Nguyên Ngọc
18-7-2020
Trường Sơn có những ngọn núi vòi vọi. Có hôm leo lên một đỉnh thật cao, chúng tôi đứng lặng nhìn về hướng Đông và thấy đồng bằng. Một dải đồng bằng mờ ảo, như trong mơ. Những đụn cát dài tít tắp, trắng mờ. Rồi biển, không cùng, xanh như thực như hư… Đồng bằng đấy!
Và chúng tôi khóc.
Mỗi một chút dấu hiệu nhỏ của đồng bằng cũng khiến chúng tôi háo hức, quý hơn vàng. Ngày ấy trên cả vùng căn cứ rừng núi Tây Quảng Nam – Quảng Ngãi chúng tôi, có một người phụ nữ đồng bằng duy nhất, chị trốn chính quyền miền Nam ở địa phương, lên được tới căn cứ, làm người “phục vụ”, nấu ăn ở cơ quan tỉnh Quảng Nam. Cho phép tôi không nói tên thật của chị. Ngày ấy hình như đâu đã quãng xấp xỉ 30. Không đẹp, nhưng gọn ghẽ, nở nang. Theo chỗ tôi được biết, ít ra cũng có đến hàng trăm người yêu chị. Người kín đáo, kẻ vồ vập, cũng không ít anh chàng sỗ sàng. Thú thật chính tôi, tôi cũng có ghé qua chỗ chị mấy lần, để được thèm khát nhìn ngắm một dáng con gái đồng bằng, thèm khát nghe một giọng nói đàn bà đồng bằng. Chị sinh hai cháu, đều không biết bố là ai. Tất cả chúng tôi đều nâng niu hai cháu, dành cho hai cháu tất cả những gì chúng tôi có thể có được, và đều giữ nguyên lòng quý trọng đối với chị. Sau này chị… tự vẫn, hình như vì một chuyện tình duyên oái ăm nào đấy và vì cái lối phê bình kiểm điểm thô bạo của một viên cán bộ phụ trách. – Tao sẽ bắn chết thằng ấy! – Một người lính nói với tôi khi nghe cái tin đau đớn ấy.
Xa hơn về phía Nam, trên khu căn cứ tỉnh Gia Lai bấy giờ cũng có một người phụ nữ đồng bằng duy nhất như vậy, tên là Yên. Chị nổi tiếng cho đến nỗi về sau trên các bản đồ quân sự của cơ quan tham mưu ta, cả trên một tấm bản đồ quân sự của Mỹ tôi có lần bắt được, đều có ghi rõ địa danh “Dốc bà Yên”, đúng cái tọa độ nơi có cái lán tăng gia sản xuất của chị một thời…
Nỗi khát khao đồng bằng của chúng tôi ngày đó da diết là vậy.
…Tôi làm rẫy ven sông Nước Là, một nguồn nhỏ của sông Thu Bồn, được mấy tháng, thì Khu 5 bắt đầu “mở” đồng bằng. Chúng tôi vứt tất cả, lao xuống ngay.
Cái xóm đồng bằng đầu tiên ở Khu 5 được giải phóng là xóm Tứ Mỹ, thuộc xã Kỳ Sanh, huyện Tam Kỳ. Thực ra chỉ là một rẻo thung lũng bé tí tẹo, mươi nóc nhà, bán sơn địa, sơn nhiều hơn địa, một chút xíu đồng bằng đầu tiên len vào chân núi Trường Sơn. Nhưng đã có ruộng lúa nước, có cày trâu, có người Kinh, có dân, một nhúm đúng 28 người. Thế là đồng bằng rồi. Quý hơn tất cả mọi thứ trên đời. Chúng tôi say sưa gọi nào “bài học Tứ Mỹ”, “kinh nghiệm Tứ Mỹ”, “tổng kết Tứ Mỹ”, nào “ngọn cờ Tứ Mỹ”… Tận ngoài Trị Thiên cũng cử đoàn cán bộ vào học.
Phan Tứ vào trước tôi mấy tháng nhạy bén bám ngay Tứ Mỹ, anh làm một cái chòi nhỏ trụ ngay trên sườn dốc giữa cái thôn nửa núi ấy, bà con gọi anh là Ông Bốn Gương, anh cận thị nặng đeo kính dày cộp (ngày ấy các “nhà văn” miền Nam tập kết ra Bắc phải được đích danh một đơn vị nào đó từ chiến trường điện ra xin mới được cho đi Nam. Phan Tứ được tỉnh ủy Quảng Nam xin và về thẳng Quảng Nam). Tôi vừa phát xong phần rẫy của mình để làm nhiệm vụ “tồn tại”, cũng liền lao xuống Tứ Mỹ, cùng anh Nguyễn Văn Bổng. Anh Bổng được Trung ương cục gọi vào Nam Bộ, trên đường đi anh xin phép ghé lại thăm Khu 5 một chút. Khi hai chúng tôi đến chỗ Phan Tứ thì từ Tứ Mỹ ta đã nống thêm ra được một thôn rưỡi thật sự là đồng bằng, thôn 7 và một nửa thôn 8 của xã Kỳ Sanh. Tuy nhiên giữa thôn 7 vẫn còn một cái đồn, gọi là cao điểm 65, bị du kích vây chặt. Chúng tôi có thể đi lại trên cánh đồng ban ngày nhưng phải cải trang, ăn mặc nông dân, đội nón lá, vác thêm cây cuốc. Phan Tứ thì quen gánh một đôi bầu, tức một loại thúng ở vùng Quảng Nam, đan băng tre cật, trát dầu rái và có nắp đậy, thường là của dân đi buôn xa. Hôm đón anh Nguyễn Văn Bổng và tôi xuống, Phan Tứ gánh về đôi bầu ấy, chúng tôi lục ra: một túi đậu xanh, mấy bát đường đen quấn rơm, và hai cái chai, một chai dầu lửa một chai rượu. Tối, Phan Tứ đãi chúng tôi một bữa chè đậu xanh, ngon tuyệt. Và đương nhiên phải có rượu. Đèn đuốc lèm nhèm, Tứ lại cận thị nặng, anh rót cho anh Bổng một chén dầu lửa, anh Bổng lỡ nuốt luôn một ngụm. Tôi bảo không sao đâu, anh nhớ không, ở quê mình người ta vẫn uống dầu lửa chữa đau bụng mà!…
Hai chúng tôi ở Tứ Mỹ, Kỳ Sanh được mươi hôm, ngày có thể vào làng sống với dân, nhưng đêm phòng bọn cao điểm 65 có thể bất ngờ tập kích, chúng tôi thường cùng đám du kích vài chục cô cậu đều trẻ măng kéo lên treo võng ngủ trong một khu rừng mít phía Tây thôn 7. Nào đâu có ngủ được, con trai con gái treo võng nằm lẫn lộn, rì rầm nói chuyện suốt đêm. Anh Bổng bảo: Chà, cách mạng miền Nam lãng mạn gớm he! Tôi nhớ trong đám nữ du kích có một cô có lẽ nhỏ tuổi nhất, năm ấy chắc chừng 15, 16, khá xinh, gọn ghẽ săn chắc, cái săn chắc của con gái quê xứ Quảng vùng bán sơn địa, lại đang tuổi dậy thì, tôi chỉ biết tên là Cô Út…
Sau Tứ Mỹ – Kỳ Sanh, anh Bổng trở lên “đường dây”, tức đường giao liên Bắc-Nam, đi thẳng vào Nam Bộ. Tôi chuyển ra vùng Phước Tiên, Phước Lãnh là hai xã thuộc huyện Tiên Phước mới được mở ra thêm, rồi cùng tiểu đoàn 70 của Quảng Nam tham gia chiến dịch vượt sông Tiên đánh xuống giải phóng ba xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, thường được gọi tắt là vùng Sơn-Cẩm-Hà, vốn là một căn cứ nổi tiếng từ thời Cần Vương. Sau đó, tôi đi ra vùng Bắc Quảng Nam, chỉ có dịp trở lại Tứ Mỹ một lần, rất thoáng qua. Phan Tứ thì trụ riết ở Tứ Mỹ, Kỳ Sanh. Anh “lót ổ” ở đấy, mãi sau này mới biết theo nhiều nghĩa. Chính ở đấy anh viết tập truyện ngắn Về làng và tiểu thuyết Gia đình má Bảy.
Tứ quê gốc Quảng Nam nhưng lại sinh và học tiểu học ở Quy Nhơn, vì cụ Lê Ấm bố anh, con rể cụ Phan Châu Trinh, dạy toán ở Collège Quy Nhơn; nghe nói khi học Collège Quy Nhơn Chế Lan Viên vốn kém toán nên rất sợ thầy Lê Ấm, tuy vậy khi viết Điêu tàn năm 17 tuổi anh học trò sớm tài hoa ấy vẫn rụt rè mang lên tặng ông thầy toán nghiêm khắc của mình môt bản!… Sau Cách mạng tháng Tám Phan Tứ mới về Quảng, cùng tôi đi học trường trung học kháng chiến ở Cẩrm Khê, rồi cùng vào trường Lê Khiết ở Quảng Ngãi thi diplôme. Năm ấy học trò Quảng Nam đi thi diplôme ở Lê Khiết chỉ có ba anh đỗ, Phan Tứ đỗ đầu, tôi thứ ba, Nguyễn Lương Ý đỗ thấp hơn. Nguyễn Lương Ý là một “nhân vật” của Quảng Nam, nghe nói sau đó anh cùng em ruột Nguyễn Lương Y vào hoạt động ở Sài Gòn và đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm sát hại. Thật ra còn một nhân vật Quảng Nam thứ ba nữa, cũng là bạn thân của tôi và Phan Tứ: Khương Thế Xương, con trai đầu của cụ Khương Hữu Dụng, quê Hội An. Hai chúng tôi cùng học với nhau từ lớp Đồng ấu – tức lớp một bây giờ – cho đến nửa năm thứ hai trung học. Khi chiến tranh bùng nổ, gia đình cụ Dụng tản cư, cất một cái quán cà phê trên đỉnh Đèo Le, rất thơ mộng, lại thêm mấy cô con gái đang lớn nên quán càng nổi tiếng; sau cụ chuyển vào Sông Vệ, Quảng Ngãi, một thị trấn tản cư khá đông đúc, nơi có trường Lê Khiết. Chúng tôi lại gặp nhau, ba chàng trai xứ Quảng. Tôi vẫn là anh chàng lơ mơ, học giỏi cả toán (với thầy Hoàng Tụy) cả văn, nhưng hầu như chưa biết quan tâm gì chính trị, lại đang bắt đầu một mối tình vừa sâu sắc và đẹp nhất đời vừa rồi chẳng đến đâu cả. Tứ và Xương “giác ngộ” xã hội và chính trị sớm hơn tôi, nhưng là “giác ngộ” mỗi anh một khác. Ở Xương mọi sự đều tự nhiên hơn, anh thông minh, tài hoa, đồng thời sớm chín chắn. Gia đình cụ Dụng là một gia đình rất gia giáo và gia trưởng. Trong nhà Xương là anh cả, đàn em đông đúc răm rắp. Nhưng Xương chín chắn mà nhẹ nhàng, hồn nhiên. Một hôm Xương đưa cho tôi bài thơ dài, một bản trường ca bằng tiếng Pháp La fosse commune (Hố chôn chung) của một nhà thơ cộng sản Nam Tư tôi không còn nhớ tên, viết về tội ác của phát-xít Đức trên đất Nam Tư hồi thế chiến II, không biết ai đưa cho Xương, có thể là anh Việt Phương bấy giờ đã là thư ký riêng của ông Phạm Văn Đồng được Trung ương phái vào phụ trách toàn miền Nam. Đấy là tác phẩm cộng sản đầu tiên tôi được đọc. Bài thơ thật hay, tôi thậm chí thuộc lòng từng đoạn dài, nhưng hình như về mặt chính trị nó chưa tác động vào tôi nhiều, tôi thích thơ hay là chính. Xương cũng đỗ diplôme năm ấy nhưng thứ hạng không cao, tôi có cảm giác anh chẳng cần. Nhớ đêm trước hôm thi, Xương rủ tôi về nhà, hai anh em lụi cụi đi rang cà phê, rồi xay, rồi pha, rồi khề khà nhấm nháp, quyết thức cả đêm nay để ôn bài. Nhưng khi pha xong, uống xong, thì đều mệt quá, lăn ra ngủ thẳng một giấc đến sáng bạch. Thời đó còn thi đủ các môn, học gì thi nấy, cả viết và vấn đáp; đến lúc vấn đáp môn traduction dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, gặp từ lime tôi biết rõ đó là cái dụng cụ bằng sắt nhám dùng để mài các thứ cho nhẵn ra nhưng cứ láng máng không tài nào nhớ trong tiếng Việt gọi dụng cụ đó là cái giũa, tôi bèn lấy ngón tay mài mài vào mép bàn làm hiệu, bị thầy Chuyết cho điểm thấp nên chỉ đỗ được thứ ba, nhường thứ hai cho chị Trầm, con gái ông Nguyễn Vỹ hiệu trưởng. Khương Thế Xương đỗ thấp vì khi vấn đáp môn Vệ sinh (vâng, có cả thi môn Vệ sinh, Hygiène), thầy hỏi về bệnh ghẻ, anh có học hành gì đâu, đáp bị ghẻ thì tắm lá xoan, đúng quá đi chớ, nhưng bị thầy cho 2 điểm…
Ôi một thời học trò của chúng tôi, dầu bấy giờ đã chiến tranh!
Thật tình tôi thích Xương hơn Tứ. Xương trưởng thành sớm mà vẫn trong trẻo, và theo tôi điều này mới là quan trọng: anh chín chắn, sớm sâu sắc, mà vẫn “mềm”, cả trong cách sống và tư duy. Tứ thì sớm quy củ, bài bản, và “cứng” quá, người như thế rất dễ vướng giáo điều…
Sau diplôme chúng tôi học ban tú tài, bấy giờ gọi là chuyên khoa, nhưng khu 5 chỉ có chuyên khoa toán lý hóa. Được nửa năm thứ nhất, một số xin ra học trường Huỳnh Thúc Kháng ở Khu 4 (ba tháng leo núi Trường Sơn), ngoài ấy có nhiều chuyên khoa hơn. Trong số bạn cùng lớp ra đi năm ấy tôi nhớ có Phan Tứ, Khương Thế Xương, Mai Kỹ… Nhưng cũng chỉ được mấy năm. Đến 1950 bỗng có lệnh “Tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Một cái lệnh như thế giữa chiến tranh thì cũng bằng một cuộc tổng động viên. Trai tráng cả nước rùng rùng nhập ngũ. Học trò Khu 4 Khu 5 chúng tôi đều bỏ trường, hát vang Xếp bút nghiên, xung phong vào bộ đội…
…Giữa năm 1952, trung ương gửi cho Khu 5 một đại đội sĩ quan vừa tốt nghiệp phân hiệu lục quân Trần Quốc Tuấn Khu 4. Chúng tôi lại gặp nhau, Khương Thế Xương, Phan Tứ lại trở về. Phan Tứ đi Lào, từ đó mà về sau anh có hai tiểu thuyết Bên kia biên giới và Trước giờ nổ súng. Khương Thế Xương làm trung đội trưởng ở trung đoàn chủ lực 803. Xương chỉ đánh có hai trận. Trận thứ nhất đã được đánh giá là một cán bộ quân sự đầy triển vọng. Trận thứ hai, đánh đồn Tú Thủy ở mạn An Khê, trên đường từ Bình Định lên Tây Nguyên, nổi tiếng kiên cố và ở một vị trí hiểm yếu. Năm 1947 trung đoàn trưởng người Tày Vi Dân đã đánh một trận huyết chiến kỳ lạ ở đó. Vi Dân chủ trương “hạ nhất cấp”, trung đoàn trưởng xuống làm tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng làm đại đội trưởng, cứ thế, một trận đánh không có chiến sĩ binh nhì. Nhưng bị lộ. Hy sinh gần hết, nghe nói chỉ còn một người sống sót. Đánh đồn là đánh địch trong công sự vững chắc, và một khâu quan trọng nhất là “mở cửa đột phá”. Trong điều kiện binh khí kỹ thuật của ta thời ấy, chỉ có thể “mở cửa” bằng bộc phá. Xương làm trung đội trưởng bộc phá, một vị trí thường nắm chắc đến tám chín mươi phần trăm hy sinh. Lần này tiêu diệt được đồn, nhưng Xương mãi mãi nằm lại Tú Thủy. Cho đến nay tôi vẫn nghĩ, với Khương Thế Xương chúng ta không chỉ mất một cán bộ quân sự có thể rất xuất sắc, còn mất một nhà văn chắc không chỉ ở tầm chúng tôi. Tôi biết ngay hồi cùng đi học ở Quảng Ngãi, Xương đã có làm thơ, đã là thơ nói chí hướng, mà vẫn mềm mại hồn nhiên. Hiếm lắm ở đời những tâm hồn rắn rỏi và vẫn nhẹ nhàng mát rợi. Tôi thường nghĩ và so sánh Xương với Phan Tứ.
Thoạt nhìn có vẻ con đường đi của Khương Thế Xương và Phan Tứ là khá gần nhau, nhưng kỳ thực đấy là hai tính cách khác hẳn, thậm chí đối lập. Tôi vẫn tin cái học thuyết rất “phản động” mà lại rất sâu sắc của anh Vũ Cao, sai với ông Mác nhưng đúng y với cuộc đời: Con người là không cải tạo được, trời sinh, trước sao sau vậy.
Phan Tứ đi học, lớn lên, làm việc, viết bao giờ cũng hết sức tỉ mỉ, cẩn thận, cần cù, bao giờ cũng nghiêm trang trong mọi việc, mọi giao tiếp, tuyệt đối không bay bướm lang thang lêu lổng như tôi, gần như không biết đùa suốt đời. Đến một mẩu thư nhỏ gửi cho bạn, cho vợ – nếu là báo cáo lên cấp trên thì càng đương nhiên rồi –, bao giờ cũng sao thành hai bản, một gửi đi, một lưu lại làm bằng, đố sau này anh nào cãi được. Cẩn thận đến mức trước mỗi chuyến đi hơi xa một chút, đi máy bay thì càng phải cẩn thận hơn, đều gửi lại một phong bì trong có lời dặn dò tỉ mỉ – gần như là… di chúc vậy – nếu chẳng may anh có gặp tai nạn thì việc này việc nọ giải quyết ra sao, vật này vật khác giao cho ai, chia cho ai. Anh tính toán cặn kẽ trước mọi thứ, cuộc sống là một kế hoạch hoàn chỉnh “lập trình” chính xác cho vào máy ngay từ đầu, cứ thế mà diễn ra. Tứ có một cái túi dết tùy thân, ở rừng cũng như sau này về thành phố vẫn còn nguyên – một cái kho vạn năng, gặp bất cứ tình huống nào đều có ngay dụng cụ ứng phó: các loại thuốc cấp cứu, bông băng, cây kim, chỉ đen, chỉ trắng, chỉ màu, tua-nơ-vít và lắc-lê, cây dùi đóng vở, các loại bút xanh đỏ, các thứ dây từ treo võng cho đến trói tù binh, dao cạo râu và dao nhỏ mà mổ được lợn, v.v. và cái be rượu. Ở Matxcơva, đâu quãng gần ga tàu điện ngầm Universitet thì phải, có cái cửa hàng bách hóa tên là “1001 mặt hàng”, chắc chắn còn thua xa cái túi dết thần thông của Tứ.
Đố ai làm được cho Tứ bất ngờ. Có lần tôi hỏi đùa:
– Sống mà không thỉnh thoảng bị bất ngờ thì buồn quá, ông ạ. Thế trong đời ông bị cú tình yêu “sét đánh” bất ngờ nào không?
Tứ không trả lời. Cũng không cười.
Anh viết văn cũng vậy. Ghi chép vô cùng khách quan, siêng năng, tỉ mỉ. Chuyện gì, việc nào, người nào, vặt vãnh đến đâu cũng ghi. Sổ tay ghi chép hàng đống, đánh số cẩn thận 1, 2, 3, 4… cho đến vô tận. Anh quan niệm, đúng như ông Balzac: nhà văn là người thư ký của thời đại. Thư ký thì việc gì cũng phải ghi đầy đủ, nguyên xi. Lại thêm, gọi là để giữ bí mật, anh thường ghi chép bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Lào… cứ như Mỹ và chính quyền Sài Gòn mù tịt các thứ tiếng thông thái ấy… Nguyễn Khải, vốn hay ác mồm, bảo đọc, cứ như sổ tay bà nội trợ đi chợ mua rau…
Thôi thì mỗi người có cách sống và làm việc, viết của mình, nên tôn trọng.
Phan Tứ và tôi có một trận cãi nhau dữ, đâu quãng giữa năm 1963 hay đầu 64, trong một hội nghị bàn về việc giải phóng đồng bằng họp ở Kỳ Quế huyện Tam Kỳ (cái làng ấy nay đã bị đánh chìm xuống đáy hồ nước Phú Ninh, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Nam). Số là để tiếp tục mở rộng đồng bằng có hai phe, chủ trương hoàn toàn ngược nhau: Hoặc dùng lực lượng vũ trang tương đối lớn, có tiểu đoàn, trung đoàn, từ trên núi đánh xuống, phá vỡ từng mảng của địch không lớn lắm, chừng vài ba xã, mở ra đến đâu “be bờ đắp đập” giữ chắc đến đó, củng cố bên trong cho thật vững, rồi hẵng lần lượt mở tiếp từng mảng khác. Mở ra ở Phước Lãnh, Phước Ngọc, rồi mảng Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà chính là theo cách đó. Phái thứ hai cho rằng làm thế là rị mọ, bảo thủ, “đến tết Công-gô” cũng chưa giải quyết xong được đồng bằng. Họ chủ trương dùng một số mũi nhỏ thật nhọn, tinh nhuệ, cỡ tiểu đội, len lỏi bất ngờ thọc sâu vào lòng địch, đến sát vùng ven biển, khuấy động, hút chủ lực địch về hướng ấy, trong khi ở phía Tây trên quốc lộ số 1, dùng lực lượng mạnh, đánh, mở ra từng mảng lớn. Trận đánh thọc sâu của “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc” nổi tiếng một thời là vậy …
Cãi nhau gay gắt, đập bàn đập ghế, đỏ mặt tía tai, truy chụp gán ghép cho nhau đủ thứ quan điểm lập trường, sao thời nào cũng giống nhau quá thế nhỉ, phe thứ nhất chửi phe thứ hai là phiêu lưu mạo hiểm, tả khuynh, thậm chí có tính cách “tờ-rốt-kít”, phe thứ hai mắng phe thứ nhất là hữu khuynh, giáo điều, bảo thủ trì trệ, quân sự đơn thuần…
Phan Tứ thuộc nòng cốt của phe thứ nhất. Còn tôi, vẫn quen thói, tôi thuộc phe “phiêu lưu mạo hiểm”.
Cãi chán không ngã ngũ, cuối cùng thỏa hiệp: áp dụng kết hợp cả hai phương thức một lúc…
Nhưng rồi cuộc sống đã có câu trả lời riêng của nó: hóa ra phe “phiêu lưu mạo hiểm” đúng hơn. Đánh từ vùng sâu ngược lên, quả địch bị bất ngờ vỡ tan từng mảng lớn, quần chúng ào ào đứng dậy, đồng bằng mở toang ra. Ngày ấy Phan Đình Côn, anh chàng nhà thơ vô cùng luộm thuộm và mất sớm của chúng tôi mang được ở đâu về cho tạp chí Văn nghệ quân khu bài thơ thống thiết của một anh lính vô danh:
“… Ngày mai bờ biển sẽ về ta
Muối Sa Huỳnh bạc ánh sao sa
Ta nằm trong muối, lăn trong muối
Xát khắp toàn thân thật mặn mà!…”
Chúng tôi thèm đồng bằng đến thế đấy. ..
Bọn trẻ ranh rất hiếu thắng chúng tôi tha hồ chế giễu cánh “bảo thủ”…
Không chỉ bọn trẻ ranh, đứng về phe chúng tôi còn có một nhân vật quan trọng và từng trải: anh Nguyễn Phú Soại, phó bí thư tỉnh Quảng Ngãi, vốn ở lại trong Nam từ sau 1954. Cùng phe nên thân nhau ngay. Cho tôi dừng lại một chút về câu chuyện của anh Soại. Hóa ra trước 1945, anh Soại từng học một trường trung học tư tên là trường Việt Anh ở Huế, và là học trò của anh Thanh Tịnh. Biết tôi vốn từ chỗ anh Thanh Tịnh vào, anh bảo tối hai anh em treo võng sát nhau, anh rì rầm kể chuyện. Chuyện rất lạ. Sau thời dạy Việt Anh, anh Thanh Tịnh ra Hà Nội, thuộc nhóm những cây bút trẻ chịu ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ cuối năm 1946, anh bị kẹt lại ở miền Bắc, nên tham gia kháng chiến ở Việt Bắc, để lại ở quê hương Huế người vợ và cô con gái tên là Mỹ Lý. Có cả một thế hệ từng đọc say mê tập truyện ngắn Quê mẹ đẹp như thơ của Thanh Tịnh, và “biết”, nhớ, da diết như nỗi nhớ của chính mình, về cái ga xép bé tí và cô đơn được Thanh Tịnh tả tuyệt hay trên con đường xe lửa thăm thẳm Bắc Nam đoạn qua xứ Huế, tên là ga Mỹ Lý. Thì ra Mỹ Lý là tên con gái của anh Thanh Tịnh. Những năm tháng ở Hà Nội tôi biết anh vẫn dành một phần lương bộ đội còm cõi hằng tháng, âm thầm mua những tấm lụa Hà Đông, gói rất kỹ đợi ngày thống nhất mang về cho con gái Mỹ Lý…
Còn ở trong Nam? Nên nhớ cuộc chiến tranh của chúng ta là cuộc chiến dằng dặc 30 năm, trong đó riêng đánh Pháp đã mất 9 năm. Khoảng cuối 9 năm mỏi mòn ấy chị vợ anh Thanh Tịnh đã đi bước nữa, lấy một người thời đó còn là viên chức của Pháp. Đến triều Ngô Đình Diệm, anh ta được điều về làm tỉnh trưởng tỉnh Quảng Ngãi, nơi anh Nguyễn Phú Soại đang là phó bí thư tỉnh ủy bí mật. Bằng những con đường rất quanh co, phức tạp, cả mạo hiểm nữa, anh Soại bắt được liên lạc với chị, và chị đã trở thành cơ sở của anh. Anh Soại bảo qua chị anh còn có thể tác động ít nhiều đến chồng chị lúc bấy giờ đang là tỉnh trưởng. Mối liên lạc đó kéo dài cho đến lúc anh ấy đổi đi. Mà lại là đổi vào Bến Tre. Hồi đó Quảng Ngãi ở miền Trung và Bến Tre ở miền Tây Nam Bộ khét tiếng là hai tỉnh cộng sản đầu sỏ và “dữ” nhất, tỉnh trưởng của chính quyền Sài Gòn ở đấy hẳn phải loại chống cộng số một… Tôi hỏi anh Soại tôi có nên báo chuyện này cho anh Thanh Tịnh không, anh bảo theo anh là nên, chị ấy là người rất tốt, đã giúp được cho công việc của anh khá nhiều; ngay cả anh tỉnh trưởng chồng chị cũng là người khá, tất nhiên cần hiểu hoàn cảnh của anh ấy, không nên đòi hỏi ở anh ấy nhiều hơn…
Anh Nguyễn Phú Soại về sau lại chuyển sang ngành ngoại giao, anh làm đại sứ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hà Nội mấy năm (Việt cộng đóng kịch vốn cực giỏi). Rồi anh đi làm đại sứ ở Hungari. Tôi có lần sang Hung, giữa thủ đô Budapest hoa lệ (Budapest vẫn được gọi là petit Paris, Paris nhỏ ở Trung Âu), hai anh em ngồi bên sông Danube, hai người lính già lần này không cùng nhau “kể mãi chuyện Nguyên Phong” nữa, mà tâm sự chuyện đời, biết bao éo le lạ lùng đến khó tin…
Sau năm 1975, anh tỉnh trưởng Quảng Ngãi và Bến Tre đi Mỹ, nhưng chị ấy thì vẫn ở lại, chị có ra Hà Nội và gặp anh Thanh Tịnh, nhà tôi ở cạnh nhà anh Thanh Tịnh tại phố lính Lý Nam Đế, khu tập thể số 8, tôi có sang chào chị, người đàn bà Huế ấy dù đã tàn phai trải bao truân chuyên vẫn còn phảng phất vẻ đẹp thanh nhã riêng có của cô gái cố đô. Nhưng anh Thanh Tịnh vẫn rất đau: Mỹ Lý thương nhớ của anh đã đi Mỹ chỉ mấy ngày trước khi quân ta vào Huế. Cô bị dọa Việt Cộng vào sẽ dùng kìm rút hết móng tay vì cô có đi làm cho sở Mỹ. Anh không được gặp lại con gái lần nào cho đến khi qua đời. Những xấp lụa Hà Đông cúp cum gìn giữ bao nhiêu năm chờ đợi, không biết anh có giao cho chị không…
Cuối 1964 Phan Tứ bị gai cột sống, đầu 1965 anh phải ra Bắc, trước khi đi còn mở cái túi càn khôn của anh, trao lại cho tôi một gói băng cá nhân và lọ péniciline bột, ngày ấy quý lắm, dặn kỹ bị thương cứ rắc ngay vào, cấp cứu sau.
Phan Tứ không tham gia thời chiến tranh cục bộ và tiếp đó thời kỳ vô cùng đen tối gọi là “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam. Năm 1973, sau hiệp định Paris anh mới trở vào và có mặt trong đại thắng 75. Sau khi đã tương đối ổn định ở Sài Gòn, chúng tôi chủ trương đi khắp một tua miền Tây Nam Bộ cho biết và cũng là lợi dụng lúc này xăng dầu còn dễ xin, tha hồ chất đầy thùng phuy lên xe mà chạy khắp. Hôm ở đất mũi Cà Mau Phan Tứ cứ cởi trần trùng trục mà vùi mình ngập ngụa trong bùn lệt sệt nhão nhoẹt ở cái nơi tận cùng đất nước ấy, bảo cho hả dạ…
Sau miền Tây, chúng tôi được ông Trần Bạch Đằng triệu tập đến để phổ biến chủ trương thành lập một hội nhà văn riêng của miền Nam. Tôi và Nguyễn Chí Trung không đồng ý, đất nước vừa thống nhất rồi sao lại đi lập hai hội riêng, đều của nhà nước. Trần Bạch Đằng bảo đây là chỉ thị của Trung ương cục. Chúng tôi nói, theo chỗ chúng tôi biết, về mặt Đảng, B1 trực thuộc chỉ đạo của Trung ương ở Hà Nội chứ không thuộc Trung ương cục miền Nam, nếu có chỉ thị của Trung ương cục, xin các anh cứ làm. Chúng tôi không tham gia, và sẽ trở về Khu 5. Bấy giờ ở Nam Kỳ Trần Bạch Đằng được gọi là “Vua không ngai”, hét ra lửa. Anh em ở R vừa về thấy chúng tôi dám cãi và ông ấy thua, đều kinh ngạc. Riêng tôi để ý trong vụ này, Phan Tứ cũng gọi là trong ban lãnh đạo văn nghệ Khu 5 lại giữ thế trung lập, ầm ừ sao cũng được, khác với thái độ thông thường của anh. Không hiểu vì sao?
