Nhân ngày Quốc tế Từ thiện 5/9: Giá trị của việc làm từ thiện

Kim Anh

7-9-2020

Nếu cho người khác một con cá, bạn sẽ chỉ nuôi sống người đó một ngày. Còn nếu dạy anh ta cách câu cá, bạn sẽ nuôi sống anh ta cả đời“. Câu ngạn ngữ của người xưa được phát biểu ngắn gọn rằng: “Giúp cần câu chứ không cho con cá”.

Giúp đỡ ai đó bằng cách làm từ thiện thì không giải quyết được nạn nghèo đói và chậm phát triển. Câu nói trên được xem như kim chỉ nam của các ngành Công tác Xã hội và Phát triển Cộng đồng, trở thành những ngành học mới được công nhận và được dạy trong các trường đại học ở Mỹ, Tây Âu…

Các việc làm thiện nguyện dần được xem như một nghề chuyên môn, có bài bản, có khoa học, có tổ chức. Những đoàn thiện nguyện đến với một cộng đồng nghèo khó không phải để phân phát đồ cứu trợ nữa, mà để làm tác nhân, khơi dậy tiềm năng và nội lực của chính địa phương ấy, giúp họ nhanh chóng tiến tới tự lực, tự phát triển để vươn lên, thoát nghèo.

Một triết lý hành động như thế kể cũng hợp lý, chính đáng và khôn ngoan. Nhưng thực tế thì kết quả không luôn luôn tốt đẹp như dự kiến. Lý thuyết nêu trên là đúng, nhưng chỉ hoàn toàn đúng khi cộng đồng được trợ giúp bước đầu ấy sẽ phát triển theo hướng tự cung tự cấp. Họ sẽ tự nuôi sống được bản thân họ. Ăn no mặc đủ trước đã, rồi thì sự phát triển sẽ dần đến sau.

Triết lý ấy không còn đúng nữa, khi mà một trào lưu mới cũng ra đời: Nền kinh tế toàn cầu hóa! Cộng đồng địa phương kia không còn được độc lập nữa, do đó cũng không còn tự do. Họ bị cuốn vào guồng máy khổng lồ của một trật tự kinh tế thế giới kiểu mới, phải trở thành một bánh răng trong guồng máy ấy.

Các quốc gia nghèo phải nai lưng sản xuất , làm ra những sản phẩm mà họ không thực sự cần; trái lại, là những thứ mà các đại công ty xuyên biên giới đặt hàng. Như vậy, lệ thuộc vẫn hoàn lệ thuộc, nghèo đói lại hoàn đói nghèo. Vẫn là làm công, và sự phát triển cộng đồng lại tùy thuộc vào lòng “hảo tâm” của các đại gia, của các tập đoàn tầm cỡ quốc tế.

Lòng hảo tâm đương nhiên là rất hiếm hoi trong một trật tự kinh tế/ chính trị toàn cầu mà lợi nhuận là mục tiêu trên hết, là thước đo mọi tiêu chuẩn! Những tổ chức thiện nguyện quốc tế, bởi đã biến thành những ngành nghề, cũng bị cuốn vào guồng máy lợi nhuận ích kỷ vô hồn ấy: Rốt cuộc cũng thấy hiện tượng biển thủ, tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Các nước giàu, nhờ có các đại tập đoàn giàu, thò tay vào mua chuộc, thao túng, chi phối, điều khiển các tổ chức thiện nguyện thuộc Liên Hiệp Quốc, đó là một ví dụ đáng buồn.

Hóa ra triết lý “cho cần câu” lại trở thành trớ trêu, vì người giàu không tặng người nghèo cái cần câu mà chính người nghèo cần, trái lại, là cần câu làm lợi cho người giàu. Người nghèo cứ đi câu đi, nhưng phần ngon nhất của những con cá câu được sẽ lại thuộc về người giàu!

Điều ấy không chỉ xảy ra trên bình diện quốc tế mà cả trong từng quốc gia nữa. Nước Mỹ chẳng hạn, cường quốc số một của thế giới, cũng là một trong số ít quốc gia khai sinh ra cả Chủ nghĩa Toàn cầu hóa lẫn hai ngành học Công tác Xã hội và Phát triển Cộng đồng. Hãy xem cần câu mà thiểu số giàu có trao cho giới nghèo, giới da màu thiểu số, giới công nhân thợ thuyền ở Mỹ… rốt cuộc, họ sẽ câu con cá về cho ai?

Thế giới bỗng nhận ra rằng, việc Từ Thiện vẫn còn nguyên giá trị. Cho là cho không. Cho là cứu giúp. Cho là vì người ta đang đói, đang cùng cực, đang hoạn nạn, đang bệnh tật, đang mất cửa mất nhà vì chiến tranh, vì thiên tai… Phải cứu người ta đã; phải giúp vô điều kiện để trước hết người ta có thể sống cho ra con người, xứng với phẩm giá làm người.

Nói là “cho”, nhưng thật ra đó là lẽ công bằng, vì tình trạng nghèo đói, dịch bệnh, thiên tai và chiến tranh xảy ra ở các nước nghèo, các nước giàu cùng các tập đoàn kinh tế/ chính trị hùng mạnh không hề vô tội. Trong thế giới toàn cầu hóa này, không thể nói mình chẳng có trách nhiệm gì trước những tai ương xảy đến cho các nước nghèo.

Năm 2012, Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết chọn một ngày làm ‘Ngày Từ Thiện Quốc Tế’, mục đích để nâng cao nhận thức chung của loài người về giá trị và sự cần thiết không thể thiếu của các hoạt động từ thiện, đồng thời cố tạo dựng những cơ sở pháp lý, tổ chức, mối liên kết cần thiết cho mọi hoạt động từ thiện trên khắp hoàn cầu.

Ngày được chọn là ngày 5 tháng 9 hàng năm. Đó là ngày qua đời của một phụ nữ lạ lùng. Một người đàn bà nghèo khó, nhỏ bé, âm thầm lặng lẽ như vô danh, nhưng đã làm cho cả thế giới phải biết đến và nghiêng mình kính phục. Đó là một phụ nữ lưng còng sát đất vì gần như suốt cuộc đời là rạp mình xuống chăm sóc hầu hạ những người khốn cùng nhất, bị bỏ rơi nhất, bị gạt ra bên lề nhất trong cuộc phát triển tưởng như rực rỡ lấp lánh của nền văn minh này. Một nữ tu mà cả thế giới muốn kêu bà là Mẹ, bởi bà liên tục kiên trì làm việc từ thiện hàng chục năm qua bằng con tim của người mẹ: Mẹ Têrêsa Calcutta!

Người phụ nữ nhỏ bé ấy nói: “Những người mà chị em chúng tôi chăm sóc hàng ngày thì thậm chí không còn đứng nổi để cầm lấy cần câu nữa. Vì vậy chúng tôi phải đem cá đến cho họ đã. Khi họ đứng vững được rồi thì họ mới cầm nổi cần câu mà quý vị muốn tặng cho“.

Ảnh minh họa ngày Quốc tế Từ thiện. Nguồn: Jagran Josh

***

Đại dịch Covid-19 càng làm cho chúng ta thấy rõ giá trị của việc từ thiện. Nếu loài người không cứu nguy – một cách cấp kỳ và vô điều kiện – cho bất cứ một cộng đồng dù ở góc xó nghèo nàn nào của thế giới, như các làng nghèo ở Ebola chẳng hạn, như các khu ổ chuột ở Vũ Hán chẳng hạn, thì chẳng mấy chốc dịch bệnh sẽ lan ra toàn thế giới. Lửa một khi bùng lên ở bất cứ xóm nhà lá nào trong ngôi làng Trái Đất này, thì rất nhanh, xóm nhà lầu cũng sẽ bốc cháy!

Nhìn lại quê hương Việt Nam, chúng ta có thể vui mừng vì lòng từ thiện của dân mình thuộc vào hàng khá trên thế giới. Nhưng có lẽ chưa đủ. Chúng ta mong ước nâng cao Dân Trí. Chúng ta sốt ruột muốn chấn hưng Dân Khí. Nhưng đừng quên điều vô cùng căn bản là Dân Sinh.

Cho nên trong mọi cách “đấu tranh” cho đất nước, thiết nghĩ điều vô cùng cần thiết là những công việc từ thiện, sao cho không để người dân nào trong đất nước chúng ta bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề, bị thiếu ăn thiếu mặc, thiếu thuốc men chữa bệnh và thiếu học hành.

Chúng ta có đứng vững trước ngoại xâm, trước dịch bệnh, hay cả trước những “nội thù” như độc tài, tham nhũng, bất công… hay không, là tùy thuộc ở chỗ mỗi người dân đều cảm thấy mình được quan tâm đùm bọc trong tình đồng bào hay không.

Càng nhiều người dân biết rằng mình luôn được cộng đồng yêu thương nâng đỡ, thì sẽ càng nhiều người dân dám dấn thân cho sự phát triển và hy sinh cho sự an nguy của cộng đồng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. https://i.pinimg.com/474x/68/57/77/68577740bddb9e3aeac2a7491b3c9b4b.jpg
    Vương phi xứ Wales – Diana bên cạnh những trẻ em Phi châu nạn nhân chiến tranh

    TẤM LÒNG NHÂN ÁI, xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh là những gì người đời sau kể
    lại khi nhắc đến vị Vương phi xứ Wales – Diana lừng lẫy Một Thời

    https://i.pinimg.com/474x/fb/e1/50/fbe15031ac6e7f6256e7d2dc71428bd1.jpg
    Vương phi Diana bên cạnh MẸ Theresa BIỂU TƯỢNG TÌNH YÊU, BÁC ÁI và HOÀ BÌNH

    BẤM VÀO dưới XEM TIẾP
    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=198&idpays=12258

    Our Noble and Fair Princess’ Last Words TẤM LÒNG NHÂN ÁI, xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh…
    ******************************
    Thế mới đó lại vừa tròn 23 Năm !!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây