Kiến nghị khẩn cấp về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam

26-9-2020

Bối cảnh

Ngày 14 tháng 4 năm 1980, chính phủ Việt Nam ra quyết định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn (trên địa bàn xã Đồng Tâm), với diện tích 208ha, trong đó có 47,36ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Dự án xây sân bay bị dừng lại, tuy nhiên khu đất từ đó do quân đội quản lý.

Theo Quyết định số 551/QĐ-TM ngày 27 tháng 3 năm 2015, Bộ Quốc phòng giao 50,03ha cho Viettel, một công ty thương mại do Bộ Quốc phòng làm chủ và quản lý, trong đó bao gồm 46ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức). Phần đất này, theo người dân Đồng Tâm, bao gồm cả đất họ đang canh tác và không thuộc Bộ Quốc Phòng.

Trong nhiều năm sau đó người dân Đồng Tâm đã nỗ lực đấu tranh với chính quyền để giành lại quyền sở hữu. Ông Lê Đình Kình, một cụ già 80 tuổi, được xem là lãnh đạo của người Đồng Tâm.

Viettel, thuộc quân đội, được biết đến như nhà mạng điên thoại di động lớn nhất Việt Nam, chiếm 42% thị phần trong nước.

Sự kiện

Khoảng 3 giờ sáng ngày 9/1/2020, hàng ngàn công an chính quy đã bao vây và tấn công vào làng Đồng Tâm. Họ xông vào nhà ông Lê Đình Kình, bắn chết ông và bắt đi 29 người dân Đồng Tâm, đã tham gia chống lại cuộc càn quét này. Ba viên cảnh sát bị chết trong trận càn và chính quyền đã đổ lỗi là họ bị dân làng giết, dù không có bằng chứng thuyết phục.

Phiên tòa ngày 7/9/2020 mở ra ở Hà nội, xử 29 người dân xã Đồng Tâm. Phiên tòa đã vi phạm nghiêm trọng ngay cả các thủ tục tố tụng của Việt Nam. Các luật sư không được tiếp xúc với thân chủ của mình. Không có thân nhân nào của bị cáo được có mặt trong phiên xử. Tại tòa, có ít nhất 19/29 người khai họ đã bị tra tấn trong quá trình điều tra. Đặc biệt bị cáo Lê Đình Công, người cuối cùng chịu án tử, đã khai bị 1 sĩ quan công an tên Phạm Việt Anh đánh đập, bức cung nhiều ngày liền.

Mặc dù vậy, phiên tòa kết thúc sau 4 ngày với 2 án tử hình cho 2 con ông Kình là Lê Đình Công, Lê Đình Chức và 1 án chung thân cho cháu ông, Lê Đình Doanh. 26 người còn lại lĩnh án từ 15 tháng đến 16 năm tù. Các ý kiến của luật sư như cần thiết thực nghiệm hiện trường để làm sáng tỏ cái chết của 3 viên công an, hay trưng bằng chứng về lệnh công vụ tấn công vào làng Đồng Tâm vào đêm 9/1/2020 đều bị bỏ qua.

Đề nghị

Chúng tôi, những cá nhân và tổ chức dân sự ký tên dưới đây, đề nghị Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, thông qua Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao xem xét:

1/ Đưa vào danh sách không được cấp visa nhập cảnh vào các nước thành viên EU:

Ông Trương Việt Toàn, sinh năm 1961, thẩm phán phiên tòa ngày 7/9/2020 nói trên,

Ông Phạm Việt Anh, sinh năm 1991, là người đã tra tấn dã man các bị cáo Đồng Tâm.

2/ Đưa tập đoàn viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam vào danh sách các công ty bị cấm kinh doanh tại các nước thành viên EU.

Praha ngày 22/09/2020

_____

Mời ký tên kiến nghị gửi EU về vụ Đồng Tâm

Kính gửi: Cá nhân và các tổ chức XHDS Việt Nam.

Nhóm Văn Lang (CH Séc) vừa soạn thảo Kiến nghị về vụ án Đồng Tâm để gửi tới Liên hiệp châu Âu.

Chúng tôi kêu gọi các cá nhân, các tổ chức XHDS Việt Nam ủng hộ và cùng tham gia ký tên vào Kiến nghị này.

Chữ ký ủng hộ Kiến nghị xin quý vị gửi cho chúng tôi, muộn nhất là 12g00 (giờ Praha, tức 17g00 giờ Hà Nội) ngày 29/9/2020.

Sau đó chúng tôi sẽ tổng kết và gửi Kiến nghị tới ông Josep Borrell Fontelles, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu.

Trân trọng,

Thay mặt Ban điều hành Nhóm Văn Lang

Nguyễn Cường

Chữ ký xin gửi về email: vanlang@vanlang.eu

Nguyễn Cường, Občanské sdružení Van Lang

Tel.: +420 776 585 499

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây