Nạn Kỳ Thị Người Mỹ Gốc Á (Phần 2)

Time

Tác giả: Nguyễn Thanh Việt

Dịch giả: Ian Bùi

25-6-2020

Tiếp theo phần 1

Lời dịch giả: Đây là phần 2 bài chính luận của Nguyễn Thanh Việt đăng trên tạp chí TIME số ra ngày 6 tháng 7, 2020, tựa đề “Asian Americans Are Still Caught in the Trap of the ‘Model Minority’ Stereotype. And It Creates Inequality for All” — “Người Mỹ gốc Á vẫn còn kẹt trong cái bẫy định kiến của ‘thiểu số gương mẫu’, tạo sự bất bình đẳng cho mọi người”. Vì bài viết khá dài, bản dịch được chia làm 5 kỳ.

Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn từng thắng giải Pulitzer và hiện là giáo sư đại học tại University of Southern California.

Một lớp học cho trẻ em Tàu ở New York năm 1900. Nguồn: Keystone-France/ Gamma-Keystone/ Getty Images

II

Giờ nhìn lại, tôi chợt nhớ những lần bị kỳ thị ở mức nhẹ, đôi câu bông đùa ngây ngốc của đám bạn trường Công giáo, như “Có phải họ của mày là Nam?” hoặc “Thời chiến mày có đeo AK-47 hông?” hay những câu tục tĩu hơn.

Tôi thắc mắc, không biết ở Minnesota Tou Thao có từng bị giễu chọc kiểu vậy? Anh ta nghĩ gì về trường hợp Fong Lee, người Mỹ-gốc-Hmong, 19 tuổi, bị bắn 8 viên đạn, 4 phát từ sau lưng, bởi cảnh sát viên Jason Anderson của Minneapolis hồi năm 2006? Anderson được xử trắng án, bồi thẩm đoàn toàn người da trắng.

Chạm trán nạn kỳ thị bài-Á từ dân da trắng, người Hmong, đa số là tị nạn chiến tranh đến Mỹ vào thập niên 1970-80, thường tái định cư tại nhiều khu dân cư khác nhau trong thành phố, một số sống trong các khu vực chủ yếu người da Đen, nơi họ cũng bị kỳ thị. Gần đây Yie Vue viết:

Có rất nhiều câu chuyện về người Hmong bị đánh phá, cướp bóc, hăm doạ bởi hàng xóm da Đen. Người Hmong và người da Đen từng sống chung trong những khu phố nghèo. Đôi bên vẫn còn nhiều sự hiểu lầm và thiên kiến ăn sâu trong tư tưởng qua nhiều thế hệ”.

Thế nhưng khi Fong Lee bị giết, các nhà đấu tranh da Đen liền lên tiếng. “Họ là tiếng nói lớn nhất ủng hộ chúng tôi,” em gái của Fong Lee kể. “Họ không hỏi trước. Họ tự động đến.”

Không như những kỹ sư hay bác sĩ đa phần đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ — thiểu số gương mẫu trong trí tưởng tượng của người Mỹ — nhiều người tị nạn Hmong đến từ các thôn làng ở Lào bị tàn phá bởi chiến tranh. Tâm lý đã bị chấn thương, họ còn bị đặt trong một môi trường nghèo khổ mới với một lịch sử đàn áp chủng tộc phức tạp mà hầu hết không hiểu rành.

Ngay cả những người Hmong lên án Tou Thao và ủng hộ phong trào Black Lives Matter cũng nhấn mạnh họ không muốn bị xét qua lăng kính của thiểu số gương mẫu, hay bị chụp lên đầu cảm giác tội lỗi tự đấm ngực của người Mỹ-gốc-Á cấp tiến như một biểu tượng của sự đồng loã. Mục sư Ashley Gaozong Bauer, gốc Hmong, viết: “Chúng tôi phải chịu đựng chung nỗi xấu hổ cùng thiểu số gương mẫu. Nhưng có bao giờ cộng đồng Mỹ gốc Á sẻ chia những chuyện đau lòng hay nỗi khổ tâm của người tị nạn Hmong, nhất là khi họ bị đe doạ trục xuất?

Giống như người Hmong, nhiều người Việt như tôi cũng bị đau khổ vì chiến tranh, và cũng có người đang bị hăm he trục xuất. Nhưng không như người Hmong, rất nhiều người Việt tị nạn, dù cố ý hay không, đã trở thành thiểu số gương mẫu, trong đó có tôi. Những màn kỳ thị cấp thấp mà tôi đã gặp xảy ra trong một môi trường tương đối cao cấp. Khi tôi bước chân vào ngôi trường trung học tư thục dành riêng cho con nhà giàu Mỹ trắng thì đám học sinh Á châu ít ỏi chúng tôi đã nhận ra thông điệp khá rõ. Chúng tôi thường tụ tập trong một góc riêng của sân trường và gọi mình là “the Asian invasion” — cuộc xâm lược của người Á châu, khi thì chúng tôi phá ra cười, lúc chỉ cần nheo mắt hiểu ngầm. Nhưng nếu đó chỉ là câu đùa giỡn vô hại của đám trẻ tụi tôi lúc ấy, thì sau này nó hoá ra lời tiên tri.

Cách đây hai năm tôi có dịp quay lại trường cũ để diễn thuyết về đề tài sắc tộc. Trong đám nam sinh 1600 đứa hôm ấy, dân Á châu rất đông tuy chưa có thể gọi là xâm lược hoàn toàn, đó chỉ là mới 30 năm sau. Không còn là mối đe doạ “xâm lược Á châu” nữa, giờ đây chúng ta là thiểu số gương mẫu: người đồng môn đáng kết bạn, người hàng xóm ai cũng thích có, gã da màu không làm người xung quanh phải lo sợ.

Nhưng có thiệt vậy không? Sau buổi diễn thuyết vài em học sinh Mỹ-gốc-Á đã đến gặp tôi và nói các em vẫn còn cảm thấy nó. Nó. Cái cảm giác vẫn bị cho là người ngoài, nhất là những em theo đạo Hồi hoặc bị nghi là đạo Hồi, hoặc các em da nâu, hoặc người Trung Đông. Nó. Sự kỳ thị chủng tộc không chỉ là tấn công lên thể xác.

Tôi chưa bao giờ bị tấn công lên thể xác chỉ vì mình gốc Á. Nhưng tôi vẫn bị tấn công hoài trên làn sóng điện, bởi những câu giễu dở kiểu “ching-chong” của mấy tay thợ nói trên radio, bởi các nhân vật Á châu côn đồ hoặc hài hước rập khuôn kiểu “japs”, “gooks”, “chinks” trong phim chiến tranh hay phim hề của Mỹ. Như nhiều người Mỹ gốc Á khác, tôi cũng tập làm quen với cảm giác xấu hổ bởi những thứ làm cho mình khác người bản xứ: đồ mình ăn, tiếng mình nói, kiểu tóc mình cắt, quần áo mình mặc, mùi của thân thể, và cả cha mẹ mình luôn.

Nhưng điều khiến cho cảm giác này tệ hại hơn nữa, Cathy Hong viết, là chúng ta lại lừa dối chính mình rằng nó chỉ là những “cảm xúc thứ yếu”. Ta đâu có cảm xúc chính đáng nào, hay có quyền than phiền về vấn đề chủng tộc khi ta đã được xem là thiểu số gương mẫu và được xã hội Mỹ chấp nhận? Cùng lúc, sự bài-Á vẫn là kho chứa những cảm xúc trọng yếu mà người Mỹ sẵn sàng đem ra dùng mỗi khi có khủng hoảng.

Người Mỹ gốc Á vẫn chưa có quyền lực chính trị mạnh đủ, hay có mặt trong nền văn hoá bản địa nhiều đủ, để khiến những người bạn Mỹ của chúng ta phải do dự khi thốt ra những tư tưởng nặng mùi kỳ thị. Vì chúng ta chưa quan trọng đủ, cũng như vì vị trí lịch sử của chúng ta bao lâu nay vẫn là người ngoại quốc trên nước Mỹ, nên tổng thống Hoa Kỳ và nhiều người khác vẫn nghĩ họ có thể gọi COVID-19 là “khuẩn Tàu”, là “kung flu”.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook