trong bài phát biểu của mình vào tháng 12 năm 2012, ông ta đưa ra gợi ý về một tinh thần cải cách và tiến bộ, nhưng những nhận xét khác của ông ta ám chỉ sự quay trở lại thời kỳ tiền cải cách. Tập Cận Bình là tả hay hữu? Tôi vừa nghỉ việc ở Trường Đảng Trung ương, nhưng tôi vẫn giữ liên lạc với các đồng nghiệp cũ.

Khi chúng tôi nói về một số kế hoạch của Tập Cận Bình, một người trong số họ nói: “Tập hướng tả hay hướng hữu không phải vấn đề, nhưng ông ấy thiếu khả năng phán đoán cơ bản và nói một cách phi logic”. Ngay sau khi nhận xét này được đưa ra, tất cả mọi người đều im lặng. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Với những khiếm khuyết như thế này, làm sao chúng tôi có thể mong đợi ông ta lãnh đạo một cuộc đấu tranh cải cách chính trị?

Tôi nhanh chóng kết luận chúng tôi có lẽ không thể tin tưởng vào ông ta. Sau khi Tập Cận Bình đưa ra kế hoạch cải cách toàn diện vào cuối năm 2013, giới kinh doanh và học thuật hào hứng dự đoán ông ta sẽ tiến hành những cải cách lớn. Cảm giác của tôi hoàn toàn ngược lại. Kế hoạch đã tránh tất cả các vấn đề then chốt của cải cách chính trị. Tình trạng tham nhũng lâu đời của Trung Quốc, nợ nần chồng chất và các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, gốc rễ của vấn đề là các quan chức đảng có quyền can thiệp vào quá trình ra quyết định kinh tế mà không có sự giám sát của công chúng.

Những nỗ lực nhằm đạt được tự do hóa kinh tế trong khi thắt chặt kiểm soát chính trị mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã phát động một phong trào ý thức hệ lớn nhất kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời để phục hưng sự cai trị của chủ nghĩa Mao. Kế hoạch của ông ta kêu gọi tăng cường giám sát xã hội và đàn áp quyền tự do ngôn luận. Lệnh cấm đối với bất kỳ cuộc thảo luận nào về dân chủ hợp hiến và các giá trị phổ quát được quảng bá một cách vô sỉ dưới ngọn cờ “trị lý, quản lý, phục vụ và luật pháp”.

Một gói cải cách luật pháp được thông qua vào năm 2014 cho phép xu hướng này tiếp diễn, cho thấy ý định của ĐCSTQ trong việc duy trì sự cai trị toàn trị bằng cách sử dụng luật pháp như một công cụ. Đến lúc này, khuynh hướng ngang ngược của Tập Cận Bình và sự thoái trào chính trị của ĐCSTQ đã trở nên rõ ràng. Nếu trước đây tôi có chút hy vọng mơ hồ vào Tập Cận Bình và đảng, thì giờ phút này ảo tưởng của tôi cuối cùng cũng tan tành.

Những sự kiện tiếp theo chỉ có thể khẳng định rằng trong chừng mực bản thân công cuộc cải cách, Tập Cận Bình đã đẩy Trung Quốc từ trì trệ đến thoái trào. Năm 2015, ĐCSTQ đã bắt giữ hàng trăm luật sư nhân quyền. Năm sau, họ phát động một chiến dịch theo phong cách Cách mạng Văn hóa để phê phán một ông trùm bất động sản trực ngôn. Phản ứng của tôi trước trò hề đó đã khiến tôi lâm vào tình thế khó khăn.

