Gửi nhà văn quốc doanh (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

4-12-2020

Tiếp theo Kỳ 1 và Kỳ 2

Có người bảo, việc thế sự nóng hổi sao lại cứ đòi hỏi nhà văn, thế nhà báo để làm gì. Đành rằng các nhà báo có nhiệm vụ bám trận địa hằng ngày, từng tháng, từng năm, nhưng để lay động tâm can dân chúng, vẽ lên bức tranh xã hội một cách đầy đủ, có chiều sâu, tạo hiệu ứng mạnh mẽ quyết liệt thì cần có nhà văn. Không lẽ nhà văn chỉ ăn theo nhà báo, chỉ ngồi trong phòng văn ngó ngắm “bức tranh vân cẩu, con người tang thương”, mặc cho cuộc đời điên đảo.

Nhân nhắc chuyện Đồng Tâm, Thủ Thiêm trước sự dửng dưng vô cảm lạnh lùng của hội nhà văn quốc doanh, của phần đông hội viên mậu dịch, cũng cần phải nói thêm, nói rõ rằng không phải nhà văn nào cũng chui vào vỏ ốc an toàn bản thân như vậy.

Có nhẽ nhiều người từng đọc loạt bài phóng sự “Đất Thủ Thiêm” của nhà văn Võ Đắc Danh. Anh Danh nổi tiếng với các cuộc lăn xả phanh phui những vụ tham nhũng, cướp đất, hiểu thấu nỗi đau của dân oan, của những con người hiền lành lương thiện bị cướp đoạt trắng trợn nhà cửa ruộng vườn đất đai tài sản. Những trang văn của anh nóng rực về xã hội đen tối, tàn ác, đầy máu và nước mắt, đầy bi kịch kéo dài suốt mấy chục năm qua.

Phóng sự “Đất Thủ Thiêm” của anh vừa là lời tố cáo, hạch tội, vừa là sự chia sẻ chân thành với những nạn nhân, đăng trên nhiều kênh thông tin “không chính thống”. Điều may mắn cho giới cầm bút văn chương nước nhà là người dân Thủ Thiêm vẫn nghĩ đang có nhà văn đứng về phía mình, bênh vực cho mình, chứ không biết đội ngũ quốc doanh và Võ Đắc Danh khác nhau nhiều lắm, dù cùng mác nhà văn.

Lên tiếng về vụ Đồng Tâm, phải nhắc tới nhà văn Tạ Duy Anh, trên kênh Facebook có “búc danh” Lão Tạ (Lao Ta). Ông vốn là nhà văn quốc doanh, cũng như Võ Đắc Danh từng hội viên mậu dịch. Lão Tạ đã dứt hẳn cái vòng kim cô chưa thì tôi không rõ lắm, chứ tôi biết anh Danh, cũng như các bác các anh chị Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Ý Nhi, Ngô Thị Kim Cúc, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Phạm Xuân Nguyên… thì đã “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán” khá lâu rồi. Họ đứng thẳng và dấn thân vì điều tốt đẹp.

Đọc “Đất, máu và sắt” viết về vụ Đồng Tâm của Lão Tạ – Tạ Duy Anh, có cảm giác đang nghe bản án, bản luận tội đanh thép và đầy bức xúc. Lão Tạ biên chép thật rõ ràng, khó thể chối cãi: “Đồng Tâm trở thành mảnh đất đẫm máu người Việt nhất kể từ sau năm 1975”. Tạ Duy Anh không chỉ vạch ra vụ đàn áp kinh thiên động địa giúp mọi người hiểu rõ thực chất của nó mà còn dõng dạc: “Ai đã đẩy những người nông dân yêu đất đai ấy đến chỗ phạm tội? Ai?”. Hỏi mà không cần trả lời bởi đã quá rõ ràng. Ngưỡng mộ ông, Tạ Duy Anh, Lão Tạ, người văn chân chính, phi mậu dịch, phi quốc doanh. Nhà văn của nhân dân.

Không chỉ có Đắc Danh và Lão Tạ, ở xứ này những nhà văn tử tế, thân dân, trọng lẽ phải, không an phận, không ích kỷ, vượt trên sự tầm thường, dám hiên ngang trước cường quyền, từ lâu nay chưa hề thiếu vắng. Những văn nhân thi sĩ từng dũng cảm “xông lên đoạt trời” hồi Nhân văn giai phẩm là điển hình cho đẳng cấp nhà văn như thế.

Thập niên 80 – 90, nếu không có những nhà văn đầy trách nhiệm với cuộc sống đang diễn ra, như Trần Huy Quang, Trần Khắc, Phùng Gia Lộc, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường, Lưu Quang Vũ… thì sao có những trang viết lay động tâm can đến bây giờ, những “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, “Chuyện về ông vua lốp”, “Người đàn bà quỳ”, “Tướng về hưu”, “Lời khai của bị can”, “Làng giáo có gì vui”, “Tôi và chúng ta”… Những mảng đời đen tối, bất công, tủi nhục, độc ác… bị cường quyền che giấu, phủ son, những nhà văn ấy mà không xông ra biên chép phản ánh, thì họ cũng chỉ giống như số đông an phận chim hót trong lồng.

Bây giờ nhắc tới tác phẩm thời kỳ đó, người ta luôn nhớ “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, “Vua lốp”, “Tướng về hưu”… chứ mấy ai đoái hoài tới đỉnh cao này nọ đâu. Giả dụ Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Nguyễn Huy Thiệp không chịu dấn thân đời thực, cứ ngồi ru rú phòng văn thai nghén cho tác phẩm vài mươi năm sau, chắc chắn bây giờ không mấy ai biết đến họ, nhắc tới họ. Người đời sẽ không hề biết trong lịch sử hiện đại xứ này từng xảy ra rất nhiều “cái đêm hôm ấy” với tiếng kêu xé ruột. Còn nhà văn, họ sẽ “chết” lặng lẽ không để lại dấu vết như phần lớn văn sĩ quốc doanh cùng thời với mình.

Mỗi khi chứng kiến cuộc sống ngồn ngộn chất liệu văn chương bị trôi đi rất lãng phí, hiện thực nóng hơn chảo dầu sôi, thân phận con người chất chứa tầng tầng lớp lớp bi hài kịch, còn đội ngũ nhà văn đông chưa từng có nhưng “đi giữa phố đông không thấy mặt người”, thiên hạ lại ngậm ngùi tiếc rẻ rỉ tai nhau “giá mà có Vũ Trọng Phụng, Lưu Quang Vũ nhỉ”, “nếu Phụng sống ở thời này thì phải biết”…

Ôi giời, so với chả bì. Ông Phụng mà còn sống, có khi lại đặc sệt quốc doanh giống như hơn nghìn hội viên văn quốc doanh mậu dịch an phận bây giờ thì lấy đâu ra “Số đỏ”, “Giông tố”, “Vỡ đê”, “Cơm thầy cơm cô”, “Lục xì”, “Số độc đắc”, “Làm đĩ”… trong vòng chưa đầy chục năm trời.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN


  1. Ta giữa ngay Tâm điểm Thời Đại dịch siêu vi trung c..uốc
    ************************************

    Xuân Hạ rồi Đông 2020 lạnh tối ảm đạm
    Giờ Chốm Đông ngày giá lạnh buồn vời vợi
    Mưa nhẹ giăng cùng gió lốc mãi bên đời
    Giàn hoa Thạch Thảo vẫn leo tường vách đổ
    Lá Thu vàng như Cuối đời lưu vong nhẹ buông chơi vơi

    Nước Pháp vẫn ân tình giữa Thời Đại dịch
    Dù Xuân Hạ rồi Đông 2020 lạnh tối ảm đạm
    Chớm Đông ngày giá lạnh buồn vời vợi
    Buồn lưu đày lưu vong day dứt tận lòng người
    Giờ đây đời ta băng lạnh buồn vời vợi khôn nguôi
    Trời sao cứ giăng mưa bão hoài mãi khắp muôn nơi
    Ta suy nghĩ suy tư vẫn bám víu vào Quê xưa Quá khứ
    Nhưng Hy vọng Niềm tin như vụ nổ lớn big-bang
    Và 40 năm dài lưu đày sẽ hết đen tối ảm đạm
    Hãy vẫn còn Trái tim buồn nhưng biết vui trở lại
    Đằng sau áng mây mù là Thái dương vẫn chiếu sáng
    Kiếp phận thân phận mình số phận chung của Nhân loại
    Mỗi cuộc đời có mỗi cơn mưa nào đó phải rơi cho nguôi ngoai
    Tâm tưởng gửi trao về dĩ vãng hoài cảm nhung nhớ tơi bời
    Bao Niềm tin + Hy vọng thanh xuân cuốn theo chiều Gió Sử !

    Nước Pháp vẫn ân tình giữa Thời Đại dịch
    Dù Xuân Hạ rồi Đông 2020 lạnh tối ảm đạm
    Chớm Đông ngày giá lạnh buồn vời vợi
    Buồn lưu đày lưu vong day dứt tận lòng người
    Buồn lưu sinh luân lạc từ ngày ly hương từ ấy
    Như chiếc thuyền nan thuyền nhân không có bến bờ
    Thôi Tâm não ơi hãy quên đi Đoạn trường Thống khổ !
    Đằng sau áng mây mù vẫn chiếu sáng Mặt trời
    Kiếp phận thân phận mình gắn chung Số phận Loài người

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây