BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Anh tuyên bố bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố gần đây thể hiện lập trường của Anh về các vấn đề pháp lý ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong vấn đề giải quyết các tranh chấp lãnh hải.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, sau phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA), TQ cho công bố nhiều bài viết của chính phủ và viện nghiên cứu nước này, nhằm tuyên truyền rằng, các yêu sách ở Biển Đông của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” và khái niệm “quần đảo xa bờ”, nhưng “Anh phản đối những yêu sách như vậy tại Biển Đông vì nó không dựa trên luật pháp, không phù hợp với UNCLOS”.
Về Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN vừa diễn ra ở Hà Nội, ARF nhìn nhận có vụ việc nghiêm trọng ở Biển Đông, kêu gọi không quân sự hóa, theo báo Tuổi Trẻ. Sáng nay, Bộ Ngoại giao VN thông báo: “Trước những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế… các bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu tự kiềm chế, không có các hành động phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa”.
Báo Giao Thông dẫn lời cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang: TQ không từ bỏ việc lập AIDZ trên Biển Đông. Ông Giang phân tích: “Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập AIDZ trên Biển Đông vào thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế ở khu vực cũng như khả năng hóa giải, đối mặt với hậu quả của Bắc Kinh đối với hành động này”.
Ông Giang lưu ý thêm, ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể khác, đảo nhân tạo ở khu vực Quần đảo Trường Sa, “thực tế là Trung Quốc đã bố trí các hệ thống cảnh báo, kiểm soát các phương tiện đường không cũng như các hệ thống hỏa lực phòng không – những yếu tố và thành phần cơ bản để hình thành AIDZ sau này”.
Mời đọc thêm: Mỹ khẳng định sát cánh cùng ASEAN về vấn đề Biển Đông (VNN). – Tại Diễn Đàn ARF, Việt Nam tố cáo các vụ vi phạm quyền của các nước ven biển (RFI). – Trung Quốc sẽ nâng cấp khu trục hạm có thể mang tên lửa đạn đạo diệt hạm? (TN). – Không thể để Neflix tiếp tay cho “đường lưỡi bò” (LĐ). – Philippines đổi chiều về biển Đông với Trung Quốc (NLĐ).
Tin nhân quyền
Chỉ còn hai ngày nữa là TAND TP Hà Nội tuyên án vụ Đồng Tâm, các luật sư bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm tiếp tục viết về những khuất tất của vụ án. Bài thứ nhất trong loạt bài của LS Đặng Đình Mạnh, Đồng Tâm: Vấn đề thẩm quyền điều tra. LS Mạnh lưu ý, chính Công an TP Hà Nội đã tổ chức đánh úp người dân Đồng Tâm vào rạng sáng 9/1, nên “việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng thuộc Công an TP. Hà Nội đảm nhận điều tra vụ án sẽ không còn bảo đảm được sự khách quan, vô tư trong công tác điều tra”.
LS Lê Văn Luân viết: Những tình tiết cần điều tra thấu tỏ. LS Luân chỉ ra một tình tiết đã bị KSV thay đổi trong phiên tòa: “Điểm mấu chốt trong việc phải thực nghiệm điều tra đối với việc đẩy xăng và gây cháy là làm sao một chiếc chậu chứa xăng đang cháy lại có thể dùng chân đẩy từ mái nhà này (Chức) qua mái nhà khác (Hợi) trên một cái thang?”
Ông Luân cho biết: “Các dữ liệu điện tử đã bị cắt ghép, chỉnh sửa (vi phạm nghiêm trọng việc thu thập và bảo quản vật chứng) và các lời khai tố cáo rằng bị đánh đập khi lấy cung trong trại tạm giam, tôi đề nghị phải khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp để điều tra, từ đó ngăn chặn những hành động nguy hiểm cho xã hội trong các hoạt động tư pháp”.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng có bài về vụ án Đồng Tâm: Vụ án giết người tại Đồng Tâm là vụ án kỳ lạ chưa từng thấy trong lịch sử của ngành Tư pháp. Một vụ án thiếu sót từ khởi đầu đến kết thúc, nhưng tòa án không cho điều tra lại: “Nó kỳ lạ bởi lẽ người bị hại đã chết nhưng không thấy xác, cơ quan tố tụng không chứng minh được người bị hại đã chết, không chứng minh được hung thủ gây án. Từ xưa tới nay, nếu các vụ án giết người không tìm thấy xác người bị hại, không chứng minh được hung thủ gây án thì tòa án sẽ đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ vụ án và trả tự do cho nghi can”.
Đi kèm bài viết, MS Hùng cung cấp 51 trang Cáo trạng của VKS Hà Nội về vụ án Đồng Tâm:
Nhà báo Lưu Trọng Văn cho biết: Có một nguồn tin từ nội bộ đảng tiết lộ với ông, “ở cấp cao nhất đã có lệnh điều chỉnh lại phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm”. Nhưng ông Văn cũng lưu ý, nguồn tin không nói rõ là “điều chỉnh” theo hướng tốt hay xấu cho dân Đồng Tâm. “Còn nhiều tình huống khó lường theo đúng nhận định của một nhân vật có ảnh hưởng với một số lãnh đạo cao cấp mà gã đã trao đổi mấy ngày trước”.
Cũng theo ông Văn, mấy ngày cuối tuần không phải để tòa nghị án, mà là để các lãnh đạo cấp cao thảo luận về vụ án Đồng Tâm, “cân nhắc cái lợi, hại cho hình ảnh của đất nước trên mặt bằng chiến lược quốc gia về đối ngoại, kinh tế, an ninh và đặc biệt Lòng Dân”. Nhưng nếu họ thật sự nghĩ cho dân thì nên tăng thời gian xử án, tăng thời gian tranh luận để làm rõ vấn đề chứ không phải xử chóng vánh thế này.
Nhà báo Võ Văn Tạo tiết lộ thông tin tương tự như nhà báo Lưu Trọng Văn. Ông Tạo cho biết: “Tôi vừa nhận được thông tin có thay đổi tích cực từ chóp bu trong chỉ đạo giải quyết vụ Đồng Tâm. Chờ tuyên án”.
Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng lưu ý trường hợp người thứ 30 bị bắt liên quan đến vụ Đồng Tâm. Báo chí đưa tin, có 29 người dân Đồng Tâm đã bị bắt sau ngày 9/1, nhưng thật ra còn một người nữa liên quan tới vụ án đã bị bắt trước đó, “đó là ông Nguyễn Việt Anh, quê Đồng Tâm, nhưng sống và làm việc tại Hà Nội. Ông bị bắt trước đó 4 ngày, nghe nói bị bắt vì tội danh làm lộ bí mật nhà nước”. Có thông tin chưa được kiểm chứng cho biết là ông này đã quay clip công an diễn tập kế hoạch tấn công dân Đồng Tâm và đã bị bắt cóc vì lý do này.
Luật Khoa có bài: 100 năm máu đổ cho quyền sở hữu đất đai. Bài báo liệt kê 10 vụ mâu thuẫn đất đai dẫn đến thiệt hại về nhân mạng đã xảy ra trên lãnh thổ VN từ thời Pháp thuộc tới nay. Trong danh sách có vụ án Đồng Nọc Nạng, một vụ án xảy ra thời Pháp thuộc, thường được so sánh với các vụ xử dân oan đòi đất thời Cộng sản ra sao, để thấy rằng, hóa ra tòa án “thực dân” đã tha bổng cho người dân vì áp bức đã dám đứng lên đấu tranh, còn tòa án “nhân dân” thì đẩy dân vào con đường chết.