Tôi còn có mấy lần ngạc nhiên về Phan Tứ bạn tôi. Hôm mới vào Đà Nẵng cuối tháng 3-1975 một bữa hai anh em đi đâu đó trên hè phố ven sông Hàn, có một cậu thanh niên thành phố để cái xe máy hơi có chút ngáng đường người đi bộ, Tứ dừng lại sừng sộ gay gắt và rất trịch thượng, cậu thanh niên có lẩm bẩm cãi lại gì đó, Tứ lập tức vỗ bộp vào bao súng ngắn bên hông, thậm chí tôi nghĩ anh đã sẵn sàng rút súng ra… Cậu thanh niên vội vã xin lỗi và dẹp xe. Khi chúng tôi đã đi qua, tôi quay nhìn lại, thấy cậu nhìn theo chúng tôi, rất lạ, không phải một cách sơ sệt, mà là một cách khinh bỉ. Chuyện nhỏ mà không quên, bởi không thể ngờ.
Năm 1990 ở Đà Nẵng nổ ra một vụ án văn học ầm ĩ một thời. Nhà xuất bản Đà Nẵng in tiểu thuyết Miền hoang tưởng của một tác giả tên là Đào Nguyễn. Kỳ thực tên đầu tiên là Hoang tưởng trắng của Nguyễn Xuân Khánh, qua bao nhiêu nhà xuất bản đều không lọt, cho đến khi gặp một nhà với những người hiểu giá trị của tác phẩm, tác giả và dám chịu chơi. Sách vừa in ra lập tức bị cả một chiến dịch tấn công dữ dội, hệt thời Nhân Văn Giai Phẩm. Khởi xướng và đứng đầu là Thuận Hữu, ký bút danh Mai Lĩnh, bấy giờ là phóng viên thường trú báo Nhân Dân ở Đà Nẵng dưới quyền ông Đặng Minh Phương, anh ruột Hà Đăng; cùng người thứ hai là Phan Tứ lúc này đã là nhà văn nổi tiếng. Tiếng tăm của ông nhà văn lớn khiến mọi người ùa theo, một đám đông u mê và hỗn loạn… Kết quả người tổ chức bản thảo là biên tập viên Trần Kỳ Trung nhận kỷ luật cảnh cáo, giám đốc Nguyễn Văn Giai bị cho nghỉ hưu và cách chức. Giai về ở một ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Du, thỉnh thoảng tôi ghé qua thăm, hỏi bây giờ cậu làm gì, Giai trả lời: “Bây giờ tôi làm …thinh!”. Tôi không được biết ở những nơi khác một câu trả lời như vậy có nghĩa thế nào, chứ ở xứ quê Quảng quê tôi, nó là: Tao không thèm chấp tất cả, tao khinh bỉ và không thèm chơi nữa với tất cả chúng mày, một lũ ngu dốt xấu xa! Nguyễn Văn Giai, tôi quý anh, rất Quảng Nam!
Tuy nhiên chuyện đời còn chưa chịu, chưa thể chấm dứt ở đó. Dẫu sao rồi cũng phải có sự thật và công bằng chứ. Đúng mười lăm năm sau, 2015, Nhà xuất bản Hội Nhà văn do Trung Trung Đỉnh làm giám đốc đã cho tái bản sách, in trang trọng và đẹp, với nguyên tên cúng cơm của tác phẩm và tác giả: Hoang tưởng trắng của Nguyễn Xuân Khánh. Xuân Khánh đã rất yếu, đi đâu phải có con cháu dìu từng bước, nhưng anh vẫn viết khỏe, sức viết bền bỉ đến kỳ lạ, anh còn một loạt tiểu thuyết đều độc đáo và đặc sắc: Trư cuồng (tức Chuyện ngõ nghèo), Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa… Tây có câu châm ngôn Les manuscrits ne se brûlent pas, bản thảo là thứ không thể cháy. Thời nay cũng vậy, những người làm nghề gọi là quản lý xuất bản nên biết và nhớ câu này…
Đại hội nhà văn lần thứ ba họp năm 1983 là một đại hội rất kỳ quặc, ít nhất là về một mặt này: nếu tôi nhớ không nhầm thì hồi đó hội viên của Hội đâu chỉ trên dưới 300, vậy mà đại hội lại bầu ra một ban chấp hành đến trên 40 người. Tôi được bầu, Phan Tứ cũng được bầu. Và vì là đại hội họp sau vụ Đề dẫn tai tiếng của tôi, chắc là để trừ tiệt cho kỳ hết ảnh hưởng độc hại còn kéo dài của nó, người ta đã tổ chức một phiên hop dành riêng chủ yếu tập trung tiếp tục đấu tranh phê phán nó. Thú thật tôi không mấy quan tâm và cũng chẳng còn nhớ gì những lời lên án ghê gớm bấy giờ. Tôi cũng không hề trả lời. Tôi bắt chước ông bạn xứ Quảng Nguyễn Văn Giai của tôi. Duy tôi có để ý trong hội nghị này Phan Tứ nói rất ít, anh chỉ có đôi ý kiến không lấy gì làm gay gắt. Suốt mấy ngày họp thấy anh chỉ chăm chú ghi, không thiếu ý kiến và chi tiết nào. Trở về Đà Nẵng, anh tập họp đông đủ không chỉ các loại nhà văn (bởi vì ở ta có các loại nhà văn như thế thật, có loại nhà văn trung ương do Hội Nhà văn trung ương quản lý, lại có loại chỉ được coi là nhà văn cấp tỉnh hay thành phố do hội ở tỉnh, thành phố quản lý), anh còn mời đông đủ hội viên các hội văn học nghệ thuật và những người có liên quan ít nhiều, trịnh trọng mở cuốn sổ bình sinh của anh ra và đọc lại không sót lời nào của bốn mươi mấy vị chấp hành ở hội nghị Hà Nội. Đúng hệt các vị đại biểu đi họp Quốc hội về báo cáo cử tri. Cũng cần nói cho công bằng: anh đọc đủ cả, ý kiến đánh tôi, nhiều hơn và hung hăng hơn, và cả ý kiến bênh vực tôi, ít và rụt rè hơn…
Vâng, tôi có một anh bạn nhà văn Phan Tứ như thế.
Nhưng tôi nhầm, và điều đó là rất đáng ân hận. Còn có một Phan Tứ khác, đời hơn và đáng để ta, để tôi yêu và thương. Anh em ở trại sáng tác Đà Nẵng bảo tôi anh Phan Tứ trông hằng ngày rất mô phạm vậy, hay mắng mỏ anh em nhậu nhẹt, nhưng chính anh lại là một tay nghiện rượu lâu năm. Trưa nào anh cũng lén anh em ra một cái quán nhỏ kín rất sâu trong một hẻm vắng và nốc trọn một xị. Trời, tôi không nghiện rượu nhưng tôi biết những cái quán như vậy và các thứ rượu bán ở đó, toàn rượu tạp, pha chế bừa bãi, trộn đủ thứ linh tinh, uống mà là uống lâu dài, năm này qua năm khác, đều đặn không thiếu ngày nào, ngày nào cũng tuôn một xị thì là liên tục tự nạp thuốc độc vào người, tự phá nát hết nội tạng. Nguyễn Quang Sáng cũng là tay bợm rượu, nhưng anh không biết một chữ ngoại ngữ nào, anh tuyên bố rượu nào anh đọc được tên trên nhãn, anh quyết không nếm một giọt. Tôi cũng có biết một anh nhà thơ nổi tiếng và uyên bác ở Viện Văn học, xưa một lòng chân thành mê mẩn Trung Quốc của ông Mao Trạch Đông, bao nhiêu năm tận tụy truyền bá Diên An và cả Sách đỏ…, đến sau Cách mạng văn hóa Tàu, anh sững ra, và là người rất lý tưởng, anh tuyệt vọng, sụp đổ hẳn, mất hết lẽ sống, đâm ra nát rượu, trước còn uống chọn lọc, sau hết tiền ruợu tạp đến đâu cũng uống, uống suốt ngày, lúc nào cũng ngà ngà say, càng say càng nói lý luận, uyên bác lẫn lung tung, chị vợ sợ anh uống tạp nguy hiểm đi mua rượu chính cống có bảo đảm đàng hoàng về cho anh, thế là anh bèn uống gấp đôi, cả rượu đàng hoàng cả rượu tạp. Người ta bảo anh tự tử bằng rượu, vì nỗi hận ông Mao ở tận bên Tàu đã tàn phá tài năng và cuộc đời anh. Một cái chết vì lý tưởng và vì rượu. Phan Tứ uống lén rượu tạp ở quán tạp giấu kín bao nhiêu năm, không phải vì không có tiền, mà vì cái luật khắc nghiệt ở đời khiến, anh đã nhỡ mang tiếng cực kỳ nghiêm túc, gương mẫu, mô phạm trước mắt thiên hạ. Cái thiên hạ ấy rất đáng sợ, nó buộc con người phải sống giả sao cho đúng với hình ảnh có tính biểu tượng mà anh vẫn hằng mong muốn hậu thế sẽ hình dung, sẽ “biết”, hiểu và viết về anh. Các nhà làm văn học sử nên biết mình đang làm một cái nghề có thể rất ác.
Nhưng còn một điều có thể quan trọng hơn: Phan Tứ có gì để tuyệt vọng, hay còn có bí ẩn sâu xa, thiêng liêng mà éo le oái ăm nào để chỉ có thể gửi vào rượu, lại là rượu tạp vì là rượu lén.
Cuối đời Tứ bị u tụy. Tôi có chạy đến tận chỗ ông Tố Hữu mà tôi vốn chẳng ưa gì để mong nhờ tìm thầy thuốc giỏi cho anh. Nhưng rồi cũng chẳng ăn thua.
Tứ mất năm 1995.
Giữa đám tang có một sự cố. Bỗng xuất hiện một cậu thanh niên tự nói là từ Nam Tam Kỳ ra, mặc áo xô, chít khăn trắng, xin vào lạy trước bàn thờ và linh cữu cha. Tôi ở Hà Nội không vào được để tiễn đưa Phan Tứ lần cuối. Nhưng khi nghe tin tôi nghĩ ngay là chắc là tôi biết rõ cậu thanh niên lặn lội từ Nam Tam Kỳ ra lạy cha ấy. Cậu ấy phải đích thị quê quán ở cái thôn Tứ Mỹ bán sơn địa, một rẻo đồng bằng len vào chân núi bé tí tẹo của xã Kỳ Sanh huyện Nam Tam Kỳ chúng ta giật lại được từ tay đối phương trong cuộc đồng khởi đầu tiên của Khu 5 mấy chục năm trước. Và cũng hầu như chắc chắn cả anh Nguyễn Văn Bổng và tôi đều biết rõ mẹ cậu, chính là cô du kích nhỏ nhất đội, xinh xắn, săn chắc vừa là của con gái vùng bán sơn địa vừa là của con gái quê đang mơn mởn dậy thì. Cô du kích đáng yêu nhất trong đám du kích trẻ măng rì rầm mãi những đêm không ngủ, thỉnh thoảng lại cười ré lên không ai có thể biết vì chuyện gì rồi lại suỵt nhau im lặng, rừng mít cách cao điểm 65 của địch chỉ non cây số đường chim bay. Trong khi tôi đi ra phía chiến trường Bắc Quảng Nam vùng quanh căn cứ lớn của Mỹ ở Đà Nẵng, thì Phan Tứ kiên trì “lót ổ” ở Tứ Mỹ – Kỳ Sanh, chắc một phần để theo sát diễn biến thường rất phức tạp của một vùng được giải phóng sớm – những vùng như vậy thường rất ác liệt vì hai bên đều quyết giành đi giật lại chà xát đến nát bươm ra; phần nữa, còn quan trọng hơn không biết chừng, vì anh đã đem lòng thương, rồi yêu, rồi say đắm cô du kích bé nhỏ kia, có thể ngay từ đầu, ngày tôi và anh Nguyễn Văn Bổng vừa xuống đấy. Mãi sau này tôi mới biết tên thật của cô là Út Phận. Không thể không yêu, những ngày ấy. Chiến tranh, bom đạn, máu lửa, cái chết thường trực và bao giờ cũng bất ngờ, trăm ngàn dạng vẻ, nhẹ nhàng thản nhiên đến nhói tim có, be bét tang thương đến không dám không nỡ nhìn có, những ngày thất bại cay đắng mất dân mất đất đến chừng sạch tay, những ngày cố gượng dậy và rướn tới mừng tủi đếm từng người dân giành lại được, rồi lại để mất, lại gìành lại… Chiến tranh, lạ vậy, có thể khiến cho con người mất sạch tính người, cũng lại chính nó có thể khiến cho con người người hơn bao giờ hết. Chiến tranh, kỳ vậy, rất lắm khi là môi trường của tình yêu. Và đã yêu nhau trong khói lửa ấy thì người ta trao cho nhau hết, không giữ lại chút gì. Bởi vì, ở bên cạnh kia, sát rạt đến cháy bỏng hay lạnh ngắt, là cái chết. Phan Tứ đã để lại một giọt máu của mình ở Tứ Mỹ, Kỳ Sanh, cho Út Phận của anh. Và lần này anh viết được cuốn tiểu thuyết hay nhất của đời mình, Mẫn và Tôi. Mẫn chính là Út Phận.
Hồi làm báo Văn Nghệ, tôi có đề nghị anh Lê Ngọc Trà, vốn đã biết tên nhau nhưng chưa hề gặp mặt, viết cho về mấy vấn đề lý luận văn học theo tôi là rất quan trọng trong tình hình ở ta lúc bấy giờ. Sau bài thứ nhất Văn nghệ và Chính trị, nhân có dịp sang Liên Xô, tôi tìm gặp anh, đề nghị anh viết tiếp cho về một mối quan hệ khác vẫn còn bị hiểu khá lôi thôi ở ta: quan hệ giữa Văn nghệ và Hiện thực. Bữa ấy là một đêm rất rét, hai anh em đi trên lề đường Moskova cứ phải bíu chặt lấy nhau để khỏi ngã dập mặt xuống băng trơn và rắn hơn cả đá. Anh Trà bảo: Anh nghĩ thứ tự chuỗi vấn đề như vậy là rất đúng, nhưng tôi muốn hỏi đại thể anh quan niệm sao về mối quan hệ thứ hai này, có khi còn khó hơn cả mối quan hệ thứ nhất mà báo Văn Nghệ đã cố gắng làm rõ. Chúng tôi dừng lại giữa đêm Nga gió buốt căm căm, và tôi nói: Theo tôi hiện thực không phải là chức năng, mà chỉ là thuộc tính của văn nghệ. Một nhà văn đã cầm bút thì dẫu muốn dẫu không, theo cách này hay cách khác, ở mức độ này hay mức độ khác, anh ta đương nhiên phản ánh hiện thực của xã hội anh sống. Nhưng đấy không phải là chức năng, là mục đích của việc anh cầm bút. Nếu chỉ để phản ánh hiện thực thì còn khối cách hay hơn, hiệu quả hơn để mà bỏ công, cứ gì phải ngồi vào bàn và cầm lên cây bút trước trang giấy đầy thách thức thậm chi sinh tử cho đến nỗi ông Nguyễn Tuân phải gọi là “pháp trường trắng”. Anh ta cầm bút, nhất thiết phải cầm bút, sống chết cũng phải cầm bút, là vì một điều gì đó khác, kỳ lạ, bí ẩn, chất chứa trong anh mà chính anh cũng không, cũng chưa biết rõ, bởi vì nó chưa hề có trên đời này, mơ hồ và thúc giục, chính anh, chỉ có anh mới có thể khám phá ra nó… cho đến khi nó hiện ra như một sự thật chưa từng có, sống động, mới mẻ, tinh khôi bằng các con chữ nối tiếp trên trang giấy trước đó hoàn toàn vô dụng và vô duyên, vô nghĩa. Cho nên, mỗi tác phẩm của nhà văn theo cách nào đó là một di chúc anh để lại cho đời… Còn điều này nữa: nhà văn chẳng viết cho ai cả, không cho công chúng nào hết, anh ta chỉ viết cho chính mình, vì nhu cầu cấp bách của chính mình. Và công chúng, người đọc được biết thêm, được giàu thêm một hiện thực nữa, độc nhất, duy nhất, đơn nhất, không còn có hai, hiện thực được tao ra và soi sáng bằng toàn bộ cuộc đời của một nhà văn. Không có những nhà văn, chỉ có từng nhà văn.
Phan Tứ rất giỏi ngoại ngữ, nhưng gần anh, tôi ngạc nhiên về sự hiểu biết nghèo nàn của anh đối với văn học hiện đại thế giới, anh hầu như không hề biết đến Milan Kundera, Philip Roth, không biết hay chẳng mấy quan tâm Kafka… Trong thế hệ những người cầm bút lớn lên trong cuộc chiến tranh thứ nhất chống Pháp, rồi định hình trong cuộc thứ hai chống Mỹ, hình như Phan Tứ là người duy nhất sau cuộc thứ nhất đã chịu cần cù cắp sách đi học và học xong đại học bài bản đàng hoàng, mà là học Khoa Văn hẳn hoi. Còn hầu hết lũ chúng tôi, kể từ Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Phùng Quán, Chu Văn, Nguyễn Xuân Khánh, đến cả Phạm Toàn, Dương Tường… và tất nhiên cả tôi đều là một bọn thất học, anh nhiều nhất cũng mon men đến gần tú tài tức chưa tốt nghiệp đước cái trung học phổ thông. Tứ lại vốn nghiêm túc và học gạo như tôi từng biết từ nhỏ, nên anh thấm nhuần rất sâu, rất đậm, đế mà đinh ninh như là chân lý duy nhất và tuyệt đối toàn bộ lý luận văn học Mác-Lê qua sách vở của các ông ốp ép được dạy ở đại học; từ văn học nghệ thuật ắt phải có ba chức năng, thứ nhất quan trọng hàng đầu phải là chức năng nhận thức hay phản ánh cũng tức là hiện thực, quan trọng thứ hai là chức năng giáo dục tức đạo đức cách mạng, thứ ba hàng bét mới đến chức năng thẩm mỹ, nhỡ quên bỏ qua cũng không sao. Và nhân vật trong tiểu thuyết thì nhất thiết phải là tính cách điển hình trong trường hợp điển hình, v.v. và v.v. May thay Tứ được cứu khỏi mớ rau muống lăng nhăng ba láp có nguy cơ đeo bám suốt đời ấy không gỡ nỗi ấy, không phải nhờ một nhà bác học thần thông nào, mà bởi một cô du kích bé nhất đội, Út Phận nhỏ nhoi ngày ấy chắc còn chưa biết chữ, bằng tình yêu thơ dại, liều lĩnh, say mê và can trường cắn răng im lặng suốt mấy mươi năm chung thủy của cô.
Vậy đó, cuộc sống, tình yêu, và văn học.