Nhã Duy
28-9-2020
Theo công bố từ Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần qua, nữ thẩm phán Amy Coney Barrett đã chính thức được đề cử vào Tối cao Pháp viện và sẽ đệ trình lên Thượng Viện Hoa Kỳ để bắt đầu quá trình chuẩn thuận. Nhân việc này, chúng ta tìm hiểu chính sách bổ nhiệm và thay người vào Tối cao Pháp viện như thế nào và sẽ ảnh hưởng ra sao đến người dân Mỹ trong tương lai.
Theo sau hai thẩm phán Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh, thẩm phán Barrett, 48 tuổi được tổng thống Trump đề cử là những người còn khá trẻ so với giới tiền nhiệm, nhằm có thể phục vụ và thay đổi luật pháp, chính sách quốc gia trong vài ba thập niên tới. Các thẩm phán này thuộc tổ chức Federalist Society, là nhóm những nhà hoạt động pháp lý bảo thủ, cổ súy việc diễn giải và thực thi hiến pháp và luật pháp theo tính nguyên bản và nguyên thủy của chúng.
Trong khi hiến pháp là nguyên tắc và nền tảng lâu đời của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ, không phải nó không gây trở ngại cho việc phát triển quốc gia cùng sự thích nghi trước xu hướng xã hội cấp tiến theo ý nguyện người dân.
Nếu nhìn lại Hiến pháp Hoa Kỳ được các nhà lập quốc soạn thảo và ký kết vào năm 1787, đến nay đã hơn 200 năm. Những quyền công dân căn bản cùng các luật lệ điều hành quốc gia khi Hoa Kỳ còn là một quốc gia canh nông thô sơ và lạc hậu vừa giành được độc lập so với một xã hội dân chủ phát triển và văn minh cao cùng tính chất đa dạng của xã hội và công dân Hoa Kỳ hiện nay, hoàn toàn khác xa.
Từ các vấn đề dân quyền, chính phủ, luật lệ cho đến dân sinh, thương mại, khoa học, di trú … đều hoàn toàn khác biệt với một nước Mỹ của hơn 200 năm trước. Ở mặt nào đó, một số điều trong hiến pháp Hoa Kỳ có thể đã trở nên lạc hậu và không còn thích hợp với thời đại, cần có sự thay đổi trên quan điểm cấp tiến và phù hợp hơn. Điều này cũng đã được các nhà lập pháp ghi nhận khi các Tu Chính Án lần lượt ra đời theo thời gian, thay đổi hay bổ sung vào những điều cần cải đổi trong hiến pháp.
Ngay cả các Tu Chính Án cũng có thể là điều gây tranh cãi ở xã hội đương thời. Ví dụ như Tu Chính Án thứ hai về quyền được sở hữu và mang súng của người dân. Nó ra đời vào thời kỳ sơ khai của nước Mỹ, người dân cần có súng để tự vệ vì chính quyền không đủ khả năng bảo vệ cho tất cả người dân ở những vùng thôn quê hẻo lánh. Nhưng hiện nay, súng là một vấn đề và thách thức cho xã hội. Cho dù không tuyệt đối tước đoạt quyền mang súng nhưng việc kiểm soát là cần thiết. Nó mang lại sự an toàn cho xã hội bởi vũ khí sát thương hàng loạt không thể xem như sử dụng cho mục đích tự vệ mà là vũ khí nguy hiểm một khi nằm trong tay kẻ xấu hay quá khích. Hoặc giả thể thức cử tri đoàn trong bầu cử tổng thống xem ra đã khá lạc hậu so với thế giới.
Khi muốn diễn dịch và áp dụng hiến pháp và luật pháp theo nguyên bản, những thẩm phán bảo thủ này sẽ có trong tay thẩm quyền để giữ hay đưa xã hội về với các nguyên tắc và giá trị hàng thế kỷ, khi mà quyền lực và luật pháp hầu như nằm trong tay người da trắng. Đây là điều đáng quan tâm trong việc chọn lựa và bổ nhiệm vì những quan điểm bảo thủ hay cấp tiến, hoặc trung dung, ôn hòa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân qua các phán quyết được đưa ra thế nào.
Ca ngợi nữ thẩm phán đáng kính Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời, thẩm phán Barrett phát biểu tại lễ ra mắt rằng: “Một thẩm phán phải áp dụng luật như đã được viết ra. Các thẩm phán không phải là những nhà hoạch định chính sách và họ phải kiên quyết gạt bỏ mọi quan điểm về chính sách mà họ có thể đã có“. Bà cũng đã cam kết sẽ đại diện và bảo vệ quyền lợi người dân. Dù tái khẳng định đường lối bảo thủ, thái độ và lời cam kết của bà cho thấy một lý tưởng tích cực và sự thuyết phục cho vai trò cần thiết của các thẩm phán liên bang hay tối cao pháp viện.
Tuy nhiên có thật sự là như vậy bởi lý do thẩm phán Barrett được tổng thống Donald Trump chọn lựa và được giới bảo thủ hết lòng ủng hộ là nhờ vào các quan điểm tiền định của bà trong việc chống lại quyền phá thai cùng đạo luật Affordable Care Act của tổng thống Barack Obama, những luật đã từng được thông qua và nay có nguy cơ bị đảo ngược nếu bà tham gia vào tòa tối cao với đường lối bảo thủ.
Thêm vào đó, trong ba năm qua, kể từ khi được bổ nhiệm, bà đã tỏ ra đồng thuận với nhiều chính sách di trú khó khăn và nghiêm ngặt của nội các qua các phán quyết hay quan điểm đưa ra. Bà là thẩm phán duy nhất ủng hộ sắc lịnh cấm di dân được quyền thường trú nếu từng nhận phúc lợi xã hội, theo một phán quyết gồm ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm 7th Circuit Court of Appeals. Trump và phía Cộng Hòa còn kỳ vọng bà cũng sẽ đứng về phía họ nếu việc tranh chấp về kết quả bầu cử trong tháng 11 tới có xảy ra.
Mặt khác, cũng chính bà khi còn là giáo sư luật tại đại học Notre Dame Law đã phát biểu về việc hoãn bổ nhiệm thẩm phán trong năm bầu cử trên đài CBS vào tháng Hai năm 2016 rằng, việc tổng thống Obama bổ nhiệm thẩm phán trong năm bầu cử là không thích hợp khi “lật ngược đáng kể cán cân quyền lực” tại Tối cao Pháp viện. Đây là điều đang xảy ra với chính bà hiện nay, khi cán cân quyền lực sẽ nghiêng hẳn về khối bảo thủ một khi bà được chuẩn thuận vào tòa tối cao.
Việc bổ nhiệm thẩm phán Barrett gây ra tranh cãi bởi tính chính danh và vội vã của nó khi mà cuộc bầu cử sớm đã diễn ra tại nhiều tiểu bang. Không phải sự tranh luận về phẩm cách hay năng lực của thẩm phán Barrett, mà ở cách khối đa số đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện đã đảo ngược chính lời của mình, bất chấp những danh dự và nguyên tắc cùng tiền lệ họ đã đặt ra. Không kể nó trái ngược ý nguyện đa số cử tri qua các cuộc thăm dò. Việc này cho thấy, có sự lo ngại về việc khả năng Donald Trump có tái đắc cử và phía Cộng Hòa vẫn giữ thế thượng phong tại Thượng Viện hay không.
Hồi tháng Tám vừa qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã thẳng thừng chỉ trích Chánh Án Tối cao Pháp viện rằng, “John Roberts đã làm thất vọng giới bảo thủ” (Christian Broadcasting Network ngày 5/8/2020) khi chánh án Roberts có những đồng thuận với các thẩm phán cấp tiến trong một vài phán quyết quan trọng. Theo cách nói này, giới bảo thủ và đảng Cộng Hòa kỳ vọng rằng, một thẩm phán được tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm phải trung thành với đường hướng và nghị sự đảng phái, thay vì đặt công lý và lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Họ cũng chọn lựa và hy vọng như vậy với thẩm phán Amy Coney Barrett.
Sự gay gắt của chính trường cùng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay đã cho thấy, sự thờ ơ hay chọn lựa sai lầm trong lá phiếu sẽ tạo những ảnh hưởng trực tiếp đến hàng thế hệ. Sự cân nhắc không chỉ là vấn đề cảm xúc cá nhân dành cho các ứng cử viên mà còn cần nhắm đến lợi ích và sở nguyện của giới trẻ, là chính con cháu mình, sẽ được sống trong một tương lai như thế nào.
Hầu hết các nước dân chủ trên thế giới đều có nhiều đảng nhưng chính yếu là theo
2 phái bảo thủ hay quốc gia và tự do hay cấp tiến v.v.
Ở Mỹ,bảo thủ là bảo vệ và giữ gìn các giá trị truyền thống theo đúng Hiến Pháp còn
cấp tiến là thay đổi cho tiến bộ hơn,kể cả cải tiến Hiến Pháp ngõ hầu tiến đến sự nới
lỏng,tự do,thậm chí phóng túng.Hai quan điểm này cần cần phải được duy trì một cách
CÂN BẰNG thì nưóc Mỹ mời hùng mạnh và bền vững lâu dài.Nếu không thì sẽ có nhiều
mâu thuẫn dẫn đến những phân hoá và tranh chấp,thậm chí nội chiến mà điển hình là
vấn đề nô lệ đã từng gây ra cuộc chiến tranh giữa 2 miền Nam và Bắc nước Mỹ.
Do đó,thiên về bảo thủ qúa hay cấp tiến qúa đều đem lại những hậu qủa tai hại.Nếu
bảo thủ qúa thì xã hội khó tiến bộ nhanh chóng nhưng nếu cấp tiến qúa thì dễ đưa đến
rối loạn,vô trật tự,thậm chí vô chính phủ như một nhà cách mạng từng kêu lên “ôi tự do,
người ta đã nhân danh mi mà phạm biết bao nhiêu tội ác” !