Ruth Bader Ginsburg, người nhỏ bé vĩ đại (Phần 2)

Đinh Từ Thức

5-10-2020

Tiếp theo Phần 1

Chủ Tịch TCPV William Rehnquist, tay mặt, chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức của RBG, ngày 10/8/1993. Nguồn: Kort Duce/ AFP/ Getty Images

Từ luật sư thành thẩm phán

Trước tin RBG qua đời, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã mô tả bà là “ánh sáng dẫn đường của công lý” (a beacon of justice) và thật sự là một phụ nữ vĩ đại (a truly great woman). Chính ông là người đã đưa cuộc đời bà tới khúc quanh quan trọng. Những thành công của bà trong thập niên 1970, thắng 5 trong 6 vụ cãi trước TCPV với danh tiếng lẫy lừng, khiến ông đề cử bà vào chức thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang (US Court of Appeals for the District of Columbia Circuit) vào năm 1980. Từ địa vị đứng tranh cãi trước toà, bà đã trở thành người ngồi xử án.

Trong gần 13 năm tại toà phúc thẩm Washington DC, với môi trường hoạt động trái ngược hẳn với thời gian hai thập niên khởi nghiệp luật sư, bà không tranh đấu qua những vụ án điển hình như trước. Bà đã dùng thời gian để học hỏi, thu góp kinh nghiệm, hơn là tạo tiếng vang qua các vụ án tiêu biểu. Thời gian này, khuynh hướng quyết định của bà qua các phán quyết phúc thẩm gần với bảo thủ hơn cấp tiến.

Suốt 26 năm, kể từ năm 1967, khi Tổng thống Johnson đề cử Thurgood Marshall, một luật sư nổi tiếng trước khi làm thẩm phán toà phúc thẩm liên bang, phía Dân Chủ không có cơ hội cử người nào vào TCPV. Thurgood Marshall là thẩm phán Tối cao da đen đầu tiên, cũng là một nhà vô địch nhân quyền lọt được vào toà án cao nhất này. Sau hơn hai tháng tìm người, ngày 15/6/1993, tân Tổng thống Bill Clinton loan báo quyết định chọn Thẩm phán Ruth Ginsburg. Bà được Thượng viện chuẩn thuận ngày 3 tháng 8.

RBG không ở đầu danh sách, mà là lựa chọn cuối của Clinton. Sau vài lần thất bại trong việc chọn người vào tân chính phủ, Clinton đã rất đắn đo trong việc đề cử người vào TCPV. Sau cùng, nhờ hậu thuẫn của hai nghị sĩ, một Dân Chủ, một Cộng Hoà, ông đã quyết định đề cử RBG. Đó là Nghị Sĩ Daniel Patrick Moynihan (Dân Chủ, New York), do công vận động của Marty Ginsburg, chồng bà, và Nghị Sĩ Orrin Hatch (Cộng Hoà, Utah); một nghị sĩ cực hữu đã giúp đưa Thẩm phán Clarence Thomas vào TCPV hai năm trước, thế chỗ Thurgood Marshall. Bà Ginsburg đã được chấp thuận với tỉ lệ 96-3, gần như tuyệt đối, vì được sự ủng hộ của cả hai đảng.

Được ủng hộ từ cả hai đảng, vì lập trường của bà trung dung. Ví dụ tiêu biểu là vấn đề phá thai, bà cho rằng quyền định đoạt về cơ thể của mình là một quyền của phụ nữ, thuộc phạm vi quyền bình đẳng (equal protection), nhưng TCPV, qua phán quyết 1973 (Roe v. Wade), cho phá thai dựa vào lý do quyền riêng tư (matter of privacy) của mỗi người, là không đúng, khiến các tiểu bang bảo thủ cực lực chống lại, gây tình trạng chia rẽ. Bà đã từ chối yêu cầu của ACLU cãi trong vụ án liên hệ tới bênh vực Roe v. Wade.

Thái độ không tích cực ủng hộ phá thai này khiến giới tranh đấu nữ quyền lo ngại, không hiểu Ruth Ginsburg coi quyền lựa chọn (right to choose) là một quyền căn bản, hay một quyền ít quan trọng hơn (a fundamental right or a lesser right). Vì thế, theo Jill Lepore, khi được đề nghị chọn Ruth Ginsburg, Clinton đã lo ngại: “Phụ nữ chống lại bà” (The women are against her). Nhưng sau khi gặp và nói chuyện với bà một tiếng rưỡi tại Bạch Ốc ngày 13 tháng 6, Clinton đã chính thức loan báo quyết định chọn bà ngày 15 tháng 6. Bill Clinton nói: “Không thể gọi Ruth Bader Ginburg là cấp tiến hay bảo thủ; bà đã tự chứng tỏ là người quá sâu sắc cho các nhãn hiệu đó”. (“Ruth Bader Ginsburg cannot be called a liberal or a conservative; she had proved herself too thoughtful for such labels”.)

Trong cuộc điều trần để được chuẩn thuận, đáp câu hỏi của Nghị Sĩ Joe Biden, bây giờ là ứng cử viên tổng thống, lúc ấy là Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, về lập trường của bà, Ruth Ginsburg trả lời: “Cách tiếp cận của tôi, tôi tin là, không cấp tiến cũng chẳng bảo thủ”. (“My approach, I believe, is neither liberal nor conservative”.)

Cũng trong cuộc điều trần này, khi được hỏi về vấn đề phá thai, bà trả lời: “Đây là trọng tâm về cuộc đời của một phụ nữ, về nhân phẩm của nàng. Đó là quyết định nàng phải tự mình định đoạt. Và khi chính quyền kiểm soát quyết định đó cho nàng, nàng bị đối xử dưới mức một người trưởng thành có trách nhiệm về lựa chọn của chính mình”. (“This is something central to a woman’s life, to her dignity. It’s a decision that she must make for herself. And when Government controls that decision for her, she’s being treated as less than a fully adult human responsible for her own choices”.)

Nhưng về sau này, RBG đã dần trở thành ngôi sao của phía cấp tiến, qua những ý kiến sắc bén, đi trước thời đại, kể cả khi ở bên đa số, và nhiều hơn, trong các phản biện khi ở bên thiểu số. Có thể nói, nếu Thurgood Marshall là nhà vô địch nhân quyền về phía sắc tộc, Ruth Ginsburg là nhà vô địch nhân quyền về bình đẳng giới tính.

27 năm sau, trước tin RBG từ trần, cựu Tổng thống Clinton tuyên bố, bà đã “vượt quá những kỳ vọng cao nhất của tôi khi chọn bà”. (exceeded even my highest expectations when I appointed her.)

Những thành tích cụ thể

Vẫn trong tuyên bố trên, Clinton đã kể ra một số thành tích của Ginsburg: “Những quan điểm nổi bật của bà đã thăng tiến bình đẳng phái tính, bình đẳng hôn nhân, quyền cho người khuyết tật, quyền cho người nhập cư, và rất nhiều thứ khác đã đưa chúng ta tới gần một cộng đồng hoàn hảo hơn”.

Trong phần mở đầu một bài trên New Yorker vào 18 tháng 9, ngày RBG từ trần, giáo sư sử học Jill Lepore viết: “Ginsburg đã là nhân chứng, biện luận cho, và giúp cho cuộc cách mạng hiến-pháp-hoá cái quyền khó tranh đấu nhất và ít được biết đến nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ: là quyền giải phóng phụ nữ”.

Đúng vậy, thành tích trong di sản của Ginsburg khá nhiều, nó bàng bạc trong nhiều lãnh vực, nhiều người được hưởng hàng ngày, mà cứ coi như chuyện tự nhiên, không cần biết nó đến từ đâu, và từ bao giờ.

Sara M. Moniuszko, Maria Puente và Veronica Bravo, đã liệt kê trên USA TODAY, tám thành tích cụ thể của RBG:

1 Trước Ginsburg, trường nhận trợ cấp từ công quỹ tiểu bang không bắt buộc nhận phái nữ.

Qua phán quyết đại diện đa số (7-1) trong vụ án nổi tiếng chống Học viện Quân sự Virginia (Virginia Military Institute – VMI) năm 1996, Ginsburg viết: “Không có lý do để tin rằng việc nhận những phụ nữ đủ khả năng về mọi điều kiện cho khoá sinh của VMI lại phá hoại học viện này, thay vì tăng cường khả năng phục vụ của học viện cho một quốc gia hoàn hảo hơn”. (“There is no reason to believe that the admission of women capable of all the activities required of [Virginia Military Institute] cadets would destroy the institute rather than enhance its capacity to serve the ‘more perfect union.’”)

2 Trước Ginsburg, phụ nữ không thể ký giấy vay tiền hay mở tài khoản tại ngân hàng, nếu không có phái nam cùng ký.

Ginsburg đã mở đường cho việc thông qua luật Equal Credit Opportunity Act năm 1974, cho phép phụ nữ xin thẻ tín dụng (credit cards) và vay tiền không cần phái nam cùng ký tên. Phụ nữ Việt sang Mỹ sau năm 1975, có thể tưởng tượng, nếu chỉ ở Mỹ trước đó vài năm, họ đã không thể tự mình ký giấy mượn tiền mua xe, mua nhà, hay xin credit card để đi shopping, cuộc đời dễ chán ra sao.

3– Ginsburg giúp phái nữ được bình đẳng với phái nam về lương bổng.

Qua phản biện nổi tiếng trong vụ kiện năm 2007, Ledbetter v. Goodyear Tire & Rubber Co. Vụ này, với tỉ lệ 5 trên 4, TCPV đã giữ nguyên bản án phúc thẩm của tòa dưới, với nội dung lật ngược phán quyết của tòa sơ thẩm đã cho nguyên đơn thắng trong vụ kiện chủ nhân kỳ thị giới tính đối với nhân viên, khi một quản lý (manager) phái nữ của hãng chế tạo vỏ xe Goodyear bị trả lương thấp hơn so với phái nam tương đương nhiệm vụ. Lý do tòa phúc thẩm lật ngược bản án sơ thẩm, và được TCPV giữ nguyên, là nguyên đơn đã để mất thời hiệu, nộp đơn kiện quá lâu sau khi xảy ra sự việc.

Tuy ở phía thiểu số, Ginsburg đã phản biện rất mạnh rằng, việc trả lương không bằng nhau giữa nam nữ, thường trong vòng kín đáo, người bị thiệt không thể biết ngay mình bị thiệt để khiếu nại. Do đấy, bà kêu gọi công luận và Quốc Hội cần có hành động để tăng thêm bảo vệ cho quân bình lương bổng. Chỉ hai năm sau, Quốc Hội đã thông qua đạo luật Lilly Ledbetter Fair Pay Act, được Tổng thống Obama ký ban hành năm 2009.

4 Ginsburg giúp duy trì quyền chọn lựa của phụ nữ.

Mặc dù hoài nghi về quyết định của TCPV khi cho phép phá thai qua vụ Roe v. Wade, Ginsburg tin rằng đây là một quyền lựa chọn của phụ nữ, và vẫn cố duy trì nó. Nếu không, nó đã bị phủ nhận.

5 Ginsburg đẩy mạnh việc bảo vệ phụ nữ mang thai.

Nửa thế kỷ trước, phụ nữ thường bị mất việc nếu mang thai. Chính Ginsburg từng là nạn nhân. Vào năm 1972, Ginsburg đã tranh cãi việc sa thải một phụ nữ mang thai ra khỏi Không Quân – như trong vụ án Struck v. Secretary of Defense mà Đại úy y tá Không quân Susan Struck kiện Bộ trưởng Quốc phòng – là kỳ thị giới tính (sex discrimination). Không quân đã bỏ chính sách này năm 1972, và vụ kiện chấm dứt trước khi xử.

6 Phụ nữ không nên bị loại khỏi vai trò phụ thẩm.

Cho đến năm 1979, nhiệm vụ bồi thẩm (jury duty) vẫn được coi là một quyền tùy nghi lựa chọn của phụ nữ tại Mỹ. Nhiều tiểu bang cho rằng, trọng tâm công việc của phụ nữ là trong phạm vi gia đình, nên có thể miễn trừ nhiệm vụ bồi thẩm. Ginsburg đòi cho phụ nữ quyền làm bồi thẩm giống như nam giới. Theo bà: “Phụ nữ thuộc về bất cứ nơi nào xảy ra những quyết định quan trọng. Họ không phải là phần tử ngoại lệ”.

7 Ginsburg là lá phiếu quan trọng cho phép hôn nhân đồng tính.

Năm 2015, qua vụ án Obergefell v. Hodges, TCPV, với đa số 5-4, đã cho cộng đồng LGBTQ trên khắp 50 tiểu bang, được kết hôn giữa những người đồng tính. Một trong 5 phiếu đa số này là của Ginsburg. Không có phiếu của bà, kết quả có thể đã khác.

8- Ginsburg đem lại tin tưởng cho phái nữ.

Một phụ nữ tiên phong trong lãnh vực dùng môi trường luật pháp để vận động bình đẳng nam nữ, với những thành tựu to lớn trong nửa thế kỷ, đã đem lại phấn khởi và tự tin cho nữ giới, nhất là những nhà lãnh đạo phái nữ muốn đi theo con đường của bà. Sự phấn khởi cụ thể không chỉ xuất hiện khi bà qua đời, mà có thể nhận thấy, ngay từ khi bà còn sống, trong các lãnh vực từ sách báo, phim ảnh, trang phục, bà đã trở thành một thần tượng văn hóa (pop culture icon), với hình ảnh và tên bà trên các sản phẩm trang sức của phụ nữ, hay y phục Halloween …

Hoa tưởng niệm Ruth Ginsburg bên ngoài TCPV vào ngày 19/9/2020, một ngày sau khi bà qua đời. Nguồn: Samuel Corum/ Getty Images

Nhà phản biện vĩ đại

Ruth Ginsburg được gọi là “nhà phản biện vĩ đại”, The great dissenter, vì không những bà nổi tiếng qua các phán quyết khi ở phía đa số, mà nổi tiếng nhiều hơn qua các phản biện ở phía thiểu số. Vẫn trong tuyên bố sau khi bà từ trần, Bill Clinton nói rằng: “Những phản biện mạnh mẽ của bà, nhất là tiếng nói bảo vệ quyền bầu cử và những bảo đảm khác về bình đẳng, đã nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta đã rời khỏi hứa hẹn trong Hiến Pháp với thiệt hại cho chúng ta. Bà đã làm tất cả các việc đó với sự tử tế, khả ái, và bình tĩnh, cư xử với những đối thủ mạnh mẽ nhất của bà với sự trân trọng”.

Tiêu biểu nhất cho phản biện đem lại kết quả tốt, là vụ Ledbetter v. Goodyear Tire & Rubber Co. đã nói trên. Vai chính trong vụ này, bà Ledbetter, đã bị hãng Goodyear trả lương thấp hơn các đồng sự phái nam. Bà đi kiện từ năm 1998, được toà dưới xử thắng, cho bà được bồi thường 3.3 triệu đô la. Toà phúc thẩm bác, với lý do nguyên đơn không nạp đơn kiện trong vòng 180 ngày, kể từ khi biết được mình bị chủ đối xử bất công. Nghĩa là từ khi nhận được pay check bất bình đẳng đầu tiên.

Vụ kiện lên TCPV, được xử vào năm 2007, với tỉ lệ 5-4, Toà Tối cao chấp nhận phán quyết của tòa phúc thẩm, hậu quả là bà Ledbetter không được nhận số tiền 3.3 triệu. Qua phản biện đại diện 4 người thuộc phía thiểu số, bà Ginsburg lập luận rằng, việc chủ trả lương sai biệt giữa người này với người khác không phải là chuyện dễ biết. Hơn nữa, chuyện này có thể diễn ra trong một thời gian lâu, qua những lần tăng lương. Trong bài phản biện công phu với đầy đủ tài liệu dẫn chứng, bà Ginsburg còn nêu ra mấy vụ sai lầm tương tự trong quá khứ, đưa đến chỗ Quốc Hội đã phải sửa luật. Cuối cùng, bà kết luận: “Một lần nữa, trái banh đang trong sân Quốc hội. Cơ quan Lập pháp có thể hành động để sửa lại” (“Once again, the ball is in Congress’s court. Legislative may act to correct it”.)

Hai năm sau, 2009, Quốc Hội đã đáp ứng, bằng cách thông qua đạo luật Lilly Ledbetter Fair Pay Act, mang tên người bị kỳ thị, từng thắng kiện ở bước đầu, nhưng thua ở hai cấp cao hơn. Đạo luật này bảo đảm quyền bình đẳng về lương bổng với mọi công nhân, chống lại mọi thứ kỳ thị dựa trên chủng tộc, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, khuynh hướng chính trị… Và người bị kỳ thị có thể nộp đơn kiện bất cứ lúc nào, trong vòng 180 ngày, kể từ khi biết được mình bị thiệt. Nghĩa là, không phải căn cứ vào pay check đầu tiên, mà có thể là bất cứ pay check nào, từ đầu đến cái cuối cùng.

RBG nổi tiếng về phản biện, không do phản đối ồn ào lấy lệ, hay giận dữ khi quan điểm của mình không được nhiều người đồng ý. Mặc dù biết dư luận thường chú ý tới quan điểm của bên đa số, hơn bên thiểu số, bà vẫn làm công việc của mình một cách cẩn trọng, với hy vọng quan điểm của mình sẽ có ngày được nhiều người chấp thuận. Theo hai tác giả Irin Carmon và Shana Knizhnik mô tả trong tác phẩm Notorious RBG: The Life and Times of Ruth Bader Ginsburg, trong cách xử thế, RBG nói rằng, “Giận dữ, phẫn nộ, ghen tị. Những tình cảm này chỉ làm tiêu hao năng lực”. (“Anger, resentment, envy. These are emotions that just sap your energy”.) Và sở dĩ thành công trong cuộc vận động thực hiện mục tiêu của mình, thay vì chống đối, bà đã tìm cách làm người khác theo quan điểm mình. (“in a way that will lead others to join you”.)

Ví dụ, thành tích ngoạn mục nhất của RBG, là vụ U.S. v. Virginia về Học viện Quân sự Virginia đã nói trên, với tỉ lệ 7-1, diễn ra năm 1996, ba năm sau khi bà được nhận vào TCPV. Lần này, bà viết phán quyết đại diện đa số. Trong số 6 người đồng ý với bà, có cả Chủ Tịch TCPV William Rehnquist; người vốn không ưa phái nữ. Đường lối phản biện hữu hiệu nhất, theo Ginsburg, là: “Nêu ra những khác biệt không làm nguy hại tinh thần tương giao hay sự kính trọng của công chúng và sự tín nhiệm dành cho bộ tư pháp”. (The most effective dissent, spells out differences without jeopardizing collegiality or public respect for and confidence in the judiciary).

Hòa trong dị biệt

Quý vị đồng ý với chúng tôi, hay quý vị chống lại chúng tôi; bạn theo tôi, hay bạn là kẻ thù của tôi, đó là cách xử thế từ ngàn xưa, vẫn tồn tại đến nay. Cả các thánh nhân như Matthew, Luke, trong Tân Ước, đến các nhà độc tài như Lenin, Mussolini, cũng có thái độ này. Ngay đến Tổng thống hoa Kỳ, lãnh đạo một nước dân chủ mẫu mực của thế giới, cũng tuyên bố tương tự: “Tất cả mọi dân tộc, tại mọi vùng, bây giờ phải có một quyết định. Hoặc quý vị đi với chúng tôi, hay quý vị theo bọn khủng bố”. (“Every nation, in every region, now have a decision to make. Either you are with us, or you are with terrorists”), George W. Bush, trong diễn văn ngày 20 tháng 9, 2001, trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, sau vụ tấn công 11 tháng 9 năm 2001.

Ruth Bader Ginsburg hoàn toàn ngược lại. Người bạn thân nhất của bà, từ thời gian cùng là Thẩm phán tòa phúc thẩm, đến khi cả hai cùng là Thẩm phán Tối cao, từ 1980 đến 2016, là Thẩm phán Antonin Scalia. Hai người thuộc hai cực đối nghịch: Ông là người Mỹ gốc Ý. Bà là người Mỹ gốc Do Thái. Hai cái gốc này một thời là kẻ thù không đội trời chung. Ông, Công Giáo, có con là linh mục (Paul Scalia). Bà, Do Thái giáo ngoan đạo, tôn giáo từng bị coi là phía giết Chúa. Ông, Mỹ gốc Ý đầu tiên vào TCPV. Bà, phụ nữ Do Thái đầu tiên vào TCPV. Ông, cực hữu, theo phái giải thích hiến pháp dựa trên văn bản nguyên thủy (originalist và textualist), chấp nhận án tử hình, chống phá thai và hôn nhân đồng tính. Bà cấp tiến, áp dụng hiến pháp phù hợp với thay đổi của thời đại, không chấp nhận án tử hình, coi phá thai là một quyền của phụ nữ, chấp nhận hôn nhân đồng tính. Ông theo Cộng Hòa, được đề cử bởi Tổng thống Reagan. Bà theo Dân Chủ, được đề cử bỏi hai Tổng thống Carter và Clinton.

Khác nhau hơn mặt trăng mặt trời như thế, kể đã quá đủ. Nhưng hai người là bạn rất thân của nhau trong nhiều thập niên, cả ngoài đời, lẫn trong công việc. Xin nêu vài thí dụ cụ thể chứng tỏ hai người khác nhau về mọi phương diện, nhưng vẫn thân nhau.

Ông Scalia qua đời ngày 13/2/2016, chỉ 4 tuần trước khi đủ 80 tuổi. Bà Ginsburg, hơn ông ba tuổi, viết, “chúng tôi từng là bạn bè thân thiết”. (“We were best buddies”.)

Các Thẩm Phán TCPV Antonin Scalia và Ruth Bader Ginsburg cưỡi voi tại Rajasthan, Ấn Độ, năm 1994. Nguồn: TCPV/AP

Trên phương diện khác nhau qua quan điểm về luật pháp, Nina Totenberg của NPR, một bạn thân của Ginsburg trong nửa thế kỷ, kể: “Họ thích tranh luận với nhau trên tinh thần tốt – trong tinh thần thẳng thắn – không theo kiểu tranh cãi ngày nay trên TV”.

Ginsburg từng thú nhận, những quan điểm khác biệt của Scalia đã giúp bà khá hơn. Không phải thú nhận với bạn bè riêng tư, mà nói cho mọi người biết, vào dịp cả hai cùng có mặt trong một cuộc phỏng vấn chung. Hôm ấy, Ginsburg kể, bà viết chưa xong một phán quyết đại diện đa số trong một vụ quan trọng. Scalia cho bà xem trước phản biện của ông ở phía thiểu số. Thấy lập luận của ông quá dở, bà dùng cả cuối tuần sửa lại luận cứ của mình. Giúp nó hay hơn nhiều khi chính thức công bố. Nói rồi, cả hai cùng cười vui vẻ.

Thắng lợi lớn nhất của Ginsburg tại TCPV là vụ US v. Virginia đã nói trên. Vụ này, Ginsburg đại diện đa số viết phán quyết. Phiếu duy nhất phản đối là từ đồng nghiệp thân nhất, Antonin Scalia. Một người không bỏ phiếu là Clarence Thomas.

Trong cuộc sống đời thường, hai người còn thân nhau hơn. Cùng với người phối ngẫu, họ gặp nhau ăn nhậu, nghe nhạc, coi opera, du lịch khắp nơi.

Một hôm, vẫn theo lời Totenberg, trong cuộc gặp mặt bạn bè, Ginsburg giải thích tại sao báo chí nói bà có vẻ buồn ngủ, trong khi nghe Tổng Thống Obama đọc diễn văn về tình trạng liên bang tại lưỡng viện Quốc Hội. Bà kể, “trước khi đi nghe diễn văn, đã tự hứa không uống rượu, chỉ uống nước trong bữa ăn tối hôm đó. Nhưng cuối cùng, món ăn ngon quá, cần rượu đi kèm”. Scalia chen vào, “Đó mới chính là lần đầu mà bà biết hành xử minh mẫn”. (Well that’s the first intelligent thing you’ve done”.)

Họ tranh cãi trong ôn hòa về sự khác biệt quan điểm, thỉnh thoảng đem nhau ra làm trò cười, rồi vẫn là bạn thân, mỗi người vẫn giữ vững lập trường của mình cả đời. Tình bạn không phải là con đường một chiều. Bà Ginsburg tôn trọng ông Scalia, ông này cũng tôn trọng bà tương tự, tình bạn mới tồn tại lâu dài. Trong lễ tưởng niệm sau khi ông Scalia qua đời, bà nhắc lại lời ông: “Tôi tấn công tư tưởng. Tôi không tấn công con người. Vài người rất tốt có vài tư tưởng rất bết”. (I attack ideas. I don’t attack people. Some very good people have some very bad ideas). Mọi người cười ồ, giữa khung cảnh lễ tưởng niệm trang nghiêm.

Bên cạnh những khác biệt mỗi người giữ cho mình cả đời, họ cũng có một điểm chung nổi bật: Cả hai cùng say mê opera. Năm 2013, một người tốt nghiệp trường luật ở Maryland đã đem quan điểm khác biệt của họ vào âm nhạc. Vào dip Scalia từ trần, Ginsburg kể lại, ở phần cuối của vở opera hài mang tên Scalia/ Ginsburg, Scalia với giọng tenor và Ginsburg soprano, họ đã song ca “We are different, we are one” (Chúng ta dị biệt, chúng ta là một). Ginsburg nói: Dị biệt trong cách giải thích văn bản; nhưng là một trong sự tôn trọng dành cho Hiến Pháp và cơ chế chúng ta phục vụ.

Các Thẩm phán TCPV Ginsburg (giữa, cầm quạt) và Scalia (bên trái bà) cùng với các diễn viên trong vở “Ariadne auf Naxos” sau cuộc trình diễn tại Washington National Opera, 1994. Nguồn: Stephen R. Brown/ AP

Thật ra, tinh thần của 6 chữ Anh ngữ trên đây không phải là sáng kiến mới của bà Ginsburg và ông Scalia, nó là khẩu hiệu đã được khắc trên quốc huy Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ từ ngày lập quốc, bằng tiếng Latin: “E pluribus unum” (Từ số đông thành một–Out of many, one). Điều đáng lưu ý là, trong khi hai người bạn gốc di dân, dù ở hai thái cực đối nghịch về tư tưởng, đã áp dụng nó hoàn hảo, còn những người có đầu óc mong muốn “nước Mỹ vĩ đại” lại quên mất điều này.

Một bài học quá rõ ràng và ngắn gọn, dành cho mọi người. Từ cấp lãnh đạo tới toàn dân. Một bài học sống còn chỉ gồm 6 chữ trong tiếng Anh, “We are different, we are one,” và 8 chữ dịch sang tiếng Việt. “Chúng ta dị biệt, chúng ta là một”. Chúng ta dị biệt về nguồn gốc, tôn giáo, dòng dõi, chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, học thức, văn hoá, địa vị xã hội… nhưng chúng ta chỉ là một, cùng có một Hiến Pháp đã thề bảo vệ, có một đất nước để sinh sống và để lại cho con cháu.

Có người nghĩ mình là thiên tài xuất chúng, cho rằng, “một” đây không phải là một hiến pháp, hay một đất nước, mà là một người. Voilà! Chính mình! Hậu quả là sinh hoạt mùa bầu cử 2020 cho thấy một hoạt cảnh đậm nét: Chúng ta dị biệt, mình tôi là nhất, bất đồng là kẻ thù, không đội trời chung! Chỉ mình tôi có thể “làm cho nước Mỹ vĩ đại”, giải quyết tất cả mọi rắc rối. Thiếu tôi, đất nước sẽ tiêu tùng!

Từ cuộc đời đến màn bạc

Cuộc cách mạng âm thầm và đơn độc của một phụ nữ đã gây ấn tượng sâu đậm cho nhiều người.

Trong thập niên cuối cùng của đời bà, cũng là thời gian đơn lẻ, sau khi Marty mất năm 2010, đã xuất hiện nhiều phim ảnh, sách báo, trang phục, vật dụng lưu niệm… về cuộc đời và sự nghiệp của RBG. Chỉ trong một năm, năm 2018, đã có hai phim về cuộc đời của Ruth Bader Ginsburg được phát hành, một phim tài liệu “RBG,” còn phim kia là On the Basis of Sex, dựa trên đời thật của Ruth Ginsburg.

Trong phim tài liệu RGB, có sự hiện diện của người thật, là các thành viên trong gia đình, từ bà Ruth Bader Ginsburg, đến hai con Jane và James và cháu ngoại Clara Spera. Phim dài 97 phút, đạt được nhiều thành quả tốt đẹp về uy tín và tài chánh. Nhận được nhiều giải thưởng giá trị về phim tài liệu hay nhất, được đề nghị Giải Oscar kỳ thứ 91. Về tài chánh, thu được 14 triệu đô la cho lần phát hành đầu tiên. Phim được chiếu lại sau khi RBG từ trần, tiền thu được, tặng quỹ của ACLU.

Nội dung phim tài liệu này, ghi lại đầy đủ cuộc đời của Ruth Bader Ginsburg, từ khi ra đời ở Brooklyn, NY, trong một gia đình di dân gốc Do Thái, đến khi thành đạt, tạo được những thành tích lẫy lừng.

Nội dung phim còn cho biết một khía cạnh đặc biệt khác: Cuộc sống hoà hợp của hai người khác biệt trong phạm vi gia đình. Thánh Phao Lồ (St. Paul), một người độc thân, thiếu kinh nghiệm hôn nhân, dạy rằng: Hai người nam nữ, sau khi thành hôn, trở thành một. Người nữ phục tùng chồng mình, như Giáo Hội phục tùng Chúa. Nếu theo đúng tôn chỉ này, Martin và Ruth Ginsburg không thể ở với nhau lâu dài. Tỉ lệ ly dị của những người Thiên Chúa Giáo, (Công Giáo và Tin Lành), khoảng từ 40 đến 50 phần trăm. Martin và Ruth khác nhau hoàn toàn, về bản tính tự nhiên, cũng như xu hướng tư tưởng, nghề nghiệp. Marty hướng ngoại, ồn ào sống động, chuyên về thuế vụ, làm bếp giỏi, thích đàn đúm bạn bè; Ruth hướng nội, dè dặt, nghĩ nhiều hơn nói, chuyên về nhân quyền, không biết nấu ăn, tiết kiệm, đị mua sắm không bao giờ quên dùng coupons. Họ không thể trở thành một, không ai sai khiến ai, không ai là chủ nhân hay tôi tớ của ai; họ tôn trọng lẫn nhau, mỗi người làm phận vụ hợp với khả năng của mình. Những công việc cả hai cùng làm được, phải thay đổi nhau mà làm.

Jane, con gái, kể: “Mẹ tôi tin rằng, sẽ không có bình đẳng thật sự, cho đến khi đàn ông tham dự vào việc chăm con và những việc khác trong nhà”. (“My mother strongly believes there won’t be true equality until men take full participation in child care and other household tasks”). Có lần, sau khi phải thức trắng đêm làm việc, sáng sớm, bị nhà trường gọi bảo phải đến họp, để nói về con phạm lỗi không trầm trọng. Bà trả lời, thằng bé có cả cha lẫn mẹ, làm ơn gọi thay đổi, mỗi người một lần. Từ đấy, bà ít bị gọi.

Trải qua bao khó khăn, bệnh tật từ cả hai người, họ đã ở với nhau được 56 năm, liên tục, từ khi kết hôn năm 1954, đến khi một người ra đi năm 2010.

RBG phát hành tháng 5, nửa năm sau, On the Basis of Sex, phát hành tháng 11/2018. Phim trước trình bày cuộc đời tư của Ruth Ginsburg, phim sau kể lại tiến trình sự nghiệp của bà, từ lúc theo học năm đầu tại trường luật Harvard, đến khi tốt nghiệp tại Columbia. Tiếp theo là những vụ án nổi tiếng, bênh vực quyền bình đẳng của phụ nữ, làm thay đổi cả phạm vi áp dụng Tu Chính 14 của Hiến Pháp. Cuối cùng, trở thành phụ nữ gốc Do Thái đầu tiên làm Thẩm Phán tối cao Pháp Viện. Phim do các tài tử thủ vai, chính bà Ginsburg cũng xuất hiện chốc lát trong màn chót, bước lên những bậc dẫn vào TCPV.

Phim này, tuy là phim truyện, nhưng do một người cháu bên chồng chủ trương, dựa trên sự thật, được bà chấp nhận cốt truyện, và nhấn mạnh việc tìm các tài tử, nhất là người đóng chồng bà, phải giống người thật – bà gặp cả các tài tử chính – nên có thể coi phim đã phản ảnh sự thật ở mức độ cao. Ruth Ginsburg là người yêu sự chính xác. Đã có người yêu mến bà, đưa nhận xét “can’t spell truth without Ruth” (không thể đánh vần sự thật mà không có Ruth).

Ngay cảnh đầu tiên của phim, bà đã phản đối, vì người đóng vai bà đi giầy cao gót tới học ở Harvard, trong khi đời thật, bà đã đi giầy thấp gót, vì phải đi bộ từ nhà tới trường. Nhà làm phim phải thuyết phục mãi, bà mới chịu; coi đây là điều duy nhất bà nhượng bộ. Sau đây là vài hình ảnh cho thấy tài tử chính khá giống người thật.

Cảnh trong phim On the Basis of Sex: RBG tại trường Luật Harvard, do Felicity Jones thủ vai.
Người thật, Ruth, sinh viên năm cuối tại Cornell. Nguồn: Jonathan Wenk/ Focus Features

Người định và Trời định

Hoa nến và kỷ vật thương nhớ đặt trước trụ sở TCPV tưởng niệm bà Ruth Ginsburg, ngày 19/9/2020. Nguồn: Jose Luis Magana/ AFP/ Getty Images

Vào thập niên chót của đời mình, sau khi vất vả săn sóc Marty bị trọng bệnh trước khi ông qua đời vào năm 2010, và sau khi Ruth tưởng đã thoát bệnh ung thư ruột già (đã được phát hiện sớm vào năm 1999), đến lượt bà cũng bị đủ thứ bệnh đáng sợ tấn công, như: Ung thư lá mía (pancreatic cancer) 2009; giải phẫu tim, 2012 và 2018; giải phẫu cắt mụn độc ở phổi trái, 2018; chạy phóng xạ khi ung thư lá mía trở lại, 2019. Ngoài ra, còn bị ngã, gẫy xương sườn. Nhưng bà vẫn cố gắng phi thường, it khi chịu vắng mặt trong các khoá xử ở Toà.

Thấy sức khoẻ bà bị đe dọa trầm trọng, nhiều người, từ Tổng Thống Obama đến các chính khách Dân Chủ, giáo sư luật, và các nhà bình luận báo chí, hoặc âm thầm vận động riêng tư, hay công khai đề nghị trên báo, muốn bà từ chức, để phía Dân Chủ có cơ hội đề cử người khác vào thay bà ở TCPV, hầu khỏi mất một ghế quan trọng cho phía bảo thủ, một khi Bạch Ốc hay Thượng Viện, hoặc cả hai, vào tay Cộng Hòa. Nhưng bà đã không đáp ứng yêu cầu, chắc không phải vì “tham quyền cố vị,” mà chỉ vì tinh thần phục vụ cao. Từ chức thời Obama, trước 2014 thì quá sớm, sau 2014 là thả mồi bắt bóng, Thượng Viện đã trong tay Cộng Hoà rồi, người do Obama cử đã chắc gì trót lọt. Theo nhà báo Totenberg, bà muốn đợi Hillary đắc cử, hy vọng nữ tổng thống đầu tiên sẽ đề cử một phụ nữ thay bà. Hoặc bà sẽ làm việc đến năm 90 tuổi rồi sẽ nghỉ hưu.

Nhưng người định một đàng, Trời định một nẻo. Bà có thể định việc từ chức hay không. Trời định mạng sống của bà. Khi biết không thể làm khác mệnh Trời, bà đã để lại ước vọng cuối cùng, mong chỗ của mình không bị thay thế, cho đến khi tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp nhậm chức.

Ước nguyện này đã bị phủ nhận phũ phàng, cùng lúc Nghị sĩ đầu khối đa số Thượng Viện nói về sự ra đi của bà. Mitch McConnell tuyên bố: “Thượng Viện và cả nước để tang sự ra đi bất ngờ của Thẩm phán Tối cao Ruth Bader Ginsburg và sự kết thúc cuộc đời ngoại hạng của một người Mỹ. Người Tổng Thống Trump đề cử sẽ được toàn Thượng Viện biểu quyết”.

Quyết định của McConnell, hay của Trump, cũng chỉ là do người định. Trời đã định về sự sống của bà. Hãy chờ đợi, xem Trời định ra sao về hậu quả cái chết của bà. Cái chết của bà đã tạo được dấu ấn lịch sử: Người phụ nữ Mỹ đầu tiên, sau 34 nam giới, được quàn tang trên bệ Lincoln tại Quốc Hội. Biết đâu, nếu cái chết tưởng như không đúng lúc của bà, có thể giúp người dân từ mọi phía, nhìn rõ sự việc giữa vòng xoáy kinh hoàng của siêu bão lịch sử đang diễn ra, để có thể quyết định sáng suốt hơn trong cuộc bầu cử gần kề, cái chết của bà sẽ đem lại kết quả vĩ đại, có khi còn ngoạn mục hơn cả những gì bà đã tạo được khi còn sống.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây