Gửi nhà văn quốc doanh (Kỳ 1)

Nguyễn Thông

30-11-2020

Nhà cháu nói ngay, không phải là chống lưng. Cả đời đứng thẳng, không cần chống chiếc gì. Chả là hôm trước hứa đưa bài về nhà văn quốc doanh lên, sắp xong bèn chủ quan, tí nữa… khánh thành, vội gì, đi bưng cái chậu cây ra đằng sau đã. Cụp lưng, đau hơn cả A Phủ bị thằng A Sử đánh. Mất toi 3 ngày, không dám lách tách phím phiếc máy miếc. Giờ thì lên trước kỳ 1, còn kỳ 2 nhanh hay chậm tùy lưng.

Gửi các nhà văn quốc doanh,

Người xưa từng cẩn thận dạy đám hậu sinh, bằng cách nói hình tượng hay đáo để, rằng “con chim trúng “đạn” (tiễn, tên) sợ làn cây cong”. Thời bây giờ, nhìn cái gì cũng giống cánh cung. Nhà cháu cứ tiếp thu, không bổ ngang thì bổ dọc.

Chả là bữa trước, trúng ngày khai mạc hội văn bút quốc gia hoành tráng ở đê La Thành, quả nhân (người ít đức) đưa cái tút đụng chạm, thế là bị mắng tới tấp, kiểu như ông có chê cả làng Vũ Đại thì cũng phải trừ ABC ra chứ. Vậy nên lần này nhà cháu chỉ quan tâm tới mấy nhà văn quốc doanh, nhân viên văn mậu dịch thôi, kẻo những người có mác văn sĩ lại động lòng.

Nói cho vuông, đâu phải cứ nhà văn là… xấu, như ta vẫn rỉ tai nhau, đảng viên cũng có ối người tốt. Ông em rể tôi, dù bị kết nạp đảng từ lúc chưa hiểu mấy về đảng, giờ đã hơn 40 tuổi đảng (rất kinh), nhưng công nhận tốt cực kỳ. Nhà văn cũng thế, tôi chơi, quen với nhiều người văn, già có trẻ có, biết và hiểu họ, văn lẫn người, thấy họ tốt lắm. Mà ngay cả văn sĩ thi sĩ quốc doanh vẫn không ít người tử tế đàng hoàng.

Ông Nguyễn Việt Chiến thi sĩ ở thủ đô là một ví dụ. Ông em Nguyễn Một, bà chị Nguyễn Thị Ngọc Hải trong Sài thành là ví dụ nữa. Hôm trước, có may mắn gặp, trò chuyện, thậm chí còn liều bá vai bá cổ chụp ảnh chung với hai lão tướng Nguyễn Đông Thức, Lê Văn Nghĩa, về nhà ngẫm nghĩ mãi, sao các vị nổi tiếng tài hoa giỏi giang mà đức độ hiền lành khiêm tốn dễ chịu thế nhỉ. Tự cấu lên trán nhủ thầm, mình mà có cái danh của hai đấng bậc ấy lại chả một tấc đến giời.

Trên thế giới, chẳng riêng xứ ta có hội nhà văn. Toàn cầu còn rảnh rỗi lập ra hội văn bút quốc tế nữa là. Chỉ có điều, ở những nơi văn minh dân chủ, nó chỉ là thứ hội đoàn chuyên ngành, hội nghề nghiệp, vui thì tụ họp với nhau, chẳng liên quan tới đường lối chính sách, chính trị chính em, chỉ đạo định hướng này nọ. Lại càng không dính gì đến ngân sách tiền thuế do dân đóng góp, không đòi hỏi được cấp nhà cấp xe. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.

