Viết thêm về nghệ sỹ Manfred Krug (tiếp theo)

Nguyễn Thọ

28-6-2020

Tiếp theo bài trước

Bài “Chúng ta cần nhiều Krug” nhận được một số lời bình trùng lặp nên tôi không trả lời từng người mà xin viết thêm về những vấn đề chưa nói hết.

Một số ý kiến cho rằng chế độ STASI ở CHDC Đức “văn minh”, “nhân văn”. Có lẽ bạn đọc so sánh với hoàn cảnh ở Việt Nam, Trung Quốc hay Triều tiên để phát biểu như vậy.

Một nhà nước văn minh đã không bắn chết hơn 1000 công dân của mình trên biên giới, sẽ không giam giữ hơn 200.000 người vì lý do chính trị, trong đó có 52 người bị xử tử và sẽ không bán 35.000 tù nhân chính trị cho Tây Đức để thu ngoại tệ và đã không bị 3,5 triệu công dân bỏ đi tỵ nạn. [1]

CHDC Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới ngay từ khi lập quốc 1949, có một tầng lớp trí thức và trung lưu khá mạnh, nằm giữa Âu châu, nên không thế dùng hệ quy chiếu của các xã hội nông nghiệp nửa phong kiến để xem xét.

Trong khi Mao và Polpot chủ trương đưa người về nông thôn để dùng cơ bắp xây dựng CNCS, luyện gang thép bằng lò củi để công nghiệp hóa thì Khrushev và Ulbricht chủ trương công nghiệp hóa nông thôn bằng máy gặt đập liên hợp và máy bay phun thuốc trừ sâu để đưa người về thành thị, nâng cao năng suất lao động. Ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên nông dân được là nòng cốt của cuộc cách mạng XHCN, nhưng ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, kỹ sư, bác sỹ được coi là lực lượng chính.

Ở Việt Nam những năm 1960-1970, bản lý lịch ghi thành phần “Bần nông” được coi là bùa hộ mệnh thì ở Tiệp-Khắc “ông kỹ sư” (Pan inženýr) bày tỏ sự kính trọng. Quốc huy CHDC Đức có hình chiếc búa và cái compa dùng trong toán-lý. Ngay cả trong lãnh đạo các đảng cộng sản Đông Âu, vẫn có những vị ủy viên bộ chính trị như Günter Schabowski dám đứng ra đối thoại với 200.000 ngàn người biểu tình chống chính phủ tháng 11.1989 tại Berlin.

Werner Lamberz cũng là một người có bản lĩnh. Ông nhờ Krug cho mình gặp nhóm nhân sỹ ký tên phản đối vụ Biermann, để rồi bị ghi âm. Khi biết bị hớ, ông ta vẫn giữ lời hứa với Krug (Lamberz được coi là nhân vật kế cận của Honecke, nhưng ông bị mất năm 1978 trong một vụ tai nạn ở Libya, khi muốn mở rộng ảnh hưởng của CHDC Đức ở Châu Phi).

Từ 1975, Đông và Tây Âu cùng tham gia “Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu OCSE”, cùng ký kết văn kiện Helsinky nên việc thủ tiêu các nhân vật nổi tiếng như W.Biermann đành phải thay bằng trục xuất.

Tuy là nhà nước công nông, nhưng CHDC Đức sẽ sụp đổ nếu thiếu lực lượng trí thức mũi nhọn. Vì vậy có rất nhiều trường hợp ngoại lệ được áp dụng để giữ chân các nhân tài này. Họ không cần phải công nhận học thuyết XHCN, không cần phải vào đảng. Họ vẫn được tự do đi ra khỏi bức màn sắt, tự do nhập sách báo phương tây, miễn là không chống lại chế độ. Tôi chỉ đơn cử trường hợp trong ngành điện tử, truyền thông mà tôi biết.

Đó là Bá tước Manfred von Ardenne [2] người cùng thời với Werner von Braun phát minh ra bom V1,V2. Chiếc camera truyền hình đầu tiên của tại thế vận hội Berlin 1936 sử dụng đèn quét hình flying spot của ông. Manfred von Ardenne được gọi là Bá tước đỏ, vì ông ở lại Đông Đức, hợp tác với Liên Xô trong việc chế tạo ra bom nguyên tử. Ông được giữ nguyên đội ngũ khoa học của mình cùng toàn bộ gia tài của dòng họ. Ông có viện nghiên cứu riêng mang tên Ardenne ở Dresden, chi nhánh ở Berlin. Ông và các phụ tá vẫn đi sang phương tây như đi chợ.

Trong các ngành khác (y học, hóa học, nông lâm) chắc cũng có các trường hợp tương tự, bác nào biết có thể kể.

Cũng có rất nhiều văn nghệ sỹ lớn vẫn ở lại Đông Đức với những ngọai lệ như vậy. Nổi tiếng nhất là Bertold Brecht, nhà biên kịch sân khấu được cả Đông và Tây ngưỡng mộ. Brecht đã phê phán chính sách của đảng SED trong vụ nổi dậy của công nhân CHDC Đức ngày 17.6.1953 [3]. Bên cạnh Brecht là các nghệ sỹ Helene Weigel, Gisela May, Hans Eisler v.v. cũng hưởng các đặc quyền tương tự.

Các đặc quyền cho thiểu số lựa chọn này là một chính sách xuyên suốt của STASI nên về sau, những nghệ sỹ ít tên tuổi quốc tế hơn, nhưng thành công trên con đường nghệ thuật như Manfred Krug hay nữ nghệ sỹ trượt băng nghệ thuật Katarina Witt cũng được hưởng lây. Katarina Witt chinh phục thế giới bằng tài nghệ trượt băng và vẻ đẹp lộng lẫy của cô gái 20, đến nỗi bình luận viên truyền hình Tây Đức phải bất ngờ thốt lên “Chủ nghĩa Xã hội đẹp quá” (So schön ist der Sozialismus). Chỉ có điều Katarina Witt không phải là con người chính trị. Cho đến nay cô vẫn chỉ là con người của nghệ thuật giải trí (Entertainment).

Manfred Krug cũng không phải là một nhà hoạt động chính trị với các bài viết bày tỏ chính kiến. Ý thức chính trị của ông chỉ thể hiện qua các vai diễn. Các nhân vật Willy Heyer trong “Những con đường qua đất nước” hay Daniel Druskat trong phim cùng tên đều là những cán bộ xã tận tâm, nhưng đầy góc cạnh, chịu những số phận cay nghiệt trong một xã hội đầy mâu thuẫn tiềm ẩn.

Thái độ chính trị của Krug còn ở chỗ luôn đứng về phía bị áp bức. Ông không phải là nhà bất đồng chính kiến như nhạc sỹ Biermann. Nhưng Krug đã ủng hộ quan điểm của Biermann từ 1968, khi vụ Tiệp Khắc xảy ra. Có thể nói Biermann đã ảnh hưởng sâu sắc đến Krug.

Nhưng tôi viết về Krug vì ấn tượng ở chỗ: Ông không thỏa hiệp để rồi rút lui ý kiến của mình cho yên thân. Người ta không chỉ cam kết cho ông yên thân mà còn thêm bổng lộc để ông rút đơn xin đi khỏi CHDC Đức. Việc cho phép ông chuyển toàn bộ tài sản sang phương tây, giữ lại bất động sản ở Berlin và cho phép vợ ông quay về thăm thân tùy thích cho thấy chính quyền STASI luôn để ngỏ cửa cho ông quay lại.

Quyết định ra đi của Krug không phải vì ông lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, mà là thái độ của ông đối với chế độ, là tình đoàn kết của ông với những người bất đồng chính kiến như Biermann. Đó chính là phẩm chất đáng kính của Krug.

Manfred Krug trong phim Daniel Druskat (1976). Ảnh: internet

Khi sang đến miền Tây, Krug cũng trăn trở rất nhiều. Nhưng ông không chối bỏ quá khứ để coi nền nghệ thuật của miền Đông (nhất là nhạc nhẹ và Jazz) là lạc hậu so với miền Tây. Mỗi khi trả lời phỏng vấn, ông vẫn kể về miền Đông bằng những tình cảm sâu lắng. Ông vẫn biểu diễn và đóng phim với phong cách cũ. Chính vì vậy ông luôn được khán giả của cả hai miền hâm mộ trong suốt thời kỳ đất nước chia cắt.

_____

[1] https://www.lzt-thueringen.de/files/pfederesed.pdf

[2] https://de.wikipedia.org/wiki/Manfred_von_Ardenne

[3] https://de.wikipedia.org/wiki/Bertolt_Brecht#Brechts_Reaktionen_auf_den_17._Juni_1953

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây