Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 10)

Nghiêm Huấn Từ

12-9-2020

Tiếp theo: Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3: Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án; Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải; Bài 5bài 6: Chặng đường gian lao đi đến phiên giám đốc thẩm; Bài 7A: Khúc khuỷu con đường tới phiên tòa tái thẩm; Bài 7B: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phiên tòa tái thẩm; Bài 8: Hoán đổi vị thế giữa bên “Buộc tội” và “Gỡ tội”; Bài 9: Liệu “kiến nghị” của VKS có cứu được Hải?

***

Phiên tòa tái thẩm: Hy vọng sống của Hồ Duy Hải

I. Nhắc lại để nói tiếp

1- Phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm

Phúc thẩm, theo thường lệ, là phiên tòa cuối cùng. Sau đó, bản án bắt đầu có giá trị thi hành, không cá nhân hoặc cơ quan nào có quyền phản đối nữa. Trừ hai trường hợp đặc biệt dưới đây, ta sẽ có phiên tòa giám đốc thẩm hoặc phiên tòa tái thẩm:

a) Khi bản án được tạo ra do những vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự. Ví dụ, lấy lời khai bằng cách tra tấn, ngụy tạo chứng cứ, thủ tiêu chứng cứ, sửa chữa chứng cứ… vân vân. Cái bản án mắc lỗi này sẽ được đưa ra phiên tòa giám đốc thẩm để xét xử. Tất nhiên, liên lụy đến những tác giả (con người) tạo ra bản án này. Tuy nhiên, như ta biết, phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải – do đích thân chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa – đã kết luận: Bản án tử hình Hồ Duy Hải tuy có một số sai sót trong quá trình điều tra, nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Nghĩa là, Hải vẫn phải chết.

b) Khi có (những) chứng cứ mới. Đây phải là những chứng cứ quan trọng tới mức làm thay đổi kết luận bản án. Thế thì, phải “xử lại” (tái thẩm) để sửa chữa những kết luận sai ở cái bản án do phiên tòa “xử đi” tạo ra. Những nhân vật là tác giả của bản án (cũ) không mắc lỗi – vì họ xét xử khi chưa có đủ chứng cứ. Trong vụ Hồ Duy Hải, nếu bên gỡ tội (gồm luật sư và gia đình) tìm ra “chứng cứ mới”, họ có thể làm đơn đề nghị mở phiên tòa tái thẩm. Và sẽ có phiên tòa tái thẩm nếu (phải có chữ “nếu”) được cơ quan pháp luật (tối cao) chấp nhận và ra văn bản chính thức đề nghị “xử lại” vụ án. Trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền kháng nghị là VKS Tối cao, hoặc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

c) Nơi sửa bản án Hồ Duy Hải

Một bản án tử hình dây dưa tới 12 năm, lại được phiên giám đốc thẩm “tối cao” y án, tất nhiên muốn sửa cũng phải do phiên tòa tái thẩm “tối cao” thực hiện. Đó là nói về nguyên tắc. Còn tòa này có muốn sửa hay là vẫn “y án” là quyền của tòa. Hiện nay, người có vai trò quyết định (lập tòa, cử hội đồng xét xử) vẫn là đồng chí Nguyễn Hòa Bình.

Tình hình hiện nay phát triển tới mức, “nếu” chân lý thuộc về luật sư và gia đình Hồ Duy Hải, thì sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hòa Bình phải sụp đổ. Do vậy, chắc chắn 100% là đồng chí chánh Tòa tối cao sẽ kịch liệt phản đối việc thành lập phiên tòa tái thẩm. Nhưng đồng chí có phản đối nổi hay không, còn phụ thuộc vào những quy định hiện hành.

d) Nếu Viện Kiểm Sát kiên quyết kháng nghị (theo thẩm quyền và dựa vào đơn của luật sư và gia đình – kèm theo những chứng cứ không thể bác bỏ) thì đồng chí Nguyễn Hòa Bình vẫn buộc phải tổ chức phiên tòa tái thẩm.

2- Con đường sống của Hồ Duy Hải vẫn còn vô vàn gian nan

a) Nếu buộc phải tổ chức phiên tòa tái thẩm thì hầu như 100% đồng chí Nguyễn Hòa Bình sẽ tự cử mình vào vị trí chủ tọa, và cũng hầu như 100% đồng chí sẽ lôi cổ toàn bộ 16/16 thẩm phán dưới quyền vào Hội Đồng xét xử. Tại sao nói “hầu như”, bởi vì – khác cái lần tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm – lần này đồng chí còn phải thăm dò ý kiến cấp trên và dư luận xã hội, mà không thể ngông nghênh, tự đắc như cái lần tổ chức phiên giám đốc thẩm.

b) Nhưng điều chắc chắn, là cả 100% là cái Hội Đồng này sẽ né tránh tối đa cách xử theo luật tố tụng mới (tranh tụng đúng nghĩa)… đồng thời hạn chế tối đa số người của bên gỡ tội. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình vẫn đủ quyền hạn để thực hiện hai điều này – như đã từng làm ở phiên giám đốc thẩm. Dẫu sao, do mất uy tín sau phiên giám đốc thẩm, thế của đồng chí ngay tại phiên tòa này sẽ núng, lực của đồng chí cũng suy. Đồng chí không thể tự tung, tự tác nếu buộc phải đứng ra chủ tọa phiên tái thẩm vụ Hồ Duy Hải.

d) Đủ thấy, con đường sống của Hồ Duy Hải vẫn còn vô vàn chật vật. Bởi lẽ, nếu tử tù Hồ Duy Hải – nay đã 31 tuổi, vừa mới tốt nghiệp cao đẳng 2008, chưa một ngày hành nghề, chưa yêu ai… – mà được sống, thì… đồng chí bí thư Trung ương ĐCSVN Nguyễn Hòa Bình cũng vẫn… “sống” mà như chết. Và ngược lại, nếu Hải phải chết, đồng chí Nguyễn Hòa Bình sẽ mừng rơn mà sống thêm 12 năm vì thành tích đầy đọa Hải và gia đình Hải cũng ngần ấy năm. Do vậy, đủ thấy quyết tâm sắt đá “chống tái thẩm” của vị đại biểu quốc hội, lý luận Mác-Lê cao cấp, tiến sĩ luật khoa, phó giáo sư, 62 tuổi đời, 39 tuổi đảng… Nguyễn Hòa Bình.

3Vẫn hy vọng sẽ có phiên tái thẩm

– Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, đương nhiệm lãnh đạo tối cao ngành Tư Pháp, cách đây 4 tháng đã từng chịu thua kháng nghị của Viện KS (buộc phải tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm). Nhưng cũng do phiên tòa này mắc quá nhiều vi phạm, mà nay uy tín của đồng chí giảm sút thê thảm. Con đường tiến thân khó mà suôn sẻ như xưa. Do vậy, không phải đồng chí muốn chống tái thẩm là có thể chống được. Đã tới lúc cấp trên của đồng chí chán ngán, quá sức chịu đựng; còn cấp dưới của đồng chí từ nay không thể chết chùm với đồng chí nữa. Họ phải tự suy tính cho quyền lợi bản thân họ… Đó là hy vọng đầu tiên sẽ có phiên tòa tái thẩm.

– Luật sư và gia đình không tiếc công sức, thời gian để gỡ tội cho Hồ Duy Hải. Sự quyết tâm chỉ có tăng, không có giảm. Thực tế, họ đã nộp lên nhiều cơ quan cấp cao những chứng cứ mới đủ sức làm đảo ngược kết luận của bản án.

– Dư luận trong nước và quốc tế ngày càng mạnh mẽ đứng về phía nạn nhân, tạo ra áp lực lên các cơ quan cấp trên của Tòa án Tối cao.

– Viện KS Tối cao – sau thất bại ở phiên tòa giám đốc thẩm – vẫn cay cú (qua nhiều lần tuyên bố “kiến nghị tiếp“, và khẳng định lẽ phải thuộc về mình). Do vậy, một mặt Viện này vẫn tiếp tục kiến nghị phía Tòa Tối cao “cần xem xét lại quyết định của mình ở phiên tòa giám đốc thẩm”. Mặt khác, Viện này vẫn có thẩm quyền kháng nghị “nếu được cung cấp chứng cứ mới” để buộc phía Tòa phải tổ chức phiên tòa tái thẩm. Và luật sư đã kịp thời cung cấp.

– Cấp trên của đồng chí Nguyễn Hòa Bình (theo thể chế hiện nay) là bộ chính trị và quốc hội… đã quá phiền toái về vụ Hồ Duy Hải (càng để lâu chế độ XHCN sẽ càng bốc mùi khó ngửi), cũng muốn tìm giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, cách đây ít hôm, Tòa án Tối cao đã bầu bí thư đảng ủy mới. Có hai khả năng: Một, đồng chí Nguyễn Hòa Bình thôi cương vị “đầu đảng” ở Tòa Tối cao để lên cấp cao hơn (Bộ Chính trị); nếu vậy, cấp trên phải gỡ để đồng chí thoát khỏi cái mớ bòng bong này. Hai, cũng có thể đồng chí bị thất sủng do quá nhiều tiếng xấu trong 12 năm đứng đầu ngành tư pháp nước ta. Nếu vậy, càng cần một giải pháp, trong đó có giải pháp tổ chức phiên tòa tái thẩm.

– Nhưng điều quan trọng nhất và quyết định nhất, là luật sư và gia đình phải có những chứng cứ mới, đủ vững chắc và mạnh mẽ làm thay đổi kết luận của bản án phúc thẩm 2009.

Và nhờ công sức tìm kiếm, rà soát từng câu, từng chữ trong Hồ Sơ vụ án và trong Bản Cáo Trạng, đồng thời tìm gặp các nhân chứng… luật sư và gia đình Hồ Duy Hải đã tìm được những sơ hở, lỗi lầm trong những văn bản trên, thể hiện những chứng cứ bị sửa hoặc bị bỏ ngoài hồ sơ, rất quan trọng.

Thêm nữa, thời thế đã khác, những con NGƯỜI trong nội bộ ngành Tư pháp tỉnh Long An đã dũng cảm tuồn ra cho luật sư những chứng cứ đủ mạnh (bị giấu nhẹm) làm thay đổi nội dung của Cáo Trạng và kết luận của Bản án.

II. Những chứng cứ mới đủ sức làm thay đổi bản án

1- Chứng cứ cũ, nhưng vẫn là mới

Đó là những chứng cứ được đưa vào hồ sơ vụ án ngay từ đầu – nghĩa là cũ rích – nhưng thời gian gần đây mới phát hiện nó “mới”, ở chỗ: Nó bị xuyên tạc để (cố ý) vu tội cho Hồ Duy Hải.

Ví dụ, bản khai của anh Đinh Vũ Thường. Anh là khách hàng tới bưu điện Cầu Voi để sử dụng dịch vụ (gọi điện về gia đình, và do vậy anh là nhân chứng của vụ án). Bản khai (do điều tra viên ghi lời anh, sau đó anh ký nhận) thể hiện: Anh Thường thấy một thanh niên trẻ, không rõ mặt, không quen biết; và một xe máy (xe Dream cao, không chú ý số xe)… Ấy thế mà khi đưa vào Cáo Trạng, thì VKS Long An đã viết thành “anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải” và bịa ra hình dạng và số xe (khớp với xe của Hồ Duy Hải). Đây chính là chứng cứ mới khẳng định tội “làm sai lệch hồ sơ” – nghĩa là bản án này phải bị hủy. Nơi hủy nó là phiên tòa giám đốc thẩm.

Cái tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án” bị phát hiện là nhờ luật sư đọc kỹ, đọc tỉ mỉ Hồ Sơ vụ án và Bản Cáo Trạng (hồ sơ một đường, cáo trạng một nẻo, để cố ý vu oan). Điều kỳ công hơn nữa, sau hàng mấy năm mà luật sư vẫn tìm kiếm được anh Đinh Vũ Thường và anh sẵn sàng viết thêm một tờ khai, trong đó vẫn khẳng định 2 điều – như anh đã từng khai năm 2008.

2- Thái độ Nguyễn Hòa Bình

Tại phiên giám đốc thẩm, luật sư đã nộp tờ khai lần 2 của anh Đinh Vũ Thường. Nếu (vâng, “nếu”) là một người công tâm, lương thiện, thì lẽ ra (vâng, “lẽ ra”) đồng chí Nguyễn Hòa Bình phải hết sức vui mừng, vì đây là một trong những chứng cứ mới khẳng định tội làm sai lệch hồ sơ một cách rất cố ý. Nhưng ngược lại, đồng chí lại vặn vẹo rằng, “đây chỉ là bản photocopy, chưa có dấu chứng nhận “sao y bản chính“.

Xin nói thẳng: Dưới tay đồng chí Nguyễn Hòa Bình có biết bao nhân viên, muốn làm sáng tỏ chuyện này quá dễ dàng: Tìm cho ra anh Đinh Vũ Thường, mời anh viết lại tờ khai, nộp tận tay Nguyễn Hòa Bình. Sau đó, so sánh 3 bản khai (đều của Đinh Vũ Thường) với Bản Cáo Trạng sẽ thấy lời lẽ trong Cáo Trạng là vu khống.

3- Có vô số chứng cứ mới

Tờ khai của anh Đinh Vũ Thường chỉ là một ví dụ. Còn rất nhiều chứng cứ mới đủ sức quật ngã cái bản án “giết người” – cũng là quật ngã những đồng chí gắn đời mình, số phận mình với bản án này. Ví dụ, chứng cứ có lợi cho Hồ Duy Hải bị bỏ ra ngoài Hồ Sơ vụ án; chứng cứ sai lệch về thời điểm diễn ra vụ án, chứng cứ kẻ sát nhân thuận tay trái (trong khi Hồ Duy Hải thuận tay mặt)…

Chúng đã được luật sư và gia đình Hồ Duy Hải tập hợp lại, rất đầy đủ, trình bày rất khoa học, dễ hiểu, đã nộp cho các cơ quan liên quan. Chắc chắn nó đã đến tay đồng chí Nguyễn Hòa Bình TRƯỚC KHI phiên tòa giám đốc thẩm khai mạc (nhưng đồng chí lờ tịt).

Bạn đọc nào quan tâm số phận Hồ Duy Hải xin tải về 6 văn bản dưới đây, để thấy số chứng cứ mới (cơ sở để có phiên tòa tái thẩm) là rất nhiều và rất vững chắc.

Sáu lá Đơn chính trong vụ án Hồ Duy Hải

Trước phiên giám đốc thẩm

Đơn đề nghị giám đốc thẩm (từ năm 2012)

Đơn tố giác tội phạm (từ năm 2015)

Đơn tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án (từ tháng 3 năm 2017)

Đơn kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải (từ 2019) 

Đơn trình bày và cung cấp chứng cứ ngoại phạm mới (hung thủ thuận tay trái) (tháng 5/2020)

Sau phiên giám đốc thẩm

Đơn kêu oan cho bị án HDH và Tố giác làm sai lạc hồ sơ vụ án (3-7-2020)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây