BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
VTC dẫn lời ông Saburo Tanaka, chuyên gia Nhật: Trung Quốc dùng khinh khí cầu giám sát Biển Đông. Tin từ Kyodo News cho biết, ông Tanaka nói rằng, TQ đã “xây dựng căn cứ khinh khí cầu mới ở phía Đông Bắc thành phố cảng Đại Liên, được xem như một phần hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của nước này”. Trước đó, “vào năm 2019, một khí cầu tương tự đã được ghi nhận, được đặt tại một trong những căn cứ quân sự phi pháp của Bắc Kinh trên quần đảo Trường Sa, dùng để giám sát Biển Đông”.
Báo Dân Trí đưa tin: Châu Âu “dậy sóng” trước yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của tổ chức SIPRI, Thụy Điển, cho rằng, EU đang cố gắng gia tăng đòn bẩy với Trung Quốc và Mỹ, chứng minh rằng khối này có vai trò quan trọng trong khu vực biển Đông.
Ông Wezeman nói: “EU muốn chứng tỏ rằng họ vẫn hiện diện ở đó và vẫn có liên quan. Ba nước ra tuyên bố chung (Anh, Pháp và Đức) có những lợi ích đặc biệt lớn trong khu vực. Họ có lợi ích thương mại… Nếu có vấn gì đó ở Biển Đông, các ngành công nghiệp tương ứng của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng“.
Để đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông, EU – ASEAN nâng quan hệ lên cấp đối tác chiến lược, theo RFI. Ngoại trưởng Heiko Maas của Đức, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu xác nhận: “Với tư cách là các đối tác kinh tế thân thiết, chúng tôi đứng ra bảo vệ các tuyến thương mại an toàn và mở rộng, cũng như quyền giao thương tự do và công bằng”.
Ông Heiko Maas nói thêm: “Cùng nhau, hai khối chúng ta đại diện cho hơn một tỷ người và gần 25% sức mạnh kinh tế toàn cầu. Cùng nhau, chúng ta có tiếng nói mạnh mẽ trong thế giới này”.
Mời đọc thêm: Tranh chấp trên Biển Đông: Tàu hải quân Malaysia đối đầu tàu hải cảnh Trung Quốc (Viet Times). – Nhật Bản và Mỹ phê phán Trung Quốc phóng tên lửa tại Biển Đông (VOV). – Giữa căng thẳng, Trung Quốc gửi cảnh báo đáng ngại về Biển Đông với Australia (VTC). – Báo Trung Quốc đe dọa các tàu chiến Australia ở Biển Đông (PT). – Xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định (PLTP).
Bà Hồ Thị Kim Thoa bị khai trừ đảng và bị truy nã
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư Ban BCH Trung ương CSVN, quyết định khai trừ Đảng cựu Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ủy ban Kiểm tra Trung ương lưu ý, khi bà Thoa còn đương chức, từ năm 2010 đến năm 2017, bà đã có những sai phạm liên quan đến khu “đất vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.
Vụ sai phạm đã bị Cơ quan CSĐT, Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước khi bị khởi tố, bà Thoa đã nghỉ hưu, “bỏ sinh hoạt đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài”. Ban Bí thư đánh giá sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa là “rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng” và quyết định khai trừ đảng với bà Thoa.
Sau khi Ban Bí thư khai trừ đảng, Bộ Công an ra quyết định truy nã đỏ nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, theo VTC. Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối nay, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an xác nhận, “tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế đã truy nã đỏ đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương”.
Ông Xô nói thêm: “Hiện Văn phòng cơ quan CSĐT cũng chưa có thông tin của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc bắt giữ bà Thoa ở nước ngoài”. Theo ông Xô, ngày 9/7, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bà Thoa, nhưng khi đó bà Thoa không còn ở nơi cư trú. Công an tìm hiểu thì mới phát hiện bà Thoa đã xuất cảnh ngày 22/10/2018 qua sân bay Tân Sơn Nhất. Tướng Xô khẳng định, phía công an vẫn không biết bà Thoa đang ở đâu: “Nếu chúng tôi biết thì đã bắt rồi”.
Ngày 11/7/2020, Zing có bài: Bà Hồ Thị Kim Thoa ở Pháp khi bị khởi tố. Một cán bộ điều tra ẩn danh nói: “Cơ quan điều tra đang làm các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol ra lệnh quốc tế, sau đó phối hợp mới bắt về nước”. Nghĩa là lúc đó phía công an đã biết bà Thoa ở Pháp và tìm cách đưa về nước, nhưng nay người phát ngôn Bộ Công an lại nói là không biết bà Thoa ở đâu? Hay là bà Thoa có thể “xuất quỷ nhập thần”, rời nước Pháp mà an ninh chìm của VN ở Pháp không biết?
Sau đó, trên mạng xuất hiện thông tin cho rằng an ninh VN đã bắt cóc bà Thoa ở Pháp, giống như họ đã làm với Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Đến chiều 19/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rằng không biết vụ bà Thoa bị bắt cóc, không khẳng định cũng không phủ nhận thông tin vụ bắt cóc. Nay thì người phát ngôn Bộ Công an cũng nói “không biết”.
Mời đọc thêm: Khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương (Tin Tức). – Bà Hồ Thị Kim Thoa bị Ban Bí thư khai trừ ra khỏi Đảng (VNN). – Bộ Công an: Chưa bắt được cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (VNE). – Truy nã đỏ cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (Zing). – Thiếu tướng Tô Ân Xô: Bộ Công an đang truy nã đỏ bà Hồ Thị Kim Thoa (LĐ). – Bộ Công an chưa xác định được bà Hồ Thị Kim Thoa đang ở đâu (VOV). Mời đọc lại: Bà Hồ Thị Kim Thoa ở Pháp khi bị khởi tố (TP).
Tin nhân quyền
Cô Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu ông Lê Đình Kình cho biết: “Trại giam số 2 Thường Tín liên tục từ chối cho gia đình tôi check chữ ký trên phiếu gửi đồ và mua đồ của bố Lê Đình Công , chú Lê Đình Chức và anh Lê Đình Doanh. Liệu hàng tháng 3 người nhà tôi có nhận được tiền gia đình gửi không? Hay trong phòng biệt giam bố, chú và anh tôi gặp chuyện gì mà không thể cho gia đình tôi kiểm tra chữ ký? Tôi sẽ thông báo với luật sư của gia đình”.
Cô Duyên cho biết thêm về thái độ khinh thường dân của cán bộ trại giam số 2, nơi giam giữ những người dân Đồng Tâm chưa thoát án tử: “Chả ai kiểm tra cả, toàn Đồng Tâm đòi kiểm”; “Thế có gửi tiền không? Nếu không gửi thì về”; “Nếu không tin tưởng thì đừng gửi nữa, ai bắt gửi đâu?” Từ lúc 5 bị cáo chính trong vụ Đồng Tâm kháng cáo, đã 2 tháng trôi qua, hầu như không tin tức gì của họ lọt ra ngoài. Không rõ những người mang tội “giết công an” bị tra tấn, nhục hình ra sao?
Liên quan đến việc ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, RFA có bài: TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực lần thứ 2 trong liên tiếp 2 tháng. Theo đó, ông Thức tuyệt thực để yêu cầu TAND tối cao trả lời đơn thư về việc miễn hình phạt tù còn lại của ông theo Bộ luật Hình sự 2015. Em trai ông Thức là ông Trần Huỳnh Duy Tân, cho biết, ông Thức gửi đơn đến TAND tối cao vì hành vi “chuẩn bị hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” mà ông bị quy chụp theo điều 109 BLHS mới 2015 chỉ có mức án từ 1 đến 5 năm.
Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng kể: “Công an thành phố Hà Nội đã gửi giấy triệu tập bà Nguyễn Thúy Hạnh, lý do là theo đề xuất của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do bà Hạnh thời gian qua không có nhà, nên hôm nay công an thành phố kết hợp với cảnh sát khu vực, tổ dân phố đã đến nhà bà Hạnh để lập biên bản, vì bà Hạnh đã không đến theo lệnh triệu tập”.
Tin Hồng Kông, sau hơn một tuần xét xử, tòa án Hong Kong bỏ tù ba nhà hoạt động Joshua Wong, Agnes Chow và Ivan Lam, BBC đưa tin. Nhóm 3 nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi của Hồng Kông bị kết án tù do liên quan tới các cuộc biểu tình lớn hồi năm ngoái. Bắc Kinh ra luật an ninh quốc gia Hồng Kông hồi tháng 6/2020, khiến các nhà hoạt động ở đây đối diện rủi ro bị trừng phạt nặng nề. Nhưng “do hành động của họ xảy ra trước khi luật có hiệu lực nên các nhà hoạt động này đã tránh được nguy cơ bị án tù chung thân”.
Joshua Wong bị kết án 13 tháng rưỡi tù giam, Agnes Chow nhận án 10 tháng, Ivan Lam chịu án 7 tháng tù. Tin cho biết, trước khi bị tuyên án, Wong đã viết thư trong tù, có đoạn: “Thực sự là rất khó khăn để duy trì, nhưng với nhiều người biểu tình Hong Kong đang phải đối diện với những vụ án / bị cầm tù như tôi, thì tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục để họ biết rằng họ không cô đơn… những chiếc lồng không thể khóa nhốt được linh hồn”.
Hãng tin Reuters có clip: Nhà hoạt động Hồng Kông Joshua Wong nhận án tù.
Mời đọc thêm: Thêm người bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị thành bệnh nhân tâm thần (RFA). – Hoàng Chi Phong bị tuyên án tù giam (TN). – Joshua Wong bị kết án tù hơn một năm (VNE). – Hoàng Chi Phong bị tuyên án 13,5 tháng tù giam (FB Kiểm Tin). Mời đọc lại: Hồng Kông xét xử ba nhà đấu tranh dân chủ (RFI).
Tin giáo dục
Trong tình hình những người dùng bằng giả ở ĐH Đông Đô vẫn chưa bị công khai danh tính, có thêm tin về góc khuất ở Trường Đại học Đông Đô: Sinh viên văn bằng 2 bị dừng học hơn một năm không rõ lý do, theo báo Dân Việt. Một nữ SV tham gia kỳ thi ngành ngôn ngữ tiếng Trung năm 2018 ở ĐH Đông Đô, cho biết, đã trúng tuyển hệ văn bằng 2 chính quy, thời gian đào tạo 3,5 năm, lớp có 51 sinh viên, nhưng chỉ học được một năm, đến tháng 6/2019 thì tạm dừng.
Sau nửa năm tạm dùng, ngày 15/1/2020, đại diện lớp “gửi đơn đến Ban giám hiệu nhà trường đề nghị trả lời các vấn đề liên quan nhưng chưa được giải quyết”. Đến ngày 10/9, đại diện lớp tiếp tục gửi đơn, đề nghị ĐH Đông Đô trả lời vấn đề vì sao tạm dừng học, nhưng vẫn không nhận được phản hồi từ phía trường này.
Báo Gia Đình và Xã Hội đặt câu hỏi: Trường Đại học Đông Đô cấp bằng “chui”, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT ở đâu? Theo đó, “cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra mới ra kết luận điều tra đối với việc vi phạm pháp luật của Trường ĐH Đông Đô mà chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ GD&ĐT”. LS Đặng Văn Cường lưu ý, tất cả những văn bằng từ ĐH Đông Đô đều do phôi của Bộ GD&ĐT cấp.
LS Cường nói: “Cần xem xét hành vi của các cán bộ đã ký vào các văn bản giao chỉ tiêu cho trường ĐH Đông đô và các phòng ban có liên quan đến việc giao chỉ tiêu, cấp phôi bằng cho trường đại học này để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật”.
Thêm trường đại học dính bê bối: Nhiều sai phạm tài chính tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, theo VietNamNet. Thanh tra của Bộ GD&ĐT đã chỉ ra các khoản thu sai quy định của trường này, với tổng số tiền hơn 4,6 tỉ đồng. “Kết luận cũng chỉ ra một số khoản thu chưa có trong quy định như thu tiền chuyển điểm tiếng Anh, thu tiền hỗ trợ hoạt động của các sinh viên lớp điều hành cao cấp EMBA số tiền hơn 2,9 tỷ đồng; thu cải thiện điểm cho sinh viên có kết quả đạt loại B, C chưa phù hợp”.
Liên quan đến sai phạm ở ĐH Kinh tế Quốc dân, báo Người Đưa Tin có bài: Trường đại học Kinh tế Quốc dân tự “vẽ” ra chỉ tiêu tuyển sinh. ĐH Kinh tế Quốc dân đã thực hiện liên kết đào tạo trình độ ĐH với trung tâm GD thường xuyên tỉnh Nghệ An, trường CĐ Than – Khoáng sản VN, trường CĐ Cộng đồng Hà Nội, phân hiệu Lạng Sơn, trường trung cấp Luật Tây Bắc trong khi chưa có văn bản đề nghị của UBND tỉnh theo quy định của bộ GD&ĐT.
Mời đọc thêm: Không thể che giấu danh sách mua bằng giả của Đại học Đông Đô (LĐ). – Những ai dùng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ? (NLĐ). – Nỗi lo bằng giả (NĐT). – Đại học Đông Đô: 51 học viên tiếng Trung bức xúc vì việc học tập bị gián đoạn hơn 1 năm không rõ lý do (TQ). – Đại học Kinh tế quốc dân thu sai hơn 4,6 tỷ đồng (GDVN).
– Đào tạo đại học, sau đại học tại ĐH Kinh tế quốc dân: Nhiều sai phạm (TP). – Tự chủ đại học: Không thể buông lỏng giám sát (ĐĐK). – Tự chủ đại học có phải là tự chủ tài chính? (VTC). – Hải Phòng: Trần trường học mới xây đã bong tróc, vữa rơi từng mảng lớn (GT). – Thầy giáo dạy Văn bị vợ tung ảnh ‘nóng’: Nóng giận (ĐV). – Thầy giáo dạy Văn cấp 3 bị vợ tung ảnh ‘nóng’ lên mạng xã hội (SS).
***
Thêm một số tin: Kiến nghị dừng đưa 80 cán bộ ở Cần Thơ sang Mỹ bồi dưỡng (NLĐ). – Khởi tố 5 nguyên lãnh đạo Bệnh viện TP.Phan Thiết (VOV). – Mỹ: Chồng Việt xin cộng đồng cầu nguyện cho vợ nhiễm COVID nặng trở về với 3 con (VOA). – Hơn 64 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO cảnh báo về đại dịch tương lai (VNE). – Ông Biden sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng (Tin Tức).