GIỌT NƯỚC TRÀN LY

Xung đột giữa nhà tài phiệt Nhậm Chí Cường và Tập Cận Bình ngày càng căng thẳng, ông ta chỉ trích Tập Cận Bình kiểm duyệt truyền thông Trung Quốc. Vào tháng 2 năm 2016, một trang web của ĐCSTQ đã dán nhãn Nhậm Chí Cường là “phản Đảng”. Cá nhân tôi không biết Nhậm, nhưng trường hợp của ông ta rất đáng lo ngại vì từ lâu tôi đã tin vào nguyên tắc này: trong nội bộ ĐCSTQ, chúng tôi được phép và thậm chí được khuyến khích tự do phát biểu để giúp ĐCSTQ sửa chữa những sai lầm của mình.

Một thành viên kỳ cựu của đảng đang bị bêu riếu như yêu ma vì làm như vậy. Sau khi trải qua Cách mạng Văn hóa, tôi biết những người bị gắn mác “phản Đảng” sẽ bị tước đoạt quyền lợi và bị đàn áp nghiêm trọng. Vì các bài báo bênh vực Nhậm không bao giờ được phép xuất bản trên các phương tiện truyền thông bị kiểm duyệt, tôi đã gửi bài viết của mình đến một nhóm WeChat, hy vọng bạn bè của tôi sẽ chia sẻ nó với những người liên hệ với họ. Bài báo của tôi lan truyền nhanh chóng.

Mặc dù hầu hết các bài báo của tôi chỉ trích dẫn hiến pháp và quy tắc ứng xử của đảng, nhưng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tại Trường Đảng Trung ương đã buộc tội tôi phạm những sai lầm nghiêm trọng. Tôi phải đối mặt với một loạt cuộc thẩm vấn đầy khó khăn, trong đó người thẩm vấn gây áp lực tâm lý và gài bẫy bằng câu chữ để khiến tôi phải thú nhận cái gọi là hành vi sai trái của mình. Nó rất khó chịu, nhưng tôi nhận ra đó là một cuộc đấu tâm lý. Nếu tôi không sợ họ, họ sẽ thua một nửa trận chiến.

Thế là mọi thứ đi vào bế tắc: Tôi liên tục đăng bài và chính quyền liên tục gọi tôi đến để thẩm vấn. Ngay sau đó, tôi kết luận cơ quan an ninh đang nghe lén điện thoại của tôi, đọc các liên lạc kỹ thuật số của tôi, theo dõi tôi đi đâu và gặp ai. Các giáo sư về hưu ở Trường Đảng Trung ương thường chỉ cần được nhà trường cho phép khi đi du lịch Hồng Kông hoặc nước ngoài, nhưng bây giờ nhà trường gợi ý tôi phải được Bộ An ninh quốc gia phê chuẩn mới được đi nước ngoài.

Vào tháng 4 năm 2016, một sự kiện đã xảy ra: Bài phát biểu của tôi tại Đại học Thanh Hoa vài tháng trước, trong đó tôi lập luận nếu “chủ nghĩa” đi ngược lại với lẽ thường, nó sẽ biến thành những lời dối trá, được công bố trên một trang web có ảnh hưởng ở Hồng Kông. Thời điểm rất tồi tệ, bởi vì Tập Cận Bình vừa tuyên bố một số cuộc thảo luận tự do trong Trường Đảng Trung ương đã đi quá xa và ông ta thúc giục giám sát chặt chẽ hơn nữa các giáo sư.

Kết quả là vào đầu tháng 5, tôi lại bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của nhà trường thẩm vấn và buộc tội tôi chống đối Tập Cận Bình. Kể từ đó, ĐCSTQ đã cấm đăng các bài báo của tôi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bao gồm cả báo in, báo mạng và truyền hình và ngay cả tên của tôi cũng bị cấm xuất hiện. Một đêm tháng Bảy, tôi lại được triệu tập đến họp tại Trường Đảng Trung ương, một thành viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật đặt một chồng tài liệu cao khoảng 30 cm lên bàn trước mặt tôi.

Anh ta nói: “Chị có quá nhiều tài liệu rồi. Hãy tự cân đo đong đếm đi!”. Rõ ràng là họ cảnh cáo tôi phải im lặng, nếu tôi phát ngôn trên mạng nữa, tôi sẽ phải chịu kỷ luật, kể cả giảm trợ cấp hưu trí. Tôi cảm thấy bị xúc phạm vì bị đối xử theo cách này, mặc dù tôi biết những người khác đang bị đối xử nghiêm khắc hơn.

Trong những năm là đảng viên ĐCSTQ, tôi chưa bao giờ vi phạm pháp luật hay kỷ luật và chưa bao giờ bị khiển trách, nhưng bây giờ tôi thường bị các quan chức của đảng thẩm vấn. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Trường Đảng Trung ương nhiều lần đe dọa về viễn cảnh ô nhục là tổ chức một cuộc họp công khai lớn và chính thức công bố hình phạt. Vào cuối mỗi cuộc thẩm vấn, họ yêu cầu tôi phải giữ bí mật. Mọi thứ được thực hiện bởi thế giới ngầm và không nhìn thấy được.

Sau đó, vụ bưng bít về sự tàn bạo của cảnh sát đã gây ra sự đổ vỡ cuối cùng với Tập Cận Bình và ĐCSTQ. Đầu tháng 5 năm 2016, nhà khoa học môi trường Lôi Dương đã chết khi bị cảnh sát Bắc Kinh giam giữ không rõ lý do trên đường đến sân bay để gặp mẹ vợ. Để trốn tránh tội lỗi, cảnh sát buộc tội Lôi gạ gẫm gái mại dâm.

Những người bạn cùng lớp của anh từ những ngày còn học đại học tức giận trước sự vu khống này và đã tập hợp giúp đỡ gia đình Lôi đòi lại công lý. Vụ việc gây ra tác động lớn trên khắp đất nước. Để xoa dịu cơn giận dữ, giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã ra lệnh điều tra. Bên kiểm sát đồng ý tiến hành khám nghiệm tử thi độc lập và có kế hoạch tiến hành một phiên tòa xét xử.

Tuy nhiên, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra: chính quyền địa phương nơi Lôi Dương ở đã ra lệnh quản thúc tại gia cha mẹ, vợ con của Lôi Dương, đồng thời đề nghị cung cấp cho họ một khoản tiền bồi thường khổng lồ khoảng 1 triệu đô la Mỹ để yêu cầu họ từ bỏ việc theo đuổi sự thật. Khi gia đình Lôi từ chối, số tiền bồi thường được tăng lên 3 triệu đô la Mỹ. Ngay cả khi một căn nhà trị giá 3 triệu đô la Mỹ được thêm vào, vợ của Lôi vẫn nhất quyết đòi lại sự trong sạch cho người chồng quá cố.

Chính quyền sau đó đã gây áp lực với cha mẹ của Lôi, họ đã quỳ xuống trước mặt con dâu và cầu xin cô từ bỏ vụ việc. Tháng 12 năm đó, kiểm sát viên thông báo họ sẽ không truy tố bất kỳ ai về cái chết của Lôi Dương và luật sư của gia đình Lôi Dương tiết lộ anh ta bị ép buộc phải ngừng can thiệp.

Khi biết được kết cục, tôi đã ngồi vào bàn làm việc cả đêm, trong lòng vừa bi thương vừa phẫn nộ. Rõ ràng cái chết của Lôi là do hành vi sai trái của cảnh sát, nhưng cấp trên của họ thay vì trừng phạt những cảnh sát gây ra vụ việc lại sử dụng số tiền thuế khổng lồ mà người dân khó khăn mới kiếm được để tìm kiếm sự hòa giải bên ngoài tòa án. Cán bộ không phục vụ nhân dân mà bao che lẫn nhau. Vì vậy, tôi tự vấn: Nếu các quan chức ĐCSTQ có khả năng thực hiện những hành động đáng khinh bỉ như vậy, liệu bạn có còn tin được đảng này không? Quan trọng nhất là tôi có thể tiếp tục gắn bó với chế độ này không?

Sau 20 năm do dự, bối rối và thống khổ, tôi quyết định bước ra khỏi bóng tối và hoàn toàn đoạn tuyệt với ĐCSTQ. Bước đại nhảy lùi của Tập Cận Bình đã sớm khiến tôi không còn lựa chọn nào khác. Tập Cận Bình đã bãi bỏ chế độ nhiệm kỳ chủ tịch vào năm 2018, làm dấy lên viễn cảnh tôi sẽ phải sống dưới sự cai trị vô thời hạn của chế độ tân Stalin. Mùa hè năm sau, tôi đã có thể đến Hoa Kỳ bằng thị thực du lịch. Ở đó, tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn nói với tôi: Chính quyền Trung Quốc buộc tội tôi tham gia vào các hoạt động “chống Trung Quốc”, nếu trở về Bắc Kinh, tôi sẽ bị bắt.

Tôi quyết định kéo dài chuyến thăm của mình cho đến khi mọi thứ lắng xuống. Sau đó, đại dịch Covid 19 bùng phát và chuyến bay đến Trung Quốc bị hủy bỏ nên tôi phải tiếp tục chờ đợi. Đồng thời, tôi rất phản cảm với việc xử lý dịch không đúng cách của Tập Cận Bình, tôi đã ký một bản kiến nghị ủng hộ bác sĩ nhãn khoa ở Vũ Hán Lý Văn Lượng. Anh ta bị cảnh sát quấy rối vì đã cảnh báo bạn bè về bệnh dịch mới và cuối cùng qua đời vì căn bệnh này. Tôi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ bộ phận liên quan của Trường Đảng Trung ương yêu cầu tôi về nước.

Nhưng bầu không khí ở Trung Quốc càng ngày càng u ám. Nhậm Chí Cường, một ông trùm bất động sản bất đồng chính kiến, mất tích vào tháng 3 và sớm bị khai trừ đảng rồi bị kết án 18 năm tù. Đồng thời, mối quan hệ của tôi với nhà chức trách ngày càng xấu đi, vì một đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện riêng tư giữa tôi và một nhóm nhỏ bạn bè bị rò rỉ và công bố trên Internet mà không có sự đồng ý của tôi. Trong bài phát biểu, tôi gọi ĐCSTQ là “thây ma chính trị” và nói Tập Cận Bình nên từ chức. Một bài viết ngắn mà tôi gửi cho bạn bè, trong đó lên án việc Tập Cận Bình thực thi luật an ninh quốc gia mới mang tính đàn áp ở Hồng Kông, cũng bị rò rỉ ra ngoài.

Tôi biết tôi đã gặp rắc rối. Ngay sau đó tôi bị khai trừ đảng, nhà trường hủy bỏ trợ cấp hưu trí của tôi và tài khoản ngân hàng của tôi bị đóng băng. Tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Trường Đảng Trung ương đảm bảo an toàn cá nhân cho tôi sau khi trở về Trung Quốc, nhưng các quan chức tránh trả lời câu hỏi này qua điện thoại, thay vào đó họ đưa ra những lời đe dọa mơ hồ đối với con gái tôi và đứa con trai nhỏ của con bé ở Trung Quốc. Chính ở thời điểm này, tôi buộc phải chấp nhận sự thật phũ phàng: Tôi không còn đường lui.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Đảng thất bại: đảng dân chủ+ đảng cộng hòa của xứ cờ nhiều sao
    Chứ con đảng Tàu, đảng của trí thức nhờ nhợ, nờ nợ thì con lâu lắm. Chắc phải 500 năm hơn thế. Minh chứng rõ là đảng Tàu đã làm cho nước Mẽo bị ” thoái hóa, biến chất” đến nỗi là cái đám dân chủ đang cuồng cnxh.

  2. Sự giống nhau đáng ngạc nhiên giữa đảng cộng sản Tàu và cộng sản Việt.

Comments are closed.