Trong số các vụ mâu thuẫn đất đai xảy ra sau năm 1975 đến nay, đáng lưu ý có vụ nổi dậy ở Thái Bình: “Tháng 3/1997, uất ức vì bị quan chức hiếp đáp quá mức, một nhóm cựu chiến binh đã lãnh đạo khoảng 3.000 nông dân tọa kháng trước trụ sở Đảng Cộng sản ở tỉnh Thái Bình. Sự kiện này đã mở đầu cho hàng loạt cuộc nổi dậy đòi công lý trên toàn tỉnh này”.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, ngày 12/1/2020, các tổ chức “báo cô” ở huyện Mỹ Đức đã tổ chức tặng quà cho các tay công an đang làm nhiệm vụ tại khu vực Đồng Tâm. Bài báo cung cấp tấm ảnh chụp một số lãnh đạo công an, khả năng trong đó có người phải chịu trách nhiệm trực tiếp đến cái chết của ông Lê Đình Kình.
***
Về video clip của một nam thanh niên ở Tuyên Quang đăng tải, cho rằng vợ anh bị CSGT vụt gậy vào mặt vì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, báo Tuổi Trẻ có clip: Xác minh thông tin vụ CSGT vụt gậy vào mặt người vi phạm.
Zing đưa tin: CSGT bị tố vụt gậy vào mặt người vi phạm. Chỉ huy Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang xác nhận, họ đã nắm được thông tin vụ việc và yêu cầu các cán bộ có mặt tại hiện trường làm báo cáo tường trình.
“Nội dung clip thể hiện người phụ nữ mặt sưng đỏ, đứng gần tổ CSGT đang làm nhiệm vụ. Ngay cạnh đó là chồng của chị này đang dùng điện thoại ghi lại toàn bộ sự việc”. Chồng nạn nhân cho biết: “Đoạn đường đang vào khúc cua, vợ tôi không kịp xử lý để dừng xe theo hiệu lệnh thì bị CSGT vụt gậy vào mặt”.
Mời đọc thêm: Đội đặc nhiệm ở Đồng Tâm từ góc nhìn khoa học cảnh sát (LK). – Kể chuyện “nhổ toẹt” vào nội quy phiên tòa…! (FB Nguyễn Thanh Lương). – Khấp Tố Như (FB Phạm Lưu Vũ). – CSGT bị tố vụt gậy vào mặt người phụ nữ đi xe máy: Công an Tuyên Quang lên tiếng (VTC). – Công an Tuyên Quang lên tiếng vụ tố CSGT vụt gậy vào mặt người phụ nữ vi phạm giao thông (DS).
“Xã hội đen” cấu kết với “xã hội đỏ” tại Sở Tư pháp Thái Bình
Zing đưa tin: Thêm cán bộ Sở Tư pháp Thái Bình bị bắt. Hôm nay, Công an tỉnh Thái Bình xác nhận đã bắt bà Nguyễn Thị Ngấn, cán bộ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp, để điều tra hành vi tham ô tài sản. Trước khi bị bắt, bà Ngấn làm thư ký, giúp việc trong các cuộc đấu giá đất ở Thái Bình và đã trợ giúp cho vợ chồng giang hồ Đường “Nhuệ” thao túng kết quả đấu giá đất, tài sản.
Tin cho biết, “quá trình điều tra mở rộng vụ án vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương thâu tóm kết quả đấu giá đất ở địa phương, công an phối hợp Sở Tư pháp rà soát hồ sơ các vụ đấu giá. Khi phát hiện một số cuộc đấu giá tài sản, đất đai có dấu hiệu bị chiếm dụng tiền đặt cọc và phí mua đơn đấu giá, cơ quan điều tra đã làm việc với bà Ngấn trước khi ra lệnh bắt”.
Báo Lao Động Thủ Đô có bài: Vợ Đường Nhuệ và 4 cán bộ tham gia thao túng kết quả đấu giá đất sắp hầu tòa. Vợ chồng Đường “Nhuệ” và các đồng phạm là cựu quan chức tỉnh Thái Bình sắp bị TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm từ ngày 18/9. Bị can Nguyễn Thị Dương, vợ Đường “Nhuệ” cùng 4 đồng phạm ra tòa về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Phiên tòa này sẽ xử vụ dàn xếp kết quả đấu giá diễn ra vào ngày 20/12/2019, liên quan đến 10 khu đất tại khu quy hoạch dân cư phường Bồ Xuyên. “Khi biết đấu giá không thành, Nguyễn Thị Dương đã tìm đến các bị can Phạm Văn Hiệp, Vũ Gia Thành, Trịnh Thị Minh Thúy, Hà Văn Dũng nhờ giúp đỡ để bà Hạnh được trúng đấu giá”.
Mời đọc thêm: Một cán bộ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình bị bắt vì tham ô (TT). – Bắt khẩn cấp thêm đối tượng liên quan đến vụ Đường nhuệ (ĐV). – Vụ Đường “Nhuệ”, Thái Bình: Bắt tạm giam nữ cán bộ Trung tâm đấu giá tài sản (BVPL). – Những “giang hồ mạng nào” đã lần lượt bị bắt? (LĐ). – Ông Nguyễn Thành Tài sắp hầu tòa vụ gây thất thoát hơn 1.900 tỷ đồng (VNF).
Ăn chặn thời ôn dịch
Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và các đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa đề nghị truy tố cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin.
Trước đó, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số máy xét nghiệm tự động PCR để hỗ trợ xét nghiệm Covid-19. “Do thời gian gấp, việc mua sắm được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu”. Kết quả, ông Cảm và các đồng phạm đã nâng khống giá thiết bị, giá nhập về VN là 2 tỉ đồng nhưng đã được nâng thành 7 tỉ đồng, “từ đó gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước”.
Trang Gia Đình VN có bài: Nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị truy tố với khung hình phạt cao nhất. Tin cho biết, CQĐT đã hoàn tất điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao, ông Cảm bị đề nghị truy tố cùng các đồng phạm là GĐ CDC Hà Nội Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán, cùng 7 người khác.
Nhưng vẫn có khả năng vụ này “giơ cao đánh khẽ” vì không đủ căn cứ chứng minh Giám đốc CDC tư lợi vụ “thổi giá” máy Covid-19, theo báo Giao Thông. Mặc dù công an xác định, ông Cảm và đồng phạm liên quan đến vụ nâng khống giá thiết bị y tế, nhưng “kết luận điều tra xác định không có đủ căn cứ chứng minh bị can Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội tư lợi trong việc thỏa thuận trích % trị giá gói thầu”.
Mời đọc thêm: Đề nghị truy tố cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm (SGGP). – Đề nghị truy tố cựu Giám đốc CDC Hà Nội vụ ‘thổi’ giá máy xét nghiệm Covid-19 (VNN). – Vụ ‘thổi giá’ thiết bị y tế: Không đủ căn cứ chứng minh Giám đốc CDC Hà Nội tư lợi (VNF). Mời đọc lại: Phê chuẩn khởi tố Kế toán trưởng CDC Hà Nội (BVPL).
***
Thêm một số tin: Cụ bà Canada gốc Việt bị chửi rủa, ném trứng (Zing). – Giảm giấy khen tràn lan, có giảm được bệnh thành tích trong giáo dục? (RFA). – Người biểu tình Mexico chiếm đập, phản đối chia sẻ nước với Mỹ (VNE). – Cháy rừng ở bờ Tây nước Mỹ (FB Sam Carana). – Cháy rừng khiến ít nhất 25 người chết, hơn nửa triệu dân Mỹ được lệnh sơ tán (PLVN). – 26 người chết, hàng chục người mất tích vì cháy rừng ở Bờ Tây nước Mỹ — Cháy rừng Oregon: ‘Ngoài trời hầm hập như đứng gần đống lửa’ (VOA).