Không sống được bằng ngòi bút (bàn phím) thì hội viên tự đi nuôi ong, trồng nấm, chạy xe uber, grab. Hội nhà văn của họ cũng chỉ na ná như hội nuôi ong, hội trồng nấm, hội đái tháo đường, phận nào việc nấy, thế thôi. Còn đủ thứ hội, đoàn thể đang tồn tại ở ta, vốn là con đẻ của cộng sản, của phe xã hội chủ nghĩa, sống bám vào thể chế, đã bị ném vào sọt rác lịch sử, nay chỉ còn ngắc ngoải vài nơi trước khi bị cáo chung. Lạ là vẫn có những người tự đắc về thứ danh vị hão huyền.

Đại hội La Thành 2020 đương nhiên thành công tốt đẹp, giống như mọi đại hội thành công tốt đẹp ở xứ này.

Một ông chủ tịch già giữ ghế chủ hội những 20 năm khi buộc phải rút vẫn được khen ngợi là biết điều, thì thứ gì mà chả thành công. Ngay trong sự ồn ào náo nhiệt vui vẻ của giới cầm bút, không khó nhận ra những điều hết sức cổ hủ, chả thay đổi gì so với mấy chục năm trước. Ông tân chủ tịch Nguyễn Quang Thiều dù đã lập ngôn hứa hẹn, đặt cược lòng tin, nhưng liệu ai dám tin khi bản chất hội không thay đổi. Vẫn là hội quốc doanh, vòng kim cô định hướng to tướng thít chặt trên đầu.

Có điều, khác với Tôn Ngộ Không bị lừa, còn các nhà văn quốc doanh tự nguyện đội vòng, nên những thế lực đường tăng, quan âm bồ tát, phật tổ, tuyên giáo đều hiểu rằng, đâu cần niệm chú thì họ vẫn ngoan. Nhà văn ngoan, viết ngoan, hoặc ngoan ngoãn không viết gì, thì chỉ đám cai trị được lợi, còn dân chúng và xã hội chịu thiệt. Khi tôi biên một bộ phận người cầm bút là nhà văn quốc doanh, vài người cằn nhằn nói thế hơi quá. Tôi vẫn cho thế là còn nhẹ.

Văn nhân lâu nay được đánh giá là tầng lớp đẳng cấp, lực lượng có bản lĩnh, khí phách, ngang tàng, dùng ngòi bút khắc vào lịch sử. Mà cũng lạ, không hiểu ông Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo tuổi gì lại dám đến chỉ đạo, khuyên bảo các bậc đàn anh đàn chị chỉ kém ông mỗi tiêu chuẩn chức sắc.

Những gạo cội, đấng bậc Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Bão, Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Bảo Ninh, Nguyễn Hiếu… không phải thứ đối tượng cần được giác ngộ, cầm tay chỉ việc. Họ đã vượt trên, thoát ra ngoài tầm mậu dịch viên văn chương từ lâu rồi. Họ dự bởi họ là hội viên.

Nhẽ ra khi được bề trên phân công “thay mặt đảng” theo thói thường lâu nay, ông phải biết từ chối, dù nơi tới chỉ đạo chỉ là thứ hội quốc doanh. Ngó cảnh đám đông họp chợ khi cấp trên đang đăng đàn, cắm cúi đọc “mệnh lệnh” thì phía dưới túm năm tụm ba chuyện riêng, cười cợt, rủ nhau tót ra ngoài, lại chợt nhớ sự trớ trêu ê chề của ông chủ nhiệm văn phòng quốc hội Vũ Mão tại đám tang tướng Trần Độ (tháng 8.2002) khi gia đình cụ Trần công khai tuyên bố không chấp nhận bản điếu văn do ông vừa đọc.

Cảnh bỏ phiếu bầu chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam được báo trong nước mô tả hỗn loạn như một cái chợ. Ảnh: Báo Tiền Phong

Tôi thương và thông cảm với ông Vũ Mão, thời ấy cơ chế nó thế. Sau mấy chục năm, tưởng rút được kinh nghiệm xương máu, hóa ra các long trọng viên vẫn u mê lề thói cũ, nhắm tịt mắt lê vào cảnh vừa bi vừa hài.

Tang lễ tướng Trần Độ. Bản thân bức ảnh này cũng là một bằng chứng lịch sử hùng hồn, nhất là chữ “ông”. Nguồn: Internet

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Trong văn chương xưa của người Trung hoa, họ hay dùng những ngôn từ mà hậu thế dân những nước nhỏ chung quanh khó hiểu hoặc hiểu lầm nếu không tìm tòi văn học sử Trung hoa.

    Hoàng đế Trung hoa thường tự xưng Trẫm khi nói với quần thần, và bầy tôi xưng lại với vua là Bệ hạ, Thánh thượng…thí dụ muôn tâu Bệ hạ, bẩm Thánh thượng, và tự xưng “hạ thần”.

    Thời Xuân thu Chiến quốc, bắt đầu xuất hiện từ “quả nhân” khi vua xưng với các quan, hàm ý khiêm tốn rằng vua là người bạc phước, kém đức; một kiểu nói để dìm bớt địa vị cao cả, quyền uy ngút trời của vua; có phần là một thứ “đạo đức giả” mà những kẻ cao sang thường hay nói với những người thấp kém, dân nghèo hèn… để tỏ ý nhún nhường về địa vị tài sản của mình so với người đối diện.
    Từ quả nhân xuất phát từ một điển tích cổ sử Trung hoa, không cần dông dài ở đây.

    Tuy nhiên, quả nhân là lời của hoàng đế. Chỉ hoàng đế mới được phép tự xưng quả nhân.
    Những kẻ dưới hoàng đế, dù đang làm vương ở các chư hầu, phải xưng “cô gia” khi nói với thuộc hạ, không được phép xưng quả nhân nếu không muốn bị tội khi quân (vô lễ với vua), không muốn rớt đầu!

    Thường dân cũng có những cách xưng khiêm tốn, như sư chùa thì xưng “, bần đạo”, “bần tăng”; bạn bè xưng “ngu huynh/ngu đệ”; nhà quan lại thì tự xưng “mạt phủ”, “tệ xá”; đưa ra một đề xuất gì thì gọi là “ngu ý”, “thiển ý” (ý thô thiển),
    Tóm lại, là người xưa tự dìm mình xuống, không khoe khoang cái tôi, địa vị của mình, dù thật tình hay đãi bôi còn tuỳ nhân cách người đó.
    Ngày xưa, bậc quân tử trước khi đạo đạt với chư bằng hữu còn phải mở đầu bằng lời khiêm tốn “Kẻ hèn nầy mạo muội xin đưa ra ngu ý…”

    * Ngày nay, Thông Cào lấy tư cách gì để mượn lời hoàng đế tự xưng “quả nhân” với bạn đọc trên btd?
    Kiêu ngạo, xem trời bằng vung, mục hạ vô nhân!

  2. Khiêm tốn là phẩm đức của bậc đại trí.

    Nó là sức mạnh mềm có sức thuyết phục, hướng dẫn đại chúng một cách thầm lặng; vốn bẩm sinh và cũng khó tập thành, xuất phát trước hết từ chân tài và lòng thương người bao la, dần thành bản lĩnh sống vì mục đích lớn.
    Nhưng đức khiêm tốn cũng khó ổn định…
    Khi con người thoát khỏi hàn vi trở nên quyền uy phú quý…như các lãnh tụ cs, phát xít.
    khi con người có chút tài năng dần được tâng bốc tung hô; leo lên địa vị, danh vọng kiểu nào đó, kể cả những tay được gán cho acronym KOL (Key Opinion Leader)…là đã bắt đầu kiêu ngạo!

    Ngày còn gõ phiếm trên facebook, và trang chưa bị đánh sập, tôi có nhiều “bạn tầm phào” ở đấy, trong đó có một fb tên Thông biệt hiệu “Còm”.
    Anh ta khiêm tốn, nhân hậu dễ thương, nên dù lớn tuổi hơn rất nhiều, tôi vẫn mến phục và thường “bốc” anh trong chốn giang hồ fb.
    Trang của Thông còm có lần cũng bị đánh sập, vắng mặt một thời gian dài.
    Tôi nhớ lúc đó đã rất nhớ mong anh ta trở lại, thấy lòng quạnh hiu…

    Sau đó, đến lượt tôi cũng bị tương tự.
    Tôi bỏ luôn, đến nay, vì mất tin tưởng ở “bạn bè fb” sau vài sự cố gây thất vọng.

    Hôm nay không rõ đây có phải là Thông còm của tôi không, mà thấy giọng văn thiếu hẳn nội lực khiêm tốn!
    Tác giả tự để lộ cái tâm thiếu công bằng, có phần khoe khoang và háo danh khi “liều bá vai bá cổ chụp ảnh chung với hai lão tướng”…

    Nguyễn Việt Chiến thi sĩ ở thủ đô
    hai lão tướng Nguyễn Đông Thức, Lê Văn Nghĩa
    Ông tân chủ tịch Nguyễn Quang Thiều
    ông Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo
    Những gạo cội, đấng bậc Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Bão, Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Bảo Ninh, Nguyễn Hiếu…
    chủ nhiệm văn phòng quốc hội Vũ Mão…

    Tất cả những nhân vật “danh giá” mà tác giả trân trọng nêu ra trên…đều được trân trọng viết HOA, kể cả vị uỷ viên bộ chính trị bị chửi xéo, cũng đã lấm lét ngó trước ngó sau rồi… viết HOA đàng hoàng,
    kể cả thằng “đại thánh” hư cấu của Ngô Thừa Ân, Thông ta cũng trân trọng viết HOA đầy đủ: Tôn Ngộ Không!

    nhưng…

    “những thế lực…quan âm bồ tát, phật tổ”
    thì Thông còm(?) lại viết thường nguyên một dọc!!!

    Tôi, và hằng hà nhân loại ở khắp 5 châu Á, Âu, Mỹ, Phi…, đang thờ trong tim mình Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn; luôn tâm niệm Ngài khi lâm nguy, khi dong ruổi phiêu lưu…trên đường đời bất định đầy rủi ro; khi con người không chắc mình có qua khỏi kiếp nạn, những hiểm nguy bất chợt…trên máy bay, tàu thuỷ vượt không gian, đại dương; trong khốn khổ tù đày; trong bịnh tật thập tử nhất sinh…

    Và Đức Thích Ca Như Lai, Phật Tổ của gần 600 triệu nhân loại.
    Dứt khoát không chấp nhận ai- kể cả bọn vô thần, dân man di mọi rợ nhưng đã có cơ may ngồi trên ghế nhà trường học được con chữ… vô lễ viết những cái tên khả kính của các bậc đạo hạnh, giáo chủ, danh nhân bằng mẫu tự thường, trừ phi kẻ đó muốn lăng mạ nhân vật cá biệt nào đó.

    Cho dù ông Thông có là vô thần, hoặc lấy vợ Thiên chúa giáo nên đã cải theo đạo vợ, hoặc sợ đảng kết tội duy tâm nên cố tình viết kiểu rẻ rúng Phật giáo để thủ thế/thanh minh với đảng…thì chuẩn mực trí thức cũng không thể chấp nhận động thái càn dỡ đó.

    Vì kể cả Mao, Hitler, Stalin, Osama Bin Laden…đều phải được viết HOA cơ mà!
    Là điều rất sơ đẳng của người có học, phải không Thông Còm.
    Nếu không phải là Thông Còm của tôi, thì cho xin lỗi tác giả bài viết…

    • Xin đính chính: (nhờ nhầm Thông Cào ra Thông còm).
      Là Thông Cào, bạn fb của tôi nhiều năm trước.
      Tuổi cao nhớ kém. Xin lỗi NT và tất cả.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây